Gái miền Nam dở khóc dở cười khi về miền Trung ăn Tết nhà chồng

Thứ sáu - 03/02/2017 03:36
Gái miền Nam dở khóc dở cười khi về miền Trung ăn Tết nhà chồng

 

(PL News) - Cứ tự tin cho rằng chuyện khác biệt văn hóa giữa vùng này, vùng nọ trong một nước thì chẳng có gì to tát, cho đến khi theo chồng về miền Trung ăn tết tôi mới bắt đầu thấm thía.

Trước đây, khi đọc những câu chuyện về khác biệt văn hóa vùng miền trên báo, tôi thường bĩu môi nghĩ rằng sao nhiều người hay “làm quá”. Khác biệt văn hóa chỉ “to chuyện” khi là hai quốc gia khác nhau, tôn giáo khác nhau, nền văn hóa khác nhau, chứ cùng trong lãnh thổ Việt Nam thì có khác biệt nào mà chẳng dung hòa được.

Tôi đinh ninh giữ suy nghĩ ấy trong đầu, và chẳng mấy e ngại khi bước vào tình yêu ngọt ngào với một anh chàng gốc miền Trung - chồng của tôi bây giờ, dù mẹ tôi vài lần than thở: “Gái miền Nam chính hiệu, liệu sau này về nhà chồng có quen được đường ăn nếp ở nhà người ta hay không”. Cười xòa, tôi chẳng mấy bận tâm, rạng rỡ khoác lên mình chiếc váy cưới trắng muốt về làm cô dâu xứ sở đầy gió lào, cát trắng.

Cưới nhau xong, chúng tôi chỉ ở nhà chồng vài ngày rồi lại vào Sài Gòn, vậy nên cái sự “khác biệt vùng miền” mà mẹ tôi vẫn lo ngại chỉ bắt đầu khi cô dâu mới là tôi đón cái Tết đầu tiên ở nhà chồng. Vốn chẳng phải là đứa vụng về nữ công gia chánh, tôi tràn đầy tự tin với kế hoạch thể hiện trước mặt gia đình chồng hình ảnh cô gái miền Nam đảm đang. Ấy vậy mà ngay ngày đầu tiên chuẩn bị bữa cơm chiều, mọi dự định của tôi tan thành mây khói.

Hăm hở đi chợ với ý định trổ tài nấu nướng lấy lòng bố mẹ chồng, tôi tự tin làm mấy món tủ của mình, vốn là những món ăn quen thuộc của người miền Nam. Chồng tôi vẫn thường khen vợ nấu ăn ngon, nên tôi nghĩ khẩu vị của cả nhà chắc cũng không khác biệt anh là mấy. Mâm cơm dọn ra nóng hổi, thơm nức, ấy vậy mà khi cậu em chồng háo hức múc thử lưng bát canh chua cá, vừa nếm thử đã nhăn mặt kêu lên: “Ơ, canh ngọt như đường thế này”.

Tôi tái mặt, dù người miền Nam vốn ăn ngọt, tôi đã cẩn thận rút bớt lượng đường khi nấu nướng, ai ngờ vẫn không ổn so với khẩu vị mặn mòi của người miền Trung. Không chỉ tô canh, mấy món tôi công phu chuẩn bị hôm ấy “ế” chỏng chơ, chỉ mình hai vợ chồng đụng đũa.

Rút kinh nghiệm hôm sau, tôi cẩn thận hỏi mẹ chồng cách làm những món cả nhà thường ăn, bỏ tiệt ý định nêm đường vào khi nấu. Nhưng khi nấu đến tô canh rau tập tàng, với hũ mắm cái để cho vào nồi canh như mẹ chồng dặn, tôi mới nhớ chưa kịp hỏi nên cho mấy thìa thì vừa. Lưỡng lự một hồi, tôi xúc hẳn một thìa đầy và tự nhủ: “Càng nhiều chắc càng ngon”.

Đến lúc dọn cơm, vừa bưng tô canh nóng đặt lên bàn, bố chồng tôi đã chun mũi: “Mùi mắm ở đâu mà nồng thế nhỉ” khiến tôi chột dạ. Y như rằng, mẹ chồng tôi nếm thử một thìa canh đã nhăn mặt, vừa nói với cả nhà như giải thích hộ tôi: “Mẹ quên không dặn cái Lam là nấu canh thì chỉ quệt đầu đũa vào hũ mắm là đủ rồi”. Tôi ỉu xìu, thất bại tập hai.

Mấy bữa sau, tôi bỏ hẳn ý định trổ tài nấu nướng trước mặt gia đình chồng, chỉ dám đảm nhiệm vai trò “bếp phụ” phụ mẹ chồng nấu ăn, trong đầu cố gắng ghi nhớ từng công thức, từng cách nêm nếm, cắt gọt với những món ăn lạ lẫm. Ngay cả với mâm cỗ Tết, tôi cũng chỉ loanh quanh chờ bà sai vặt, bao vốn liếng nấu nướng trước nay bỗng trở thành con số không.

Không chỉ cỗ Tết, cách thức ăn Tết ở nhà chồng cũng khiến tôi vừa ngạc nhiên, vừa mệt mỏi. Mang theo mấy bộ váy đẹp định bụng sẽ diện khi cùng chồng đi chúc Tết họ hàng, ấy vậy mà tôi nào có dịp xỏ vào. Trong khi Tết ở quê tôi là dịp mọi người ăn mặc đẹp đẽ, đi chơi xuân đúng nghĩa, thì Tết ở nhà chồng quá chuẩn với hai từ “ăn Tết” và “làm Tết”. Làm cũng mệt, ăn cũng mệt.

Ngày mồng 1 ở nhà, tôi quay cuồng với việc phụ mẹ chồng sắp cỗ mời khách khứa, sắp cỗ xong lại lăn ra rửa bát, chưa kịp nghỉ ngơi đã có khách khác vào. Dù khách chỉ có một người, vẫn phải sắp cỗ bàn đầy đủ. Đến mùng 2, theo chồng đi chúc Tết họ hàng, tôi thở phào vì thoát kiếp bưng bê, dọn dẹp, hí hửng chọn bộ váy đẹp định mặc vào thì mẹ chồng đã bảo: “Ăn mặc thuận tiện thôi con ạ, sang đó còn phụ các bác, các mự làm cơm”.

Lời dặn của mẹ cũng chẳng sai, bởi mang tiếng đi chúc Tết nhưng tôi cũng nào có được ngồi yên. Sau vài câu chào hỏi, chủ nhà đứng dậy xuống bếp dọn cỗ thì tôi – mang tiếng dâu mới cũng phải nhanh nhảu đứng dậy, phụ bưng cái này, rửa cái kia. Ngồi xuống chiếu, ăn lấy lệ vài miếng, đến nhà khác lại tiếp diễn y kịch bản cũ.

Mệt nhoài đến mùng 4, chồng bảo hôm nay hai vợ chồng đến chơi Tết nhà mấy người bạn cũ của anh. Tôi nghĩ bạn bè chắc chẳng câu nệ như họ hàng, và cũng vì muốn ăn diện đẹp đẽ trước mặt bạn bè của chồng nên thừa lúc bố mẹ chồng đang bận sang chúc Tết nhà hàng xóm, tôi diện ngay chiếc váy đã phải ngậm ngùi cất vào mấy hôm trước. Ai dè vừa đến nhà đầu tiên, đã gặp ngay đám bạn hồi cấp 3 của anh cũng vừa đến.

Ảnh minh họa. Ảnh minh họa.

Thế là mâm cỗ lại được dọn ra, cả đám phụ nữ đều đi vào bếp, tôi cũng đành đi theo. Chiếc váy dù không ngắn, nhưng tôi cũng không thể ngồi xổm xuống mà nhặt rau, rửa bát ngoài giếng, đành đứng loanh quanh ở đó trong ngại ngùng trong khi mấy cô vợ bạn chồng nấu nướng thoăn thoắt.

Đến khi trải chiếu ra giữa nhà bày mâm, một lần nữa tôi chẳng biết làm sao mới có thể ngồi xuống. Cho đến khi chồng tinh ý kêu nóng cởi áo khoác ra đưa tôi cầm hộ, tôi mới dám rón rén ngồi xuống, lấy áo của chồng phủ kín đùi.

Kết thúc một cái tết đầu đầy bỡ ngỡ và mệt mỏi, tôi vốn chẳng phải đứa lười biếng, vụng về, nhưng trong mắt gia đình và bạn bè chồng thì bỗng trở thành “gái miền Nam chỉ biết ăn chơi, trưng diện”. Dù bố mẹ chồng chẳng trách mắng, nhưng kế hoạch “xây dựng hình ảnh” của tôi vỡ tan tành. Đến hôm nay, tôi mới thấm thía thế nào là khác biệt vùng miền trong lời mọi người vẫn kể, chỉ ngậm ngùi mong Tết sau sẽ chẳng còn lạ lẫm.

Nguồn tin: Theo Kiến thức

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

TƯƠNG TÁC NHIỀU

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây