Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng thị sát dự án chống ngập tại huyện Nhà Bè, TPHCM ngày 4-2 -Ảnh: QUANG ĐỊNH |
Ngày 4-2, bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng cùng phó chủ tịch UBND TP Lê Văn Khoa và lãnh đạo các sở ngành thị sát dự án chống ngập do triều có xét tới yếu tố biến đổi khí hậu giai đoạn 1.
Đoàn trực tiếp kiểm tra tại đoạn bờ bao thi công hoàn tất khoảng 150 mét trong tổng số gần 8km bờ bao và tại cống kiểm soát triều Mương Chuối thuộc xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè.
Đánh giá đây là dự án lớn, phức tạp nhưng những khó khăn như vấn đề giải tỏa đền bù, giải ngân đều được Chính phủ, UBND TP tạo điều kiện giải quyết, bí thư Đinh La Thăng yêu cầu chủ đầu tư Trung Nam Group phải tiếp tục rút ngắn thời gian dự án hơn nữa. Bởi dự án giúp chống ngập cho diện tích 570km2 với khoảng 6,5 triệu người dân TP sinh sống này hoàn thành sớm chừng nào người dân được hưởng lợi chừng ấy.
Ông Đinh La Thăng cũng lưu ý đây là dự án chống ngập do triều nên cũng phải được kết nối đồng bộ với các dự án chống ngập do mưa.
“Nếu dự án có trang bị máy bơm giúp giảm ngập do mưa nhưng nước không tới được máy bơm thì làm sao bơm. Ngay từ bây giờ phải tính đến chuyện kết nối, bơm công suất bao nhiêu là đủ, hệ thống dẫn dòng đến máy bơm như thế nào”, ông Thăng đặt vấn đề.
Ông Thăng yêu cầu Trung Nam Group cùng các đơn vị liên quan như Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước, Sở Nông nghiệp phát triển nông thôn… nhanh chóng cùng các nhà khoa học để bàn thảo vấn đề này, để khi công trình đưa vào vận hành xảy ra việc không kết nối đồng bộ lại đổ lỗi “do yếu tố khách quan”.
Ông Đinh La Thăng thị sát cống kiểm soát triều Mương Chuối, huyện Nhà Bè trưa 4-2 -Ảnh: QUANG ĐỊNH |
Khi dự án trên được bổ sung hạng mục làm cầu Mương Chuối băng qua cống (đã được UBND TP phê duyệt), ông Thăng cũng yêu cầu Sở Giao thông vận tải ngay từ bây giờ phải xem lại quy hoạch, kế hoạch đã có tuyến đường kết nối vào cầu chưa, nếu chưa thì phải khẩn trương thực hiện chứ không để xảy ra câu chuyện cầu làm xong mà không có đường.
Bên cạnh đó, ông Thăng cũng lưu ý quá trình thi công dự án rút ngắn tiến độ nhưng phải đảm bảo chất lượng, an toàn lao động tuyệt đối đồng thời đảm bảo thông suốt giao thông thủy, hạn chế thấp nhất ảnh hưởng việc đi lại bằng đường thủy của người dân.
Dự án cống kiểm soát triều Mương Chuối, huyện Nhà Bè, TPHCM (ảnh chụp trưa 4-2) - Ảnh: QUANG ĐỊNH |
Tổng quy mô dự án bao gồm khoảng 8km đê bao và 6 cống kiểm soát triều: Bến Nghé, Tân Thuận, Phú Xuân, Mương Chuối, Cây Khô, Phú Định quy mô cống rộng từ 40 đến 160 m, với chiều cao thành cống 3,6–10 m (âm bên dưới). Dự án được triển khai trên địa bàn các quận 1, 4, 7, 8 và hai huyện Nhà Bè, Bình Chánh.
Với quân số hơn 1.000 công nhân kỹ sư, người lao động làm việc không nghỉ tết. Đến nay tiến độ chung của dự án hoàn thành được 24 đến hơn 30%. Đại diện chủ đầu tư cam kết hoàn thành toàn bộ công trình trước 30-4-2018.
Trước mắt trong năm 2017, chủ đầu tư cho biết sẽ bàn giao cho TP cống kiểm soát triều Bến Nghé và toàn bộ khoảng 8km đê bao.
“Phải giảm giá thành nước sạch” Đó là chỉ đạo của bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng tại buổi kiểm tra các công trình chống ngập do triều khu vực TP.HCM có xét tới biến đổi khí hậu giai đoạn 1 ngày 4-2. “Dứt khoát không để giá thành nước cao như hiện nay, càng không thể chấp nhận chuyện thất thoát nước nằm trong giá thành”, ông Thăng nhấn mạnh. Ông Thăng cũng yêu cầu Sở Tài chính rà soát lại để báo cáo cụ thể về cơ cấu giá thành nước sạch, không để người dân phải trả tiền thất thoát mà do yếu kém trong công tác quản lý mà nhà nước phải chịu. Theo bí thư Thăng thất thoát nước ở mức gần 30% là còn cao, phải giảm hơn nữa. Bí thư Đinh La Thăng cũng yêu cầu UBND TP chỉ đạo Tổng Công ty cấp nước Sài Gòn TNHH một thành viên phải hiện đại hóa công tác đo đếm, tiến tới không phải dùng nhân viên gõ cửa từng nhà để đọc chỉ số nước mà phải đọc qua mạng. Ngay cả người dân cũng có thể dùng thiết bị di động, internet để kiểm tra, kiểm soát lượng nước mình sử dụng qua đồng hồ. Hiện nay giá nước cao nhất là 16.900 đồng/m3 (đối tương kinh doan dịch vụ), giá nước thấp nhất là 5.300 đồng (trong định mức đối tượng sinh hoạt, giá nước trên chưa tính VAT và phí nước thải). Giá nước này áp dụng từ năm 2013 đến nay. Trước đó, liên Sở Tài chính - Giao thông vận tải - Nông nghiệp phát triển nông thôn nhiều lần đề xuất lộ trình giá nước mới với nhiều phương án tăng giá nước, trong đó có phương án tăng giá nước 7,9%/năm. Tuy nhiên sau nhiều lần xem xét đến nay UBND TP chưa phê duyệt giá nước mới. |
Nguồn tin: Theo TTO
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn