Đảm bảo pháp lý vững chắc cho các đặc khu kinh tế

Thứ ba - 27/02/2018 20:25
(PLO) - Chiều 27/2, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Lê Tiến Châu đã chủ trì cuộc họp Hội đồng thẩm định 3 Đề án thành lập đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, bao gồm các đặc khu Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa), Phú Quốc (Kiên Giang).
Đảm bảo pháp lý vững chắc cho các đặc khu kinh tế

Các Đề án này hiện được xây dựng song song với Dự án Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt để bảo đảm tính đồng bộ trong việc xem xét, thông qua Dự án Luật và thành lập các đặc khu kinh tế theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội trước đó.

Ưu tiên ngành nghề phát triển khác nhau 

Về lý do lựa chọn ngành nghề ưu tiên phát triển của 3 đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc, các lợi thế đặc thù đã được chỉ ra và dựa vào phân tích, đánh giá định tính, định lượng để đưa ra đề xuất cụ thể các ngành nghề ưu tiên đầu tư phát triển cho từng đặc khu kinh tế. Với đặc khu kinh tế Vân Đồn, ban soạn thảo luật chỉ ra rằng, Vân Đồn có vị trí gần với các thị trường có mức độ tăng trưởng lớn không chỉ riêng Hà Nội, Hải Phòng và Hạ Long mà còn cả khu vực ASEAN và một số nước châu Á… nên ưu tiên công nghệ cao, du lịch, hậu cần.

Khu vực dự kiến phát triển thành đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt Bắc Vân Phong nằm ở toạ độ địa lý cực Đông trên đất liền của Việt Nam, nằm rất gần ngã ba các tuyến hàng hải: châu Âu - Bắc Á, châu Úc - Đông Bắc Á và Đông Nam Á - Đông Bắc Á, là điểm hội tụ của các cảng trên bán đảo Đông Dương và khu vực châu Á - Thái Bình Dương nên ưu tiên cảng biển, quốc phòng. Còn đảo Phú Quốc có điều kiện thuận lợi gắn kết bằng đường biển với các nước ASEAN có biển, với các tuyến du lịch biển và các tuyến hàng hải quốc tế; cách Thủ đô các nước ASEAN không quá 2 giờ bay… nên sẽ ưu tiên du lịch, bán lẻ, y tế.

Thứ trưởng Lê Tiến Châu chủ trì cuộc họp.

Tại cuộc họp, đại diện Vụ Pháp luật hình sự - hành chính cho biết thêm những nội dung chi tiết của từng dự thảo Đề án, đưa ra một số so sánh giữa các Đề án, đồng thời nêu lên một số điểm hạn chế như các đặc khu này đều chưa được quy hoạch chi tiết và đáng chú ý là chưa có Luật quy định (mới được Quốc hội cho ý kiến). Qua bước đầu nhận xét thì tính khả thi của 3 Đề án không tương đương nhau nên vị đại diện này đề xuất có lộ trình triển khai cho mỗi Đề án.

Riêng về mô hình tổ chức bộ máy, theo 3 dự thảo Đề án, người đứng đầu đặc khu sẽ là Trưởng đặc khu, nhất thể hóa với chức danh Bí thư. Tuy nhiên, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội khi thẩm tra Dự án Luật lại đưa ra mô hình tổ chức chính quyền là có HĐND.

Không “đánh đổi” trong một số lĩnh vực

Phát biểu định hướng thẩm định, Thứ trưởng Lê Tiến Châu chia sẻ, thông thường có 2 loại đề án, hoặc là đề án để từ đó xây dựng luật hoặc là đề án sau khi có luật thì xây dựng để triển khai thực hiện luật. Còn các Đề án này không thuộc 2 loại trên và các cơ quan chức năng đã chỉ đạo tiến hành xây dựng Đề án song song Dự thảo Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt. Do vậy, ý kiến thẩm định của Hội đồng sẽ tập trung vào sự cần thiết ban hành và cơ sở ban hành Đề án. Về nội dung, các thành viên Hội đồng sẽ cho ý kiến đối với mô hình tổ chức chính quyền, các chính sách đặc thù, đánh giá tác động của Đề án.

Trên cơ sở ý kiến của Chủ tịch Hội đồng thẩm định, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Nguyễn Quang Thái nhận thấy các Đề án chưa làm nổi bật tính đặc biệt, chưa làm rõ sự cần thiết có đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt. Theo đề xuất của ông Thái, cần nêu được sự tất yếu khách quan đòi hỏi phải xây dựng các đơn vị đặc biệt này; so với mô hình chính quyền cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã thì đơn vị đặc biệt này khác cái gì. Đối với căn cứ ban hành, phải phân tích được cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn (cả trong nước và quốc tế). Ông Thái cũng góp ý, nên giữ nguyên hệ thống cơ quan tư pháp, chỉ khác về chính quyền hành chính trong tổ chức các đặc khu này. 

Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật quốc tế Nguyễn Đức Kiên đồng tình là chưa thấy sự đặc biệt trong các Đề án. Ngoài ra, cần quan tâm đến mô hình quốc tế, nhất là các mô hình đã thành công như đặc khu Hồng Kông, Thâm Quyến (Trung Quốc), Singapore… để từ đó thấy được những kinh nghiệm cần tham khảo, học hỏi. Ông Kiên cũng thẳng thắn đề nghị không đưa ra một số “đặc quyền” tại các đặc khu, nhất là những quyền liên quan đến tư pháp. 

Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp Nguyễn Thị Mai tán thành một số chính sách về thuế, đất đai, visa… có thể ưu đãi tại các đặc khu nhưng băn khoăn liệu có nên “đánh đổi” cả mô hình tòa án, cơ chế xét xử hay không. Hơn nữa, bản thân các chính sách ưu đãi trong các dự thảo Đề án chưa thống nhất (như đất đai có đặc khu ưu đãi 99 năm, có đặc khu ưu đãi 70 năm), đòi hỏi sự cân nhắc, rà soát kỹ càng. Không những thế, có những ngành nghề cần tính toán như không thể cho phép thành lập tổ chức hành nghề luật sư lại không có luật sư...

Kết thúc cuộc họp, Thứ trưởng Lê Tiến Châu nhất trí rằng các dự thảo Đề án  chưa thực sự thuyết phục về sự cần thiết xây dựng nên cần bổ sung lợi thế tương đối, lợi thế tuyệt đối của mỗi đặc khu, phân tích, làm rõ để thấy sự khác biệt nổi bật của từng đặc khu. Nhấn mạnh đây không phải là thẩm định văn bản quy phạm pháp luật nhưng theo Thứ trưởng vẫn phải đảm bảo theo trình tự chung về cơ sở ban hành (bao gồm cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý và cơ sở thực tiễn).

Phương án “đột phá” mạnh mẽ được Chính phủ quyết về mô hình tổ chức là Trưởng đặc khu và không có HĐND, song Thứ trưởng đề nghị các đơn vị chuẩn bị Đề án cần chủ động phương án dự phòng. Đối với nội dung các Đề án, Thứ trưởng yêu cầu rà soát các chính sách đặc thù, các lĩnh vực ngành nghề phát triển của từng đặc khu. Liên quan đến các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ, ngành Tư pháp, Thứ trưởng chỉ đạo các đơn vị rà soát các lĩnh vực như ban hành văn bản, thi hành án dân sự, các nghề bổ trợ tư pháp, giải quyết tranh chấp.

Tác giả bài viết: Hoàng Thư

Nguồn tin: baophapluat.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây