Trao đổi với Zing.vn, ông Nguyễn Sự, nguyên Bí thư Thành ủy Hội An, ủng hộ Hà Nội, TP.HCM đã và đang ra quân quyết liệt để giải phóng vỉa hè, trả lại không gian cho người đi bộ.
"Tôi hoàn toàn ủng hộ thái độ quyết liệt, không khoan nhượng, không ngại va chạm, kể cả va chạm các cơ quan trung ương trong việc giải phóng vỉa hè của ông Đoàn Ngọc Hải, Phó chủ tịch UBND quận 1, những ngày qua. Đã bắt tay vào làm thì phải có đụng chạm. Việc làm của anh Hải nhận nhiều ý kiến khen, chê cũng không ít từ cộng đồng, đó cũng là điều dễ chia sẻ, thông cảm", ông Sự nói.
Ông Sự còn nhớ năm 1995, chính quyền thị xã Hội An (nay là TP Hội An) đã sớm vào cuộc chấn chỉnh tình trạng lấn chiếm vỉa hè.
"Lúc ấy anh em cũng bàn đi, tính lại cân nhắc giải quyết hai vấn đề cơ bản: Trả lại vỉa hè giành cho người đi bộ nơi công cộng và tính chuyện mưu sinh cho người nghèo trong kiệt, trong hẻm. Làm sao để giải quyết hai vấn đề này không phải là chuyện dễ dàng gì", nguyên Bí thư Thành ủy Hội An kể.
Du khách tham quan ở phố cổ Hội An. Ảnh: Minh Hoàng. |
Ông Sự lý giải việc người dân lấn chiếm vỉa hè vì nghĩ đó là của công, "cha chung không ai khóc", là nơi béo bở làm ra tiền nên mạnh ai nấy chiếm. Người chiếm vỉa hè có thể phân loại nhiều nhóm, hộ ở trong kiệt, hẻm hay từ các vùng nông thôn lên thành phố mưu sinh, bán hàng rong.
"Thời điểm ấy, sau khi phân loại từng nhóm người dân lấn chiếm vỉa hè trong khu vực phố cổ, chính quyền địa phương họp các tổ dân phố, mời người dân đến thông báo chủ trương, vận động ký cam kết", ông Sự chia sẻ kinh nghiệm.
Ở Hội An, gánh đậu hủ hay gánh mỳ Quảng… là ‘một phần hồn’ của phố.
Đối với nhà mặt tiền ký cam kết kinh doanh không lấn chiếm vỉa hè và được giao quản lý vỉa hè trước khu vực nhà mình, chỉ được treo một biển hiệu. Hộ dân sống trong kiệt, hẻm thì sắp xếp vị trí vỉa hè buôn bán theo quy định từ 5h đến 9h sáng, chiều từ 17h đến 20h.
Với những hộ dân từ nơi khác đến thì phân loại từng mặt hàng phù hợp, sắp xếp đưa vào chợ cho họ kinh doanh. Riêng những hộ bán hàng rong thì được khuyến khích nhưng phải đảm bảo vệ sinh, an ninh trật tự trên vỉa hè trong phố.
Thời điểm đó, ông Sự giao quyền cho các chủ tịch phường, xã trực tiếp xuống đường theo dõi, giám sát giải quyết việc lấn chiếm vỉa hè. Cuối mỗi ngày, các địa phương báo cáo công việc để ông nghe mà chấn chỉnh, kịp thời uốn nắn phương pháp sao cho phù hợp.
"Hàng tuần, tôi thường đi kiểm tra, phát hiện khu vực vỉa hè nào thấy còn lộn xộn, chưa ổn thì gọi chủ tịch phường đến nhắc nhở người dân tự giác tháo dỡ, chấn chỉnh ngay. Sau một năm dài kiên trì triển khai, vỉa hè đường phố Hội An dần đi vào nề nếp, người dân mới bắt đầu cảm nhận giá trị của phố cổ văn minh, sạch đẹp hấp dẫn du khách đã mang về thu nhập đáng kể cho họ", nguyên Bí thư Thành ủy Hội An nhớ lại.
Ông Nguyễn Sự (áo xanh, phải), nguyên Bí thư Thành ủy Hội An, bàn giải pháp chống sạt lở bờ biển ở Cửa Đại với lãnh đạo tỉnh Quảng Nam. Ảnh: Đức Phương. |
Ông cho rằng, cần phân định rõ giữa hàng quán vỉa hè, lấn chiếm vỉa hè với gánh hàng rong đường phố. “Ở Hội An, người ta thường gánh một gánh đậu hủ hay gánh mỳ Quảng… đi quanh phố. Ai gọi thì chủ hàng dừng lại bán, xong họ lại đi chứ không ngồi một chỗ. Chính đó là ‘một phần hồn’ của phố”, ông Sự chia sẻ và cho rằng điều này làm nên văn hóa của phố thị, bởi họ đảm bảo vệ sinh và không lấn chiếm không gian vỉa hè.
Tôi từng chịu nhiều điều tiếng, thậm chí bị dọa “đốt nhà” khi quyết tâm chấn chỉnh vỉa hè Hội An.
Với khu phố Tây ở TP.HCM, nguyên bí thư Thành ủy Hội An "hiến kế" ban ngày vỉa hè khu vực này có thể dành cho người đi bộ nhưng ban đêm vẫn cho các hộ dân kinh doanh, buôn bán phục vụ du khách bình thường.
"Quy hoạch khu phố này phải được làm đồng bộ, chẳng hạn khu khách sạn, nhà nghỉ giành riêng cho du khách Tây kết hợp không gian vui chơi, văn hóa ẩm thực mang dấu ấn độc đáo riêng cho TP.HCM", ông Nguyễn Sự tham vấn.
Hiện ở phố cổ Hội An có dành riêng khu vực An Hội làm không gian phố đêm phục vụ du khách từ 17h đến 0h. Trước đây, những hộ dân buôn bán hàng lưu niệm trên vỉa hè thì nay được đưa về buôn bán tập trung ở khu vực chợ đêm này, vừa tạo sản phẩm du lịch đặc thù vừa nâng cao thu nhập cho người dân.
Ông Sự xác nhận thực tế có một số cán bộ đứng phía sau bảo kê cho các hộ dân lấn chiếm vỉa hè đường phố ở các đô thị lớn để kinh doanh, buôn bán hưởng lợi. Do vậy, cơ quan chức năng cần kiểm soát vỉa hè kết hợp kiểm soát chặt đội ngũ thực thi giải quyết vỉa hè. Nếu phát hiện cán bộ nào tiêu cực, bảo kê lấn chiếm vỉa hè, "lợi ích nhóm", thì xử lý, kỷ luật cách chức ngay.
Người dân bán hàng rong trên vỉa hè đường phố Hội An. Ảnh: Đức Phương. |
Ông nêu rõ quan điểm, chuyện giải quyết lấn chiếm vỉa hè là quá trình lâu dài, ví như "cơm ăn, nước uống" hàng ngày nên cần có giải pháp căn cơ chứ không thể chạy theo phong trào nhất thời được. Khi giải quyết vỉa hè thì chính quyền đô thị phải đặt trách nhiệm lo cho cuộc sống ổn định người dân lên hàng đầu. Ban đầu có thể đụng chạm quyền lợi thì bà con phản ứng nhưng nếu làm công tâm, công bằng, lâu dài người dân sẽ ủng hộ.
Nguyên Bí thư Thành ủy Hội An cho biết bản thân ông từng chịu nhiều điều tiếng, thậm chí bị dọa “đốt nhà” khi quyết tâm thực hiện chấn chỉnh vỉa hè, cấm xe máy vào phố cổ. Ông Sự cho rằng việc người dân chưa hiểu hết chuyện và nặng lời với lãnh đạo là bình thường.
Sau nhiều năm kiên trì, phố cổ Hội An trở nên nề nếp, yên bình, hấp dẫn du khách đến tham quan ngày càng đông thì người dân càng hưởng lợi từ việc kinh doanh buôn bán.
Suốt nhiều năm đảm trách cương vị lãnh đạo, lúc nào ông Sự cũng trăn trở làm sao giữ được "nếp nhà" của Hội An, vừa theo kịp tốc độ phát triển kinh tế - xã hội, vừa duy trì được nét văn hóa độc đáo, riêng biệt cho mảnh đất này.
Ông ao ước mỗi người dân Hội An trở thành một "sứ giả văn hóa" thông qua con đường kinh tế du lịch, biết giữ vỉa hè thông thoáng, môi trường sạch đẹp hơn để Hội An mãi là "điểm đến" hấp dẫn trong lòng du khách.
Nói về vị bí thư chân quê này, nhà văn Nguyên Ngọc ghi nhận: “Nếu không có Nguyễn Sự sẽ chẳng giữ được Hội An. Nguyễn Sự là tập trung tinh túy của người Hội An: trí tuệ, năng nổ nhưng thật bình dị, chân thật. Sở dĩ ông làm được nhiều điều cho phố cổ vì được dân thương. Quan chức ít ai giống anh, liêm khiết, thương dân, biết văn hóa bao giờ cũng mong manh, luôn lo lắng, suy nghĩ, gìn giữ, không chủ quan”.
Tác giả bài viết: Minh Hoàng - Đức Phương
Nguồn tin: news.zing.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn