Chuyên gia tâm lý
Peter Gray hiện là giáo sư tâm lý học tại ĐH Boston (Mỹ). Ông tốt nghiệp bậc cử nhân tại ĐH Columbia và có bằng tiến sĩ sinh học của ĐH Rockefeller. Nghiên cứu của ông Gray chủ yếu xoay quanh thần kinh học, tâm lý học phát triển, nhân chủng học và giáo dục. Ông là tác giả của hai quyển sách Free to learn (Thoải mái học) và Psychology (Tâm lý học - đã tái bản 7 lần). Hiện nay GS Gray tập trung nghiên cứu cách dạy học tự nhiên cho trẻ. Zing.vn tổng hợp và chuyển ngữ các bài viết về áp lực điểm số ở trường học, giáo dục Mỹ, Trung Quốc, và mối quan hệ giữa điểm số và định hướng nghề nghiệp từ nguyên bản tiếng Anh với sự đồng ý của tác giả.
Trả lời New York Times năm 2013, Laszlo Bock, Phó chủ tịch nhân sự cấp cao của Google lúc đó, đã khẳng định: Điểm số (trung học lẫn đại học) không đóng vai trò quan trọng trong việc gã khổng lồ công nghệ này đưa ra quyết định tuyển dụng.
Theo ông Bock, có thể bảng điểm đẹp, điểm trung bình môn cao ngất ngưởng là minh chứng cho sự chăm chỉ học hành khổ luyện và từng có thời gian Google yêu cầu bảng điểm, bằng tốt nghiệp đại học. Thế nhưng, thời đấy đã qua rất lâu rồi.
Ông Bock đúc kết: Bảng điểm cao chót vót và những giải thưởng học thuật là thành quả của việc được đào tạo bài bản. Vấn đề mấu chốt là cuộc sống đâu chỉ xoay quanh sách vở, học thuật.
Thế nhưng, do đâu mà gánh nặng điểm số vẫn đeo bám, ám ảnh không chỉ học sinh, mà cả cha mẹ và giáo viên?
Tất cả thứ thu hút sự quan tâm ở trường học chỉ gói gọn trong từ điểm số. “Cuộc chiến” điểm xoay quanh những đứa trẻ và cả người lớn - từ cha mẹ đến thầy cô, thậm chí giữa các nước với nhau.
Năm 1994, Tổng thống Mỹ Bill Clinton ban hành đạo luật về giáo dục “Những mục tiêu năm 2000” (Goals 2000 Act). Người kế nhiệm ông, Tổng thống Bush, gần một thập kỷ sau, cũng ban hành đạo luật tương tự mang tên “Không trẻ em nào bị bỏ lại phía sau” (No child left behind). Tổng thống Obama thì ban hành đạo luật “Cuộc đua lên đỉnh” (Race to the top).
Mục đích của các đạo luật này một mặt nhằm thúc đẩy giáo dục trong nước, nhưng mặt khác để cải thiện thành tích và thứ hạng của Mỹ trong các cuộc thi về học thuật trên thế giới.
Lấy ví dụ cuộc thi PISA nhằm kiểm tra mức hiểu biết và vận dụng của học sinh 15 tuổi trong ba lĩnh vực đọc hiểu, toán và khoa học. Mỹ luôn “muối mặt” nằm ở tầm trung của bảng xếp hạng, bị các nước châu Á và châu Âu bỏ lại rất xa.
Chẳng mấy khi phụ huynh thắc mắc xem con mình được dạy gì ở trường mà chỉ quan tâm con xếp thứ mấy, được bao nhiêu điểm, có thành tích nào nổi trội không.
Khi gửi gắm con cái đến trường, một bộ phận cha mẹ đã đẩy chúng vào cuộc cạnh tranh không hồi kết: Con ai học giỏi nhất, đạt điểm cao nhất, giành được nhiều danh hiệu trong các kỳ thi nhất. Con ai giành được suất vào trường đại học danh giá hàng đầu đất nước.
Tất cả thứ kể trên - điểm số, thứ hạng đạt được hay niềm tự hào của cha mẹ - đều không thực sự liên quan quá trình hay phương pháp học. Ai cũng ý thức được điều đó.
Điểm số được mặc định là thước đo sự thành công không chỉ của đứa trẻ, mà của cả bản thân phụ huynh. Cha mẹ, bằng một cách khéo léo nào đó, luôn tìm cơ hội khoe với họ hàng và bạn bè về thành tích học tập của con cái.
Chẳng mấy khi phụ huynh thắc mắc xem con mình được dạy gì ở trường, mà chỉ quan tâm con xếp thứ mấy, được bao nhiêu điểm, có thành tích nào nổi trội không. Nhiều cha mẹ không chỉ mong con mình giỏi, mà còn phải giỏi hơn bạn bè.
Về phía giáo viên, đôi khi đó là cuộc cạnh tranh của những người trong nghề: Ai có nhiều học sinh đạt thành tích cao hơn.
Trong khảo sát phục vụ nghiên cứu của mình, tôi phỏng vấn một số học sinh để hiểu thêm về mối quan hệ giữa học hành ở trường và điểm số. Kết quả không bất ngờ nhưng vô cùng đáng lo.
Đi học phải đạt thành tích cao, càng cao càng tốt; và đặc biệt, phải cao hơn bạn đồng trang lứa.
Nhiều em thẳng thắn trả lời nếu điểm dưới A (A là điểm cao nhất trong thang điểm Mỹ) là điều không thể nào chấp nhận được, vì từ bé các em đã được dạy càng ngày cuộc đua càng khốc liệt, nếu không đạt điểm A thì không thể tồn tại được. “Đi học là phải được A” trở thành tôn chỉ.
Trong một khảo sát trên diện rộng vào năm 2010 với học sinh tiểu học ở Trung Quốc về áp lực điểm số, cứ 10 em thì 8 bạn “lo nơm nớp” các kỳ thi, bài kiểm tra trên lớp. Gần một nửa số học sinh cho biết nếu học kém, các em sẽ bị bắt nạt hay trêu chọc.
Đáng lưu tâm, gần 1/3 số học sinh nói rằng sợ bị thầy cô quở phạt nếu không làm được bài kiểm tra, điểm thấp. Hơn 70% số em cho biết sẽ bị cha mẹ đánh đòn nếu không đạt điểm cao.
Trường học không đơn thuần là nơi để học mà là nơi để gom điểm A. Len lỏi trong tiềm thức của những đứa trẻ, đi học không đơn giản vui chơi với bạn bè và hấp thụ nhiều kiến thức nhất có thể. Đi học còn là việc phải đạt thành tích cao, càng cao càng tốt; và đặc biệt, phải cao hơn bạn đồng trang lứa.
Điểm cao để làm gì khi những kiến thức xã hội hay kỹ năng mềm không có?
Theo chuyên gia giáo dục Yong Zhao, học sinh Trung Quốc hiện nay phần lớn đạt điểm cao chót vót nhưng kỹ năng xã hội lại kém do dành hết thời gian cho sách vở. Các em không còn tâm trí sáng tạo, chủ động phát triển kỹ năng thể chất và xã hội.
Nghiên cứu ở Trung Quốc đã chứng minh những học sinh đạt điểm cao nhất trong kỳ thi gaokao (thi đại học của nước này) ít thành công trong cuộc sống so với nhóm đạt điểm thấp hơn.
Nếu trường lớp là nơi đề cao phương pháp học thay vì coi điểm số là quan trọng nhất, môi trường học tập sẽ được xây dựng theo cách khác biệt hoàn toàn. Đó sẽ là nơi những đứa trẻ được tự do theo đuổi sở thích cá nhân, khám phá điều hứng thú, thử nghiệm nhiều phương hướng sự nghiệp khác nhau và tự tạo đà, chuẩn bị cho tương lai phía trước.
Sự thất bại của hệ thống giáo dục học vẹt để lại hệ lụy thiếu kỹ năng xã hội, thiếu hiểu biết thực tế, thiếu tính kỷ luật, tự giác, hạn chế trí tưởng tượng, bào mòn tính tò mò và đam mê học tập.
Hợp tác, bắt tay cùng nhau đi lên là trọng tâm của sự phát triển và sự cạnh tranh điểm số không còn là vấn đề đáng lo ngại.
Một số trường ở Mỹ đang bắt đầu xây dựng môi trường học tập theo hướng nhấn mạnh phương pháp học thay vì bảng thành tích. Đã có hiệu quả rõ rệt từ cách làm này.
Trung Quốc có tự hào khi đạt kết quả cao trong kỳ thi PISA? Tôi nghĩ là không, thay vào đó là cảm giác thất bại và bất lực với hệ thống giáo dục. Cách giáo dục chạy theo điểm số phần nào triệt tiêu khả năng sáng tạo, sự chủ động và tính tò mò của học sinh.
Dù đạt thành tích cao trong những kỳ thi quốc tế, Trung Quốc vẫn có rất ít những nhà khởi nghiệp hay phát minh mang tầm cỡ thế giới.
Ông Jiang Xuaqin (Đại học Bắc Kinh) từng đúc kết: “Sự thất bại của hệ thống giáo dục học vẹt khiến học sinh thiếu kỹ năng xã hội, thiếu hiểu biết thực tế, thiếu tính kỷ luật, tự giác, hạn chế trí tưởng tượng, bào mòn tính tò mò và đam mê học tập. Bằng chứng là ở PISA, dù Trung Quốc vẫn ở vị trí cao, điểm đang giảm qua các năm”.
Trung Quốc đang muốn học tập mô hình giáo dục của Mỹ. Trong khi đó, Mỹ lại muốn làm theo Trung Quốc. Có thể, sau một vài năm học tập lẫn nhau, nếu kết quả thuận buồm xuôi gió, Trung Quốc sẽ có nhiều sáng chế hơn.
Còn ở Mỹ? Bác sĩ và các nhà tư vấn tâm lý chắc sẽ phải bận rộn hơn với nhiều bệnh nhi mắc các chứng bệnh tâm lý học đường vì căng thẳng.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn