'Biên chế phình to vì cán bộ được bao cấp hơn cả thời bao cấp'

Thứ sáu - 06/10/2017 03:14
(Phapluat News) - "Tại Quảng Ninh, có huyện đã nhập thanh tra với ủy ban kiểm tra, ban tổ chức với phòng nội vụ... Đây là những kinh nghiệm thực tiễn quý báu", PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc phân tích.
'Biên chế phình to vì cán bộ được bao cấp hơn cả thời bao cấp'

Nhân Hội nghị Trung ương 6 đang diễn ra, PGS-TSKH Nguyễn Trọng Phúc (nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) có cuộc trao đổi với Zing.vn về đề án "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả".

Theo PGS Nguyễn Trọng Phúc, trước yêu cầu của công cuộc đổi mới toàn diện và xu thế hội nhập quốc tế, đề án thể hiện quyết tâm chính trị của Đảng về việc sắp xếp lại bộ máy tổ chức với mục đích quan trọng là nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong lãnh đạo quản lý của Đảng và Nhà nước.

“Công tác tổ chức bộ máy là vấn đề lớn, rất khó, rất phức tạp và nhạy cảm như Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhận định nhưng tôi tin rằng Trung ương sẽ thảo luận thẳng thắn để tìm ra nguyên nhân cũng như giải pháp”, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng nói. 

Nhìn nhận thẳng thắn, tìm ra nguyên nhân

- Đây không phải là lần đầu Trung ương bàn thảo về việc sắp xếp lại bộ máy của hệ thống chính trị. Vậy điểm phức tạp của công tác tinh gọn bộ máy ở thời điểm hiện tại là gì?

- Hội nghị Trung ương lần thứ 7, khóa XI, năm 2013 đã bàn về vấn đề đổi mới và hoàn thiện hệ thống chính trị một cách đồng bộ. Sau này quan điểm được nhắc lại ở Đại hội lần thứ XII của Đảng và Hội nghị Trung ương 6 cụ thể hóa. Tôi đánh giá đây là một chủ trương kịp thời và Trung ương sẽ thảo luận thẳng thắn có trách nhiệm và đi đến những quyết sách cuối cùng.

Trước đây chúng ta đã nhiều lần bàn về việc tinh gọn bộ máy, giảm biên chế cả bộ máy của đảng và Nhà nước. Trên thực tế, dù có định hướng đúng, quyết tâm cao nhưng càng tinh giản thì bộ máy càng phình to.

Đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả là vấn đề rất lớn, rất quan trọng nhưng cũng rất khó, rất phức tạp và nhạy cảm

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng

Tôi còn nhớ, Hội nghị Trung ương 4 năm 2016 đã bàn rất mạnh mẽ nhưng thực tế biên chế vẫn tăng, hiệu quả hiệu lực quản lý, lãnh đạo vẫn còn lúng túng, hạn chế. Bộ máy thực chất “vẫn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, kém hiệu lực, hiệu quả; chức năng, nhiệm vụ của một số tổ chức còn chồng chéo” như nhận định của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Kỳ này, theo tôi phải đi tìm nguyên nhân của sự hạn chế của công tác tổ chức cán bộ, khuyết điểm của bộ máy. Có phải do mình nghiên cứu khoa học tổ chức bộ máy chưa đến chưa đầy đủ cơ sở lý luận, cơ sở thực tiễn để sắp xếp bộ máy; hay do vận hành của bộ máy còn nhiều hạn chế hoặc bị chi phối bởi những vấn đề như lợi ích nhóm.

Có tâm lý vào bộ máy nhà nước để an tâm hưởng lương, hưởng ưu đãi thậm chí là hưởng thụ? Bây giờ tại sao người ta cứ phấn đấu vào trong bộ máy rồi làm lãnh đạo? Tại sao lại có tình trạng cán bộ lãnh đạo nhiều hơn chuyên viên?... Rất nhiều vấn đề cần Trung ương bàn thảo theo tinh thần thẳng thắn, cái gì có lợi là phải làm. 

'Bien che phinh to vi can bo duoc bao cap hon ca thoi bao cap' hinh anh 1
 

- Tổng bí thư nói việc gì rõ thì làm trước. Vậy việc cụ thể gì cần ưu tiên trong công tác tổ chức bộ máy?

- Cái gì hợp lý thì sẽ tồn tại. Cái gì biết rõ là không hợp lý mà không làm gì thì nó sẽ cản trở sự phát triển. Công tác tổ chức bộ máy phải hướng đến mục tiêu, lãnh đạo tốt hơn, quản lý hiệu lực hơn, thúc đẩy xã hội phát triển, mang lại lợi ích tốt nhất cho người dân.

Thứ nhất, về cơ cấu tổ chức bộ máy và sắp xếp con người phải nắm vững nguyên tắc không phải cơ quan Trung ương có vị trí nào thì địa phương phải có cơ quan đó. Trung ương có nhiều việc phải quản lý ở tầm vĩ mô, hay quan hệ đối ngoại.

Thứ hai, tính hợp lý của các cơ quan tổ chức cũng cần được xem xét, cơ quan đó ra đời có rõ chức năng nhiệm vụ không. Nếu rõ là cần thiết, còn nếu không rõ thì không thể thành lập ra cơ quan đó được.

Thứ ba, cần nghiên cứu một cơ quan làm nhiều việc, chứ bây giờ có hiện tượng nhiều cơ quan cùng làm một việc. Như vậy sẽ dẫn đến đùn đẩy trách nhiệm và cuối cùng không ai làm.

Tôi vừa đến một cơ quan thấy hiện tượng chuẩn bị 1 cái micro cho thầy lên lớp mà 3 bộ phận lo. Một bộ phận xuất micro ra có thủ tục giấy tờ, bộ phận đưa lên ráp máy móc trên bục giảng, bộ phận thứ 3 lo mua pin. Chỉ như vậy đã thấy bộ máy cồng kềnh, không hiệu quả.

Cán bộ lạm phát vì được bao cấp

- Bộ máy cồng kềnh dẫn tới tình trạng lạm phát lãnh đạo, đặc biệt là ở số lượng cấp phó ở các cơ quan. Làm sao để giải quyết tình trạng này? 

- Những năm 60-70 chỉ có một thủ trưởng đứng đầu, cấp phó chỉ từ 1 đến 2 chứ không nhiều như bây giờ.

Vậy phải lý giải tại sao trong cơ cấu bộ máy tổ chức của ta lại nhiều cấp phó thế. Có bộ có lúc lên tới 9-10 thứ trưởng, có những vụ cục 1 vụ trưởng nhưng mấy vụ phó, nhiều hơn cả số chuyên viên. Cấp tỉnh cũng một giám đốc sở có 5-6 phó giám đốc...

Đó là do chức năng nhiệm vụ của một số cơ quan không rõ ràng. Khi xác định rõ chức năng nhiệm vụ thì người ta sẽ định biên được cần mấy thứ trưởng, mấy vụ phó để thực thi chức năng nhiệm vụ.

Thứ 2, phải chăng là bây giờ vào lãnh đạo có chế độ chính sách ưu đãi hơn, tức là động cơ về lợi ích. Bây giờ một ông bộ trưởng, chủ tịch... có bao nhiêu chế độ chính sách đi kèm theo. Chứ thời trước Đổi mới làm gì có, cán bộ chỉ hơn người thường về chế độ tem phiếu, chênh lệch tiền lương cũng không đáng bao nhiêu.

Tôi từng phát biểu bây giờ cán bộ lạm phát vì được bao cấp hơn cả thời bao cấp.

'Bien che phinh to vi can bo duoc bao cap hon ca thoi bao cap' hinh anh 2
 

Tách ra thì dễ, nhập vào rất khó 

- Nhiều năm nay, chúng ta thấy một thực trạng là cán bộ Nhà nước kêu lương không đủ ăn, song số lượng người phấn đấu để "vào Nhà nước, có biên chế" vẫn rất đông. Tại sao?

- Tôi thấy hiện nay, vào bộ máy Nhà nước ai cũng nói là không sống được bằng lương nhưng thu nhập hiện nay không hề kém nếu so sánh với những công việc khác. Chúng ta cứ so sánh những người làm công chức dẫu gì vẫn nhàn nhã và thu nhập khá hơn so với công nhân.

Tôi nghiên cứu rất kỹ quá trình Đổi mới và thấy rằng sau 1986 tới đầu những năm 1990 có một hiện tượng rất nhiều cán bộ công chức đã bỏ Nhà nước, xin “nghỉ một cục” để ra ngoài làm tư nhân. Lúc đó có câu “toàn dân ra mặt đường để phát triển kinh tế tư nhân”. Bác sĩ, giáo viên, công chức bỏ ra làm riêng, làm tư nhân. Đó là một hiện thực.

Nhưng sau đó tôi lại thấy có hiện tượng khi ra thương trường, nhiều người thua lỗ, phá sản. Nên cuối những năm 1990, những năm của thế kỷ XXI lại có hiện tượng người ta lại đổ xô vào bộ máy Nhà nước. Cũng bắt đầu từ đây, chúng ta thấy xuất hiện tình trạng cán bộ công chức “chân trong, chân ngoài”. Tiếp đó là tình trạng công tác cán bộ bị thị trường hóa, nạn chạy chức chạy quyền. 

Đó là thực tiễn cần nghiên cứu thấu đáo. 

- Việc tổ chức  bộ máy cơ quan Đảng và cơ quan Nhà nước có cùng chức năng như tuyên giáo - thông tin, dân vận - mặt trận, tổ chức - nội vụ khiến bộ máy chồng chéo. Cũng có ý kiến cho rằng nếu hợp nhất lại thì có nguy cơ xa rời sự lãnh đạo của Đảng. Quan điểm của ông?

- Đảng ta là đảng cầm quyền, toàn bộ hệ thống chính trị đều do Đảng lãnh đạo. Đảng cầm quyền thông qua cương lĩnh, đường lối chủ trương. Nếu việc tinh gọn bộ máy mà khiến việc lãnh đạo tốt hơn thì vai trò của Đảng càng được đề cao. Tư duy phải rộng hơn nữa, việc của dân là việc của Đảng, việc của Đảng cũng là của dân.

Như Quảng Ninh, có huyện đã nhập tuyên giáo với thông tin truyền thông, thanh tra nhập ủy ban kiểm tra, mặt trận với dân vận, ban tổ chức huyện ủy nhập với phòng nội vụ. Đây là những kinh nghiệm thực tiễn quý  báu của việc tinh gọn bộ máy.

'Bien che phinh to vi can bo duoc bao cap hon ca thoi bao cap' hinh anh 3
 

- Tách ra, nhập vào còn liên quan tới công tác nhân sự, tổ chức và không tránh khỏi tâm tư trong đội ngũ cán bộ. Phó giáo sư nghĩ sao?

- Nghiên cứu lịch sử tôi thấy tách ra thì dễ nhập vào thì khó vì đụng đến ghế. Ngày xưa tách tỉnh rất dễ vì sẽ có vị trí mới, ghế mới, lãnh đạo mới và chế độ mới. Nhưng khi nhập vào rất khó khăn vì hai ông lãnh đạo thì đặt ông nào trước, ông nào sau.

Như vừa qua có hiện tượng sáp nhập, thuyên chuyển cấp bộ mà không biết xếp vào đâu. Nhà nước lại phải nghĩ ra tổ chức mới để xếp ông ấy vào để hưởng chế độ, mà không cần biết tổ chức này có nhiệm vụ gì không.

Vì vậy cần sắp xếp bộ máy trên nguyên tắc từ công việc tìm mô hình và chọn người, chứ không phải từ người để sắp xếp tổ chức.

 
 

Tác giả bài viết: Công Khanh thực hiện

Nguồn tin: news.zing.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

TƯƠNG TÁC NHIỀU

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây