Báo động một số vụ luân chuyển cán bộ sai phạm nghiêm trọng

Thứ hai - 15/05/2017 18:59
(PL News) - Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình cho biết, qua kiểm tra thời gian qua, một số vụ việc luân chuyển cán bộ sai phạm nghiêm trọng, kể cả ở TƯ và địa phương đã gióng lên hồi chuông báo động. Điển hình như vụ Trịnh Xuân Thanh, Vũ Huy Hoàng, Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, PVN…
Báo động một số vụ luân chuyển cán bộ sai phạm nghiêm trọng

 

 


Chiều nay, đoàn kiểm tra của Bộ Chính trị do ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình làm Trưởng đoàn làm việc với Ban cán sự Đảng Bộ KH-CN, công bố quyết định của Bộ Chính trị thành lập đoàn kiểm tra đối với Ban cán sự Đảng Bộ KH-CN (đoàn kiểm tra số 470).

luân chuyển cán bộ, Trịnh Xuân Thanh, Vũ Huy Hoàng, PVN
Đoàn kiểm tra của Bộ Chính trị làm việc với Ban cán sự Đảng Bộ Khoa học và Công nghệ


Đoàn sẽ kiểm tra công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện kết luận của Bộ Chính trị khóa 11 về đẩy mạnh công tác quy hoạch và luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý đến năm 2020 và những năm tiếp theo gắn với việc thực hiện Quy chế bổ nhiệm cán bộ và giới thiệu cán bộ ứng cử giai đoạn từ 6/2012 đến nay.

Đoàn sẽ kiểm tra 12 tổ chức đảng, đơn vị trực thuộc và Ban cán sự Đảng Bộ và hoàn thành để báo cáo Bộ Chính trị trước ngày 30/6.

Đã luân chuyển trên 1.000 cán bộ làm lãnh đạo cấp tỉnh

Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình cho biết, sau Nghị quyết TƯ (khóa 8) về Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Bộ Chính trị khóa 9 đã ban hành 2 Nghị quyết chuyên đề riêng về quy hoạch và luân chuyển cán bộ.

luân chuyển cán bộ, Trịnh Xuân Thanh, Vũ Huy Hoàng, PVN
Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình: Cá biệt còn có cán bộ có biểu hiện chọn địa bàn, chọn vị trí sau luân chuyển


Đó là Nghị quyết 42 về công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo quản lý thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và Nghị quyết số 11 về luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý.

Sau khi tổng kết, đánh giá việc thực hiện 2 Nghị quyết này, Bộ Chính trị khóa 11 đã ban hành Kết luận số 24 về đẩy mạnh công tác quy hoạch và luân chuyển cán bộ quản lý đến năm 2020 và những năm tiếp theo.

Qua đó cho thấy công tác quy hoạch cán bộ đã dần đi vào nề nếp. Hầu hết cán bộ được bổ nhiệm các chức danh thuộc Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý đều là cán bộ trong quy hoạch.

Ông cũng cho hay, trên 95% cán bộ lãnh đạo chủ chốt, HĐND, UBND tỉnh, thành phố và trên 98% ủy viên Ban Thường vụ các tỉnh ủy, thành ủy đã qua luân chuyển giữ các chức vụ lãnh đạo chủ chốt ở cấp quận, huyện.

Kết quả luân chuyển một số cán bộ không là người địa phương ở cấp tỉnh và cấp huyện đạt kết quả tốt. Hầu hết cán bộ qua luân chuyển đều có bước trưởng thành, tích lũy được nhiều kinh nghiệm thực tiễn…

Hơn 110.000 cán bộ lãnh đạo được quy hoạch cán bộ quản lý các cấp, trên 42.000 lượt cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp được luân chuyển, trong đó cấp trung ương luân chuyển trên 1.000 cán bộ về làm phó bí thư, chủ tịch, phó chủ tịch UBND một số tỉnh, thành phố.

Bộ Chính trị lập 5 đoàn kiểm tra về công tác cán bộ

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng nêu rõ, kết luận của Bộ Chính trị chỉ rõ một số hạn chế, yếu kém trong công tác quy hoạch, luân chuyển cán bộ. Cụ thể như việc quy hoạch căn cứ chủ yếu vào đánh giá cán bộ chưa xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ và năng lực thực tiễn của cán bộ.

Nhiều đề án quy hoạch còn hình thức, thiếu tính khả thi, chất lượng quy hoạch chưa cao, chưa đồng đều, chưa có tầm nhìn xa, chưa đảm bảo tính liên thông giữa cấp dưới với cấp trên, giữa trung ương với địa phương, giữa các ngành, các lĩnh vực công tác.

Một số nơi thực hiện luân chuyển cán bộ chưa dựa trên cơ sở đánh giá và quy hoạch. Luân chuyển cán bộ trong ngành, giữa các ngành với nhau, giữa cán bộ làm công tác Đảng, Mặt trận, đoàn thể với quản lý nhà nước nhìn chung còn ít kết dính…

Một số ít cán bộ luân chuyển đóng góp đối với địa phương còn hạn chế, cá biệt còn có cán bộ có biểu hiện chọn địa bàn, chọn vị trí sau luân chuyển.

Việc bổ nhiệm giới thiệu cán bộ ứng cử còn không ít trường hợp chưa bảo đảm theo quy hoạch dẫn đến có khuyết điểm, sai phạm, thậm chí sai phạm nghiêm trọng, ảnh hưởng đến vai trò, uy tín của tập thể, cá nhân, cấp ủy, tổ chức, cơ quan, đơn vị, làm giảm sút niềm tin của nhân dân.

Phó Thủ tướng thường trực cũng nêu thực trạng dễ dãi, thiếu chặt chẽ trong quy hoạch, đề bạt, luân chuyển cán bộ thời gian qua.

“Qua kiểm tra cho thấy một số vụ việc sai phạm nghiêm trọng, kể cả ở Trung ương và địa phương, đã gióng lên hồi chuông báo động, như vụ Trịnh Xuân Thanh, Vũ Huy Hoàng, Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, các địa phương, đơn vị Hải Dương, Thanh Hóa, Bình Định, Hải Phòng, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam…”, ông dẫn chứng.

Chính vì vậy, Bộ Chính trị đã thành lập 5 đoàn kiểm tra 10 Ban Thường vụ Tỉnh ủy và 5 Ban cán sự Đảng của 5 bộ, ngành TƯ. Trong đó Đoàn kiểm tra số 470 của Bộ Chính trị kiểm tra Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nam Định, Quảng Nam và Ban cán sự Đảng Bộ KH-CN. Đoàn sẽ làm việc với Bộ KH-CN từ ngày 30/5-7/6.

Nguồn tin: vietnamnet.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

TƯƠNG TÁC NHIỀU

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây