Ai sẽ dẫn dắt nền kinh tế Việt Nam?

Thứ năm - 18/07/2019 21:40
Nếu coi tư nhân là đội quân làm giàu và thịnh vượng cho đất nước thì nhà nước cần mở cho doanh nghiệp tư nhân cơ hội làm ăn, và các chính sách được bình đẳng như đối xử với các doanh nghiệp FDI.
Ai sẽ dẫn dắt nền kinh tế Việt Nam?

Nguyễn Văn Hưởng

LTS: Tuần Việt Nam mở Diễn đàn "Vì Việt Nam hùng cường" với mong muốn thu nhận từ quý độc giả những ý kiến, bài viết về các giải pháp phát triển đất nước trong tất cả các lĩnh vực nhằm khơi thông tiềm năng phát triển, cổ vũ niềm tin của cộng đồng vào tương lai Việt Nam.

Chủ đề đầu tiên của Diễn đàn tập trung vào thể chế kinh tế. Mời quý vị cùng theo dõi.

Từ khi bình thường hoá quan hệ với các nước lớn (Trung Quốc: năm 1991, Mỹ: năm 1995), Việt Nam bắt đầu hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu. Trong suốt quá trình hội nhập này, Việt Nam đã ký kết rất nhiều hiệp định thương mại tự do với các quốc gia và khối nước. Hiệp định thương mại tự do sớm nhất của Việt Nam chính là Hiệp định với ASEAN vào năm 1996, chỉ một năm sau khi nước ta gia nhập ASEAN. Tiếp đến, năm 2007, Việt Nam chính thức trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). 

Sau đó, Việt Nam đã hội nhâp ngày một sâu rộng hơn với nhiều hiệp định quan trọng đặc biệt là CPTPP vào cuối năm 2018 và gần nhất là Hiệp định Thương mại Tự do với EU (EVFTA) vừa được ký kết cuối tháng 6 vừa qua. Tính cho tới nay, Việt Nam đã ký 13 hiệp định thương mại trong đó 12 đã có hiệu lực. Việt Nam cũng đang đàm phán 3 hiệp định khác. Các cường quốc kinh tế lớn như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc đều đã có hiệp định thương mại với Việt Nam. 

Ai sẽ dẫn dắt nền kinh tế Việt Nam?
Ai sẽ dẫn dắt nền kinh tế Việt Nam nếu không phải các doanh nghiệp.

Có thể khẳng định, các hiệp định đã tạo cơ hội rất thuận lợi cho nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng nhanh trong nhiều năm qua. Hàng rào thuế quan giảm khi xuất khẩu sang các thị trường khác đã góp phần rất lớn trong việc giúp nâng cao kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, giúp việc thu hút các nguồn vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) vào Việt Nam. Theo số liệu thống kê tính đến tháng 7 năm 2017 do Bộ kế hoạch và Đầu tư công bố, tổng giá trị vốn FDI đăng ký tại Việt Nam từ đổi mới tới nay là 307,86 tỉ đô la Mỹ với 23,737 dự án, 59% trong số các dự án này là ở lĩnh vực công nghiệp chế biến và chế tạo. 

Vốn đầu tư nước ngoài (FDI) bước đầu đã tạo ra nhiều công ăn việc làm cho người Việt và tạo động lực thúc đẩy nền kinh tế theo hướng công nghiệp, hiện đại, phù hợp với những chuẩn mực của thế giới. Nhưng quá trình hội nhập này cũng tạo ra vô số thách thức, làm lộ ra những điểm yếu cố hữu của nền kinh tế nước ta.

Quy mô kinh tế Việt Nam ở mức xuất phát thấp và vẫn là một quốc gia nghèo so với các quốc gia khác mà chúng ta ký kết hiệp định thương mại. Nền sản xuất hàng hóa của nước ta vẫn nhỏ bé, chất lượng chưa cao và khó cạnh tranh với hàng hóa các nước. Chúng ta vẫn chỉ xuất khẩu chủ yếu là dầu khí, thuỷ hải sản, nông sản, hàng dệt may, đồ gỗ... Tỉ trọng sản phẩm công nghiệp xuất khẩu từ nước ta không nhỏ nhưng phần nhiều lại là từ các doanh nghiệp FDI chứ không phải của các doanh nghiệp Việt Nam. 

Như vậy, thực chất nền kinh tế của chúng ta vẫn yếu về nội lực khi hội nhập vào sân chơi toàn cầu. Nếu thách thức này không được giải quyết thì trong từ 3 tới 7 năm tới, khi các Hiệp định CPTTP và EVFTA có hiệu lực đầy đủ, toàn bộ nền kinh tế của chúng ta sẽ bị áp lực rất lớn đối với hàng nhập khẩu. Như vậy, Việt Nam chỉ còn thời gian 3 tới 7 năm để chuẩn bị tư thế cho mình. Vậy trong các khối doanh nghiệp hiện nay, Việt Nam có thể trông chờ vào lực lượng sản xuất nào để cạnh tranh được một cách sòng phẳng với doanh nghiệp nước ngoài. Ta hãy nhìn một thực trạng sau đây. 

Thứ nhất, khối doanh nghiệp FDI nước ngoài thực sự đang chiếm tỉ trọng lớn trong nền kinh tế. Khu vực này đang chiếm trên 72% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, trên 50% giá trị sản xuất công nghiệp, trên 17% tổng thu ngân sách nhà nước. Đầu tư nước ngoài đã đóng góp gần 20% GDP. Tuy vậy, cần thấy 59 % tổng vốn đầu tư nước ngoài tập trung vào lĩnh vực chế biến, chế tạo, tức là nhà đầu tư tới Việt Nam để tận dụng môi trường an ninh ổn định, nguồn nhân công giá rẻ và các ưu đãi của nhà nước để lắp ráp thành phẩm để xuất khẩu sang nước khác. Phần giá trị gia tăng của Việt Nam trong các thành phẩm này là thấp khi nền công nghiệp phụ trợ của nước ta chiếm tỉ lệ nhỏ.

Như vậy, sản phẩm xuất từ Việt Nam nhưng thực tế là sản phẩm nước ngoài. Hưởng lợi chủ yếu của Việt Nam là giải quyết việc làm cho người dân. Các doanh nghiệp FDI này tận dụng cơ hội tại Việt Nam trong một thời gian để kiếm lời do các hiệp định thương mại mang lại, rồi có thể rút khỏi nước ta khi vòng đời dự án đã hết hoặc khi có biến động xấu. Cuối cùng, nếu trông đợi vào doanh nghiệp FDI thì nền kinh tế Việt Nam vẫn là con số 0. Như vậy, doanh nghiệp FDI mới là người hưởng lợi từ hiệu quả của các Hiệp định thương mại mà Việt Nam đã ký, chứ không chỉ doanh nghiệp Việt Nam. 

Thứ hai, Việt Nam là nước có khối doanh nghiệp nhà nước (DNNN) chiếm ưu thế lớn. Hiện chúng ta có trên dưới 600 DNNN, trong đó gồm 9 tập đoàn và 65 tổng công ty, chủ yếu hoạt động trong các lĩnh vực then chốt của nền kinh tế. Một số doanh nghiệp nhà nước rất lớn, có đóng góp quyết định vào ngân sách quốc gia như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam PVN, Tập đoàn Điện lực Việt Nam EVN, Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel.

Tuy vậy, phải nhìn rõ sự thật rằng doanh nghiệp nhà nước hoạt động kém hiệu quả. Theo thống kê, các doanh nghiệp nhà nước phải bỏ ra gần 10 đồng vốn đầu tư mới thu được 1 đồng tăng trưởng, cao gấp gần 2 lần so với mức chỉ trên 5 đồng của khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và cao gấp hơn 1,5 lần so với mức trên 6 đồng của khu vực kinh tế tư nhân. 

Sự kém hiệu quả này là do thiếu vốn, yếu kém trong quản trị, xơ cứng trong điều hành, thiếu những chiến lược kinh doanh dài hạn bởi tư duy kinh tế theo nhiệm kỳ, lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước được bổ nhiệm thiếu chuyên môn lại có thời hạn nên thiếu động lực, và còn có tâm lý sợ làm lỗ dẫn tới thất thoát vốn nhà nước sẽ bị xử lý nên không dám đầu tư dài hơi, không dám chấp nhận lỗ trước mắt để thu lợi trong dài hạn.

Chính vì thế, đúng như Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Nhìn chung, hiệu quả kinh doanh và đóng góp của phần lớn các doanh nghiệp nhà nước còn thấp, chưa tương xứng với nguồn lực nhà nước đầu tư. Nhiều DNNN làm ăn thua lỗ, thất thoát, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực với những dự án đầu tư hàng ngàn tỉ đồng "đắp chiếu", làm trầm trọng thêm nợ xấu ngân hàng và nợ công quốc gia, gây bức xúc trong nhân dân".

Sự yếu kém này cũng khiến doanh nghiệp nhà nước đang thu hẹp dần, từ chỗ cả nước có hơn 12.000 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, đến năm 2001 giảm xuống còn 5.655 doanh nghiệp, đến nay chỉ còn trên dưới 600. Dự kiến tới năm 2020 chỉ còn 100 doanh nghiệp nhà nước đóng chốt ở những lĩnh vực quan trọng; Rõ ràng, với hiệu quả như hiện nay, không thể coi khối này là lực lượng chủ lực để cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài trong hành trình hội nhập và không đủ khả năng thực hiện những thuận lợi do các hiệp định thương mại mang lại. 

Thứ ba, cho tới nay, có thể khẳng định chắc chắn rằng nền kinh tế Việt Nam không thể trông chờ vào lực lượng sản xuất nào khác ngoài khối doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là những tập đoàn tư nhân lớn đang làm thay đổi diện mạo đất nước như Vingroup, Massan, Sungroup, Hoà Phát, Vietjet... Các doanh nghiệp kể trên đã được xếp vào danh sách những doanh nghiệp hàng đầu thế giới.

Tỷ trọng đóng góp cho GDP của khu vực kinh tế tư nhân, bao gồm cả kinh tế cá thể, luôn duy trì ổn định trong khoảng 39-40%. Các công ty tầm trung cũng đã đóng vai trò quyết định đối với xuất khẩu dệt may, thuỷ hải sản, nông sản, gỗ… cho Việt Nam. Rõ ràng, đây là lực lượng sản xuất hàng hóa của Việt Nam. Họ chính là những chiến binh để cạnh tranh với các đối tác nước ngoài là lực lượng chính thực hiện hiệp định thương mại giữa Việt Nam với các nước. 

Thực tế có những doanh nghiệp tư nhân đúng là những anh hùng trong nền kinh tế hiện nay. Dù còn nhiều khó khăn, không ai khác chính là tư nhân đã nắm bắt thị trường, huy động vốn nhanh, mạnh dạn đầu tư, quản trị hiệu quả để tạo ra lợi nhuận. Chỉ có tư nhân mới chấp nhận lỗ ban đầu đầu tư công nghệ tiên tiến để sản xuất hàng hóa, xây dựng những thương hiệu quốc gia cạnh tranh được với hàng hóa của các nước trên thế giới. Sau thương hiệu ô tô Vinfast của Việt Nam sẽ là thương hiệu gì nữa tiếp theo? 

Gần đây, tại Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII vào tháng 5 vừa qua, Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: "Bây giờ kinh tế tư nhân đang phát triển rất tốt. Đừng có kỳ thị với kinh tế tư nhân, phải công bằng. Nơi nào làm tốt phải biểu dương, khen thưởng, thậm chí phong danh hiệu anh hùng cho doanh nghiệp tư nhân.” 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh: "Chúng ta hiểu sâu sắc rằng xây dựng được những thương hiệu mạnh chính là phát huy mạnh mẽ lòng yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc và xây dựng văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam. Tôi mong các doanh nghiệp và doanh nhân Việt Nam sẽ tiếp nối VinFast thể hiện mãnh liệt tinh thần và trí tuệ Việt cháy bỏng khát vọng chiếm lĩnh thị trường trong nước, vươn tầm quốc tế để tiếp nối ra đời nhiều niềm tự hào Việt Nam". 

Như thế, các tập đoàn tư nhân chính là đầu tầu của nền kinh tế. Doanh nghiệp tư nhân phát triển đồng nghĩa với giảm nợ công cho Nhà nước. Nếu coi tư nhân là đội quân làm giàu và thịnh vượng cho đất nước thì nhà nước cần mở cho doanh nghiệp tư nhân cơ hội làm ăn, và các chính sách được bình đẳng như đối xử với các doanh nghiệp FDI, không bị ràng buộc bởi các thủ tục hành chính quá lâu để mất cơ hội đầu tư của các doanh nghiệp. Không thể để xảy ra tình trạng xin phép quá lâu như mở rộng nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất và không bị phạt khi lỗi là do sự sai phạm hoặc yếu kém của cơ quan quản lý nhà nước. 

Doanh nghiệp tư nhân có nhận xét nhà nước hiện nay vẫn ưu tiên doanh nghiệp FDI hơn các doanh nghiệp trong nước. Ví dụ, trong khi doanh nghiệp tư nhân Việt Nam phải đối mặt với nhiều khó khăn để thiết lập hệ thống siêu thị bán hàng Việt Nam thì doanh nghiệp nước ngoài mua lại một số siêu thị của doanh nghiệp Việt Nam một cách thuận lợi, kể cả những công ty đang làm ăn có lãi như trường hợp Big C, Alibaba và bia Sài Gòn. Họ được hưởng nhiều chính sách ưu đãi về đất đai, thuế khóa… Hàng hóa của họ mang vào bán ở siêu thị còn hàng hóa của Việt Nam dần dần bị họ đẩy ra khỏi các siêu thị này, và đang là đề tài tranh chấp trong những ngày vừa qua. 

Chúng ta có thể thấy doanh nghiệp tư nhân đang có những đóng góp quan trọng vào nền kinh tế nước ta, về tương lai nếu quan tâm đúng mức lực lượng lao động này, chúng ta sẽ thành công trên con đường xây dựng, phát triển kinh tế của đất nước và hội nhập quốc tế. 

Chúng ta mong chờ vào sự đổi mới mạnh mẽ của chính phủ về chính sách, thủ tục hành chính để thực hiện chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, để doanh nghiệp tư nhân trở thành đối tác chủ yếu thực hiện các hiệp định thương mại với nước ngoài và trở thành lực lượng chủ lực để xây dựng và phát triển đất nước bền vững, hiện đại và giàu có.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây