2018: Năm tươi sáng cho kinh tế toàn cầu

Thứ hai - 01/01/2018 21:02
(NDH) Gần 8 tỷ người trên Trái đất có thể mong đợi vào một năm mới tăng trưởng mạnh.
2018: Năm tươi sáng cho kinh tế toàn cầu

Khi đã quen với việc phàn nàn về tăng trưởng ì ạch, người ta có lẽ sẽ ngạc nhiên khi nhận ra rằng nền kinh tế toàn cầu vẫn đang "âm thầm" đi lên với một tốc độ bền vững và đáng nể. Độ biến động thị trường thấp nhất trong lịch sử. Ngay cả những người Đức hay hoài nghi giờ cũng vui vẻ. "Không có trở ngại rõ ràng", Clemens Fuest - Chủ tịch Viện IFO của Đại học Munich, nhận định.

Nền kinh tế đã đủ khỏe

Câu chuyện lớn cho 2018 có lẽ là làm thế nào để điều khiển quá trình mở rộng. Một bước ngoặt có thể sẽ xảy ra vào cuối tháng 9, khi Ngân hàng Trung ương châu Âu định cắt giảm hoặc ngừng mua các khoản mua trái phiếu hàng tháng.

Các ngân hàng trung ương mua trái phiếu để giảm lãi suất dài hạn. Và trong khi người Nhật vẫn tiếp tục mua, người Mỹ và ngay sau đó người châu Âu lại đang đặt cược rằng nền kinh tế cuối cùng cũng đủ khỏe để có thể tự "lớn" mà không cần chính phủ đỡ đầu. Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF liên tục công bố mức tăng trưởng dưới trung bình trong nhiều năm, giờ đây cũng nói rằng "tăng trưởng toàn cầu trong hoạt động kinh tế đang được củng cố".

(Nguồn: Bloomberg).

Các nhà kinh tế Bloomberg dự đoán Mỹ sẽ tăng trưởng 2,5% trong 2018; Trung Quốc, 6,4%; Nhật Bản, 0,9%; và Đức, 1,6%. Trong hầu hết các trường hợp, những con số này phù hợp với mức tăng trưởng dự kiến cho năm nay, một năm tốt hơn kỳ vọng.

Một lý do để lạc quan về triển vọng này là sự mở rộng toàn cầu dường như dựa trên nguyên tắc cơ bản mạnh mẽ: người tiêu dùng tự tin đang chi tiêu, các công ty tích cực đầu tư và thuê lao động.

"Miễn nhiễm" trước rủi ro chính trị

Một câu hỏi quan trọng cho năm 2018 là liệu doanh nghiệp và người tiêu dùng có tiếp tục "miễn nhiễm" trước một số mối đe dọa địa chính trị hay không. Còn cho đến nay, thị trường có vẻ vẫn bàng quan dù những tin tức xấu tràn đầy mặt báo.

Ví dụ điển hình nhất là Hàn Quốc, một trong những nước "đen đủi" nhất 2017 - Triều Tiên liên tục đe doạ tấn công hạt nhân, hàng loạt tập đoàn lớn dính bê bối, Tổng thống Park Geun-hye bị bãi nhiệm. Đó là chưa kể đến Tổng thống Mỹ Donald Trump còn cảnh báo rằng thỏa thuận tự do thương mại 2 bên có thể sẽ không "sống sót".

Mặc dù vậy, người Hàn vẫn mua sắm còn cổ phiếu đang ở mức cao gần kỷ lục. Ngân hàng trung ương nước này tự tin với triển vọng tăng lãi suất mới.

(Nguồn: Bloomberg).

Ở phía bên kia địa cầu, kinh tế Anh tăng trưởng tốt hơn dự kiến bất chấp tình hình Brexit đầy biến động. Hay Tây Ban Nha, nước có thể mất 1/5 của nền kinh tế nếu Catalonia tách ra? Trước cuộc trưng cầu dân ý đầy tham vọng của Catalonia vào tháng 9, Tây Ban Nha vẫn tự tin với mức tăng trưởng nhanh nhất trong 4 nền kinh tế lớn của châu Âu.

Điều gì đang chờ các nền kinh tế lớn?

Một trong những câu chuyện đáng theo dõi vào năm mới sẽ là cách Liên minh châu Âu EU phục hồi sau Brexit, khủng hoảng Catalonia và tranh cãi về tầm nhìn cho khu vực của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Angela Merkel (Ông Macron muốn các thành viên hội nhập hơn nữa về tài chính).

Sau đó, châu Âu sẽ bị xáo trộn bởi cuộc bầu cử Quốc hội châu Âu và lựa chọn Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu mới vào 2019. Paul Sheard, chuyên gia kinh tế của S&P Global đồng ý rằng "2018 sẽ là năm định hình cho EU".

(Nguồn: Bloomberg).

Trong tất cả các điểm nóng của thế giới, Mỹ có nhiều khả năng gây rung lắc nhất khi chỉ trong quý III, 4/10 nguyên nhân hàng đầu quan tâm đến từ cường quốc này.

Theo công ty phân tích D&B, rủi ro lớn nhất từ phía Mỹ là chính trị sẽ "cản trở các chính sách hỗ trợ tăng trưởng kinh tế", khiến doanh nghiệp giảm bớt việc thuê lao động và chi tiêu, "làm yếu đà phát triển toàn cầu". 3 rủi ro khác bao gồm Cục Dự trữ liên bang (Fed) tăng lãi quá nhanh; cải cách thuế không được như mong đợi; và tăng trưởng năng suất của đất nước không tăng tốc.

Tăng trưởng của Trung Quốc dự kiến sẽ trượt nhẹ trong 2018 khi Chủ tịch Tập Cận Bình thúc đẩy những thay đổi để giảm rủi ro và ổn định nền kinh tế, chẳng hạn như đóng cửa các công ty yếu kém.

Những câu hỏi còn bỏ ngỏ

Ngay cả khi nền kinh tế toàn cầu hoạt động tốt trong năm tới, thị trường tài chính có thể không được như vậy. Giá cổ phiếu và trái phiếu cao đến mức nhà đầu tư có thể rút tiền bất cứ lúc nào mà không cần nhiều "lực đẩy". Một mối lo ngại chung khác là sự phục hồi được xây dựng trên nợ quá nhiều nên các công ty sẽ chật vật để trả khi tăng trưởng suy yếu.

Bên cạnh đó, một số nhà hoạch định chính sách lo ngại rằng chính sự ổn định sẽ tự tạo ra bất ổn khi thị trường tự tin quá mức và hình thành bong bóng. "Nếu chúng ta quá lạc quan khi mọi thứ diễn ra trôi chảy, căng thẳng sẽ tích tụ dần và có thể dẫn tới một đợt điều chỉnh mạnh", Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc Chu Tiểu Xuyên phát biểu hồi tháng 10.

Các chính trị gia cũng không thể bình chân. Kinh tế cải thiện cũng không hàn gắn những chia rẽ chính trị và rất nhiều người lao động bình thường vẫn không tin tưởng vào chính phủ và nghi ngờ về tương lai.

Kết luận

(Nguồn: Bloomberg).

Có rất nhiều lý do để thận trọng nhưng trước thềm năm mới, hãy cứ yên tâm rằng: Kinh tế toàn cầu sẽ khả quan trong 12 tháng tới.

Nguồn tin: ndh.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

TƯƠNG TÁC NHIỀU

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây