Bình Định: Hiệu trưởng trường Tiểu học Lê Lợi, Quy Nhơn - sai phạm nối tiếp sai phạm...

Thứ ba - 17/09/2019 21:20
Trong công tác quản lý, điều hành các hoạt động của trường Tiểu học Lê Lợi, TP. Quy Nhơn, Bà Võ Thị Hồng - Hiệu trưởng nhà trường đã có nhiều sai phạm kéo dài. Giáo viên đã nhiều lần làm đơn tố cáo nhưng cho đến nay vụ việc vẫn chưa được xử lý thỏa đáng gây bức xúc trong dư luận…
Bình Định: Hiệu trưởng trường Tiểu học Lê Lợi, Quy Nhơn - sai phạm nối tiếp sai phạm...
binh dinh hieu truong truong tieu hoc le loi quy nhon sai pham noi tiep sai pham

Nhận được đơn của Giáo viên trường Tiểu học Lê Lợi, TP. Quy Nhơn tố cáo những sai phạm của Bà Võ Thị Hồng. Theo nội dung tố cáo, qua tìm hiểu ban đầu chúng tôi ghi nhận được những thông tin cụ thể:

Ký Hợp đồng lao động sai quy định…

Hàng năm, nhà trường có mở các lớp Bán trú, tổ chức cho học sinh ăn trưa tại trường. Trong nhiều năm liền, với tư cách là người đứng đầu, bà Võ Thị Hồng đã ký nhiều Hợp đồng lao động với Giáo viên và Nhân viên nhà trường không đúng quy định, chồng chéo thời gian làm việc, trái với Luật Viên chức và Luật Lao động. Cụ thể: Cô Nguyễn Thị Kim Th. - Nhân viên Thư viện và cô Bùi Thị Như L. - Giáo viên Thể dục, cả 02 cô đều là viên chức trong biên chế của nhà trường, 02 cô đã được bố trí công tác, giờ giấc làm việc theo vị trí việc làm cũng như hưởng các chế độ chính sách theo quy định của Nhà nước cho 02 chức danh chuyên môn này.

Tuy nhiên, bà Võ Thị Hồng với tư cách là Hiệu trưởng, đã đại diện cho trường Tiểu học Lê Lợi, ký Hợp đồng lao động với 02 cô Nguyễn Thị Kim Th. và cô Bùi Thị Như L. với chức danh, chuyên môn là Bảo mẫu. Theo 02 Hợp đồng lao động này thì cả 02 cô đều có thời giờ làm việc cho nhiệm vụ Bảo mẫu từ 7 giờ đến 8 giờ và từ 9 giờ 30 đến 14 giờ 00 phút (tổng số giờ làm việc trong ngày là 5,5 giờ/ngày).

Như vậy, thời gian thực hiện nhiệm vụ Bảo mẫu của 02 cô đều nằm trong khoảng thời gian 02 cô phải thực hiện nhiệm vụ cho chức danh chuyên môn là Nhân viên Thư viện - đối với cô Nguyễn Thị Kim Th. và Giáo viên Thể dục - đối với cô cô Bùi Thị Như L.. Sự phân công chồng chéo này đã tạo ra những dư luận không tốt ngay chính trong nội bộ nhà trường vì Hiệu trưởng Võ Thị Hồng vừa yêu cầu giáo viên, nhân viên nhà trường phải thực hiện đúng quy định về thời gian làm việc theo chức danh chuyên môn và vị trí việc làm nhưng cũng chính Hiệu trưởng Hồng lại phân công cho cô Nguyễn Thị Kim Th. và cô Bùi Thị Như L. “làm thêm giờ” của công việc bào mẫu trong chính “thời giờ đang làm việc” của 2 cô theo vị trí việc làm của biên chế.

Không những sai phạm trong việc ký Hợp đồng lao động với 02 cô Nguyễn Thị Kim Th. và Bùi Thị Như L., Bà Võ Thị Hồng đã nhiều lần ký Hợp đồng lao động với cô Trần Thị Thúy Hằng trong thời gian dài nhưng không thực hiện việc đóng Bảo hiểm xã hội cho người lao động, vi phạm quy định tại điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội.

Việc ký Hợp đồng lao động không tuân thủ pháp luật về lao động của Hiệu trưởng Võ Thị Hồng thể hiện sự thiếu hiểu biết về những quy định của Nhà nước trong việc sử dụng lao động, phân công, quản lý giáo viên, nhân viên nhà trường hay vì lý do nào khác ? Câu trả lời dành cho các cơ quan quản lý trực tiếp trường Tiểu học Lê Lợi và Hiệu trưởng Võ Thị Hồng…

binh dinh hieu truong truong tieu hoc le loi quy nhon sai pham noi tiep sai pham
Thầy Lâm Vịnh-Giáo viên trường Tiểu học Lê Lợi đang trình bày nội dung tố cáo sai phạm của Hiệu trưởng Võ Thị Hồng

Tự ý tuyển học sinh trái tuyến trước khi được cấp trên cho phép

Theo quy định tại Công văn số: 280/GDĐT-TH ngày 03/6/2019 của Phòng Giáo dục và Đào tạo TP Quy Nhơn thì địa bàn tuyển sinh năm học 2019 - 2020 của trường Tiểu học Lê Lợi là toàn bộ trẻ em đúng 6 tuổi có hộ khẩu thường trú tại Phường Lê Lợi. Việc tuyển học sinh trái tuyến (không có hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú ở địa bàn trường tổ chức tuyển sinh) chỉ được tiến hành sau khi còn chỉ tiêu và phải được UBND thành phố cho phép.

 

Theo Công văn số: 280/GDĐT-TH thì phải đến chiều ngày 08/8/2019 Phòng Giáo dục và Đào tạo TP. Quy Nhơn mới duyệt kết quả xét tuyển học sinh vào lớp 1 trường Tiểu học Lê Lợi (xét duyệt kết quả tuyển học sinh có hộ khẩu thường trú tại Phường). Thế nhưng, bà Võ Thị Hồng đã tự ý phát hành và thu nhận Hồ sơ tuyển học sinh trái tuyến vào trường từ tháng 7/2019.

binh dinh hieu truong truong tieu hoc le loi quy nhon sai pham noi tiep sai pham
Danh sách Học sinh và chỉ định Giáo viên chủ nhiệm lớp 1A có tên 09 HS xin học trái tuyến được Hiệu trưởng xếp vào lớp trước khi được cấp trên cho phép.

Một điều lạ nữa, theo Danh sách Học sinh các lớp 1, năm học 2019 - 2020 của trường được phân chia lớp và chỉ định cụ thể Giáo viên chủ nhiệm từng lớp đã hình thành được Hiệu trưởng ký từ ngày 09/8/2019 và trong Danh sách này có cả tên những học sinh xin học trái tuyến. Tuy nhiên danh sách những học sinh này phải đến 10h07’ ngày 12/8/2019 Phòng Giáo dục và Đào tạo TP Quy Nhơn mới có thông báo được UBND thành phố cho phép tuyển bổ sung. Như vậy, không cần tuân theo hướng dẫn của cấp trên, không cần xét duyệt, không cần được cấp trên cho phép, bà Võ Thị Hồng đã tự cho phép mình toàn quyền quyết định việc tiếp nhận, phân bổ học sinh trái tuyến vào các lớp 1 trước khi được cấp trên cho phép !?

Theo tố cáo của ông Lâm Vịnh - Giáo viên nhà trường, thêm một bất cập nữa là các khối lớp 2,3,4 và 5 thì sau khi có danh sách học sinh từng lớp, giáo viên của khối lớp tự bốc thăm để làm chủ nhiệm lớp. Riêng khối lớp 1 thì bà Hồng dùng quyền Hiệu trưởng để chỉ định Giáo viên chủ nhiệm từng lớp, điều này dẫn đến việc bất bình cho các giáo viên của khối lớp 1 vì đầu vào học sinh như nhau tại sao phải chỉ định !? Trao đổi với phóng viên về việc này bà Hồng giải thích một cách lấp lửng: “Do các lớp 2,3,4 và 5 đã được học quen nên cần bốc thăm để tạo sự công bằng, riêng lớp 1 thì theo quy định Hiệu trưởng được quyền phân công nên tôi có quyền phân công cho các cô…”.

binh dinh hieu truong truong tieu hoc le loi quy nhon sai pham noi tiep sai pham
Danh sách Học sinh xin học trái tuyến được Phòng GD & ĐT TP Quy Nhơn cho phép tuyển bổ sung thông báo về trường lúc 10:07:52 ngày 12/8/2019 nhưng số học sinh này đã được Hiệu trưởng tiếp nhận và xếp lớp từ ngày 09/8/2019

Tuy nhiên, có dư luận cho rằng có hiện tượng học sinh vào lớp 1 phụ huynh muốn con vào học lớp nào, cô nào chủ nhiệm thì đến “gặp riêng” Hiệu trưởng sẽ được phân lớp theo “yêu cầu”. Cụ thể trong Danh sách học sinh lớp 1A năm học 2019 - 2020 có 09 học sinh thuộc diện tuyển sinh trái tuyến (nghĩa là phải nộp hồ sơ sau khi đã xét duyệt tuyển học sinh đúng tuyến và được cho phép bổ sung) “bị ưu ái” đưa vào lớp !? Bên cạnh đó còn có 09 học sinh học 2 buổi/ngày cũng “bị” chung số phận. Với những biểu hiện khác thường trong công tác tuyển học sinh trái tuyến vào lớp 1 và phân lớp như vậy đã phần nào khẳng định dư luận trên là có cơ sở. Đề nghị UBND và ngành Giáo dục thành phố cần kiểm tra, làm rõ điều này ?!

Dì “phân công nhiệm vụ” cho cháu ruột, thao túng nguồn thu học sinh bán trú

Từ sau khi bà Trần Thị Thúy Hằng (cháu gọi bà Hồng là Dì ruột - bà Hằng là con gái của em ruột bà Hồng) không được Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố tiếp tục ký Hợp đồng làm nhiệm vụ Kế toán tại trường Tiểu học Lê Lợi; Nhiều năm liền, bà Hồng dùng Hội Cha mẹ học sinh của trường có Biên bản đề nghị nhà trường ký Hợp đồng lao động đích danh với bà Trần Thị Thúy Hằng, lúc thì với nhiệm vụ ‘Kế toán bán trú” lúc thì làm “Nhân viên thu tiền, gọi và kiểm tra thực phẩm”. Căn cứ vào Hợp đồng lao động với bà Hằng, Dì Hiệu trưởng phân công cho cháu gần như nắm giữ, thao túng nguồn thu, chi từ tổ chức “bán trú”.

Cụ thể, tại Quyết định số 99A/QĐ-THLL ngày 10/9/2018 V/v Thành lập Ban quản lý - phục vụ hoạt động bán trú và 2 buổi/ngày Năm học 2018 - 2019 thì bà Trần Thị Thúy Hằng, nhân viên hợp đồng được phân công là Ủy viên của Ban quản lý. Trong bản “Phân công nhiệm vụ Ban quản lý - Hoạt động bán trú và 2 buổi/ngày Năm học 2018-2019” (Kèm theo Quyết định số 99A/QĐ-THLL ngày 10/9/2018), bà Trần Thị Thúy Hằng được Hiệu trưởng Võ thị Hồng phân công nhiệm vụ: “Thu các khoản của CMHS đóng góp cho con em ăn học bán trú và 2 buổi/ngày; Gọi thực phẩm để chế biến thức ăn cho học sinh bán trú hàng ngày. Phụ trách gọi nhập quà xế, kiểm tra số lượng thực phẩm và các nhu yếu phẩm (đường, bột ngọt, giấy vệ sinh, dầu ăn, muối … ). Tổng hợp thực phẩm và quà xế hàng tháng, …”.

Qua việc Dì Hiệu trưởng “phân công nhiệm vụ” cho cháu là Nhân viên Kế toán hợp đồng trực tiếp thực hiện việc thu chi, sử dụng gần như toàn bộ các khoản đóng góp của Cha mẹ học sinh cho con em ăn học bán trú và 2 buổi/ngày của trường trong nhiều năm liền rõ ràng là một việc làm “có mục đích” được che đậy dưới vỏ bọc “phân công nhiệm vụ” !?

Công tác quản lý cơ sở vật chất, trang thiết bị nhà trường

Trong nhiều năm liền, Bà Võ Thị Hồng đã ký Hợp đồng sửa chữa cơ sở vật chất, trang thiết bị nhà trường dưới hình thức “chào giá, chỉ định thầu” với duy nhất một đơn vị là Cty TNHH thương mại dịch vụ V.P. có địa chỉ cụ thể tại phường Đống Đa, TP. Quy Nhơn. Theo tố cáo của ông Lâm Vịnh thì phải chăng đây là một hình thức “biến tướng” để né tránh việc đấu thầu công khai trong quy định mua sắm mới trang thiết bị ?

Tìm hiểu theo Phụ lục Bảng giá hợp đồng được ký năm 2018 thì kinh phí sửa chữa cho một chiếc ghế ngồi của học sinh Tiểu học có kích thước (D x R x C): (360 x 340 x 370)mm được hợp đồng sửa chữa với giá 500.000 đồng/cái bao gồm các nội dung: Thay 2 cây chân trước ghế (357 x 40 x 30)mm; Thay 2 cây chân sau ghế (630 x 70 x 30)mm; Thay 1 cây giằng chân (250 x 20 x 20)mm; Thay 2 cây giằng chân (280 x 20 x 20)mm; Thay 2 cây diềm hông ghế (250 x 40 x 20)mm; Thay 2 cây diềm trước, sau ghế (250 x 40 x 20)mm; Thay 1 cây tựa lưng (250 x 100 x 13)mm; Thay 1 cây tựa lưng (250 x 30 x 13)mm. Khi được hỏi với một chiếc ghế ngồi của học sinh Tiểu học chỉ còn giữ lại duy nhất mỗi mặt ghế, phải thay thế 13 chi tiết và hoàn thiện phun PU, liệu việc đánh giá giá trị còn lại để sửa chữa có khách quan, tỷ lệ giá trị còn lại được phép sửa chữa có đúng quy định không thì bà Hồng cho biết đấy là phần việc của Kế toán. Hơn thế nữa các Hợp đồng này đã được cấp trên thẩm định, phê duyệt dự toán…

binh dinh hieu truong truong tieu hoc le loi quy nhon sai pham noi tiep sai pham
Phụ lục Bảng giá Hợp đồng sửa chữa bàn ghế học sinh năm 2018 (kèm theo Hợp đồng nhưng không ghi ngày, tháng)

Bên cạnh đó, việc quản lý cơ sở vật chất, tài sản nhà trường còn khá nhiều bất cập. Theo thông tin chúng tôi có được, tính đến ngày 13/9/2019 nhà trường vẫn còn sử dụng số lượng lớn bàn ghế học sinh 4 chỗ ngồi (108 bộ) được đặt tại 8 phòng học gồm: phòng 9 (lớp 4A); phòng 10 (lớp 4B); phòng 11 (lớp 4C); phòng 12 (lớp 4D); phòng 15 (lớp 3G); phòng 22 (lớp 5H); phòng 24 (lớp 5B); phòng 25 (lớp 5A) và phòng ăn cho lớp 1C (gần nhà bếp) mặc dù theo hồ sơ thì số lượng bàn ghế này đã được… thanh lý từ trước năm 2018 ! Với số lượng lớn bàn ghế 4 chỗ ngồi đã được thanh lý nhưng nhà trường vẫn tiếp tục sử dụng như vậy số lượng bàn ghế đã bỏ kinh phí ra sửa chữa, đóng mới để bổ sung thay thế cho số lượng bàn ghế này hiện nay cụ thể là đang nằm ở đâu ?

Nhiều dư luận cần được làm rõ…

Theo thông tin có được thì đơn vị cung cấp quà xế cho học sinh của trường, hàng tuần hay tháng, tùy lượng quà tiêu thụ họ có “ủng hộ” cho Công đoàn nhà trường một số tiền để chi dùng cho các hoạt động của Công đoàn. Được biết, trong khoản thu theo Quy chế quỹ bán trú và 2 buổi ngày của nhà trường thì tiền quà xế là khoản chi nhỏ trong số tiền cha mẹ học sinh đóng góp. Thế nhưng, đơn vị cung cấp quà xế có trích ủng hộ cho các hoạt động của Công đoàn vậy thì những đơn vị khác có trích ủng hộ không ? Nếu có, ủng hộ vào khoản nào và được chi tiêu như thế nào ?

Các ngành liên quan cũng cần làm rõ có hay không việc bà Võ Thị Hồng đã nhiều lần dùng quyền Hiệu trưởng để áp đặt, độc đoán, thiếu dân chủ, không tôn trọng đồng nghiệp. Trong nhiều cuộc họp Hội đồng nhà trường, bà Hồng đã có hành vi không cho giáo viên phát biểu ý kiến, cụ thể là đã nhiều lần không cho ông Lâm Vịnh trình bày ý kiến, phát biểu quan điểm trong công tác.

 

Năm học mới vừa bắt đầu, trong thư Chúc mừng năm học mới 2019 - 2020 Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhắc nhở ngành Giáo dục cần: “… xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện…”. Thiết nghĩ, ngành Giáo dục tỉnh Bình Định, Lãnh đạo UBND và Phòng Giáo dục và Đào tạo TP. Quy Nhơn cần kiểm tra, xác minh, làm rõ và có giải pháp kịp thời uốn nắn, chấn chỉnh, xử lý rốt ráo, dứt điểm những sai phạm…

Thục Minh

 

 

Nguồn tin: tamnhin.net.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây