Sẽ tăng mức phạt nhà báo và cơ quan báo chí

Chủ nhật - 30/07/2017 05:46
(Phapluat News) - Thêm nhiều hành vi bị chế tài, tăng mức xử phạt hành chính và thêm các hình thức phạt bổ sung, trong đó có thể tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động của cơ quan báo chí đến 12 tháng...
Hình minh họa
Hình minh họa

 

 

Đó là những điểm mới trong Dự thảo Nghị định Xử phạt hành chính trong lĩnh vực báo chí, xuất bản đang được Bộ Thông tin và Truyền thông hoàn thiện để trình Chính phủ chuẩn bị ban hành.

Tuổi Trẻ đã có cuộc trao đổi với ông Ngô Huy Toàn, Trưởng phòng thanh tra báo chí và thông tin trên mạng (thuộc Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông).

Những quy định xử phạt trong dự thảo nghị định mới có những thay đổi như thế nào, thưa ông?

- Dự thảo nghị định mới được sửa đổi hầu hết có các điều liên quan đến hoạt động báo chí trong nghị định 159 hiện hành.

Một số hành vi phải tăng mức phạt để đảm bảo tính răn đe và phù hợp với tính chất của hành vi vi phạm.

Chẳng hạn: quy định mức phạt đối với cá nhân sẽ bằng 1/2 mức phạt đối với tổ chức. Đặc biệt, dự thảo nghị định mới còn tăng cường các biện pháp xử phạt bổ sung để có tính răn đe cao hơn.

Tại dự thảo nghị định mới này, thời gian tước quyền sử dụng giấy phép đối với cơ quan báo chí tăng lên có thể đến 12 tháng. Trước đây tối đa là ba tháng.

Dự thảo nghị định mới cũng quy định chi tiết và bổ sung thêm một số hành vi bị cấm trong hoạt động báo chí, có nhiều chế tài mới, như xâm phạm quyền bình đẳng trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam, gây chia rẽ tôn giáo, xúc phạm tín ngưỡng, thông tin ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường về thể chất và tinh thần của trẻ em...

Dự thảo nghị định mới còn điều chỉnh hành vi đăng, phát thông tin xuyên tạc, vu khống nhằm xúc phạm danh dự, uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân mà không cần tùy thuộc vào mục đích của hành động, chủ ý hay vô ý.

Trong dự thảo có quy định xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến trang thông tin điện tử tổng hợp. Tức là trang thông tin điện tử tổng hợp đã được coi là một loại hình báo chí?

- Trên thực tế, trang thông tin điện tử tổng hợp gắn kết chặt chẽ với báo chí. Mặt khác, quy định về thông tin điện tử đã được đề cập trong Luật báo chí 2016.

Vì vậy việc chuyển các quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực thông tin điện tử sang nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản là phù hợp.

Sẽ tăng mức phạt nhà báo và cơ quan báo chí
Ông Ngô Huy Toàn - Ảnh: T.HÀ


Thưa ông, một số điểm quy định trong dự thảo nghị định có thể ảnh hưởng đến quyền tác nghiệp của nhà báo như quy định xử phạt đối với hành vi “không ghi rõ họ tên thật hoặc bút danh các tác giả, nhóm tác giả của tin bài khi sử dụng” hay xử phạt hành vi “đăng, phát ảnh của cá nhân mà không được sự đồng ý của người đó, trừ các trường hợp pháp luật có quy định khác”?

- Những quy định chế tài cho các hành vi kể trên không phải là mới, đã được quy định tại nghị định hiện hành số 159/2013/NĐ-CP. Đồng thời đó cũng là những hành vi đã có quy định trong Luật dân sự, mà không có luật chuyên ngành hay nghị định nào có thể vượt qua.

Trong đó, cũng phải nói rõ thêm: dự thảo nghị định mới chỉ đặt ra chế tài đối với hành vi không ghi tên tác giả - kể cả là bút danh - dưới các tác phẩm báo chí.

Còn việc sử dụng bút danh đối với những tác phẩm báo chí nhằm bảo vệ sự an toàn cho nhà báo, kể cả việc dùng bút danh “PV”, “nhóm PV” cũng vẫn là hợp lệ nếu tòa soạn biết rõ tác giả bài báo.

Quy định này nhằm xử lý đối với tình trạng hiện nay có một số bài báo được đăng tải dưới danh nghĩa ý kiến bạn đọc, khi có vấn đề thì tòa soạn cho biết không xác định được tác giả.

Tương tự, đối với quy định “đăng, phát ảnh của cá nhân mà không được sự đồng ý của người đó, trừ các trường hợp pháp luật có quy định khác”, cần lưu ý phần “trừ các trường hợp có quy định khác”.

Tức là hiện nay đã có quy định rõ về những trường hợp nào đăng phát ảnh cá nhân mà không cần sự đồng ý (tại các cuộc họp công khai, họp báo, sinh hoạt tập thể, biểu diễn, xét xử công khai...), trường hợp nào phải có sự đồng ý...

Việc đưa ra quy định này đối với báo chí là cần thiết và cũng thể hiện một xu thế tích cực trong việc ngày càng tôn trọng quyền riêng tư của cá nhân.

* Trong dự thảo không thấy thể hiện hình thức chế tài như “buộc thu hồi thẻ nhà báo”, “buộc thu hồi giấy phép”... Có sự thay đổi đối với các hình thức chế tài này không, thưa ông?

- Đây là các biện pháp thuộc thẩm quyền của Bộ Thông tin và Truyền thông. Nếu các đối tượng vi phạm các quy định thuộc diện phải thu hồi thẻ nhà báo, thu hồi giấy phép thì bộ sẽ có quyết định thu hồi theo các quy định đã có trong Luật báo chí 2016, không cần thiết phải quy định thành hình thức chế tài trong xử phạt hành chính nữa.

Tác giả bài viết: Thanh Hà (thực hiện)

Nguồn tin: TTO

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

TƯƠNG TÁC NHIỀU

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây