Hội đồng trường sẽ được quyền bổ nhiệm và cách chức hiệu trưởng

Thứ ba - 29/08/2017 03:19
(Phapluat News) - Dự thảo Nghị định quy định cơ chế tự chủ các cơ sở giáo dục đại học công lập cho thấy sẽ có nhiều thay đổi lớn trong hoạt động của các trường sau khi nghị định được ban hành.
Hội đồng trường sẽ được quyền bổ nhiệm và cách chức hiệu trưởng

Nghị định bao gồm 3 chương trong đó chương 2 là nội dung chính, quy định cơ chế tự chủ của các trường đại học, gồm: Tự chủ về hoạt động đào tạo, khoa học công nghệ, tự chủ về bộ máy nhân sự và tự chủ về tài chính

Các trường được tự mở ngành, xác định chỉ tiêu

Theo dự thảo, các trường đại học sẽ được tự chủ về hoạt động đào tạo, khoa học công nghệ, cụ thể là tự quyết định quy mô đào tạo, chỉ tiêu tuyển sinh và mở ngành đào tạo phù hợp với điều kiện về giảng viên, cán bộ và cơ sở vật chất của trường, đảm bảo chất lượng đầu ra đáp ứng nhu cầu xã hội.

Các trường cũng được quyết định phát triển chương trình chương trình đào tạo, phương pháp đào tạo, hình thức đào tạo, phương pháp kiểm tra, đánh giá cũng như công tác tổ chức đào tạo.

Bên cạnh đó, các trường cũng sẽ tự quyết định in, cấp phát và quản lý văn bằng, chứng chỉ theo quy định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền và quy định riêng của cơ sở giáo dục đại học.

tự chủ đại học,nghị định,giáo dục đại học,trường đại học,hội đồng trường,hiệu trưởng
Các trường đại học sẽ được tự mở ngành đào tạo cũng như chỉ tiêu và quy mô đào tạo của mình. Ảnh minh họa: Lê Văn.

Việc liên kết đào tạo, tổ chức hoạt động khoa học công nghệ các trường cũng sẽ được tự chủ tối đa. Theo đó, các trường được tự xác định các hướng nghiên cứu và thực hiện thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học, quyết định tham gia các nhiệm vụ khoa học công nghệ, dịch vụ khoa học công nghệ với các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước.

Tuy nhiên, dự thảo nghị định cũng quy định rõ, trước 60 ngày tính đến ngày ra quyết định mở ngành, quyết định liên kết đào tạo, thông báo chỉ tiêu tuyển sinh, các trường đại học phải công khai hồ sơ chứng minh đủ điều kiện lên trang thông tin điện tử của đơn vị và báo cáo Bộ GD-ĐT.

Hội đồng trường có quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm hiệu trưởng

Vệ tổ chức bộ máy, nhân sự, dự thảo nghị định nêu rõ, các trường có quyền quyết định thành lập, sáp nhập, chia, tách, giải thể các phòng ban, bộ môn, tổ chức khoa học công nghệ, tổ chức phục vụ đào tạo, cơ sở sản xuất kinh doanh... cũng như các đơn vị liên doanh, liên kết với các tổ chức, cá nhân, daonh nghiệp.

Về nhân sự, các trường có quyền quyết định hướng phát triển nguồn nhân lực của nhà trường, quyết định vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp, số lượng người làm việc phù hợp với chức năng, nhiệm vụ.

Trường cũng có quyền tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức, người lao động cũng như các chế độ, chính sách thu hút, đãi ngộ, đào tạo, bồi dưỡng, khen thưởng đối với viên chức và người lao động.

tự chủ đại học,nghị định,giáo dục đại học,trường đại học,hội đồng trường,hiệu trưởng
Các đại biểu tham dự hội nghị hiệu trưởng các trường đại học năm 2016 tại Đà Nẵng. Ảnh: Lê Văn.

Đặc biệt, dự thảo nghị định quy định rõ trường cũng được quyền bổ nhiệm miễn nhiệm, cách chức các chức danh quản lý của đơn vị trực thuộc cũng như thực hiện quy trình bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức hiệu trưởng, phó hiệu trưởng theo quy định, sau đó trình cấp có thẩm quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm hoặc cách chức.

Việc thực hiện quy trình bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức hiệu trưởng, phó hiệu trưởng sẽ do hội đồng trường thực hiện.

Nghị định có hẳn một khoản riêng quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của hội đồng trường.

Theo đó, ngoài việc thực hiện quy trình bổ nhiệm, miễn nhiệm hiệu trưởng, hiệu phó, hội đồng trường cũng sẽ quyết nghị các nội dung tự chủ của trường.

Cụ thể, hội đồng trường cũng sẽ thông qua kế hoạch tài chính hàng năm, mức thu phí các loại dịch vụ giáo dục đào tạo và định mức chi các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ, báo cáo quyết toán tài chính hàng năm của nhà trường và các vấn đề quan trọng khác của trường theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, hội đồng trường cũng quyết nghị chủ trương về thu, chi tài chính, mua sắm tài sản, thiết bị, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, huy động các nguồn lực cần thiết để phát triển hoạt động nhà trường.

Ngoài ra, căn cứ điều kiện thực tế của đơn vị, hội đồng trường giao cho hiệu trưởng được quyền quyết định một số nội dung cụ thể về thu, chi tài chính, mua sắm tài sản, thiết bị, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất.

Về cơ cấu, hội đồng trường có số lượng thành viên là số lẻ, tối thiểu là 19 thành viên. Trong đó số lượng thành viên bên ngoài tham gia hội đồng trường chiếm không dưới 30% tổng số thành viên của hội đồng trường.

Các trường sẽ được hỗ trợ tài chính tới năm 2020

Quy định về tự chủ tài chính của dự thảo nghị định cho phép các trường tự quyết định mức thu học phí theo quy định của pháp luật về giá.

Tuy nhiên, các trường phải công khai mức thu học phí từng năm và dự kiến cho cả khóa học trước khi tuyển sinh.

Đối với nguồn ngân sách nhà nước cấp chi thường xuyên sẽ hỗ trợ các trường chi thường xuyên sau khi chuyển sang cơ chế tự chủ tài chính đến hết năm 2020.

Mức hỗ trợ chi thường xuyên hàng năm ổn định bằng mức ngân sách cấp chi thường xuyên cho cơ sở giáo dục đại học trong năm trước liền kề năm chuyển sang cơ chế tự chủ.

tự chủ đại học,nghị định,giáo dục đại học,trường đại học,hội đồng trường,hiệu trưởng
Trường ĐH Kinh tế quốc dân, một trong 23 trường đang thí điểm cơ chế tự chủ theo Nghị quyết 77 năm 2014. Ảnh: Lê Văn.

Cơ sở giáo dục đại học đã chuyển sang thực hiện cơ chế tự chủ tài chính trước thời điểm Nghị định này ban hành, được nhà nước thí điểm cấp kinh phí theo cơ chế đặt hàng hoặc giao nhiệm vụ giao kinh phí trong giai đoạn từ năm 2018 đến 2020.

Từ năm 2021, ngân sách nhà nước cấp cho cơ sở giáo dục đại học tự chủ theo cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ theo quy định.

Ngoài ra, nhà nước tiếp tục cấp vốn đầu tư phát triển cho cơ sở giáo dục đại học đối với các dự án đầu tư dở dang và các dự án đầu tư khác được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của Luật Đầu tư công.

Về vấn đề sử dụng tài chính, các trường phải thực hiện đúng quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng, mua sắm đối với nguồn ngân sách nhà nước cấp.

Các trường được tự quyết định nội dung và mức chi từ các nguồn thu học phí và thu sự nghiệp, nguồn ngân sách cấp chi thường xuyên, nguồn kinh phí đặt hàng, giao nhiệm vụ, bao gồm cả chi tiền lương, chi hoạt động chuyên môn, chi quản lý và quy định trong quy chế chi tiêu nội bộ của trường.

Dự thảo quy định rõ, sau khi hạch toán đầy đủ các khoản chi phí, nộp thuế và các khoản nộp ngân sách nhà nước khác (nếu có) theo quy định, phần chênh lệch thu chi nếu có, cơ sở giáo dục đại học phải trích tối thiểu 25% để lập quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp. Mức cấp học bổng tối thiểu phải bằng mức học phí hiện hành của nhà trường.

Cơ sở giáo dục đại học đủ điều kiện được vận dụng cơ chế tài chính như doanh nghiệp xây dựng Đề án vận dụng cơ chế tài chính như doanh nghiệp, báo cáo cơ quan chủ quản để phê duyệt.

Ngoài ra, các trường cũng được tự chủ trong giao dịch tài chính và quản lý sử dụng tài sản.

Dự thảo nghị định dành hẳn một điều riêng cho trách nhiệm giải trình của các trường sau khi tự chủ. Theo đó, các trường phải thực hiện báo cáo, xây dựng các quy chế ch tiêu nội bộ, sử dụng tài sản, thực hiện kiểm toán độc lập, tự chịu trách nhiệm với các quyết định cũng như bắt buộc phải công khai các thông tin theo quy chế.

Bộ Nội vụ sửa đổi, bổ sung quy định tuyển dụng

Trong chương tổ chức thực hiện, dự thảo nghị định đưa ra trách nhiệm của các bộ, ngành, trong đó nêu rõ, trách nhiệm của Bộ Nội vụ là rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy định về tuyển dụng, sử dụng, quản lý viên chức và người lao động trong cơ sở giáo dục đại học phù hợp với quy định của nghị định này.

Bộ Tài chính có trách nhiệm thẩm định, bố trí dự toán ngân sách hỗ trợ chi thường xuyên cho cơ sở giáo dục đại học tự chủ từ nay đến hết năm 2020 đồng thời hướng dẫn các đơn vị xây dựng dự toán để tổng hợp bố trí dự toán ngân sách cho các đơn vị theo phương thức đặt hàng giao nhiệm vụ từ sau năm 2020 và hướng dẫn cơ sở giáo dục đại học tự chủ thực hiện mức thu theo cơ chế giá dịch vụ.

Đầu tháng 10 sẽ có hội nghị tổng kết đề án thí điểm tự chủ đại học

Đầu tháng 10 tới đây Bộ GD-ĐT sẽ tổ chức hội nghị tổng kết việc thực hiện thí điểm tự chủ đại học công lập theo Nghị quyết số 77/NQ-CP ngày 24/10/2014 của Chính phủ về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với cơ sở giáo dục đại học công lập giai đoạn 2014 – 2017. Hiện đã có 23 trường đang thực hiện thí điểm tự chủ đại học theo nghị quyết này

Theo dự kiến, Nghị định quy định cơ chế tự chủ của cơ sở giáo dục đại học công lập đã được trình lên Chính phủ, dự kiến sẽ thông qua trong thời gian tới.

 

Tác giả bài viết: Lê Văn

Nguồn tin: vietnamnet.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

TƯƠNG TÁC NHIỀU

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây