Băn khoăn dự luật phòng chống tham nhũng

Thứ tư - 06/09/2017 21:12
(Phapluat News) - Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng kê khai tài sản không minh bạch, không kiểm soát được tài sản cán bộ thì không thể nào phòng chống được tham nhũng
Băn khoăn dự luật phòng chống tham nhũng

Ngày 6-9, Ủy ban Tư pháp (UBTP) của Quốc hội (QH) đã họp phiên thẩm tra dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng (PCTN) sửa đổi. Nhiều ý kiến của UBTP, Ủy ban Kiểm tra trung ương, Bộ Công an, TAND Tối cao, VKSND Tối cao, Kiểm toán Nhà nước… cùng bày tỏ sự băn khoăn về hiệu quả PCTN của dự luật này.

Em chồng, anh chồng... "vô can"

Đại diện cơ quan soạn thảo, Thanh tra Chính phủ cho biết dự thảo Luật PCTN có nhiều điểm mới so với Luật PCTN hiện hành, nổi bật là Mục 3 - Xây dựng chế độ liêm chính.

Theo đó, điều 23 của dự thảo quy định: Không bố trí là người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị đối với người thuộc một trong các trường hợp sau: Có bố đẻ, bố nuôi, mẹ đẻ, mẹ nuôi, bố chồng, mẹ chồng, bố vợ, mẹ vợ, anh ruột, chị ruột, em ruột, anh rể, em rể, chị dâu, em dâu làm công tác tổ chức nhân sự, kế toán - tài vụ, làm thủ quỹ, thủ kho hoặc làm việc tại các vị trí có nguy cơ phát sinh tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị mà người đó được dự kiến bố trí là người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu hoặc cơ quan, tổ chức, đơn vị trực thuộc... Như vậy theo quy định của dự Luật PCTN sửa đổi, em chồng không được quy định là "người thân" của người đứng đầu.

Băn khoăn dự luật phòng chống tham nhũng - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Đình Quyền, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lập pháp - Ủy ban Thường vụ Quốc hội, góp ý dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng

Chủ trì phiên thẩm tra, Chủ nhiệm UBTP Lê Thị Nga cho biết Kết luận số 10/2016 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết trung ương 3 (khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCTN, lãng phí cũng nêu không bố trí "người nhà" làm trong lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng. Luật Hôn nhân gia đình có khái niệm "người thân thích", còn trong xã hội có khái niệm "người thân"; Luật Doanh nghiệp có khái niệm người liên quan… "Như vậy, thiếu anh chồng, em chồng được xem là "người thân" trong dự Luật PCTN (sửa đổi) thì đã đủ chưa? Có cần mở rộng thêm đối tượng này và đối tượng khác không?" - bà Lê Thị Nga đặt vấn đề.

Cơ quan Đảng tham gia

Một trong những điểm mới của dự luật nhận được nhiều góp ý là quy định trách nhiệm của Ủy ban Kiểm tra trung ương là kiểm tra, giám sát và xử lý kỷ luật đối với đảng viên có hành vi tham nhũng; quản lý bản kê khai tài sản, thu nhập, kiểm soát tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai…

Thanh tra Chính phủ cho rằng quy định mới nêu trên xuất phát từ việc các cơ quan này có vai trò rất quan trọng trong công tác PCTN. Đồng thời, các quy định này cũng căn cứ trên cơ sở các quy định về chức năng, nhiệm vụ của Ủy ban Kiểm tra trung ương.

Trước việc luật hóa cơ quan Đảng tham gia vào PCTN, nhiều đại biểu (ĐB) tỏ ra nghi ngại. ĐB QH Phạm Đình Cúc (Bà Rịa - Vũng Tàu) cho rằng không nên quy định cơ quan của Đảng vào luật. "Luật quy định như vậy thì sau này QH giám sát thế nào?"- ông Cúc băn khoăn.

Là người trong cuộc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra trung ương Lê Thị Thủy cũng đồng ý với quan điểm trên. Theo bà, vì Đảng lãnh đạo toàn diện chứ Đảng không làm thay.

ĐBQH Bùi Quốc Phòng (Sơn La) cho rằng việc thể chế hóa trách nhiệm của Ủy ban Kiểm tra trung ương cần nghiên cứu thận trọng. Bởi lẽ, tổ chức Đảng do Đảng thành lập hoạt động theo quy định của Hiến pháp, quy định của Đảng. Vì thế, việc bổ sung trách nhiệm của Ủy ban Kiểm tra trung ương cần có báo cáo cụ thể hơn, đồng thời rà soát kỹ các văn bản của Đảng để bảo đảm việc thể chế hóa này phù hợp với quy định của Đảng.

Chủ nhiệm UBTP Lê Thị Nga chất vấn: "Cơ quan soạn thảo đã có văn bản xin ý kiến Ủy ban Kiểm tra trung ương khi đưa cơ quan này vào luật chưa? Vì cách làm của Ủy ban Kiểm tra trung ương khác với quy trình của thanh tra. Chính phủ cần cân nhắc đưa kiểm tra của Đảng vào luật".

Không kiểm soát được tài sản cán bộ

Theo Thanh tra Chính phủ, xuất phát từ tầm quan trọng về biện pháp minh bạch và kiểm soát tài sản, thu nhập trong PCTN, dự thảo đã quy định thành một chương riêng với nhiều quy định mới.

Để khắc phục bệnh hình thức, dự thảo quy định theo hướng bản kê khai tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai phải được công khai tại cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi người đó thường xuyên làm việc. Bản kê khai tài sản, thu nhập của người dự kiến được bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý tại cơ quan, tổ chức, đơn vị phải được công khai tại cuộc họp lấy phiếu tín nhiệm khi tiến hành quy trình bổ nhiệm. Bên cạnh đó, dự thảo luật đưa thêm phương án 2, công khai cụ thể theo từng nhóm đối tượng.

Là người tham gia xây dựng 2 "đời" Luật PCTN, ông Nguyễn Đình Quyền, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lập pháp - Ủy ban Thường vụ QH, nói thẳng: "Chúng ta cứ kỳ vọng Luật PCTN tốt sẽ khắc phục được tình trạng tham nhũng. Xin nói là không phải vậy!". Theo ông, muốn PCTN hiệu quả, phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cả hệ thống pháp luật tốt.

Ông Quyền phân tích một trong những điều khó khăn nhất của công tác PCTN là kiểm soát tài sản. "Tham nhũng là tội phạm ngầm, tội phạm ẩn. Ở các nước có Luật Kiểm soát tài sản nên khi dịch chuyển tài sản, họ biết ngay. Còn Việt Nam xây dựng luật này trong điều kiện không kiểm soát được tài sản. Không kiểm soát được tài sản thì vô phương chống tham nhũng" - ông Quyền nhấn mạnh.

Tiếp theo là việc xác minh tài sản. Chúng ta giao cho những người làm tổ chức cán bộ đi xác minh, trong khi với các vụ án liên quan đến tài sản, điều tra đi, điều tra lại, qua mấy vòng tố tụng còn chưa xác định được tài sản của ai. Dự án luật vẫn bế tắc, chưa tìm được cơ chế kê khai, kiểm soát, xác minh và thu hồi tài sản.

Ông Nguyễn Văn Quyền cũng đề nghị luật quy định trách nhiệm cụ thể với cơ quan thanh tra khi vào cuộc nhiều lần mà không phát hiện ra vi phạm, như ở Vinashin, Vinalines trước đây.

Phó Viện trưởng VKSND Tối cao Nguyễn Hải Phong bày tỏ sự bất bình: "Tôi tham gia ban soạn thảo. Sau 10 năm thực hiện luật, người dân mong đây là công cụ pháp lý quan trọng để tạo tiền đề đấu tranh PCTN có hiệu quả. Nhưng đọc dự thảo luật cứ thấy ngờ ngợ, không biết mình có còn trí tuệ pháp luật hay không? Tôi đề nghị chuyển lại cho Chính phủ làm lại. Luật này còn ẩu hơn cả Bộ Luật Hình sự".

Chốt lại, Chủ nhiệm UBTP Lê Thị Nga cho biết cơ quan thẩm tra không có quyền "trả lại" dự thảo luật. "Đề nghị cơ quan soạn thảo hoàn thiện dự thảo luật, giải trình cụ thể để trình kịp vào phiên họp tháng 10 của Ủy ban Thường vụ QH. UBTP cũng sẽ đề nghị trình QH dự án luật này theo quy trình 3 kỳ họp, thay vì 2 kỳ họp như kế hoạch" - bà Nga kết luận. 

Chống tham nhũng... ngoài nhà nước

Dự Luật PCTN mở rộng phạm vi điều chỉnh sang khu vực ngoài nhà nước. Theo đó, dự luật quy định về PCTN trong các tổ chức, doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn hiện nay. Chủ trương này đã thể hiện trong Bộ Luật Hình sự năm 2015, khi quy định nhóm tội phạm về tham nhũng.

Tuy nhiên, theo cơ quan soạn thảo, có quan điểm cho rằng việc tiếp cận PCTN ở khu vực ngoài nhà nước theo dự luật là chưa triệt để; quan điểm khác lại cho rằng chưa cần đề cập PCTN ngoài khu vực nhà nước.

B.TRÂN

Kiểm tra các vụ án tham nhũng ở Vĩnh Long

Ngày 6-9, đoàn công tác của Ban Chỉ đạo trung ương về PCTN (Đoàn công tác số 7) do Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu làm trưởng đoàn đã triển khai kế hoạch kiểm tra, giám sát việc thanh tra vụ việc; khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm tại tỉnh Vĩnh Long.

Theo TTXVN, Đoàn công tác số 7 sẽ thực hiện kiểm tra, giám sát tại các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long, như: Thanh tra, Công an tỉnh, VKSND, TAND, Cục Thi hành án dân sự, Thành ủy TP Vĩnh Long, Ủy ban MTTQ tỉnh Vĩnh Long, Ban Nội chính Tỉnh ủy... Thời gian kiểm tra, giám sát từ ngày 6 đến 20-9.

P.HỒ


Tác giả bài viết: Bài và ảnh: Thế Dũng

Nguồn tin: nld.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây