Đưa cỏ Mỹ, lá khat vào Bộ luật Hình sự

Thứ sáu - 24/02/2017 19:36
(PL news) - Giữa năm 2016, Chi cục Hải quan cửa khẩu Tân Sơn Nhất (Cục Hải quan TP.HCM) phối hợp với cơ quan chức năng phát hiện, bắt giữ gần 350 kg lá khô gọi là khat. Điều tra mở rộng, cơ quan chức năng còn phát hiện thêm 100 kg lá khat từ một công ty nhập khẩu. Đây là loại lá chứa chất ma túy cathinone mạnh, bị cấm sử dụng trong y học và đời sống. Theo Chi cục Hải quan cửa khẩu Tân Sơn Nhất, họ đã nhiều lần phát hiện loại lá khô này với tổng trọng lượng lên đến hơn một tấn.
Đưa cỏ Mỹ, lá khat vào Bộ luật Hình sự

 

Đưa cỏ Mỹ, lá khat vào Bộ luật Hình sự
 

Nhiều loại cỏ, cây, hoa, lá lạ gây nghiện

Tháng 12-2016, lực lượng phòng chống tội phạm ma túy thuộc Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng TP Đà Nẵng đã bắt giữ Trần Quốc Rym (24 tuổi, trú phường Khánh Nam, quận Liên Chiểu) buôn bán, tàng trữ 8,5 kg ma túy dưới dạng cỏ Mỹ. Rym bị bắt quả tang khi vừa nhận cỏ Mỹ từ một bưu điện do một đối tượng khác gửi ra từ TP.HCM. Khám xét nơi ở của Rym còn thu giữ máy đóng bao gói và nhiều bao bì dùng để phân chia cỏ Mỹ thành các gói trà để bán cho các con nghiện.

Trên đây chỉ là hai trong số nhiều vụ buôn bán, tàng trữ, vận chuyển chất ma túy tồn tại dưới dạng cây, lá với tên gọi lạ trước đây chưa từng có. Hiện nay chất XLR-11 trong cỏ Mỹ đã được bổ sung vào danh mục các chất ma túy tại Nghị định 126/2015 của Chính phủ (có hiệu lực từ ngày 1-2-2016). Đối với lá khat có chất cathinone đã nằm trong danh mục I (các chất ma túy tuyệt đối cấm sử dụng trong y học và đời sống xã hội), quy định tại Nghị định 82/2013 của Chính phủ. Tuy nhiên, hành vi tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép cỏ Mỹ, lá khat lại không được quy định trong BLHS 2015. Vì thế quá trình đấu tranh, xử lý các vụ việc trên gặp nhiều khó khăn.

Chính vì vậy, trong báo cáo về một số vấn đề lớn về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS 2015 mới đây, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã đưa ra vấn đề này.

Theo cơ quan này, gần đây đã xuất hiện một số loại cây, lá có chứa chất ma túy mới được mua bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng tại Việt Nam. Để bảo đảm tính kịp thời trong phòng, chống tội phạm thì các điều 249, 250, 251 và 252 cần thiết phải bổ sung quy định có tính dự liệu. Cách quy định này cũng đã được thể hiện tại Điều 247 BLHS 2015. Do đó, Ủy ban Tư pháp tán thành với việc bổ sung quy định “lá, rễ, thân, cành, hoa, quả của cây khác có chứa chất ma túy thuộc danh mục do Chính phủ ban hành” vào các điều luật trên. Đồng thời, sửa khoản 1 điều 247 theo hướng bổ sung cụm từ “thuộc danh mục do Chính phủ ban hành” vào sau cụm từ “cây khác có chứa chất ma túy”.

Đưa cỏ Mỹ, lá khat vào Bộ luật Hình sự - ảnh 1
Số lá khat bị hải quan cửa khẩu Tân Sơn Nhất phát hiện giữa năm 2016. Ảnh: CT

Cần thiết và phù hợp

“Tôi hoàn toàn đồng tình với đề xuất của Ủy ban Tư pháp” - ông Nguyễn Đình Thắm, VKSND Cấp cao tại Hà Nội, nói. Theo ông Thắm, chất ma túy tồn tại ở dạng nào thì cũng gây hại cho người, triệt tiêu nòi giống. Trong khi BLHS 2015 chưa quy định hết các loại chất ma túy ngoại lai có nguồn gốc tự nhiên hoặc cấy ghép được chuyển vào Việt Nam. Chẳng hạn, Điều 247 BLHS (tội trồng cây thuốc phiện, cây côca, cây cần sa hoặc các loại cây khác có chứa chất ma túy) quy định khá chi tiết và đầy đủ nhưng chỉ là những cây có tên gọi quen thuộc lâu nay. Việc quy định các loại lá, rễ, thân, cành, hoa, quả của cây khác có chứa chất ma túy thuộc danh mục do Chính phủ ban hành vào các điều tương ứng trong BLHS 2015 là cần thiết và phù hợp.

Đồng tình, luật sư (LS) Nguyễn Toàn Thiện, Chủ nhiệm Đoàn LS tỉnh Bình Thuận, cũng cho rằng tác hại của ma túy kinh khủng thế nào thì ai cũng biết. Nếu BLHS 2015 không kịp thời bổ sung vào thì không thể xử lý được đối tượng mua bán, vận chuyển những dạng ma túy mới như cỏ Mỹ, lá khat. Chỉ cần cơ quan có thẩm quyền phát hiện, thu giữ, giám định hàm lượng chất ma túy đủ để xử lý hình sự thì dù tồn tại dưới tên gọi nào cũng phải xử lý. Với các loại cây, lá, hoa, quả có chứa chất ma túy này nên chú trọng căn cứ hàm lượng chất gây nghiện trong đó để xử lý. Không nên quá để ý đến khối lượng, trọng lượng bởi có khi chỉ một cây nhưng hàm lượng ma túy nhiều, ngược lại cả một tạ nhưng chất gây nghiện ít.

Cùng nhận định nhưng LS Trần Công Ly Tao, Đoàn LS TP.HCM, băn khoăn cần có sự thống nhất giữa các cơ quan tố tụng trung ương để tránh việc có quan điểm khác nhau trong khi áp dụng quy định. Ví dụ như việc tòa án và VKS mâu thuẫn với cơ quan điều tra về việc xác định hàm lượng ma túy trong các cây, lá lạ kể trên. Đưa vào luật để xử lý là việc cần làm nhưng trước khi quy định trong luật nên thống nhất trước.

Khi nào quy ma túy ra khối lượng, thể tích?

Theo Ủy ban Tư pháp, tiếp thu đa số ý kiến của đại biểu Quốc hội, dự thảo BLHS 2015 mới đã chỉnh lý, quy định cụ thể bốn trường hợp xác định hàm lượng chất ma túy để quy ra khối lượng hoặc thể tích. Đó là: Chất ma túy ở thể rắn được hòa thành dung dịch; chất ma túy ở thể lỏng đã được pha loãng; xái thuốc phiện; chất ma túy trong thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần. Đây cũng là nội dung đã được liên ngành tư pháp trung ương thống nhất tại Thông tư liên tịch 08/2015 giữa Bộ Công an, VKSND Tối cao, TAND Tối cao và Bộ Tư pháp. Theo đánh giá, quy định này tránh được việc các cơ quan tiến hành tố tụng có quan điểm khác nhau về giám định hàm lượng chất ma túy. Đồng thời cũng phù hợp với thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm, nhất là các vụ án không thu giữ được ma túy.

Tác giả bài viết: SONG NGUYỄN

Nguồn tin: PLO

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

TƯƠNG TÁC NHIỀU

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây