Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị tổng kết công tác tài chính- ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2018
Chiều 9.1, Bộ Tài chính tổ chức hội nghị tổng kết công tác tài chính - ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2018, triển khai nhiệm vụ tài chính - NSNN năm 2019. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đến dự và chỉ đạo hội nghị.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận, đánh giá cao những kết quả ngành Tài chính đã đạt được trong năm 2018 và khẳng định, kết quả này đã góp phần quan trọng vào thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của cả nước trong năm vừa qua.
“Những kết quả đạt được đã thể hiện nỗ lực vượt bậc, quyết tâm cao độ của toàn ngành tài chính”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.
Theo Thủ tướng, công tác chi ngân sách năm 2018 đã được Bộ Tài chính thực hiện theo hướng chặt chẽ, tiết kiệm, đưa mức bội chi ngân sách xuống thấp hơn so với chỉ tiêu Quốc hội giao. Ngoài ra, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đánh giá cao công tác cải cách hành chính và khẳng định kết quả này đã giúp giảm đáng kể thời gian, chi phí cho người dân, doanh nghiệp.
Song bên cạnh những thành tích đã đạt được, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng thẳng thắn chỉ ra một số tồn tại, yếu kém ngành tài chính và các Bộ, ngành liên quan cần khắc phục trong năm 2019.
Luật Thuế tài sản chưa nghiên cứu kỹ, gây phản ứng trong xã hội
Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, công tác cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh còn chậm, thiếu đồng bộ.
“Chính sách ban hành còn tính thiếu ổn định, hay sửa đổi, gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp. Ví dụ các đồng chí đưa ra dự thảo Luật Thuế tài sản nhưng chưa nghiên cứu kỹ, chưa có chiến lược truyền thông phù hợp gây phản ứng mạnh mẽ trong xã hội.
Việc đơn giản hoá, cắt giảm điều kiện kinh doanh còn chậm. Trong tổng số 390 điều kiện kinh doanh mới cắt giảm 30%. Việc giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp có nơi chưa đi vào thực chất, kịp thời”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.
Theo Thủ tướng, thể chế tài chính quốc gia cần giải quyết được những vấn đề trong thực tế cuộc sống. Từ đây, Thủ tướng chia sẻ: “Thông tư của Bộ Tài chính quy định một con bò chịu do trang trại chăn nuôi bán cho DN, hợp tác xã không chịu thuế GTGT, nhưng bán cho cá nhân, tiêu dùng chịu thuế 5%. Trong khi Nghị định của Chính phủ không quy định vấn đề này. Hay người dân thuê mặt nước nuôi trồng thủy sản trong đê phải chịu thuế, nhưng thuê ngoài đê không phải chịu thuế, còn được cho thuê lại kiếm lời như cử tri Huyện Tiên Lãng, Hải Phòng đã nêu.Tôi đề nghị Bộ Tài chính phải nhất quán quan điểm chính sách, hướng tới làm giàu cho nhân dân, phát triển nông nghiệp, nông thôn”.
“Sổ sách kế toán, nộp thuế phức tạp quá!”
Một vấn đề khác được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý với Bộ Tài chính là chuyển đổi hộ cá thể chuyển lên doanh nghiệp.
Đánh giá vai trò của DNNVV, Thủ tướng cho biết, kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, DNNVV dễ bị tổn thương, trong khi loại hình doanh nghiệp này giúp giải quyết nhiều bài toán về lao động, việc làm, công nghiệp phụ trợ, hỗ trợ.
Toàn cảnh hội nghị tổng kết công tác tài chính - ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2018, triển khai nhiệm vụ tài chính - NSNN năm 2019.
Từ những lý do kể trên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Bộ Tài chính có cơ chế để tập trung phát triển DNNVV hoặc chuyển mạnh hộ cá thể lên doanh nghiệp.
“Bộ Tài chính phải cụ thể hóa Luật DNNVV bằng chính sách tài chính, Luật Kế toán đơn giản để DNNVV phát triển ngay trong năm 2019. Không thể để một loại hình doanh nghiệp có tiềm năng to lớn nhưng không muốn lớn nhanh như thời gian qua. Tôi hỏi nhiều hộ kinh doanh cá thể vì sao họ không muốn lên doanh nghiệp. Họ nói sổ cách kế toán, nộp thuế phức tạp quá, lại phải đóng bảo hiểm. Vậy là tôi cứ khai thuế hộ kinh doanh đơn giản, nếu có quan hệ quen biết chỉ phải nộp ít thôi”, Thủ tướng nói.
Lợi ích nhóm, sân sau sinh ra từ lỗ hổng đất đai
|
Vấn đề được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tại hội nghị là lỗ hổng đất đai lớn, tạo ra lợi ích nhóm, sân sau.
“BT gây thất thoát lớn, đây là câu chuyện cũ. Chúng ta phải có chấn chỉnh để thu lại nguồn lợi từ đất đai. Đất, nước phải được sử dụng có hiệu quả, đóng góp vào sự phát triển của Tổ quốc. Vừa rồi, tôi ký Nghị định mới nhất nhằm xử lý tình trạng trên. Vẫn tiếp tục hình thức đầu tư BT nhưng không công nhận sự thất thoát. Phải điều chỉnh, đấu giá lại để không thất thoát”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu một chính sách tài chính toàn diện liên quan tới Luật Đất đai (sửa đổi), trình Bộ Chính trị, Quốc hội xem xét với yêu cầu toàn diện nhất, minh bạch nhất. Trong đó, phải cắt đứt lợi ích nhóm, bảo vệ uy tín chính quyền các cấp, mang lại niềm tin cho nhân dân.
“Tình trạng kẹp phong bì đi giải thích hồ sơ không phải không có”
Một vấn đề tồn tại nhiều năm cũng được Thủ tướng nhắc lại với Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng là tình trạng trên nóng dưới lạnh, tham nhũng vặt, chi phí không chính thức.
Trong đó, đạo đức nghề nghiệp, văn hóa ứng xử của một bộ phận cán bộ, công chức còn hạn chế. Vẫn có dư luận về tiêu cực, nhũng nhiễu của một bộ phận cán bộ thuế, hải quan
“Tình trạng chung chi, lợi ích nhóm vẫn còn, gây bức xúc cho người dân và doanh nghiệp. Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, Hải quan nói về sự tiến bộ tôi đồng ý. Nhưng tình trạng kẹp phong bì đi giải thích hồ sơ không phải không có. Tôi nói thẳng ở đây để cán bộ các cục, chi cục thuế, hai quan thấy rằng Thủ tướng, Bộ trưởng đều biết. Vẫn còn tình trạng trên nóng dưới lạnh, tham nhũng vặt, chi phí ko chính thức. Tôi nói có các đồng chí có tiến bộ về giảm chi phí ngành thuế, nhưng theo VCCI, tỷ lệ phải chi trả phí bôi trơn khi làm thủ tục hải quan dù giảm từ 56,4% xuống 53% vẫn là tỷ lệ rất cao.
Các đồng chí tính toán, cứ 1 container thông quan bôi trơn 1 triệu đồng thì trong 1 năm mất hàng chục nghìn tỷ đồng. Tại sao doanh nghiệp không lớn được một phần do những điều này gây ra”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc nhở.
Nguồn tin: danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn