Chống tham nhũng 2018: Không có vùng cấm…

Thứ sáu - 04/01/2019 02:32
LTS: Năm 2018, người dân cả nước chứng kiến nhiều dấu ấn quan trọng trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng (PCTN) của nước nhà. Nhiều “vùng cấm” đã bị “công phá” đưa ra ánh sáng, các đối tượng quan chức vi phạm pháp luật bị trừng trị nghiêm minh.
Chống tham nhũng 2018: Không có vùng cấm…

                        

BÀI VIẾT LIÊN QUAN


Đúng như Tổng Bí thư nói: “Phong trào PCTN đang phát triển thành xu thế, lò nóng rực rồi, nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm”. Còn nhiều việc phải làm vì tội phạm tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp và vẫn còn đó những tồn tại chưa được giải quyết dứt điểm.

Tạp chí Pháp lý với chức năng nhiệm vụ và tôn chỉ hoạt động của mình, năm 2018 cũng góp phần nhỏ bé thực hiện Chuyên đề đặc biệt dài 10 kỳ – “Chung tay hoàn thiện cơ chế chính sách pháp luật để PCTN hiệu quả”. Trước khi khép lại chuyên đề dài kỳ, số Pháp lý đặc biệt cuối năm này, chúng tôi muốn “khắc họa” lại những kết quả quan trọng trong công tác PCTN năm 2018. Đồng thời chỉ ra những thách thức, những tồn tại và những việc cần làm trong năm mới 2019 để công tác PCTN hiệu quả hơn nữa.

Cùng với “Lò đã nóng, củi tươi cũng cháy, xử lý tội phạm không có vùng cấm… kể cả tội phạm trong cơ quan có chức năng chống tội phạm cũng bị xử lý nghiêm minh…”. Hoạt động chống tham nhũng quyết liệt năm 2018 đã phần nào thể hiện được những quyết tâm xử lý tội phạm không có vùng cấm, chống tham nhũng tới cùng của Đảng và Nhà nước.

Xét xử một nguyên Ủy viên Bộ Chính trị

Việc xét xử nguyên Ủy viên Bộ Chính trị về những sai phạm kinh tế là điều chưa có tiền lệ diễn ra vào đầu năm 2018. Ông Đinh La Thăng bị bắt (tháng 12/2017) vì bị cáo buộc liên quan đến ít nhất 2 vụ án kinh tế đặc biệt nghiêm trọng. Trong vụ án thứ nhất, ông Đinh La Thăng chỉ định PVC ký gói thầu EPC, tạm ứng tiền trái quy định khi thực hiện dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 có tổng vốn đầu tư 31.000 tỷ đồng. Vụ thứ 2, vụ Tập đoàn Dầu khí (PVN) mất 800 tỷ đồng khi góp vốn vào Ngân hàng Đại Dương (Oceanbank).

Điều đáng nói là quá trình truy cứu trách nhiệm hình sự đối với bị cáo Đinh La Thăng diễn ra nhanh chóng nhưng vẫn đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng các quy định của pháp luật. Ngày 8/12/2017, Cơ quan điều tra của Bộ Công an ra quyết định khởi tố, bắt tạm giam ông Đinh La Thăng. Chỉ sau đó 12 ngày, cơ quan này đã ra bản kết luận điều tra, đề nghị truy tố bị can Đinh La Thăng về tội “Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” tại Điều 165 Bộ luật Hình sự năm 1999. Đến ngày 25/12/2017, VKSND Tối cao đã ban hành bản cáo trạng, quyết định truy tố ra trước tòa để xét xử các bị can Đinh La Thăng và đồng phạm. Cuối cùng, TAND Hà Nội quyết định đưa vụ án ra xét xử vào ngày 8/1/2018. Như vậy, theo diễn biến vụ án, từ khi Cơ quan điều tra của Bộ Công an ra quyết định khởi tố đến lúc TAND Hà Nội đưa ra xét xử chỉ có 30 ngày, trong đó, thời gian ra bản kết luận điều tra, đề nghị truy tố bị can chỉ là 12 ngày kể từ thời điểm khởi tố. Có thể nói, đây là lần đầu trong lịch sử tố tụng hình sự Việt Nam, một vụ án về tội phạm đặc biệt nghiêm trọng với số lượng bị cáo đông lại có thời gian tiến hành tố tụng diễn ra nhanh như vậy.

Trong vụ án thứ nhất, HĐXX xác định Đinh La Thăng cố ý làm trái, tạo ra sai phạm tại dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2. Tòa tuyên bị cáo Thăng y án sơ thẩm 13 năm tù. Vụ án thứ hai, ngoài mức án 18 năm tù, bị cáo Đinh La Thăng (nguyên Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí) còn bị HĐXX tuyên phải bồi thường 600 tỷ đồng.

Việc xử lý nghiêm đối với những sai phạm của ông Đinh La Thăng, một Ủy viên Bộ Chính trị, có thể coi là minh chứng điển hình nhất cho quyết tâm xử lý cán bộ có sai phạm, quyết tâm phòng chống tham nhũng không có “vùng cấm”, không loại trừ bất kỳ ai của Đảng. Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật. Ông Đinh La Thăng có sai phạm tại thời điểm làm Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) thì cũng không chỉ thuyên chuyển hoặc cho hạ cánh an toàn mà phải xử lý để làm gương. Việc xử lý ông Đinh La Thăng cũng là hồi chuông cảnh tỉnh với những cán bộ. Làm quan, đừng mưu mô, vụ lợi. Công cuộc phòng chống tham nhũng không có vùng cấm… sẽ “sờ gáy” mọi quan tham, khó mà thoát thân.

2 tướng công an bị đưa ra xét xử và xử lý nghiêm minh nhiều cán bộ quân đội

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nói: “Muốn chống tham nhũng, trước hết phải chống tham nhũng trong cơ quan chống tham nhũng”. Cuối năm 2018, đại án đánh bạc hàng chục nghìn tỉ được đưa ra xét xử. Đáng chú ý nhất trong vụ án này là vai trò của 2 cựu tướng công an Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa. Đây là những người có chức vụ, quyền hạn với đầy đủ công cụ, phương tiện, lực lượng được nhà nước giao để thực hiện việc phòng ngừa trấn áp tội phạm, có ý nghĩa quyết định việc sống còn của game bài do Nguyễn Văn Dương và đồng phạm vận hành, nhưng các tướng công an đã không xử lý trấn áp mà còn để cho tội phạm lộng hành tồn tại, phát triển gây ra hậu quả nghiêm trọng cho xã hội.

Cơ quan tố tụng tỉnh Phú Thọ xác định, Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa có dấu hiệu “bảo kê” cho đường dây tội phạm này, trong đó Phan Văn Vĩnh là người chỉ huy còn Nguyễn Thanh Hóa là người thực hành tích cực. Đây cũng là lý do đường dây đánh bạc hoạt động trong thời gian dài nhưng không bị triệt xóa. Cơ quan công tố đã truy tố, tòa án xét xử các ông Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” theo điểm a khoản 2 Bộ luật Hình sự 2015.

Phan Văn Vĩnh khi đương chức Tổng Cục trưởng Tổng Cục Cảnh sát đã ký văn bản công nhận CNC là công ty bình phong trái quy định.

Phan Văn Vĩnh còn chỉ đạo Nguyễn Thanh Hóa ký văn bản báo cáo đề xuất lãnh đạo Bộ Công an cho Công ty CNC tiếp tục vận hành cổng trò chơi đổi thưởng game bài Tip.clup và bút phê đồng ý vào văn bản hợp thức nhằm che giấu góp vốn bằng lợi thế nghề nghiệp gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng và ảnh hưởng đến uy tín của ngành công an. Khi lãnh đạo Bộ Công an phát hiện, yêu cầu báo cáo việc Công ty CNC vận hành 2 game bài RikVip.com và 23zdo.com đánh bạc trá hình, thì Phan Văn Vĩnh đã không chấp hành ý kiến chỉ đạo, còn chỉ đạo cấp dưới báo cáo không đúng sự thật.

Trong phiên tòa diễn ra tại TAND tỉnh Phú Thọ, khi bị thẩm vấn, bị cáo Phan Văn Vĩnh, cựu Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát – Bộ Công an thừa nhận việc VKS truy tố tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ” là đúng. Ông Hóa ban đầu, không thừa nhận hành vi phạm tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ” nhưng sau đó lại thay đổi theo hướng thừa nhận tội. Với chức vụ của mình, về bản chất, hành vi của bị cáo Vĩnh và Hóa có dấu hiệu bảo kê, nhận hối lộ. Tuy nhiên, đến nay cơ quan tố tụng chưa chứng minh được việc bị cáo Vĩnh và Hóa nhận tiền nên sẽ tiếp tục làm rõ ở giai đoạn 2 của vụ án.

Vấn đề có tội phạm ở cơ quan phòng chống tội phạm đã được minh chứng. Gần đây, vấn đề này đã được thảo luận tại Quốc hội, báo cáo của Ủy ban Tư pháp chỉ rõ: “Đáng lưu ý là đã xảy ra các vụ tiêu cực, tham nhũng nghiêm trọng trong một số cơ quan bảo vệ pháp luật, trong đó có những vụ liên quan đến cả cán bộ lãnh đạo, sĩ quan cao cấp trong lực lượng vũ trang; nhiều trường hợp bao che, tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực gây bức xúc trong dư luận”.

Liên quan đến các cán bộ trong quân đội, năm vừa qua, Tòa án quân sự Trung ương đã xét xử vụ án Út “trọc”. Quá trình xét xử truy đến trách nhiệm hàng loạt cán bộ thuộc Bộ Quốc phòng. Theo đó, Tòa án Quân sự quân khu 7 tuyên phạt ông Đinh Ngọc Hệ (tức Út “trọc”, cựu Thượng tá quân đội, cựu Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thái Sơn, Bộ Quốc phòng) án 10 năm tù về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, 2 năm tù về tội Sử dụng tài liệu giả của cơ quan tổ chức. Tổng hợp hình phạt là 12 năm tù. Ông Hệ bị cấm đảm nhiệm chức vụ trong 4 năm sau khi chấp hành xong hình phạt. Tòa tuyên phạt ông Trần Văn Lâm (cựu Tổng Giám đốc Công ty CP phát triển đầu tư Thái Sơn Bộ Quốc phòng) năm năm tù, Bùi Văn Tiệp (nguyên sư đoàn trưởng 367 Quân Chủng phòng không – không quân) án hai năm tù treo. Bị cáo Lâm, Tiệp, Sơn cùng bị kết tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Ông Phùng Danh Thắm (cựu Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thái Sơn, Bộ Quốc phòng) bị phạt hai năm cải tạo không giam giữ về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Ông Thắm bị cấm đảm nhiệm chức vụ doanh nghiệp trong 2 năm.

Lãnh đạo nhiều thành phố lớn bị “xộ khám” do sai phạm trong quản lý đất đai công sản

Sau khi bị tuyên án 9 năm tù về tội “Cố ý làm lộ bí mật Nhà nước”, Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ “nhôm”) tiếp tục bị khởi tố về hành vi “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước”. Điều đáng nói là quá trình khởi tố, truy tố Vũ “nhôm” kéo theo hàng loạt quan chức ở hai thành phố lớn (Đà Nẵng và TP.Hồ Chí Minh) “nhúng chàm”. Các vụ án do Vũ “nhôm” đầu vụ còn là thực tế sinh động của tình trạng móc ngoặc giữa cơ quan nhà nước với tư nhân nhằm thâu tóm, đất đai, công sản của nhà nước. Đến thời điểm này, nhiều chục cán bộ, công chức đã bị khởi tố vì liên quan đến Vũ “nhôm”.

Khi đường dây tội phạm trên bị bóc rỡ, TS. Nguyễn Minh Phong cho rằng: Đảng ta đã nhận diện trúng vấn đề (các lĩnh vực mà tham nhũng “hoành hành” – PV) và đây là những lĩnh vực nguy cơ gây ra tham nhũng lãng phí lớn nhất.

Khi mở rộng điều tra vụ án trên, Cơ quan cảnh sát điều tra còn bắt ông Nguyễn Hữu Tín (nguyên Phó Chủ tịch UBND TPHCM), ông Đào Anh Kiệt (nguyên Giám đốc Sở TNMT TP.HCM) và Trương Văn Út (Phó Trưởng phòng Quản lý đất đai Sở TNMT TP.HCM). Các quan chức trên bị bắt vì có hành vi vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí đối với sai phạm xảy ra tại dự án số 15 Thi Sách và vi phạm các quy định về quản lý đất đai tại dự án 2-4-6 Hai Bà Trưng (TP.HCM). Trước đó, hai cựu Chủ tịch TP. Đà Nẵng cũng bị “xộ khám” do liên quan đến Vũ “nhôm” và do giúp Vũ “nhôm” có nhiều đất đai công sản một cách bất hợp pháp.

Các bị can lâm vào vòng tố tụng được cho là có liên quan đến việc tham mưu, mua bán, chuyển nhượng, thẩm định giá… trái luật, gây thất thoát tài sản nhà nước đối với hàng loạt nhà công sản và các dự án khác như: tại dự án bán đảo Sơn Trà (lô biệt thự tai tiếng có ký hiệu L09 với diện tích 300m2 nằm trong 41 lô đất biệt thự khu vực Suối Đá, quận Sơn Trà); tại dự án khu du lịch sinh thái biển kết hợp nuôi trồng thủy sản của Công ty Cổ phần Đầu tư Mũi Nghê; tại dự án 209 Trường Chinh và sân vận động Chi Lăng của Tập đoàn Thiên Thanh (trong vụ án Phạm Công Danh). Việc tham mưu đề xuất nêu trên đã vi phạm quy định tại Khoản 3, Điều 67 Luật Đất đai 2003, gây thất thu lớn cho ngân sách nhà nước.

Tháng 11 vừa qua, nhiều cán bộ tại TP. Nha Trang tỉnh Khánh Hòa cũng bị khởi tố, trong đó có Phó Chủ tịch UBND TP. Nha Trang ông Lê Huy Toàn và 3 cán bộ dưới quyền bị khởi tố vì thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng tại dự án Khu đô thị Hoàng Long ở phường Phước Long, TP. Nha Trang. Theo điều tra ban đầu, năm 2010 khi bắt đầu triển khai dự án Khu đô thị Hoàng Long, hội đồng bồi thường hỗ trợ, cấp đất tái định cư (BTHT-CĐTĐC) do UBND TP Nha Trang thành lập xác định chỉ có 98 hộ đủ điều kiện được BTHT-CĐTĐC. Tuy nhiên, đến năm 2014, số hộ thuộc diện trên tăng ba lần (282) trong khi diện tích dự án không tăng. Năm 2016, Hội đồng BTHT-CĐTĐC dự án khu đô thị Hoàng Long lập danh sách thu hồi đất, BTHT-CĐTĐC đối với 77 trường hợp trong đợt đầu tiên thì có đến hơn nửa diện tích đất bị thu hồi chỉ 25-40 m2. Công an tỉnh Khánh Hòa xác định có rất nhiều hồ sơ giả được hội đồng BTHT-CĐTĐC thông qua, ông Toàn phê duyệt. Chỉ riêng trong 77 trường hợp đợt đầu tiên mà ông Toàn phê duyệt, có đến 49 hồ sơ sử dụng tài liệu, giấy tờ giả. Ngoài ra, có rất nhiều hồ sơ giả khác được ông Toàn phê duyệt mà một số thành viên tổ công tác của Hội đồng BTHT-CĐTĐC khu đô thị Hoàng Long, cán bộ phường Phước Long có dấu hiệu trục lợi…

Bắt ông “trùm tài chính” Trần Bắc Hà và xử nhiều đại gia ngân hàng

Cuối năm 2018, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã thực hiện tống đạt các Quyết định và thi hành Lệnh bắt, khám xét đối với ông Trần Bắc Hà và 3 bị can có liên quan đến vụ án “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng” xảy ra tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV).

Trước đó ông Hà đã bị khai trừ ra khỏi Đảng. Ủy ban KTTW kết luận ông Trần Bắc Hà đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc, có biểu hiện áp đặt, thiếu dân chủ trong chỉ đạo, điều hành; vi phạm nghị quyết của Ban Thường vụ Đảng ủy về nghĩa vụ, trách nhiệm của người giữ chức vụ trong hệ thống BIDV; vi phạm quy trình, thủ tục, thẩm quyền, quy định về tín dụng trong việc phê duyệt chủ trương, quyết định một số khoản cho vay, bảo lãnh, đầu tư, quản lý nợ, trong đó có việc phê duyệt chủ trương cho vay 4.700 tỷ đồng đối với 12 công ty liên quan đến vụ án xảy ra tại Ngân hàng Xây dựng và việc cho vay để thực hiện dự án nuôi bò tại Hà Tĩnh.

Trước ông Trần Bắc Hà, trong đại án Ngân hàng Đông Á, ông Trần Phương Bình (cựu Chủ tịch Ngân hàng này) và nhiều đồng phạm cũng bị đưa ra xét xử. Sai phạm của ông Bình được xác định là “bắt tay” với Phan Văn Anh Vũ (Chủ tịch HĐQT Công ty CP xây dựng Bắc Nam 79) dẫn tới thiệt hại hơn 200 tỷ đồng và 13,4 triệu USD cho DongABank. Ngoài ra, ông Trần Phương Bình còn bị cáo buộc đã có nhiều lần chỉ đạo các hoạt động kinh doanh vi phạm pháp luật, trong đó có việc kinh doanh ngoại hối với Ngân hàng UOB và Ngân hàng Banca Adamas gây thiệt hại hơn 24 triệu USD (hơn 384 tỷ đồng).

Có thể nói, năm 2018 là năm mà cuộc chiến chống tham nhũng ghi dấu ấn mạnh mẽ. Việc điều tra, truy tố, xét xử không có vùng cấm có ý nghĩa răn đe với những cán bộ quan chức, và lấy lại niềm tin của nhân dân. Việc Đảng nhận diện trúng những vấn đề lớn của tham nhũng và chống tham nhũng không có vùng cấm sẽ tạo tiền đề cho công cuộc PCTN trong năm tới hiệu quả hơn nữa, quyết liệt hơn nữa…

Nguồn tin: phaply.net.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

TƯƠNG TÁC NHIỀU

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây