Các văn bản luật có hiệu lực thi hành từ giữa đến cuối tháng 10.2020

Thứ năm - 29/10/2020 22:10
(TVLMP) - Từ 11/10/2020 đến cuối tháng 10/2020, hàng loạt các văn bản, chính sách có liên quan đến pháp luật có hiệu lực thi hành. Tư vấn luật miễn phí trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc:
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

I. Từ ngày 11 – 20/10/2020, 04 Nghị định của Chính phủ bắt đầu có hiệu lực thi hành, cụ thể như sau:

 

1. Đồng tiền dùng trong giao dịch bán hàng miễn thuế

Chính phủ đã ban hành Nghị định 100/2020/NĐ-CP thay thế cho Nghị định 167/2016/NĐ-CP về kinh doanh hàng miễn thuế.

Theo đó, bên cạnh đồng Việt Nam thì các đồng tiền sau được dùng trong giao dịch bán hàng miễn thuế:

- Đồng ngoại tệ đô la Mỹ (USD), euro (EUR) (hiện hành theo Nghị định 167, các ngoại tệ tự do chuyển đổi đều được giao dịch).

- Đồng tiền của quốc gia nơi các chuyến bay quốc tế của các hãng hàng không được thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam thực hiện nhập cảnh, quá cảnh tại quốc gia đó (Quy định mới).

- Đồng tiền của nước có chung biên giới đất liền với địa điểm đặt cửa hàng miễn thuế tại khu vực biên giới.

Nghị định 100/2020/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ 15/10/2020.

2. Mức phạt hành vi pha chế xăng dầu khi không phải là thương nhân đầu mối

Nội dung này được quy định tại Nghị định 99/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí.

Theo đó, phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi pha chế xăng dầu khi không phải là thương nhân đầu mối và có thể bị tịch thu phương tiện sử dụng để vi phạm hành chính.

Đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây, có thể bị phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng:

+ Thương nhân đầu mối thực hiện pha chế xăng dầu nhưng không đăng ký cơ sở pha chế theo quy định;

+ Thực hiện pha chế xăng dầu tại địa điểm không phải nơi sản xuất, xưởng pha chế hoặc kho xăng dầu phục vụ cho nhu cầu nội địa của thương nhân đầu mối.

Lưu ý, các mức phạt nêu trên áp dụng đối với tổ chức, cá nhân có cùng hành vi vi phạm thì mức phạt bằng ½ so với tổ chức.

Nghị định 99/2020/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ 11/10/2020.

3. Tăng mức phạt hành vi vi phạm về quấy rối người tiêu dùng

Theo Nghị định 98/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có hiệu lực từ 15/10/2020 thì:

- Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng (hiện hành từ 500.000 đồng đến 2.000.000 đồng) đối với thương nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có các hành vi quấy rối người tiêu dùng như sau:

+ Quấy rối người tiêu dùng thông qua tiếp thị hàng hóa, dịch vụ trái với ý muốn của người tiêu dùng từ 02 lần trở lên.

+ Có hành vi gây cản trở, ảnh hưởng đến công việc, sinh hoạt bình thường của người tiêu dùng.

Trường hợp nếu có các hành vi ép buộc người tiêu dùng sau đây thì có thể bị phạt tiền đến 30.000.000 đồng:

- Dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc hành vi khác gây thiệt hại đến sức khỏe, danh dự, uy tín, nhân phẩm, tài sản của người tiêu dùng để ép buộc giao dịch;

- Lợi dụng hoàn cảnh khó khăn của người tiêu dùng hoặc lợi dụng thiên tai, dịch bệnh để ép buộc giao dịch.

4. Mức giới hạn bồi thường khi vận chuyển bằng máy bay từ 15/10/2020

Nghị định 97/2020/NĐ-CP quy định tăng mức giới hạn trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người vận chuyển trong vận chuyển bằng đường hàng không như sau:

Đối với vận chuyển hành khách, giới hạn bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khỏe của hành khách tăng từ 100.000 đơn vị tính toán (ĐVTT) lên 128.821 ĐVTT/khách.

Trường hợp vận chuyển hành khách, mức giới hạn trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vận chuyển chậm tăng từ 4.150 ĐVTT lên thành 5.346 ĐVTT/khách.

Đối với vận chuyển hành lý (bao gồm hành lý ký gửi và xách tay), giới hạn bồi thường thiệt hại do mất mát, thiếu hụt, hư hỏng hoặc do vận chuyển chậm tăng từ 1.000 ĐVTT lên 1.288 ĐVTT/khách.

ĐVTT là đơn vị tiền tệ do Quỹ tiền tệ quốc tế xác định và được chuyển đổi sang Đồng Việt Nam theo tỷ giá chính thức do Ngân hàng nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm thanh toán.

Nghị định 97/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/10/2020.


II. Chính sách mới nổi bật có hiệu lực cuối tháng 10/2020
 

1. Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng từ 25/10/2020
Đây là nội dung đáng chú ý tại Thông tư 10/2020/TT-BNNPTNT về Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng, cấm sử dụng tại Việt Nam có hiệu lực từ ngày 25/10/2020.

Theo đó, danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam gồm:

- Thuốc sử dụng trong nông nghiệp: 1.795 hoạt chất với 4.153 tên thương phẩm;

- Thuốc trừ mồi: 15 hoạt chất với 25 tên thương phẩm;

- Thuốc bảo quản lâm sản: 7 hoạt chất với 8 tên thương phẩm;

- Thuốc khử trùng kho: 3 hoạt chất với 10 tên thương phẩm;

- Thuốc sử dụng cho sân golf: 4 hoạt chất với 4 tên thương phẩm;

- Thuốc xử lý hạt giống: 22 hoạt chất với 28 tên thương phẩm;

- Thuốc bảo quản nông sản sau thu hoạch: 1 hoạt chất với 1 tên thương phẩm.

2. Quy định đối với hồ sơ gỗ xuất khẩu

Nội dung này được quy định tại Nghị định 102/2020/NĐ-CP về hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam có hiệu lực từ ngày 30/10/2020, theo đó:

Chủ gỗ phải nộp cho cơ quan hải quan nơi đăng ký tờ khai một trong các chứng từ dưới đây cùng với bộ hồ sơ hải quan theo quy định khi làm thủ tục hải quan đối với lô hàng gỗ xuất khẩu:

- Gỗ thuộc Phụ lục CITES: Bản chính hoặc bản sao bản điện tử giấy phép CITES xuất khẩu do Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam cấp.

- Gỗ không thuộc Phụ lục CITES:

+ Lô hàng gỗ xuất khẩu sang thị trường EU: Bản chính hoặc bản sao bản điện tử giấy phép FLEGT;

+ Lô hàng gỗ xuất khẩu sang thị trường ngoài EU:

++ Trường hợp chủ gỗ là doanh nghiệp Nhóm I: Bản chính bảng kê gỗ xuất khẩu do chủ gỗ lập.

++ Trường hợp chủ gỗ không phải là doanh nghiệp Nhóm I: Bản chính bảng kê gỗ xuất khẩu do chủ gỗ lập có xác nhận của cơ quan Kiểm lâm sở tại theo quy định tại Điều 9 Nghị định này.

3. Nội dung thông báo ngừng cấp điện hoặc giảm mức cung cấp điện

Quy định này được đề cập tại Thông tư 22/2020/TT-BCT quy định các điều kiện, trình tự thủ tục ngừng, giảm mức cung cấp điện có hiệu lực từ 30/10/2020.

Theo đó, bên bán điện phải thông báo trước cho bên mua điện khi ngừng, giảm mức cung cấp điện (trừ trường hợp tại Khoản 6 Điều 7 Luật Điện lực và Điều 6 Thông tư 22/2020/TT-BCT ), nội dung thông báo gồm:

- Địa điểm ngừng, giảm mức cung cấp điện; mức công suất giảm hoặc khả năng cung cấp tối đa trong trường hợp giảm mức cung cấp điện;

- Lý do ngừng, giảm mức cung cấp điện;

- Thời gian bắt đầu ngừng, giảm mức cung cấp điện;

- Thời điểm dự kiến đóng điện trở lại hoặc bảo đảm mức cung cấp điện bình thường.

4. Công thức tính mức chi phí cho một lần ngừng, cấp điện trở lại

Theo Thông tư 23/2020/TT-BCT về phương pháp xác định và mức chi phí ngừng, cấp điện trở lại có hiệu lực từ ngày 30/10/2020 thì mức chi phí cho một lần ngừng, cấp điện trở lại được tính theo công thức sau:

T = M x k x n

Trong đó:

- T: Số tiền bên bán điện được phép thu để thực hiện việc ngừng, cấp điện trở lại;

- M: Mức chi phí ngừng, cấp điện trở lại cơ sở theo Điều 6 Thông tư 23/2020;

- k: Hệ số điều chỉnh theo khoảng cách theo Điều 7 Thông tư 23/2020;

- n: Hệ số điều chỉnh theo vùng, miền theo Điều 8 Thông tư 23/2020.

Lưu ý, mức chi phí cho 01 lần ngừng, cấp điện trở lại trên đây chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng (VAT).

Khoản thu chi phí ngừng, cấp điện trở lại được hạch toán vào doanh thu của bên bán điện (phần doanh thu sản xuất kinh doanh khác) và nộp thuế theo quy định.

Tác giả bài viết: Luật gia Vũ Lê Minh giới thiệu

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

TƯƠNG TÁC NHIỀU

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây