1/ Sơ lược nội dung vụ án.
Từ năm 2005 đến năm 2007 bà Trần Thị Lan* (ngụ tại TP.HCM) đã cho L.T.B.H vay tổng số tiền là 26.900.000.000 đồng với lãi suất thoả thuận 1,5% đến 3%/tháng.
Đến cuối tháng 10/2007, H. đã trả được cho bà Lan 9.140.000.000 đồng. Số tiền còn lại, hai bên đối chiếu công nợ và lập biên bản xác nhận, H. còn nợ bà Lan số tiền 17.760.000.000 đồng và cam kết sẽ thanh toán dứt điểm vào ngày 21/12/2007. Tuy nhiên, đến ngày 21/12/2007, L.T.B.H tuyên bố vỡ nợ, không còn khả năng thanh toán đối với số tiền trên, nên bà Lan đã làm đơn tố cáo hành vi chiếm đoạt tài sản của H. gửi đến Cơ quan Điều tra – Công an tỉnh G.
Tại cơ quan điều tra, L.T.B.H thừa nhận còn nợ của bà Trần Thị Lan số tiền 17.760.000.000 đồng, nhưng không còn khả năng thanh toán khoản nợ này, vì toàn bộ số tiền trên, H. đã cho Lê Thị Diễm vay lại và bị Diễm chiếm đoạt, không trả.
Tuy nhiên, kết quả điều tra xác định được, Lê Thị Diễm chỉ vay của H. số tiền 36.650.000 đồng chứ không phải Diễm vay và có hành vi chiếm dụng toàn bộ số tiền 17.760.000.000 đồng như lời khai của L.T.B.H.
Với kết quả điều tra như trên, ngày 29/7/2008 Cơ quan cảnh sát điều tra – Công an tỉnh G. có quyết định khởi tố vụ án số 55 và quyết định khởi tố bị can số 101 đối với bị can L.T.B.H.
Ngày 29/5/2009 Viện kiểm sát nhân dân tỉnh G. ban hành Cáo trạng số 57/VKS.P1 truy tố L.T.B.H về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” theo điểm a khoản 4 điều 140 BLHS năm 1999 với hành vi khách quan là, dùng thủ đoạn gian dối đẩy nợ cho người thứ ba để chiếm đoạt tài sản.
2/ Nhận định và quyết định của Toà án các cấp.
Tại bản án hình sự sơ thẩm số 20/2011/HSST ngày 01/4/2011, Toà án nhân dân tỉnh G. nhận định:
“ … xét thấy, giấy vay tiền theo ngày 21/11/2007 giữa L.T.B.H và Trần Thị Lan là giao dịch dân sự, thể hiện sự tự nguyện của các bên, trong đó xác định rõ thời hạn trả nợ là 01 tháng, thể hiện lãi suất và nghĩa vụ của các bên.
Tuy nhiên, khi chưa đến thời hạn kết thúc hợp đồng, các bên không có sự thay đổi về thoả thuận đã giao kết, nhưng người bị hại đã liên tục có hành vi đòi nợ và yêu cầu xử lý hình sự là trái với nguyên tắc giao dịch dân sự…”
Từ nhận định trên, toà án cấp sơ thẩm đã tuyên bố, bị cáo L.T.B.H không phạm tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” như Cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh G. đã truy tố.
Sau khi xét xử sơ thẩm, bị hại Trần Thị Lan có đơn kháng cáo, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh G. có văn bản kháng nghị, đề nghị Toà án cấp trên xem xét lại vụ án theo trình tự phúc thẩm.
Tại bản án hình sự phúc thẩm số 212/2011/HSPT ngày 25/7/2011, Toà phúc thẩm – TAND Tối cao tại Đà Nẵng (nay là TAND Cấp cao tại Đà Nẵng) đã tuyên xử:
Huỷ toàn bộ bản án hình sự sơ thẩm số 20/2011/HSST ngày 01/4/2011 của Toà án nhân dân tỉnh G. để điều tra, xét xử lại vụ án theo thủ tục chung.
Sau đó, tại phiên toà phúc thẩm lần 2, bị cáo L.T.B.H đã thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình.
3/ Bình luận.
Trước hết, có thể thấy rằng, việc bản án sơ thẩm căn cứ vào thời điểm người bị hại có đơn tố cáo để kết luận, hành vi của bị cáo không cấu thành tội phạm, mà đây chỉ là quan hệ dân sự, là một sai lầm nghiêm trọng về nhận thức và áp dụng pháp luật. Bởi các lẽ sau:
Thứ nhất, đây không phải là vụ án thuộc trường hợp khởi tố theo yêu cầu của người bị hại. Do vậy, dù có đơn tố cáo hay không, Cơ quan Điều tra vẫn có quyền khởi tố vụ án, nếu xét thấy có hành vi phạm tội. Vì vậy không thể căn cứ vào thời điểm người bị hại nộp đơn để xác định bị cáo không phạm tội.
Thứ hai, về nguyên tắc, khi phát hiện có dấu hiệu tội phạm thì mọi công dân đều có quyền tố giác tội phạm với cơ quan có thẩm quyền vào bất kỳ thời điểm nào (kể cả trong giai đoạn chuẩn bị phạm tội). Còn việc quyết định có khởi tố vụ án hình sự hay không, và khởi tố vào thời điểm nào, là thuộc về trách nhiệm và thẩm quyền của cơ quan điều tra. Nói khác, thông tin tố giác tội phạm của công dân có thể sớm hay muộn; có thể đúng hoặc sai. Chính vì vậy, pháp luật quy định, Cơ quan Điều tra phải có trách nhiệm kiểm tra, xác minh nguồn tin. Và, thông qua việc kiểm tra, xác minh này, nếu xét thấy có hành vi phạm tội thì cơ quan điều tra sẽ khởi tố vụ án theo quy định của pháp luật.
Như vậy, nếu cần phải xác định về mặt thời gian để xem xét hành vi của bị cáo có phạm tội hay không, thì trước hết phải căn cứ vào thời điểm Cơ quan Điều tra khởi tố vụ án, chứ không phải căn cứ vào đơn tố giác của người bị hại với tính cách là một thông tin tố giác tội phạm của công dân. Theo đó, nếu Cơ quan Điều tra khởi tố vụ án trước thời điểm bị cáo cam kết thực hiện nghĩa vụ trả nợ, thì Tòa án có thể tuyên bố bị cáo không phạm tội. Vì một lẽ đơn giản, khi chưa hết thời hạn trả nợ mà đã khởi tố vụ án hình sự thì chưa có cơ sở vững chắc để kết luận bị cáo có hành vi chiếm đoạt.
Thế nhưng trong vụ án này, thời điểm Cơ quan Điều tra có quyết định khởi tố vụ án là vào ngày 29/7/2008. Tức là sau hơn 7 tháng kể từ ngày bị cáo cam kết trả nợ theo “Giấy vay tiền” ngày 21/11/2007. Như vậy, trong suốt khoảng thời gian kéo dài hơn 7 tháng, bị cáo vẫn không thực hiện nghĩa vụ trả nợ, mà tiếp tục dùng thủ đoạn gian dối đẩy nợ cho người thứ ba để từ chối việc trả nợ. Hành vi này đã đủ yếu tố cấu thành tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại điểm a khoản 4 điều 140 BLHS năm 1999.
Ở một phương diện khác, nhận định trên của bản án sơ thẩm cũng cho thấy, toà án cấp sơ thẩm đã có sự lẫn lộn trong việc dùng các quy phạm pháp luật dân sự để đánh giá và kết luận về hành vi tội phạm trong vụ án hình sự.
Một cách tổng quát, có thể thấy rằng, trái với nguyên tắc dân sự không đồng nghĩa với việc không phạm tội. Một người vay một khoản tiền trong thời hạn 01 tháng, nếu chưa hết thời hạn đó mà bên cho vay khởi kiện vụ án dân sự để đòi nợ, thì đó là trái với nguyên tắc giao dịch dân sự. Nhưng nếu sau khi nhận được tiền vay, bên vay đã dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt số tiền vay đó, thì cho dù chưa đến thời hạn trả nợ theo thoả thuận, người bị hại vẫn có quyền tố cáo hoặc yêu cầu cơ quan điều tra xử lý hình sự. Bởi vì, ngay từ thời điểm bên vay dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn đó, hành vi đã cấu thành tội phạm, và như vậy, sự việc không còn là quan hệ dân sự nữa, mà đã có dấu hiệu tội phạm, nên phải được xử lý theo quy định của pháp luật hình sự.
Như vậy, việc toà án cấp sơ thẩm áp dụng các quy phạm pháp luật dân sự để cho rằng, việc người bị hại yêu cầu xử lý hình sự trước thời hạn hợp đồng, là trái với nguyên tắc giao dịch dân sự, để từ đó tuyên bố bị cáo không phạm tội, là một sai lầm nghiêm trọng về mặt nhận thức và áp dụng pháp luật.
Nói một cách ví von, sự lẫn lộn về phương diện áp dụng pháp luật trong trường hợp này, chẳng khác nào một người sử dụng “nhiệt kế” để đi “đo” chiều dài của một con đường.
Tác giả bài viết: Luật sư Hồ Ngọc Diệp
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn