Ông Putin: Cần ngồi lại nói chuyện với Triều Tiên, đừng dọa họ

Thứ hai - 15/05/2017 19:07
Nga phản đối có thêm nước sở hữu vũ khí hạt nhân, không chấp nhận các hành động của Bình Nhưỡng, nhưng thế giới cần ngồi lại nói chuyện với Triều Tiên hơn là dọa nạt họ.
Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu trước báo chí bên lề diễn đàn quốc tế cấp cao "Vành đai và con đường" tại Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 15-5 - Ảnh: Reuters
Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu trước báo chí bên lề diễn đàn quốc tế cấp cao "Vành đai và con đường" tại Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 15-5 - Ảnh: Reuters
 


Phát biểu tại Bắc Kinh (Trung Quốc) ngày 15-5, Tổng thống Nga Vladimir Putin nhắc lại quan điểm của nước này về vấn đề Triều Tiên. Theo đó, Matxcơva phản đối các vụ thử hạt nhân của Bình Nhưỡng, song nhấn mạnh các giải pháp hòa bình trước những căng thẳng đang tăng trên bán đảo Triều Tiên là rất cần thiết.

"Tôi muốn nhắc lại rằng chúng tôi (Nga) phản đối sự mở rộng của câu lạc bộ các quốc gia hạt nhân, bao gồm cả bán đảo Triều Tiên và CHDCND Triều Tiên", Reuters dẫn lời ông Putin. Nhà lãnh đạo Nga nhấn mạnh bất kỳ động thái mở rộng câu lạc bộ này đều "rất nguy hiểm".

Tổng thống Nga xác nhận Bộ trưởng Quốc phòng Nga đã báo cáo ông về vụ bắn thử tên lửa mới nhất của Triều Tiên vào ngày hôm qua (14-5).

Tên lửa của Triều Tiên đã rơi gần vùng biển của Nga hơn là Nhật Bản. Ông Putin nói chuyện này không đe dọa gì tới nước Nga nhưng hành động của Bình Nhưỡng là không nên và chỉ làm leo thang căng thẳng.

"Nhưng chúng tôi cũng đồng thời hiểu được một điều, rằng qua những gì đã diễn ra gần đây trên thế giới, như các sự vụ vi phạm luật quốc tế, xâm phạm vào lãnh thổ chủ quyền của nước khác, thay đổi chế độ của một quốc gia,.. đã dẫn tới các cuộc chạy đua vũ trang như vậy"

Tổng thống Putin không nói rõ nước nào đã làm những chuyện này. Người đứng đầu nước Nga nhấn mạnh, trước thực tế thế giới như vậy, các quốc gia cần hành động "nhất quán với luật pháp quốc tế và hiến chương Liên Hiệp Quốc".

"Chúng ta cần quay trở lại bàn đàm phán, đối thoại với Triều Tiên và ngừng dọa nạt họ, tìm phương thức hòa bình để giải quyết vấn đề này". Tổng thống Putin khẳng định điều này là hoàn toàn có thể, dựa trên những gì ông gọi là "kinh nghiệm tích cực" khi tổ chức các cuộc đàm phán với Bình Nhưỡng trong quá khứ.

"Nếu quý vị chịu khó ngồi nhớ lại, sẽ có lúc Triều Tiên đã từng tuyên bố đình chỉ chương trình hạt nhân của họ, tiếc là một số quốc gia tham gia vòng đàm phán đã không đủ kiên nhẫn. Tôi nghĩ bây giờ chúng ta cần quay lại giai đoạn này".

Nga và Mỹ khác biệt trong cách tiếp cận Triều Tiên

Tuyên bố của Tổng thống Putin về vấn đề Triều Tiên ngày hôm nay đã cho thấy rõ hơn nữa sự khác biệt trong cách tiếp cận vấn đề hạt nhân của Triều Tiên giữa Nga và Mỹ.

Chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đang gia tăng sức ép lên Triều Tiên, buộc Bình Nhưỡng phải từ bỏ chương trình hạt nhân và tên lửa. Washington cũng đồng thời tìm kiếm sự ủng hộ của Bắc Kinh trong nỗ lực này và xem Trung Quốc là chìa khóa quan trọng trong việc giải quyết vấn đề.

Trước đó, các quan chức cấp cao và lãnh đạo Mỹ đã tuyên bố "chiến lược kiên nhẫn" của Washington đối với Triều Tiên đã kết thúc, ám chỉ một cách tiếp cận mới, mang tính cứng rắn đối với Bình Nhưỡng.

Các động thái sau đó tiếp tục chứng minh cho tuyên bố này, Tổng thống Trump đã từng tuyên bố sẽ "hành động một mình" trong vấn đề Triều Tiên nếu Trung Quốc không giúp. Nhà lãnh đạo Mỹ cũng nhiều lần mập mờ về giải pháp quân sự chống lại Triều Tiên.

Sau vụ không kích bất ngờ bằng tên lửa của Mỹ vào Syria, thế giới đã chứng kiến những động thái và tuyên bố cứng rắn của chính quyền Trump đối với Triều Tiên, bao gồm cả "đòn gió" đưa tàu sân bay áp sát bán đảo Triều Tiên.

Trong khi đó, ở mặt đối lập, Matxcơva lại tỏ ra dịu giọng hơn với Bình Nhưỡng. Còn nhớ khi cả thế giới đang hồi hộp lo sợ kịch bản không kích Syria sẽ được Mỹ lặp lại ở Triều Tiên, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đã lên tiếng cảnh báo "Mỹ không được đơn phương tấn công phủ đầu Triều Tiên".

"Chúng ta không chấp nhận hành động thử hạt nhân bất chấp của Bình Nhưỡng. Nó vi phạm các nghị quyết của Liên Hiệp Quốc nhưng điều đó không có nghĩa là quý vị (Mỹ) có thể vi phạm luật quốc tế”, hãng thông tấn AFP dẫn lời ông Lavrov khi đó nhấn mạnh.

Matxcơva sau đó cũng sử dụng quyền phủ quyết tại Hội đồng Bảo an, ngăn cơ quan này ra một nghị quyết lên án Triều Tiên bất chấp Trung Quốc tỏ ý ủng hộ.

Có quá nhiều giả thuyết được đặt ra đằng sau thái độ dịu giọng của Nga đối với Triều Tiên. Nhưng theo giới quan sát, chúng cho thấy Matxcơva không muốn bị đẩy ra khỏi cuộc chơi khi có nhiều chỉ dấu cho thấy Trung Quốc và Mỹ đã đạt được sự nhất trí trong nhiều vấn đề liên quan tới Triều Tiên. 

Nguồn tin: TTO

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

TƯƠNG TÁC NHIỀU

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây