Xét xử sơ thẩm vụ tranh chấp QDĐ ở Hoài Hải (Hoài Nhơn, Bình Định): VÌ SAO THẨM PHÁN BỊ “CHỈ TRÍCH” THIÊN VỊ NGUYÊN ĐƠN (?)

Thứ năm - 27/06/2019 04:26
Theo bản đồ địa chính năm 1997, phần đất tranh chấp giữa hai hộ gia đình là thửa đất hoang có số hiệu độc lập, thế nhưng đến năm 2012 thửa đất hoang biến mất và trở thành một phần thửa đất thuộc quyền sở hữu của nguyên đơn. Sự bất thường này là nguyên nhân làm phát sinh tranh chấp nhưng cấp sơ thẩm đã bỏ qua chứng cứ quan trọng này (?)
Xét xử sơ thẩm vụ tranh chấp QDĐ ở Hoài Hải (Hoài Nhơn, Bình Định):         VÌ SAO THẨM PHÁN BỊ  “CHỈ TRÍCH” THIÊN VỊ NGUYÊN ĐƠN (?)


                 
    Theo người dân thôn Kim Giao Thiện phần đất đang tranh chấp là của gia đình ông Nguyễn Hồng Quân và bà Võ Thị Vân, chứ không phải của ông Võ Thành Long

Căn cứ vào các tài liệu có cơ sở xác định, ngôi nhà gắn liền với thửa đất số 239, tờ bản đồ số 02, diện tích 528m2 (trong đó có 200m2 đất ở và 328m2 đất vườn) của vợ chồng ông của ông Nguyễn Hồng Quân và bà Võ Thị Vân đang ở, tọa lạc tại thôn Kim Giao Thiện, xã Hoài Hải, huyện Hoài Nhơn (Bình Định) có nguồn gốc của ông Lê Trung An tạo lập và để lại cho con trai là ông Lê Thanh Tân.

Đến năm 1994, ông Tân bán lại cho vợ chồng bà Trần Thị Tàu. Sau đó cũng trong năm 1994, vợ chồng bà Tàu bán lại cho vợ chồng ông Quân sử dụng và được Nhà nước cân đối giao quyền sử dụng theo Nghị định 64/CP. Đến ngày 10/8/2008, thực hiện cấp đổi lại GCN QSDĐ theo số liệu VN 2000, thửa đất đổi thành số 37, tờ bản đồ số 23, diện tích 631,9m2 đứng tên sở hữu vợ chồng ông Nguyễn Hồng Quân.

Hiện trạng của thửa đất khi mua lại của bà Võ Thị Tàu vào năm 1994, vợ chồng ông Quân cho biết phía Đông Nam tiếp giáp đất của ông Võ Thành Long và đất bỏ hoang hóa. Trong quá trình sử dụng, vợ chồng ông Quân đã bỏ công sức ra phục hóa biến thành một phần mặt tiền của thửa đất để sử dụng.

Lời trình bày của vợ chồng ông Quân phù hợp với bản đồ địa chính 299 được đo vẽ năm 1997 (do UBND xã Hoài Hải cung cấp): Thửa đất 239, tờ bản đồ số 2 có giới cận tiếp giáp về phía Đông Nam với thửa 241, diện tích 504m2 (tức thửa của ông Võ Thành Long) 2/3 chiều ngang; và 1/3 chiều ngang giáp liền với thửa đất bỏ hoang (Hg), có số hiệu 240, diện tích 153m2. Tại thời điểm PV có mặt (sáng 20/5) ở khu đất tranh chấp vẫn còn nhìn thấy một bờ rào cây dứa mọc um tùm lâu đời chia đôi thửa đất số 240 và 241. Có nghĩa là phạm vi sử dụng đất ổn định của gia đình ông Long từ trước đến nay chỉ dừng lại ở bờ rào này.

                     
Ông Nguyễn Văn Dũng – Thôn đội trưởng thôn Kim Giao Thiện chỉ vào bờ rào khẳng định đất của ông Long chủ dừng lại ở ranh giới này.

Đến năm 2014, để tiện lợi cho việc đi lại, vợ chồng ông Quân đổ bê tông nâng cấp lối đi ra trước mặt nhà (có chiều 7m và rộng 2m), nhưng ông Võ Thành Long không có ý kiến gì. Điều đó càng chứng tỏ, phần đất đang tranh chấp không phải là của ông Long nên ông không đủ “can đảm” ra mặt để yêu cầu ông Quân trả lại hiện trạng. Như vậy có căn cứ để xác định phần đất đang tranh chấp là đất bỏ hoang và được vợ chồng ông Quân phục hóa đưa vào sử dụng ổn định trước ngày 01/7/2004. Trong trường hợp này nếu vợ chồng ông Quân làm đơn xin cấp quyền sở hữu, có đủ cơ sở để cấp có thẩm quyền xem xét công nhận theo quy định tại khoản 6 Điều 50 Luật Đất đai 2003 và khoản 2 Điều 101 Luật Đất đai năm 2013.

Tuy nhiên tại Bản án sơ thẩm số 57/2019/DS-ST ngày 16/5/2019, Tòa án huyện Hoài Nhơn cho rằng yêu cầu khởi kiện của ông Long là có căn cứ, theo đó đã tuyên buộc vợ chồng ông Quân có nghĩa vụ trả lại phần đất đang tranh chấp và tháo dỡ phần lối đi bê tông trên thửa đất.

Cần xem xét lại bản án sơ thẩm (?)

Theo Luật sư Lê Hoài Sơn (Đoàn Luật sư tỉnh Bình Định), cấp sơ thẩm đã vi phạm tố tụng trong quá trình thụ lý và xét xử vụ án. Ông Sơn phân tích, theo quy định tại Điều 94 BLTTDS 2015, chứng cứ của vụ án được thu thập từ các nguồn: tài liệu đọc được, nhìn được; lời khai của đương sự; lời khai của người làm chứng… Trường hợp nếu đương sự không tự mình xuất trình chứng cứ được thì “do Tòa án thu thập được theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và được Tòa án sử dụng làm căn cứ để xác định các tình tiết khách quan của vụ án cũng như xác định yêu cầu hay sự phản đối của đương sự là có căn cứ và hợp pháp”.

Đối chiếu với quy định trên của pháp luật trong trường hợp bị đơn (vợ chồng ông Quân) không xuất trình được chứng cứ phản tố, để giải quyết triệt để vụ án, thẩm phán được phân công thụ lý vụ án phải có trách nhiệm làm văn bản yêu cầu cơ quan có chức năng là Phòng TNMT huyện Hoài Nhơn hoặc cấp có thẩm quyền là UBND xã Hoài Hải cung cấp bản đồ địa chính qua các thời kỳ để xác định ranh giới và hình thể của các thửa đất liền kề đối với phần đất đang tranh chấp. Mà trong đó bản đồ địa chính 299 được xác lập năm 1997 là chứng cứ quan trọng, có thể làm thay đổi toàn bộ bản chất nội dung đơn khởi kiện của nguyên đơn.

Bỡi như chúng tôi đã trình bày ở phần đầu bài viết, nhìn vào bản đồ này có thể thấy, phần đất đang bị tranh chấp chính là thửa đất số 240, diện tích 153m2, loại đất hoang (Hg), chưa có chủ sử dụng. Vậy thì dựa vào cơ sở nào đến năm 2000, thửa đất số 240 bị biến mất và được nhập vào thửa 38, tờ bản đồ số 23, có diện tích 531,1m2 đứng tên chủ sử dụng Võ Thành Long, trong khi ranh giới thực tế giữa 02 thửa đất 240 và 241 (là bờ rào) không thay đổi ? Sự bất thường này chỉ có thể giải thích là ông Long đã kê khai gian dối và cấp có thẩm quyền từ xã đến huyện đã cố tình phớt lờ, tạo điều kiện cho ông Long hợp thức hóa thửa đất số 240 thành quyền sở hữu của mình.
           
                       
 
Bản đồ đo vẽ năm 1997 thể hiện thửa đất 241 của ông Long liền kề với thửa đất số 240/ 153m2, loại đất hoang  (Hg)                                      

              
Bản đồ VN2000, thửa đất số 240, 241 nhập lại thành 01 thửa đất số 38 nhưng không rõ nguyên nhân (?)
 
Mặt khác, nếu ông Long cho rằng phần đất đang tranh chấp là của mình thì tại sao năm 2014 khi vợ chồng ông Quân làm đường bê tông băng qua thửa đất, ông Long không tranh chấp mà để kéo dài cho đến nay mới làm đơn khởi kiện. Tại phiên tòa, ông Long có khai, bản thân ông đã cố gắng hòa giải với bị đơn nhiều lần nhưng không đạt được kết quả. Song đó là lời khai một chiều nên không được HĐXX xem xét.

Bản án sơ thẩm đã dẫn lời khai làm chứng của ông Lê Thanh Tân (người bán nhà đất cho bà Võ Thị Tàu) hiện trạng của tài sản khi giao dịch năm 1994 không có phần đất tranh chấp. Trong khi đó trả lời câu hỏi của PV, bà Lê Thị Bay, vợ kế của ông Lê Trung An (người tạo lập tài sản để lại cho con trai Lê Thanh Tân), và bà Trần Thị Tàu người đã sang nhượng lại ngôi nhà gắn liền với đất cho vợ chồng ông Nguyễn Hồng Quân đồng xác nhận: “Thửa đất của ông Long có ranh giới sử dụng từ bờ rào trở ra và có độ dốc cao hơn, còn phần đất đang tranh chấp là của vợ chồng ông Quân quản lý sử dụng ổn định từ năm 1994 cho đến nay. Khi vợ chồng ông Quân mua lại còn có 19 cây dừa bao quanh thửa đất…”.
 
Tương tự, ông La Văn Thu – Ủy viên BCH Hội Cựu chiến binh xã Hoài Hải, Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh thôn Kim Giao Nam, cho biết sau giải phóng ông làm Phó ban Công an thôn nên ông biết rất rõ đất của ông Long chỉ dừng lại ở bờ rào dứa. “Tôi hoài nghi có sự khuất tất khi đổi sổ mới ông Long vào năm 2012. Vì lúc đó ông Long có nhờ tôi ký vào giấy tờ nhưng tôi yêu cầu phải đến hiện trường để khảo sát lại trước khi ký nhưng ông Long không chịu đi”, ông Thu nói. Trong khi đó ông Nguyễn Văn Dũng – Thôn đội trưởng thôn Kim Giao Thiện cho biết ông được cử đi dự lớp huấn luyện tại huyện Tuy Phước nhưng vẫn tranh thủ về để tiếp xúc với báo chí.

Ông Dũng kéo chúng tôi ra bằng được tại hiện trường chỉ vào bờ rào và nói: “Nhà tôi ở gần đây, hồi nhỏ tôi thường la cà tại khu đất này nên làm sao tôi không biết đất này là của vợ chồng anh Quân sử dụng. Vậy nên khi được biết Nhà nước công nhận quyền sử dụng cho ông Long, tôi rất bức xúc”. Lời xác nhận của ông Dũng, ông Thu, bà Bay và bà Tàu… theo người dân thôn Kim Giao Thiện có mặt trong buổi sáng 20/5 là hoàn toàn sự thật, không thể thay đổi. Một trong số đó đã bức xúc chia sẻ: “Người dân thôn Kim Giao Thiện sẵn sàng bỏ cả ngày công đi biển để đến tòa làm chứng cho sự thật này, nhưng tòa án đã không triệu tập chúng tôi”.

Vì sao lời khai của các nhân chứng còn nhiều mâu thuẫn nhưng cấp sơ thẩm không cho triệu tập để lấy lời khai và đối chất để làm sáng tỏ các tình tiết có liên quan theo quy định của tố tụng dân sự (?)

Như vậy có căn cứ để công nhận phần đất đang tranh chấp là của vợ chồng ông Quân vì chính vợ chồng ông Quân là người đã khai hoang phục hóa và sử dụng ổn định từ năm 1994 cho đến nay. Việc cấp có thẩm quyền sáp nhập thửa đất hoang hóa vào chung một thửa để theo đó cấp đổi Giấy chứng nhận QSDĐ cho ông Võ Thành Long được toàn quyền sở hữu là bất thường trái với quy định của pháp luật, theo đó cần phải thu hồi và hủy GCN theo quy định tại điểm d, khoản 2 Điều 106 Luật Đất đai 2013.

Hy vọng phiên tòa phúc thẩm sắp tới sẽ có một phán quyết sáng suốt thấu tình đạt lý, lấy lại niềm tin vào công lý cho bị đơn và nhân dân địa phương./.

                                                                                           



 

Tác giả bài viết:     TỔ PV MIỀN TRUNG

Nguồn tin: Báo Kinh doanh và Pháp luật

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây