Cảnh tượng đúng là một khoảnh khắc lịch sử: Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un sải bước về phía nhau từ hai phía của một dải đất đánh dấu một trong những khu vực nguy hiểm nhất thế giới.
Họ bắt tay nhau thật chặt và sau đó, ông Trump bước qua gờ bê tông đánh dấu đường biên giới giữa hai miền Triều Tiên, trở thành tổng thống Mỹ đầu tiên trong lịch sử đặt chân lên lãnh thổ đất nước bí ẩn nhất thế giới.
Nhưng sau đó, khoảnh khắc dường như để sinh ra cho truyền hình này cũng có các khía cạnh, mà người chỉ trích ông tổng thống Mỹ sẽ coi là đặc trưng của thời kỳ Trump: những hình ảnh với mục đích gây ấn tượng tích cực với công chúng (photo-op).
Photo-op là thuật ngữ lần đầu tiên xuất hiện trong nhiệm kỳ của Richard Nixon, mô tả một hình ảnh có vai trò PR nhiều hơn là ý nghĩa thực tế.
Cái bắt tay lịch sử giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un hôm 30/6, đánh dấu việc lần đầu tiên trong lịch sử một tổng thống Mỹ đặt chân lên Triều Tiên. Ảnh: AP. |
Liệu đây có phải là một hành động để gây sự chú ý? Hay đó thật sự là một bước đi lịch sử của hai nhà lãnh đạo đặc biệt để thay đổi căn bản mối quan hệ được đánh dấu bằng hàng thập kỷ không tin tưởng, đổ máu rồi thất vọng?
Dường như có cả hai yếu tố này trong cuộc gặp gỡ hôm 30/6 tại làng đình chiến Bàn Môn Điếm, thêm vào đó là một chút siêu thực và cả một chút hỗn loạn. Có lúc, các phóng viên, quan chức chen chúc lẫn nhau và với cả lực lượng an ninh để có được góc máy đẹp. Tiếp đó, ông Kim và ông Trump xuất hiện sau cuộc gặp riêng và tuyên bố đã thống nhất tái khởi động quá trình đàm phán phi hạt nhân hóa.
Mỗi lần hai nhà lãnh đạo cùng nhau xuất hiện trước truyền thông lại thu hút sự chú ý hoàn toàn của cả thế giới và gây nên những phản ứng rầm rộ, và lần gặp gỡ này cũng không ngoại lệ.
Tuy nhiên, đứng từ góc độ lịch sử, cuộc gặp này chỉ đáng chú ý ở một điểm duy nhất: Liệu nó có giúp chấm dứt tham vọng hạt nhân của Triều Tiên với việc sở hữu một kho vũ khí có thể tấn công mọi nơi trên đất Mỹ?
Với một dòng tweet duy nhất mời nhà lãnh đạo Kim Jong Un tới Khu phi quân sự, ông Trump khiến cho những gì diễn ra ở Hội nghị Thượng đỉnh G20 trở nên lu mờ. Không những vậy, dường như cũng chẳng ai quan tâm đến việc phe Dân chủ đang làm gì ở nước Mỹ để cạnh tranh với ông Trump trong cuộc bầu cử năm 2020.
Toàn bộ sự chú ý của thế giới tập trung vào khu phi quân sự ngăn cách hai miền Triều Tiên, để xem ông Kim liệu có chấp nhận lời mời chóng vánh qua Twitter - hoàn toàn khác với những nghi thức ngoại giao thường thấy, để đi tới một địa điểm mà trên lý thuyết binh sĩ hai bên vẫn đang được đặt trong tình trạng chiến tranh.
Tuy vậy, đằng sau tất cả những yếu tố hấp dẫn đó, đang có một sự hoài nghi sâu sắc trong số các chuyên gia, cho rằng ông Trump chỉ đang theo đuổi những lợi ích của bản thân.
Họ chỉ ra rằng sau tất cả những yếu tố kịch tính trong những lần gặp nhau giữa ông Trump và ông Kim cho tới hiện tại, tình hình đàm phán bế tắc vẫn chưa thực sự có một bước tiến triển đáng kể nào: Washington muốn Bình Nhưỡng tiến nhanh tới việc phi hạt nhân hóa hoàn toàn trước khi được đảm bảo an ninh và được nới lỏng các lệnh cấm vận. Trong khi đó Triều Tiên cho rằng Mỹ đang bỏ lỡ cơ hội lịch sử để chấp nhận nhượng bộ của họ về việc phá hủy cơ sở hạt nhân chính của nước này.
Người dân Hàn Quốc theo dõi những hình ảnh về cuộc gặp của ông Trump và ông Kim trên truyền hình tại một địa điểm công cộng ở Seoul. Ảnh: Reuters. |
Trong khi đó, mối quan hệ cá nhân giữa ông Trump và ông Kim cũng là một 'chuyến tàu lượn cảm xúc'. Hồi năm 2017, nhà lãnh đạo Triều Tiên từng có nhận định về trí tuệ của ông Trump, sau đó tổng thống Mỹ từng đe dọa sẽ tung ra "lửa và cuồng nộ" khiến nhiều người lo sợ về nguy cơ chiến tranh.
Thế nhưng, không lâu sau đó, ông Trump ca ngợi lá thư "tươi đẹp" từ ông Kim, và cho biết "chúng tôi đã mến nhau" trước khi cả hai có cuộc gặp lịch sử đầu tiên.
Các nhà quan sát nhận định hoạt động ngoại giao đã đánh bại những mối đe doạ, nhưng mỗi lần ông Trump ra về trắng tay từ một cuộc gặp với ông Kim, ông chỉ góp phần công nhận tính chính danh của Triều Tiên như một cường quốc hạt nhân.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng cái bắt tay và những bước đi cùng nhau ngắn ngủi giữa ông Kim và ông Trump trên lãnh thổ Triều Tiên là một phần của điều đặc biệt, đánh dấu hai nước đã đi được quãng đường rất xa.
Bán đảo Triều Tiên bị chia cắt vào cuối Thế chiến II thành Triều Tiên do Liên Xô kiểm soát và Hàn Quốc do Mỹ hậu thuận. Sau cuộc chiến tranh đẫm máu từ 1950-1953, nó bị chia cắt vĩnh viễn dọc theo Khu Phi quân sự, với một Bộ Tư lệnh Liên Hợp Quốc do Mỹ chỉ huy ở phía nam đường biên giới.
Nhiều tổng thống Mỹ sau đó và các quan chức cấp cao đã đưa binh sĩ đến gần Khu phi quân sự, sẵn sàng cho việc thâm nhập vào Triều Tiên. Ở chiều còn lại, Triều Tiên cũng đào một loạt hầm dưới lòng đất với kế hoạch đổ bộ vào Hàn Quốc trong trường hợp chiến tranh. Những cuộc đụng độ nhỏ lẻ cũng xảy ra, và đó là chỉ ở đường biên giới.
Kể từ đầu những năm 1990, Washington và Bình Nhưỡng đã đối đầu căng thẳng khi Triều Tiên dần dần hoàn thành chương trình hạt nhân của họ.
Mặc dù sẽ cần nhiều thời gian để tranh luận ý nghĩa thật sự của cuộc gặp hôm 30/6, nhưng nhìn chung có thể khẳng định đã có những sự thay đổi tích cực trong mối quan hệ cá nhân giữa ông Trump và ông Kim - điều tổng thống Mỹ thường xuyên đề cập.
Dù có dành cho ống kính máy quay hay không, việc tổng thống Mỹ đặt chân lên lãnh thổ Triều Tiên cho thấy mối quan hệ hai nước đã tiến xa tới mức nào so với trước đây. Ảnh: Reuters. |
Điều tích cực hơn nữa, ông John Delury, chuyên gia về Triều Tiên tại Đại học Yonsei của Hàn Quốc cho rằng: "Triều Tiên cần phải được cảm thấy ít bị đe dọa, an toàn nhiều hơn, ít bị bao vây, được chào đón nhiều hơn... Việc ông Trump gặp ông Kim, dù ngắn ngủi, vào hôm chủ nhật tại Khu phi quân sự - vùng đất đại diện cho những vết thương chưa lành của sự chia cắt sau Thế Chiến II, cuộc chiến Triều Tiên và 70 năm thù địch - là một sự tiến bộ với mục đích 'thiết lập những quan hệ mới'".
Cũng có những hy vọng rằng ngay cả khu cuộc gặp hôm 30/6 chỉ để dành cho những chiếc camera, nó vẫn có thể thúc đẩy quan hệ ngoại giao và giúp ông Kim xây dựng một động lực lớn hơn trong nước để tham gia tích cực hơn vào quá trình phi hạt nhân hóa.
Theo bà Suzanne DiMaggio, nhà phân tích tại viện Carnegie Tài trợ cho Hòa bình Quốc tế, các cuộc gặp thượng đỉnh Trump - Kim đã tạo nên những đột phá về quan hệ, "nhưng chúng cũng bộc lộ giới hạn của ngoại giao theo hướng cá nhân khi điều này không được hỗ trợ bởi các cuộc đàm phán ở cấp độ thấp hơn được tổ chức thường xuyên.
Theo bà DiMaggio, điều cần nhất vào lúc này là "những nỗ lực ngoại giao nghiêm túc để kiểm soát những điều không chắc chắn ở phía trước và giải quyết một loạt những vấn đề khó khăn".
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn