Mất cả tiền chữa bệnh chồng đang nằm liệt giường
Sáng 20.11, hàng chục người dân mang theo băng rôn với nội dụng “trả tiền cho tôi” đến phòng giao dịch của Quỹ Tín dụng Thái Bình (phường Tân Hòa, TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) để đòi tiền khi hay tin giám đốc chi nhánh là ông Vũ Công Liêm “mất tích” cùng 50 tỷ đồng, không liên lạc được.
Vụ việc gây náo loạn trong khu vực khiến Công an phường Tân Hòa phải có mặt để bảo đảm an ninh trật tự. Người dân có tiền gửi vào Quỹ Tín dụng Thái Bình cũng được mời về trụ sở để lấy lời khai.
Ông Hoàng Văn Lục (ngụ phường Tân Hòa) – khách hàng gửi 8 tỷ đồng từ năm 2016 đến nay cho hay, do tin tưởng ông Liêm nên gửi tiền để nhận lãi suất 8%/năm. Từ đầu năm 2017 đến nay, ông Lục đến phòng giao dịch của quỹ để nhận lãi và tiền gốc nhưng không được giải quyết. Ông gần như "chết đứng" khi nghe tin giám đốc Liêm bỏ trốn.
Người dân tụ tập trước cửa Quỹ Tín dụng Thái Bình để đòi tiền ngày 20.11. ảnh: LÝ TÍN
Một khách hàng khác là bà Trương Thị Mỹ Dung hoang mang khi số tiền 700 triệu đồng từ việc bán đất của gia đình gửi quỹ này có nguy cơ mất trắng. Bà Dung nói, do chồng bị tai nạn nằm liệt giường nên khi nghe Quỹ Tín dụng Thái Bình trả lãi suất cao, bà đã mang tiền đến gửi để có tiền lo cho chồng, sinh hoạt. Tương tự như ông Lục, bà Dung không nhận được tiền lãi từ đầu năm 2017 đến nay.
Tính đến nay, theo Công an phường Tân Hòa có khoảng 82 người dân phản ánh việc Quỹ Tín dụng Thái Bình nợ với tổng số tiền gần 50 tỷ đồng.
Đại diện Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Đồng Nai đã có mặt tại UBND phường Tân Hòa để gặp người dân, làm các thủ tục cần thiết để giải quyết vụ việc.
Theo ông Trần Quốc Tuấn - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Đồng Nai, Quỹ Tín dụng Thái Bình hoạt động theo mô hình hợp tác xã tự chủ và tự chịu trách nhiệm về hoạt động. Ngân hàng Nhà nước Chi Nhánh Đồng Nai và cơ quan quản lý hành chính phường Tam Hòa có trách nhiệm giám sát, kiểm tra.
“Chúng tôi đang thực hiện việc kiểm soát đặc biệt, xem xét Quỹ Tín dụng Thái Bình huy động tiền của ai, bao nhiêu tiền, đưa đi đâu mới có phương án xử lý” - ông Tuấn nói.
Cần phải khởi tố vụ án ngay
"Thay vì gửi số tiền lớn vào một quỹ tín dụng, khách hàng nên chia khoản tiền đó ra thành nhiều phần gửi vào nhiều quỹ tín dụng. Khi xảy ra rủi ro, thiệt hại sẽ không lớn”. TS Nguyễn Trí Hiếu |
Công an tỉnh Đồng Nai cho biết đã thụ lý đơn tố cáo của người dân và đang tiến hành điều tra làm rõ sự việc. “Số tiền ông Liêm giữ của người dân có thể lớn hơn. Chúng tôi đang mời các khách hàng đến để làm việc, thống kê cụ thể” - một lãnh đạo Công an tỉnh Đồng Nai cho biết.
Theo luật sư Huỳnh Phước Hiệp (Đoàn Luật sư TP. HCM), Công an tỉnh Đồng Nai cần khởi tố vụ án ngay do vụ việc rất nghiêm trọng và phức tạp vì có nhiều nạn nhân. Bởi căn cứ vào lời khai của nạn nhân, ông Liêm có dấu hiệu phạm tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản công dân”. Thứ nhất, ông Liêm đưa ra lãi suất cao hơn các ngân hàng khác nhằm tạo lòng tin. Thứ hai, tiền người dân gửi vào không thông qua quy trình gửi tiền mà vào tay cá nhân ông Liêm. Bởi nếu đúng quy trình gửi tiền thì ông Liêm phải đưa tiền cho thủ quỹ nhập vào Kho bạc Nhà nước. Ông Liêm khó chiếm đoạt hoặc muốn chiếm đoạt cần phải có đồng phạm.
“Trước mắt khởi tố theo tội danh “lừa đảo chiếm đoạt tài sản công dân” và nếu ông Liêm không đến công an làm việc thì cần khởi tố bị can, phát lệnh truy nã” - luật sư Hiệp phân tích.
Về trách nhiệm dân sự, luật sư Hiệp nói nếu ông Liêm phạm tội thì chính ông Liêm phải trả tiền lại cho các nạn nhân. Ngân hàng Nhà nước chỉ thực hiện việc giám sát, trách nhiệm liên đới là rất nhỏ nên không thể buộc nhà nước liên đới trả tiền cho người dân...
Người dân cần tự bảo vệ tài sản của mình
Về vụ việc Quỹ Tín dụng Thái Bình, TS Nguyễn Trí Hiếu – chuyên gia tài chính, ngân hàng cho rằng, các quỹ TDND đã đóng vai trò quan trọng trong việc cho người dân vay vốn bởi bản thân người dân khó có thể tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng do không đáp ứng được điều kiện cho vay, và số tiền vay của họ thường rất nhỏ.
“Việc duy trì quỹ TDND là cần thiết, dù số vốn cho vay không nhiều nhưng đủ để giúp bà con nông dân nhiều nơi duy trì, phát triển hoạt động sản xuất. Song Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần có biện pháp để kiểm soát các quỹ này chặt chẽ hơn, tránh trường hợp lạm dụng, phá sản, gây thiệt hại cho người dân và nền kinh tế. Một quỹ TDND phá sản, người dân sẽ mất nơi để vay vốn phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh”.
Theo ông Hiếu, rủi ro khi người dân gửi tiền góp vốn vào những quỹ TDND khá lớn bởi rất nhiều quỹ không được kiểm soát chặt chẽ trong 3 mảng. Thứ nhất, ban quản lý quỹ sử dụng tiền góp vốn từ người dân. Thứ hai, việc kiểm soát những người trong ban quản lý quỹ như thế nào? Số người làm việc trong ban quản lý quỹ TDND khá ít, số tiền lại nằm trong tay họ nên cần sự kiểm soát chặt chẽ từ các lãnh đạo quỹ. Thứ ba, các quỹ TDND vận hành như thế nào? Cụ thể, quỹ đầu tư vốn vào đâu, dòng vốn di chuyển như thế nào cần được kiểm tra chặt chẽ bởi Ngân hàng Nhà nước.
Từ đây, TS Nguyễn Trí Hiếu đưa ra lời khuyên: “Người dân phải kiểm tra lý lịch của những người quản lý quỹ TDND mình gửi tiền thông qua chi nhánh của Ngân hàng Nhà nước tại tỉnh mà quỹ đó hoạt động. Từ đó, người gửi tiền cũng biết được quỹ tín dụng này hoạt động kinh doanh ra sao, có xảy ra sai phạm trong quá khứ hay không? Ngoài ra, cần chọn những quỹ TDND uy tín, hoạt động từ 10 năm trở lên. Không nên gửi tiền vào những quỹ mới mở bởi rủi ro sẽ cao hơn, do lãnh đạo, ban quản lý quỹ có thể chưa có nhiều kinh nghiệm.
Tác giả bài viết: Lý Tín, Hoàng Thắng
Nguồn tin: danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn