Vì vấn đề Hong Kong, Đặng Tiểu Bình khiến nữ phóng viên sợ run không cầm nổi micro

Thứ ba - 07/03/2017 11:00
(PL News) - Vì vấn đề đóng quân tại Hong Kong, Đặng Tiểu Bình nổi giận khiến 2 quan chức phải viết bản kiểm điểm và cam kết bằng thẻ đảng còn nữ phóng viên thì sợ run không cầm nổi micro.
Ông Đặng Tiểu Bình
Ông Đặng Tiểu Bình

 

"Không thể làm Lý Hồng Chương"

Đàm phán vấn đề Hong Kong giữa Trung Quốc và Anh diễn ra trong hai năm từ tháng 9/1982 đến tháng 9/1984 và dưới mọi hình thức từ chính thức tới bí mật. Dù trải qua tới 22 vòng đàm phán chính thức nhưng hai bên chưa đạt được thỏa thuận trong vấn đề “chủ quyền” do những mâu thuẫn quá lớn về lợi ích.

Phía Trung Quốc kiên quyết “các vấn đề quốc phòng, ngoại giao của Hong Kong phải do Bắc Kinh trực tiếp quản lý”, trong khi phía Anh cho rằng Đại lục không được đóng quân tại Hong Kong nếu không muốn mất lòng người dân.

Theo Nhân dân nhật báo, Trưởng phái đoàn đàm phán của Trung Quốc khi ấy là Trưởng phân xã Tân Hoa xã tại Hong Kong Chu Nam đã rất tức giận khi phía Anh cho rằng Trung Quốc không cần phải đóng quân tại Hong Kong do không có cách trở về mặt địa lý như nước Anh.

Đó là lý lẽ hoang đường” Chu Nam gằn giọng.

Báo đảng Trung Quốc cho hay, lập trường của Chủ tịch Quân ủy trung ương Đặng Tiểu Bình rất nhất quán về vấn đề Hong Kong. Ngay trong cuộc hội đàm với Thủ tướng Anh Margaret Hilda Thatcher năm 1982, Đặng đã nhấn mạnh, “Trung Quốc có quyền điều động quân đội đồn trú tại Hong Kong” và coi đó là tượng trưng của việc khôi phục chủ quyền đối với Hong Kong.

Tháng 6/1898, đại thần triều Thanh Lý Hồng Chương đại diện ký Điều ước về mở rộng chỉ giới Hong Kong với chính phủ Anh.

Theo đó, toàn bộ khu vực từ vịnh Thâm Quyến đến bán đảo Cửu Long, vịnh Đại Bằng (Hong Kong) sẽ được London thuê trong vòng 99 năm nên sẽ thuộc quyền kiểm soát của chính quyền Anh trong thời gian này.

"Chúng ta không thể làm Lý Hồng Chương", báo đảng Trung Quốc dẫn lời Đặng.

Tuy nhiên, trong lúc đàm phán căng thẳng thì một lời phát biểu “nước đôi” của Phó ủy viên trưởng Ủy ban thường vụ nhân đại toàn quốc Trung Quốc Cảnh Biều đã gây ra một sự kiện chính trị nghiêm trọng.

Tháng 5/1984, Cảnh Biểu tham gia Hội nghị lần II Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc khóa VI của kỳ họp Lưỡng hội.

Trước đó, Cảnh Biều đã chuẩn bị sẵn những nội dung phát biểu cần thiết, tuy nhiên, do bận rộn chủ trì Hội nghị liên minh nghị viện thế giới tại Bắc Kinh năm đó nên ông đã bị động trước những câu hỏi phỏng vấn bất ngờ bên lề kỳ họp Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc.

Cụ thể, vào giữa những năm 80, giới phóng viên Hong Kong đặc biệt quan tâm tới lập trường của chính phủ Trung Quốc về vấn đề Hong Kong và kỳ họp Lưỡng hội đã trở thành tâm điểm của sự chú ý.

Các phóng viên đã tận dụng giờ giải lao của hội nghị để bủa vây các quan chức cấp cao Trung Quốc, trong đó có Cảnh Biều.

Trước câu hỏi “Bắc Kinh có nhất định phải điều động quân đội tới đóng tại Hong Kong hay không?” Cảnh đã trả lời: “Chúng tôi không nhất định đưa quân đồn trú”.

Và chỉ ngay ngày hôm sau, tràn ngập các mặt báo Hong Kong là thông tin "sau khi giành lại Hong Kong, Đại lục sẽ không đưa quân tới đồn trú”. Một luồng dư luận khi đó cho rằng lập trường của chính phủ Trung Quốc đã thay đổi về vấn đề Hong Kong.

Sáng 25/5, trong lễ bế mạc Hội nghị lần thứ II Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc khóa VI, sau khi nghe báo cáo về phát ngôn của Cảnh Biều, Đặng Tiểu Bình đã vô cùng tức giận, mắng rắng: "Cậu ta có tư cách gì mà nói với phóng viên Hong Kong như vậy?".

Đặng quyết định mở cuộc họp báo với phóng viên Hong Kong để làm rõ sự việc. Tại đây, đích thân Đặng Tiểu Bình đã nói rằng: “Ra về, các cậu đăng tin này giúp tôi, nói rằng Cảnh Biều ăn nói hồ đồ và bỏ cái tin vịt trước đó đi cho tôi”.

Đặng cũng khẳng định lập trường của Đại lục về việc đưa quân đồn trú tại Hong Kong bởi theo ông thì “điều này tượng trưng cho quyền chủ quyền của Trung Quốc”.

Nữ phóng viên không cầm nổi micro vì quá run

Vì vấn đề Hong Kong, Đặng Tiểu Bình khiến nữ phóng viên sợ run không cầm nổi micro - Ảnh 2.

Đặng Tiểu Bình trong cuộc gặp với Thủ tướng Anh Margaret Thatcher tại Bắc Kinh năm 1982. (Ảnh: Getty)
 

Khi Đặng Tiểu Bình nổi cơn lôi đình, Cảnh Biều không hề hay biết, ông vẫn thản nhiên tới khách sạn gặp gỡ quan khách theo kế hoạch.

Tuy nhiên, sau khi hay tin Đặng Tiểu Bình đang rất tức giận, Cảnh nhanh chóng tới Đại lễ đường nhân dân Trung Quốc. Tại đây, khi nghe đích thân Ủy viên trưởng Ủy ban thường vụ nhân đại toàn quốc Bành Chân kể lại sự việc, Cảnh vội vã ra về và không quên lời dặn của Bành “mấy ngày này không được đi đâu”.

Đặc biệt, một cán bộ khác là Phó ủy viên trưởng Ủy ban thường vụ nhân đại toàn quốc Trung Quốc Hoàng Hoa cũng bị Đặng khiển trách vì cho rằng có phát ngôn như Cảnh Biều.

Sau khi được tin Đặng Tiểu Bình chỉ trích mình, ngay tối hôm đó, Hoàng đã chủ động liên lạc với thư ký của Đặng để trần tình chuyện ông không hề nhắc đến việc đóng quân trước báo chí. Sau này, chính Đặng Tiểu Bình cũng thừa nhận mình đã trách sai Hoàng Hoa.

Hóa ra, do Hoàng Hoa từng trả lời phóng vấn của đài truyền hình ATV Hong Kong nhưng không giống như Cảnh Biều, ông không hề nói tới chuyện đóng quân.

Khi Đặng Tiểu Bình chỉ trích dữ dội Hoàng Hoa, một nữ phóng viên đài ATV cũng đứng gần đó. Theo nữ phóng viên này, với chất giọng Tứ Xuyên rất nặng của mình, Đặng đã khiến cho cô sợ hãi đến nỗi không cầm nổi micro.

Theo Nhân dân nhật báo, việc Đặng Tiểu Bình nổi giận sau đó đã đến tai chính quyền Anh, vô hình trung điều này lại trở thành minh chứng khẳng định lập trường của Trung Quốc trong vấn đề Hong Kong.

Kết quả là trưởng phái đoàn đàm phán Anh - Đại sứ Anh tại Hong Kong Richard Mark Evans ngay ngày hôm sau đã tỏ rõ căng thẳng trong cuộc gặp với phái đoàn Trung Quốc. Nhưng sau đó đại diện phía Anh đã tỏ ý nhượng bộ Bắc Kinh.

Đến 30 và 31/5, vòng "hội đàm chính thức" lần thứ 15 được tổ chức, phía Anh đã không phản đối chủ trương của Trung Quốc về việc đưa quân tới Hong Kong.

Tuy nhiên, hai bên vẫn còn chút bất đồng khi phía Anh yêu cầu quân đội Trung Quốc đồn trú tại Hong Kong chỉ có nhiệm vụ chính là ứng phó với các mối đe dọa từ bên ngoài nhưng Bắc Kinh không chấp nhận.

Cuối cùng, trong điều khoản quốc phòng tại văn bản thỏa thuận giữa hai chính phủ Trung-Anh nêu rõ: “Các vấn đề quốc phòng của Hong Kong đặt dưới sự quản lý của Bắc Kinh. Quân đội Trung Quốc đồn trú tại Hong Kong không can thiệp vào công việc nội bộ của Hong Kong, kinh phí đồn trú do chính phủ Trung Quốc chi trả”.

Đến 30/6/1997, chính phủ hai nước Trung-Anh đã tiến hành nghi thức bàn giao chính quyền tại Hong Kong. Chính phủ Trung Quốc chính thức khôi phục chủ quyền đối với Hong Kong.

Nguồn tin: Theo Trí Thức Trẻ:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

TƯƠNG TÁC NHIỀU

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây