Tránh lạm dụng “lật lại” các bản án dân sự

Thứ ba - 07/03/2017 10:45
(PL News) - “Án dân sự xử sao cũng được!”. Đó là câu nói “cửa miệng” của nhiều người khi nói về việc vận dụng pháp luật tùy tiện trong các vụ dân sự. Nguyên nhân do đâu?
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

 

Câu nói này được rút ra từ chính những bức xúc về hệ thống pháp luật còn bất cập, chưa hoàn thiện, đồng bộ, khả thi. Ngoài ra, sự can thiệp quá sâu, chỉ đạo không đúng quy định của các cơ quan hành chính vào hoạt động bình thường của các cơ quan tố tụng đôi khi làm cho vụ án khó giải quyết, phức tạp hơn...

Theo quy định thì chỉ có hai cấp xét xử là sơ thẩm và phúc thẩm, và bản án phúc thẩm hoặc sơ thẩm nếu không có kháng cáo, kháng nghị sẽ được đưa ra thi hành, trừ một số được xem xét theo trình tự giám đốc thẩm hoặc tái thẩm nhưng rất hiếm.

Nhiều vụ án dân sự đã qua nhiều cấp xét xử, đã có hiệu lực pháp luật, kể cả đã được xem xét theo trình tự giám đốc thẩm và đã thi hành án xong từ lâu, nhưng đùng một cái lại hủy toàn bộ đề nghị xem xét, thực hiện lại từ đầu. Nhiều khi vì những nguyên nhân không rõ ràng, chưa thuyết phục, thậm chí chỉ là văn bản, chỉ đạo miệng của một ai đó mà có vụ án dân sự đã qua hàng chục lần xét xử nhưng vẫn chưa xong.

Điều này gây ra hậu quả pháp lý, xã hội vô cùng tai hại. Trước hết là làm cho hiệu lực, hiệu quả quản lý điều hành của Nhà nước bị suy giảm, tính nghiêm minh, thượng tôn pháp luật của các bản án, quyết định mà tòa án nhân danh Nhà nước đã tuyên không được thực thi, chấp hành triệt để, nghiêm túc. Có người cho rằng vì pháp luật nước ta chưa được thực thi nghiêm túc, triệt để nên nhiều vụ án dân sự không có lối ra.

Bên cạnh đó, việc xử đi xử lại còn gây ra các hậu quả xã hội vô cùng lớn. Ví dụ: tòa án đã xét xử vụ án dân sự tranh chấp tài sản là một ngôi nhà, sau khi án có hiệu lực, cơ quan thi hành án dân sự đã tiến hành kê biên, bán đấu giá theo bản án tòa án. Sau này ngôi nhà đó đã được người trúng đấu giá đập đi xây mới hoặc bán cho nhiều chủ sở hữu khác nhau và “mọi việc đã an bài” theo đúng quy định của pháp luật.

Do đó, việc cơ quan có thẩm quyền ra quyết định hủy án và xét xử lại từ đầu sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi các bên tham gia giao dịch dân sự, dù họ không liên quan gì đến tranh chấp trước đó. Mặc dù pháp luật có quy định về trình tự, thủ tục giải quyết nhưng thực tế không thể giải quyết được vì không thể dung hòa được lợi ích của các bên.

Các chuyên gia pháp lý cho rằng đối với những trường hợp bản án, quyết định đã có hiệu lực và đã được thi hành xong thì không nên xem xét việc xét xử lại từ đầu mà chỉ xem xét theo trình tự giám đốc thẩm, xác định đúng sai, lỗi, trách nhiệm của các bên gồm: tòa án, nguyên đơn, bị đơn và những người có liên quan trực tiếp đến vụ việc tranh chấp.

Trên cơ sở xác định được lỗi các bên thì cơ quan chức năng áp dụng Luật cán bộ, công chức; Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và các văn bản có liên quan để truy cứu trách nhiệm cho tập thể, cá nhân đã làm sai. Nếu cứ xử đi xử lại rồi hủy án và xét xử lại toàn bộ vụ việc thì chỉ thêm rối rắm, phức tạp, đặc biệt là đất đai, nhà ở khi đã thi hành xong thì rất khó giải quyết.

Thực tế nhiều vụ án dân sự đã tuyên, án đã có hiệu lực nhưng tỉ lệ người dân tự giác thi hành án rất thấp, án tồn đọng còn rất lớn. Điều này cũng dẫn đến tình trạng khiếu kiện, tố cáo phức tạp, kéo dài mà không thể giải quyết dứt điểm được vì theo hướng nào cũng vướng, ảnh hưởng đến quyền lợi các bên.

Nguồn tin: Theo TTO:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây