“Chỉ làm đến nhà ông Quang”
Một người dân địa phương cho rằng, trên con mương chính Tây dẫn nước từ hồ Ea Súp thượng, chính quyền cho đổ bê tông trên mặt đường đến cổng nhà ông Quang rồi dừng. Đoạn còn lại là đường đất, bụi bay mù mịt. Chiều ngày 31/1, PV Tiền Phong đã trở lại nơi này tìm hiểu cho thấy phản ánh của người dân là có thật.
Trong khi đó tại thị trấn Ea Súp, còn nhiều đường đất, giao thông đi lại rất khó khăn. “Mùa nào khổ mùa đó. Mưa về thì lầy lội, mùa khô thì bụi mù. Nhưng chính quyền địa phương lại quá ưu ái cho ông Quang”, một người dân địa phương, than.
Đoạn đường bê tông dẫn vào nhà ông Quang dài khoảng 500m, rộng chừng hơn 3 m. Đối diện với đường dẫn vào nhà ông Quang là hai đường Chu Văn An và đường Nguyễn Đình Chiểu (thị trấn Ea Súp)… vẫn còn bụi đất. “Chúng tôi sống ở đây bao nhiêu năm, mòn mỏi mơ mộng, chỉ mong có được một con đường như trước nhà ông Quang mà chẳng được. Họ làm quan lớn, dự án điều đi đâu mà chẳng được”, một người dân sống tại đây cho biết. Còn một người dân khác, bức xúc: “Đáng lẽ, chính quyền nên ưu tiên làm đường bê tông cho người dân đi trước, hơn là ưu ái cho quan chức. Như đoạn này, hằng ngày có hàng ngàn học sinh và người dân đi lại… nhưng xuống cấp, bụi bay mù mịt”.
Một cán bộ thị trấn Ea Súp cho biết, do dự án này chỉ bố trí được khoảng 900 triệu, nên đường chỉ được làm đến nhà ông Quang rồi thôi. Đoạn còn lại phải chờ đến khi nào có vốn rồi mới làm tiếp. Liên hệ với lãnh đạo Ban quản lý dự án đầu tư và xây dựng huyện Ea Súp, PV được hẹn sẽ có buổi làm việc sau do kế toán đi vắng.
Một cán bộ địa phương tiết lộ, ngoài việc sở hữu “biệt phủ” nằm trên kênh chính Tây, ông Quang còn sở hữu toà nhà hai mặt tiền tại đường Hùng Vương (trung tâm thị trấn Ea Súp). Một số người dân cho rằng, ông Quang và người thân còn sở hữu những mảnh đất nằm trên đường Lạc Long Quân, cách UBND huyện (nơi ông Quang từng làm việc) chừng vài chục mét. Ông Quang còn thuê đất để dựng cây xăng kinh doanh thời gian 50 năm nằm trên Tỉnh lộ 1.
“Có giấy tờ hẳn hoi”
Trao đổi với PV Tiền Phong qua điện thoại vào chiều tối 31/1, ông Trần Ngọc Quang khẳng định, căn nhà bằng gỗ và đất nằm trên kênh chính Tây có giấy tờ, và đất đã được chuyển đổi mục đích sử dụng. Ngoài ra, ông Quang cũng thừa nhận, ông là chủ sở hữu của dãy nhà trên đường Lạc Long Quân và cây xăng Phương Bông (thuê 50 năm) nằm trên tỉnh lộ 1, thị trấn Ea Súp.
PV Tiền Phong đã liên hệ với Huyện ủy Ea Súp để nắm bắt về thông tin, kê khai tài sản cá nhân đối với ông Quang khi còn đương chức. Một lãnh đạo của Huyện ủy này cho biết, hiện ông Quang đã nghỉ hưu và đã chuyển sinh hoạt Đảng về Đảng ủy thị trấn Ea Súp. Khi chúng tôi liên hệ bên cơ quan này, thì được trả lời, hiện ông Quang đang sinh hoạt Đảng tại tổ dân phố Hòa Bình.
Như báo Tiền Phong đã thông tin, ông Trần Ngọc Quang, sở hữu “biệt phủ” độc nhất vô nhị của huyện Ea Súp. Đây là huyện nghèo của tỉnh Đắk Lắk (cách trung tâm TP Buôn Ma Thuột chừng 80 km), và cũng là điểm nóng về phá rừng trong tỉnh. Theo báo cáo về công tác giảm nghèo và phương hướng, nhiệm vụ giảm nghèo năm 2018 của UBND huyện Ea Súp, trong năm 2017 tổng số hộ nghèo và cận nghèo của huyện này cộng lại chiếm tới hơn 53% dân số toàn huyện... Thế nhưng, nhiều quan chức của huyện này (những người đã nghỉ hưu và đang đương chức) rất “chịu chơi” mua sắm cho mình những căn nhà gỗ “khủng”.
Ngoài ra người dân địa phương còn liệt danh sách một số quan chức sở hữu nhà bạc tỷ gồm: Nhà của ông Nguyễn Văn Quyến, Trưởng phòng sản xuất bảo vệ rừng thuộc Cty TNHH Chế biến thực phẩm và lâm nghiệp Đắk Lắk nằm bên đường Nguyễn Văn Trỗi, thuộc tổ dân phố Thành Công, thị trấn Ea Súp. Nhà gỗ “khủng” của ông Nguyễn Xuân Tự, nguyên Chi cục trưởng Chi cục Thuế huyện Ea Súp nằm ở đường Nguyễn Trãi....
Từng bị cảnh cáo vì gỗ làm “biệt phủ” không phép
Theo một nguồn tin riêng của Tiền Phong cho biết, năm 2014 ông Trần Ngọc Quang khi còn đương nhiệm Chủ tịch UBND huyện Ea Súp, đã bị Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Đắk Lắk kỷ luật: “Cảnh cáo”, vì sử dụng gỗ không hợp pháp để làm “biệt phủ”. Theo đó, có khoảng 10 khối gỗ ông Quang làm nhà không có giấy tờ hợp pháp. Sau đó, vị nguyên Chủ tịch UBND huyện Ea Súp đã hợp thức hóa chứng từ số gỗ nói trên. “Ông Quang là cán bộ thuộc Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý. Sau khi Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy ra quyết định kỷ luật: “Cảnh cáo”, trong 2 năm liền ông Quang đều bị cắt hết thi đua, khen thưởng. Do đó, căn nhà gỗ ở kênh chính Tây nay đã có giấy tờ nguồn gốc, còn những căn nhà và đất ở nơi khác do bố mẹ của ông Quang để lại”, nguồn tin này cho hay.
VŨ LONG
Tác giả bài viết: VŨ LONG-LỮ HỒ
Nguồn tin: TPO
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn