Hái dừa làm chết người: có tội không?

Thứ ba - 06/02/2018 21:27
(Phapluatnews) - Tình huống pháp lý: Anh A và anh B rủ nhau hái dừa. Anh A leo lên hái, anh B đứng phía dưới. Khi đó có cậu bé C (10 tuổi) tới gần chơi. Anh B bèn nhờ C nhặt dừa giúp mình, rồi bỏ đi mua thuốc lá và dặn C "coi chừng dừa rớt trúng đầu chết đó nha". Ở trên cây, anh A đạp trái dừa xuống rớt trúng đầu C. Hậu quả C tử vong. Vậy hai anh A và B có phạm tội gì không?
Hái dừa làm chết người: có tội không?

 


Tranh dân gian Đông hồ

Đó là tình huống trong một phiên toà giả định do báo Pháp luật TP. Hồ Chí Minh tổ chức, mà tôi (Ls. Trần Hồng Phong) tham gia với tư cách là Kiểm sát viên giữ quyền công tố (kết tội) hai anh A và B về tội danh "vô ý làm chết người". Phiên toà giả định này được truyền hình trực tiếp trên Đài truyền hình tỉnh Đồng Nai tháng 8/2005. Tức cách nay đã 1 con giáp (12 năm). Tôi muốn ôn lại như một kỷ niệm vui.

Khi tham gia, tôi xác định tinh thần vui là chính, một cuộc chơi thuần tuý về khoa học pháp lý. Do vậy tôi rất thoải mái và mạnh dạn nêu quan điểm, ý kiến của mình, bao gồm cả quan điểm kiểu "phá cách", để các luật sư có thể tranh luận pháp lý, hấp dẫn, soi rọi nhiều khía cạnh, góp phần tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến mọi người.


Bài tường thuật về phiên toà giả định này được đăng trên báo Pháp luật Chủ Nhật số đầu tiên (số 1) ngày 28/8/2005. (Xem các ảnh bên dưới)

Phần kịch tiểu phẩm minh hoạ có sự góp mặt của các nghệ sỹ nổi tiếng khi đó. Nghệ sỹ nhân dân Diệp Lang và nghệ sỹ Thanh Thuỷ tham gia vào Hội đồng xét xử với vai trò là Hội thẩm nhân dân. Nghệ sỹ Hoàng Trinh đóng vai mẹ em C (nạn nhân), nghệ sỹ Thanh Vân đóng vai người hái dừa (A), nghệ sỹ Đức Toàn đóng vai anh B. 


Thời điểm năm 2005 tôi đang là phóng viên của báo Pháp luật TP.HCM (cũng đã là luật sư). Trên báo có mục Đố vui pháp luật, với các câu hỏi được chọn từ những tình huống thực tế, do bạn đọc gửi đến. Một số tình huống có yếu tố pháp lý hay sẽ được báo dàn dựng thành tiểu phẩm, lập phiên toà giả định với sự tham gia của các luật sư, thẩm phán ... và phối hợp với Đài truyền hình phát trực tiếp trên sóng.

Đồng thời là luật sư của báo, tôi đã tham gia tất cả các phiên toà giả định đó, với nhiều vai trò khác nhau. Nói chung là vui, sung sức. Điều đáng nói nhất, là các phiên toà giả định này, các ý kiến pháp lý của mỗi người đều độc lập. Hoàn toàn không có chuyện họp bàn trước về nội dung, mức án, hay nội dung phát biểu của mỗi người là như thế nào? ... 

Kiểm sát viên: Cả A và B cùng phạm tội vô ý làm chết người

Quay lại "vụ án hái dừa" ở trên, với vai trò là Kiểm sát viên, quan điểm kết tội của tôi như sau:

- Việc hái dừa từ độ cao trên 10m là tiềm ẩn nguy hiểm có thể gây chết người. Thế nhưng cả hai anh A và B đều chủ quan, cẩu thả. Anh A đạp dừa rớt xuống mà không quan sát kỹ, hậu quả là dừa rơi trúng đầu làm em C tử vong.

- Hành vi của A và B có dấu hiệu phạm tội "vô ý làm chết người", thuộc trường hợp "vô ý vì cẩu thả". Điểm đặc biệt, A và B là đồng phạm vì: "Giữa hai người có chung ý chí trong việc hái dừa. Có sự phân công nhau rõ ràng: A hái dừa, B đứng trông nhặt dừa. Nhưng B đã bỏ đi mua thuốc lá, nhờ em C nhặt thay. Cả hai đều biết rõ dừa rơi từ trên cao xuống là rất nguy hiểm, nhưng vẫn làm vì cẩu thả. Như vậy, A chính là "chủ mưu", B có vai trò "giúp sức". Chính sự kết hợp hành vi của A và B dẫn đến hậu quả C tử vong. Dù sự "kết hợp" này là hành vi vô ý.

- Ngoài A đã rõ ràng, thì B cũng có trách nhiệm và liên quan đến cái chết của C. Vì khi nhờ cháu C nhặt dừa, B cũng không hề báo cho A biết là bên dưới có một đứa trẻ. Lẽ ra B phải hiểu rằng C chỉ là một đứa trẻ, việc nhặt dừa như vậy là nguy hiểm. Hành vi của B đã góp phần gián tiếp đẩy C vào chỗ chết. 

- Về trách nhiệm dân sự, do cùng có lỗi, nên A và B phải liên đới bồi thường thiệt hại cho C (gia đình C), theo tỷ lệ A 70%, C 30%.

- Ghi chú: Về mức án, thì do quá lâu nên tôi không nhớ mình đã đề nghị phạt A và B bao nhiêu năm tù. Mà trên báo không hiểu sao cũng không thấy nói về việc này!?

Luật sư: A và B không phạm tội, chỉ là chuyện xui rủi

Quan điểm kết tội như trên của tôi đã bị các luật sư tham gia phản đối rất quyết liệt!

Luật sư Đặng Đình Mạnh bào chữa cho bị cáo A (người hái dừa) cho rằng đây chỉ là tai nạn, rủi ro, không phải là hành vi phạm tội. Việc này cũng giống như hái trái sầu riêng, trái bầu, trái bí. Thậm chí trong tranh dân gian Đông Hồ còn có cảnh cô gái xắn váy hứng dừa! Vì A không phạm tội nên không có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho C.

Luật sư Phạm Quốc Hưng, bào chữa cho bị cáo B, cho rằng nếu A có la cảnh báo thì không phạm tội. Luật sư Hưng cũng cho rằng quan điểm của Kiểm sát viên cho rằng A và B là "đồng phạm" là hoàn toàn không đúng. Vì lỗi vô ý không có đồng phạm. Việc B nhờ C nhặt dừa chỉ đưa C đến gốc dừa chứ không gây ra cái chết cho C. Trong cái chết của C chỉ có mối nhân quả giữa A và C mà thôi. Hành vi của B không phải là tội phạm. Do B không phạm tội nên không có trách nhiệm bồi thường cho C.

Luật sư Nguyễn Thị Hoài Phương (tiến sỹ luật, giảng viên ĐH Luật TP.HCM), bảo vệ quyền lợi cho em C (nạn nhân) cho rằng hành vi hái dừa không nguy hiểm. Nhưng việc ném trái dừa xuống là nguy hiểm, gây chết người. Do đó đây là hành vi phạm tội. C đã chết, nên ít nhất phải có một người (trong số A và B) phạm tội. Về mặt pháp luật A phải hoàn toàn chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho C. Về mặt đạo đức, B cũng phải chịu bồi thường một phần. 

Toà: Chỉ người hái dừa (A) phạm tội

Chủ toạ phiên toà, luật gia Hoàng Trung Tiếu (nguyên Chánh án TAND tỉnh Thái Nguyên) đã tuyên án với phân tích như sau:

- Bị cáo A phạm tội vô ý làm chết người. Hành vi của A quá cẩu thả, tự tin. A trực tiếp gây ra cái chết của cháu C. 

- Việc luật sư cho rằng A vô tội vì không biết việc ném dừa xuống gây nguy hiểm là không đúng. Nếu A biết việc ném dừa xuống là nguy hiểm mà vẫn cố ý làm thì A không phạm tội vô ý, mà phạm tội cố ý làm chết người.

- Trong loại tội vô ý không có "đồng phạm". (Tức quan điểm của VKS không đúng).

- Hành vi của B dù rất cẩu thả, nhưng không phải là nguyên nhân chính gây ra cái chết của cháu C. Do vậy bị cáo B không phạm tội.

- Ngoài ra, do B không phạm tội, mà bị Viện kiểm sát truy tố oan, do vậy B có quyền yêu cầu Viện kiểm sát phải bồi thường. 

...........

* Quy định tại Bộ luật hình sự (1999):

Điều 98. Tội vô ý làm chết người

1. Người nào vô ý làm chết người thì bị phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.
2. Phạm tội làm chết nhiều người thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm.

.........

Ảnh chụp bài báo:








 

Nguồn tin: LS Trần Hồng Phong

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây