Tuyên án tử hình kẻ giết người giữa đêm tại Gia Lai

Thứ bảy - 06/05/2017 10:41
(PL News) - TAND tỉnh Gia Lai mở phiên tòa lưu động xét xử sơ thẩm vụ xông vào nhà giữa đêm giết hai người gây xôn xao dư luận tại huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai. Bị cáo là Nguyễn Văn Tiến (sinh 1992, quê ở huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai) bị bắt ngày 23-1-2015. Do tính chất tàn bạo của hung thủ và hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, Tòa đã tuyên án tử hình đối với bị cáo.
Nguyễn Văn Tiến bình thản trả lời trước tòa sáng 20-7-2015, thậm chí còn vỗ tay, cười ... - Ảnh: B.D (báo Tuổi Trẻ).
Nguyễn Văn Tiến bình thản trả lời trước tòa sáng 20-7-2015, thậm chí còn vỗ tay, cười ... - Ảnh: B.D (báo Tuổi Trẻ).



Nội dung vụ án:
(Theo báo Tuổi Trẻ)

Nguyên nhân vụ việc được xác định là đối tượng Nguyễn Văn Tiến sau khi lẻn vào nhà của nạn nhân với ý đồ trộm chó nhưng do bị phát hiện, hung thủ đã ra tay hạ sát hại hai thành viên trong gia đình.

Theo cáo trạng của Viện KSND tỉnh Gia Lai, tối 20-1-2015, Nguyễn Văn Tiến đi xe gắn máy mang dụng cụ chích điện tự chế và dao bấm đến xã Ia Kla, huyện Đức Cơ tỉnh Gia Lai với mục đích trộm chó.

Đến khoảng 23g, đi ngang qua nhà ông Nguyễn Xuân Cường (thôn Ia Tang), Tiến nghe tiếng chó sủa nên nảy sinh ý định đột nhập vào nhà ông Cường trộm chó. Lần đầu đột nhập vào thì gây tiếng động, ông Cường bật đèn pin kiểm tra nên Tiến trốn, không thể ra tay.

Đến hơn 0g, Tiến định ra tay bắt trộm chó thì chó sủa, ông Cường dậy mở cửa. Nhìn thấy Tiến đứng ngay cửa, ông Cường bèn chụp tay của Tiến đánh, tri hô cướp thì Tiến rút dao đâm ông.

Khi Tiến xô xát với ông Cường thì những người trong gia đình ông Cường cũng thức dậy, chạy ra ứng cứu cũng bị Tiến tấn công.

Cả 2 người trong gia đình ông Cường bị Tiến đâm chết gồm ông Cường và con gái ông bà là Nguyễn Thị Thủy (18 tuổi).

Vợ ông Cường là bà Phan Thị Mão bị thương nặng và mẹ ông Cường là bà Lưu Thị Hồ (90 tuổi) cũng bị thương.

Sau khi gây án Tiến bỏ trốn khỏi hiện trường.

Đến khoảng 22g đêm 23-1-2015, Cơ quan điều tra Công an tỉnh Gia Lai đã bắt khẩn cấp Tiến. Theo thông tin ban đầu từ một cán bộ cơ quan điều tra, ngay sau khi gây án, Tiến đến một quán bida để ngủ qua đêm. Trước thời điểm gây án, Tiến chưa có việc làm và đang thuê phòng trọ để ở tại TP Pleiku (tỉnh Gia Lai).

Lời khai ban đầu của Tiến thể hiện Tiến hành động một mình, không có đồng phạm. Sau khi rà soát các đối tượng, tập trung khoanh vùng, lấy lời khai các nạn nhân và dựa trên dấu vết hiện trường để lại, cơ quan điều tra đã theo dõi Tiến. Khoảng 22g đêm 23-1 khi Tiến đang chạy xe máy trên quốc lộ 19B thì bị bắt giữ.

Hung thủ bình thản trước phiên tòa

Ngày 20-7-2015, phiên tòa sơ thẩm được mở lưu động tại trụ sở UBND xã Ia Kla (huyện Đức Cơ). Từ sáng sớm hàng ngàn người dân đã tập trung về kín khuôn viên trụ sở xã và các tuyến đường dẫn vào xã để theo dõi phiên tòa.

Tại tòa, Viện kiểm sát đề nghị tử hình Nguyễn Văn Tiến về tội giết người, 3-4 năm tù về tội cố ý gây thương tích, tổng hợp hình phạt là tử hình.

Nói với hội đồng xét xử về việc con mình gây án, ông Nguyễn Văn Tâm - bố đẻ của bị cáo Tiến giọng đau xót: “Làm cha mà để con mình gây ra tội lỗi đối với gia đình ông Cường, lòng tôi cũng như đứt từng khúc ruột. Đến nay sự việc đã xảy ra rồi, gia đình tôi đã hết lòng mong gia đình ông Cường tha thứ, nhiều lần tìm mọi cách gặp gỡ chia sẻ với gia đình bị hại nhưng do quá đau đớn, gia đình đã không cho chúng tôi tiếp xúc. Là người làm cha, tôi muốn xin hội đồng xét xử xem xét hết các tình tiết để giảm nhẹ tội cho con trai tôi”.

Bà Phan Thị Mão - vợ của ông Cường bức xúc trước tòa: “gia đình tôi là gia đình quân nhân, bố mẹ của Tiến cũng làm trong cùng công ty nhưng để con gây ra nỗi đau cho chúng tôi quá lớn. Việc làm của Tiến trời không dung, đất không tha. Chúng tôi mong muốn tòa áp dụng mức hình phạt cao nhất để trừng trị tội ác của Tiến, đồng thời cũng răn đe, cảnh cáo đối với những việc làm mất hết lương tâm của các đối tượng côn đồ”.

Bị cáo Nguyễn Văn Tiến bước lên vành móng ngựa với vẻ mặt bình thản. Tiến trả lời rõ ràng, không chút ngập ngừng trước các câu hỏi của toà. Tiến nói về động cơ trộm chó: “bị cáo thiếu tiền nên đi tìm con chó nào to thì để trộm về bán lấy tiền. Bị cáo không có chủ ý giết người từ trước nhưng khi bị gia đình ông Cường phát hiện thì lúng túng quá nên ra tay”.

Thái độ của Tiến khiến một thẩm phán phải nhắc nhở: “đề nghị bị cáo không được cười, không được vỗ tay. Việc làm của bị cáo đã cướp đi hai mạng người. Đến giờ phút ra tòa này bị cáo cũng chưa một lời xin lỗi gia đình người ta. Vì thế thái độ của bị cáo hôm nay cũng cho thấy phần nào việc có ăn năn hối cải hay không”.

Thẩm phán tiếp tục hỏi: “Bị cáo khi nghe thấy bố mình đứng trả lời trước tòa có đau xót không?”. Tiến cúi đầu: “dạ thưa có, rơi nước mắt rồi à”. Thẩm phán nói: “nỗi đau mà gia đình anh gánh chịu chỉ là một thôi, nhưng gia đình người bị hại thì gấp trăm ngàn lần như thế”.

Sau khi nghị án, HĐXX tuyên án. HĐXX cho rằng: Hành vi phạm tội của Nguyễn Văn Tiến là rất nguy hiểm cho xã hội, cần phải loại bỏ vĩnh viễn ra khỏi xã hội.

HĐXX tuyên phạt tử hình Nguyễn Văn Tiến về tội giết người, bốn năm tù về tội cố ý gây thương tích. Tổng hợp hai hình phạt là tử hình.

Về trách nhiệm dân sự, HĐXX cũng tuyên buộc bị cáo phải bồi thường tổng cộng 192 triệu cho những tổn thất về tinh thần, vật chất cho gia đinh bị hại, ngoài ra Tiến cũng phải trợ cấp 500 ngàn đồng/tháng đối với bà Lưu Thị Hồ - mẹ của nạn nhân Cường đến khi cụ qua đời.

---------------------

Bình luận của luật sư Trần Hồng Phong:

1. Một vụ giết người rất tàn bạo, dã man. Lý do giết người đơn giản tưởng chừng như vô lý. Tất cả cho thấy hung thủ thuộc dạng người có "máu lạnh", không chút tình cảm, coi mạng người rẻ rúng như con vật. Một xu hướng rất đáng lo ngại trong giới trẻ hiện nay - qua rất nhiều vụ án tương tự trong những năm gần đây. Người ta nói đó là sự suy thoái về đạo đức, văn hóa, nhận thức, suy nghĩ.... Điều này hẳn có nguyên nhân từ xã hội, từ nền giáo dục ...

2. Đây là một vụ giết người mang tính bột phát, tức là hung thủ không có sự tính toán trước, không có mục tiêu cụ thể từ trước là sẽ giết ai, giết như thế nào? Tuy nhiên, việc hung thủ khi đi trộm chó mang theo một con dao và dụng cụ chích điện (đều là hung khí nguy hiểm) trong người rõ ràng đã tiềm ẩn sẵn một "nguồn nguy hiểm cao độ" và có thể xảy ra khả năng đánh, giết bất kỳ lúc nào, bất kỳ ai. Số phận của các nạn nhận rõ ràng bị đặt vào tình trạng may rủi! Thực tế thì vụ giết người đã xảy ra. Điều này còn cho thấy bị cáo có máu côn đồ, hung hãn. Sẵn sàng đánh trả khi bị lộ. 

3. Qua vụ việc này, liên hệ tới những vụ trộm chó trên khắp cả nước trong những năm gần đây, người ta thấy có sự tương đồng. Đó là khi đi ăn trộm, những tên trộm luôn trang bị dao, thậm chí súng và sẵn sàng trống trả, thậm chí giết người khi bị phát hiện. Một sự "phát triển" và "biến tướng" đáng lo ngại trong xã hội. Thay vì theo lẽ thông thường kẻ trộm phải sợ người ngay. Thế mà nay điều đó h2nh như không còn đúng nữa.  

4. Theo quy định tại Bộ luật hình sự, nếu người phạm tội "thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải" thì sẽ được xem là tình tiết giảm nhẹ, có thể góp phần giảm nhẹ một phần hình phạt cho bị cáo. Tuy nhiên qua diễn biến phiên tòa, khó có thể nói là bị cáo xứng đáng được hưởng tình tiết giảm nhẹ này.

5. Bản án tử hình dành cho hung thủ giết người trong vụ án này là thỏa đáng, không nặng. Chúng ta đều thấy đau lòng về cái chết hết sức oan ức, vô lý của các nạn nhân, nhưng cũng phần nào thấy tiếc cho chính bị cáo. Sao lại "phung phí" cuộc đời mình - điều quý giá nhất, để phải kết thúc một cách "lãng nhách" như vậy. 

-------------------------

Quy định tại Bộ luật hình sự: 

Điều 46. Các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự

1. Các tình tiết sau đây là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự:
a) Người phạm tội đã ngăn chặn, làm giảm bớt tác hại của tội phạm;
b) Người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả;
c) Phạm tội trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng;
d) Phạm tội trong trường hợp vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết;
đ) Phạm tội trong trường hợp bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của người bị hại hoặc người khác gây ra;
e) Phạm tội vì hoàn cảnh đặc biệt khó khăn mà không phải do mình tự gây ra;
g) Phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn;
h) Phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng;
i) Phạm tội vì bị người khác đe doạ, cưỡng bức;
k) Phạm tội do lạc hậu;
l) Người phạm tội là phụ nữ có thai;
m) Người phạm tội là người già;
n) Người phạm tội là người có bệnh bị hạn chế khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình;
o) Người phạm tội tự thú;
p) Người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải;
q) Người phạm tội tích cực giúp đỡ các cơ quan có trách nhiệm phát hiện, điều tra tội phạm;
r) Người phạm tội đã lập công chuộc tội;
s) Người phạm tội là người có thành tích xuất sắc trong sản xuất, chiến đấu, học tập hoặc công tác.

2. Khi quyết định hình phạt, Toà án còn có thể coi các tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ, nhưng phải ghi rõ trong bản án.

3. Các tình tiết giảm nhẹ đã được Bộ luật hình sự quy định là dấu hiệu định tội hoặc định khung thì không được coi là tình tiết giảm nhẹ trong khi quyết định hình phạt.

------------------

Tác giả bài viết: Luật sư Trần Hồng Phong

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

TƯƠNG TÁC NHIỀU

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây