Chưa minh bạch ?
Thời gian qua, Văn phòng đại diện Tạp chí Pháp lý tại khu vực MT – TN liên tục nhận được đơn kêu cứu của tập thể người dân sinh sống tại thị trấn Chư Sê, huyện Chư Sê (Gia Lai). Nội dung đơn phản ánh việc mở đường gom quốc lộ 14 qua trung tâm thị trấn Chư Sê (đường Hùng Vương) có nhiều bất cập, gây ảnh hưởng đến người dân. Trước khi triển khai thực hiện Dự án đường gom, UBND huyện Chư Sê không hề tiến hành họp bàn với dân mà chỉ ra thông báo rồi bắt người dân phải tuân theo.
Cụ thể, theo Dự án, công trình sửa chữa nâng cấp vỉa hè đường Hùng Vương được triển khai xây dựng từ khoảng tháng 3/2016. Công trình được chia thành 2 giai đoạn: giai đoạn 1 có chiều dài khoảng 1km, giai đoạn 2 có chiều dài khoảng 2km. Công trình hai bên đường Hùng Vương được chia làm 3 hạng mục, bao gồm: 3m sát làn đường ô tô sẽ được xây dựng thành bồn hoa, cây cảnh, 3m tiếp theo làm đường xe máy chạy (tức là đường gom) và 3m còn lại được dùng làm vỉa hè. Theo phản ánh của người dân tại đây, khi triển khai làm 1km đường gom đầu tiên, người dân đã ý kiến không đồng tình với công trình.
Thế nhưng, UBND huyện Chư Sê phớt lờ ý dân với lý do nguồn vốn xây dựng công trình không phải do dân đóng góp nên không phải thông qua dân.
Trong đơn kêu cứu, người dân đặt ra nhiều thắc mắc về tiêu chuẩn mở đường gom vì độ rộng đường gom bất nhất. Cụ thể, ở giai đoạn 1 thì phần dành cho xe chạy của đường gom được mở rộng 3m, nhưng giai đoạn 2 thì người dân được chính quyền thông báo sẽ mở rộng 4m. Bên cạnh đó, theo người dân thị trấn Chư Sê phản ánh thì Chính phủ đã có ý kiến về Dự án xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn tránh Chư Sê, thời gian thực hiện từ 2017 – 2018. Đây là tuyến đường được xây dựng nhằm cải thiện đáng kể hệ thống giao thông đường bộ trong khu vực, giảm tải, giảm lượng xe cho tuyến đường QL14 hiện tại đi qua khu vực trung tâm thị trấn Chư Sê. Như vậy việc xây dựng đường gom cấm các phương tiện có trọng tải lớn là cần thiết hay lãng phí?
Đường gom “đau khổ” trong mắt dân
Ông Phan Văn Chất (SN 1974, chủ đại lý VLXD Bốn Chất, thị trấn Chư Sê) cho biết: “Các hộ kinh doanh như tôi rất đau xót và khổ sở kể từ khi huyện triển khai thực hiện đường gom. Chúng tôi buôn bán cần sự thông thoáng để ra vào cho dễ. Trong khi đó, đường gom lại hạn chế xe ra vào, việc nhập xuất hàng hóa rất khó khăn, những hàng hóa có khối lượng lớn làm sao mà vận chuyển được đây?..”.
Cùng tình cảnh như ông Chất, bà Võ Minh Huệ (SN 1955, trú tại 698 Hùng Vương, Chư Sê, Gia Lai) cùng nhiều hộ kinh doanh khác cũng bức xúc cho biết: trước đây chúng tôi kinh doanh buôn bán khá đông khách, nhưng từ khi có đường gom thì việc mua bán bị trì trệ, giảm trên 50% lợi nhuận cũng như khách hàng thưa thớt đi nhiều, trong khi đó vẫn đóng thuế cho Nhà nước đầy đủ. Chúng tôi nghĩ việc xây dựng đường gom không cần thiết vì không chỉ gây mất mỹ quan đô thị, gây khó khăn trở ngại lớn trong việc kinh doanh của người dân mà còn thu hẹp diện tích tham gia giao thông từ đó sinh ra nhiều nguy cơ tai nạn giao thông.
Ngoài những bức xúc nói trên, nhiều hộ dân kinh doanh hai bên đường Hùng Vương, thị trấn Chư Sê (đoạn đường gom giai đoạn 1 và giai đoạn 2), còn phản ánh thêm những bất cập khác trong việc triển khai đường gom.
Vì quá nhiều bất cập từ dự án đường gom, 17 hộ dân có đơn kêu cứu gửi các cấp chính quyền của tỉnh Gia Lai. Theo phản ánh của người dân, ngày 20/3/2017, UBND thị trấn Chư Sê mời các hộ dân đến để thông báo nội dung trả lời của UBND huyện Chư Sê. Tuy nhiên UBND thị trấn chỉ trả lời miệng mà không có văn bản, nội dung trả lời là: việc mở đường gom không dựa vào nguồn vốn do dân đóng góp nên không phải lấy ý kiến của nhân dân. Bà Nguyễn Thị Kiều Sương (SN 1969, trú tại 958 Hùng Vương, TT. Chư Sê) cho biết: Tôi là một trong 17 hộ dân được mời làm việc ngày 20/3, lãnh đạo thị trấn nói chỉ có quyền thông báo không có chỉ thị trả lời dân.
Cơ quan nào thẩm định và cấp phép?
Để tìm hiểu sự việc khách quan, đa chiều, ngày 25/4, nhóm PV Pháp lý có buổi làm việc với UBND huyện Chư Sê. Trả lời các câu hỏi của Phóng viên, ông Trần Văn Lam (Chánh Văn phòng HĐND & UBND huyện Chư Sê) cho biết: Dự án đường gom là chủ trương của Huyện ủy và UBND huyện Chư Sê. Những hộ dân kinh doanh muốn có đường lớn để xe lớn vô nhưng huyện đã tổ chức đối thoại và trả lời là không được. Khi PV hỏi về việc có sự bất nhất về độ rộng đường gom ở 2 giai đoạn, ông Lam trả lời: vì giai đoạn 1 làm 3m thấy hơi chật nên qua giai đoạn 2 mở rộng thêm thành 4m, đây là phương pháp tiên tiến hơn. Hiện không có quy định về độ rộng của đường gom nên ngân sách bao nhiêu thì làm bấy nhiêu thôi.
Để tìm hiểu đường gom được làm theo tiêu chuẩn nào, nhóm PV đề nghị ông Lam cho tiếp cận hồ sơ công trình nhưng ông Lam từ chối vì cho rằng hồ sơ chỉ cung cấp cho thanh tra kiểm tra. PV tiếp tục hỏi về tính pháp lý của dự án, ông Lam trả lời không nắm được cơ quan nào cấp phép. Tuy nhiên, để làm đường gom, các Sở Xây dựng; Sở Giao thông Vận tải tỉnh Gia Lai đã thẩm định, chỉ đạo thì huyện mới làm được. Khi Phóng viên đề nghị cung cấp hoặc xem văn bản phê duyệt, thẩm định của Sở Xây dựng; Sở Giao thông Vận tải tỉnh Gia Lai thì ông Lam cho biết không cung cấp được. Phóng viên Pháp lý có đề nghị ông Lam báo cáo lại đề nghị của PV với lãnh đạo UBND huyện, nhưng ông Lam cho biết: tôi đã làm việc với nhiều nhà báo rồi và chỉ trao đổi bấy nhiêu nội dung đó thôi, có trao đổi lại với lãnh đạo UBND huyện thì lãnh đạo cũng không cho cung cấp.
Ở một khía cạnh khác, việc người dân phản ánh phải tháo dỡ nhà lùi vào 3 lần theo chỉ đạo của Đoàn kiểm tra liên ngành của Huyện, ông Lam khẳng định chỉ triển khai 1 lần. Huyện chỉ đạo giải phóng mặt bằng là 17,5m còn 19,5m là chỉ giới xây dựng, phải chừa 2m thông thoáng, tránh che mất tầm nhìn giao thông. PV tiếp tục đặt câu hỏi vì sao có tình trạng người dân phải “đập đi xây lại” nhiều lần, ông Lam cho biết đã triển khai và hướng dẫn rõ (?!).
Trước những thông tin còn rất mơ hồ về tính pháp lý của dự án đường gom, người dân ở thị trấn Chư Sê đề nghị các cấp chính quyền cần thành lập đoàn kiểm tra để minh bạch thông tin pháp lý của dự án.
Cơ quan chức năng tỉnh Gia Lai nói gì?
Ngày 26/4, làm việc với PV Pháp lý, ông Đỗ Tiến Đông (Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Gia Lai) cho biết: Việc kiểm tra hồ sơ không thuộc trách nhiệm của Sở, Sở Xây dựng không thẩm định và cũng không cấp phép cho dự án đường gom của huyện Chư Sê.
Còn ông Nguyễn Hữu Quế (Giám đốc Sở GTVT tỉnh Gia Lai) cho biết: Sở có nhận được đơn của người dân và đang tiến hành họp, sau đó phối hợp với huyện Chư Sê để giải quyết. Ông Quế cũng khẳng định Sở GTVT không thẩm định và cấp phép cho dự án đường gom Chư Sê.
Tác giả bài viết: Nguyễn Tâm – Diệp Hoàng – Tường Vy
Nguồn tin: Pháp lý Online
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn