Trung Quốc tính dùng “vũ khí” đất hiếm trả đũa Mỹ

Thứ ba - 28/05/2019 21:19
Trung Quốc cân nhắc áp đặt lệnh cấm xuất khẩu đất hiếm, một thành phần quan trọng trong nhiều sản phẩm công nghệ cao, sang Mỹ để đáp trả cuộc chiến thương mại của Washington.
Trung Quốc tính dùng “vũ khí” đất hiếm trả đũa Mỹ
Trung Quốc tính dùng “vũ khí” đất hiếm trả đũa Mỹ

Trong cuộc phỏng vấn với CCTV News, một quan chức thuộc cơ quan kế hoạch kinh tế Trung Quốc cảnh báo các sản phẩm sử dụng tài nguyên đất hiếm của Trung Quốc không nên được sử dụng để chống lại sự phát triển của Trung Quốc. Bình luận này được xem là một lời đe dọa nhằm vào Mỹ và ngành công nghệ của Washington.

“Bạn vừa đề xuất rằng đất hiếm có thể trở thành một trong những biện pháp của Trung Quốc nhằm đáp trả sự chèn ép vô lý của Mỹ… Những gì tôi có thể nói với bạn đó là nếu bất kỳ ai sử dụng các sản phẩm được làm từ đất hiếm do chúng tôi xuất khẩu để kiềm chế sự phát triển của chúng tôi, thì người dân (tại tỉnh Giang Tây nơi đất hiếm được khai thác) cũng như toàn bộ người dân Trung Quốc đều không cảm thấy hài lòng”, quan chức Trung Quốc cho biết.

Hu Xijin, tổng biên tập Thời báo Hoàn Cầu, một ấn phẩm của nhà nước Trung Quốc, cũng nhấn mạnh việc Trung Quốc có thể tìm cách sử dụng vị thế của nước này như một nhà cung cấp đất hiếm hàng đầu nếu chiến tranh thương mại leo thang.

“Theo những gì tôi biết, Trung Quốc đang nghiêm túc cân nhắc việc hạn chế xuất khẩu đất hiếm sang Mỹ. Trung Quốc có thể sử dụng các biện pháp đáp trả khác trong tương lai”, Hu Xijin viết trên mạng xã hội Twitter hôm 28/5.

Tuần trước, Chủ tịch Tập Cận Bình đã có chuyến thăm tới một cơ sở đất hiếm của Trung Quốc trong bối cảnh cuộc chiến thương mại giữa hai nước đang leo thang và Mỹ vừa giáng đòn cấm vận nhằm vào Huawei - tập đoàn viễn thông lớn nhất của Trung Quốc.

Mặc dù không có bất kỳ tuyên bố chính thức nào được đưa ra từ phía Trung Quốc, song chuyến thăm của ông Tập đã làm dấy lên nhiều quan ngại rằng Bắc Kinh sẵn sàng sử dụng đất hiếm, đặc biệt là lệnh cấm xuất khẩu tài nguyên quan trọng này, như một “quân bài” để đối phó Mỹ.

Tác động tới Mỹ

Thông tin về việc Trung Quốc có thể đưa ra lệnh cấm xuất khẩu đất hiếm đã xuất hiện trong nhiều tuần gần đây. Nếu được thực thi, lệnh cấm này có thể sẽ gây tổn hại rất lớn cho Mỹ vì Washington gần như không có nguồn cung đất hiếm thay thế khác. Trong khi đó, đất hiếm là thành phần quan trọng được sử dụng trong nhiều ngành công nghiệp lớn.

Đất hiếm có thể được dùng để sản xuất và phát triển các sản phẩm công nghệ cao như điện thoại thông minh hay xe điện. Trung Quốc hiện là nhà cung cấp hàng đầu thế giới về đất hiếm, chiếm khoảng 78% sản lượng toàn cầu, đồng thời sở hữu 40% tài nguyên đất hiếm toàn cầu.

Các chiến lược gia Mỹ cho biết sự thống trị của Trung Quốc về đất hiếm xuất phát từ việc chính phủ Trung Quốc coi đất hiếm là tài nguyên chiến lược và xác định hoạt động khai thác tài nguyên này trong khoảng 100 năm.

Báo cáo của chính phủ Mỹ năm 2018 cũng nhấn mạnh sự  phụ thuộc của Bộ Quốc phòng Mỹ vào nguồn cung đất hiếm từ Trung Quốc.

“Đất hiếm là thành phần thiết yếu được sử dụng trong nhiều hệ thống vũ khí quan trọng cho an ninh quốc gia của Mỹ”, báo cáo cho biết.

Theo nhà phân tích chính trị Alessandro Bruno, đất hiếm, tài nguyên cần thiết cho quân sự, không gian vũ trụ và công nghiệp điện tử, “chắc chắn là vũ khí mà Trung Quốc có thể sử dụng trong các cuộc đàm phán thương mại với ông Trump”.

“Trung Quốc kiểm soát khoảng từ 85-95% hoạt động sản xuất và cung ứng đất hiếm”, ông Bruno cho biết, đồng thời nhấn mạnh các công ty Mỹ đang phụ thuộc rất nhiều vào tài nguyên này.

Tuy vậy, Marc Chandler, chiến lược gia thị trường toàn cầu, nhận định lời đe dọa cấm xuất khẩu đất hiếm sang Mỹ không phải do chính phủ Trung Quốc đưa ra và lời đe dọa này cũng không có tác động lớn tới thị trường toàn cầu. Mỹ nhập khẩu khoảng 4.000 tấn đất hiếm, trị giá 175 triệu USD.

 

Nguồn tin: Theo dantri

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây