(PL News) - Căng thẳng trên Biển Đông vốn do Trung Quốc khới lên, thì Bắc Kinh phải có trách nhiệm hạ nhiệt, đó mới là cách hành xử có trách nhiệm.
Tờ báo Stars and Stripes, Mỹ ngày 6/2 đưa tin, những phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis về Biển Đông từ Tokyo đã phần nào xoa dịu lo lắng của Bắc Kinh về khả năng xung đột, đối đầu Trung - Mỹ ở vùng biển chiến lược này.
Sau khi các quan chức khác trong Nội các Tổng thống Donald Trump như Ngoại trưởng Rex Tillerson ám chỉ khả năng phong tỏa hải quân với các đảo nhân tạo Trung Quốc xây trái phép ở Biển Đông, tướng James Mattis kêu gọi nỗ lực hết khả năng có thể giải quyết tranh chấp bằng ngoại giao.
Phát biểu của ông chủ Lầu Năm Góc như một viên thuốc an thần "định tâm đan" đã "xóa tan những đám mây chiến tranh mà nhiều người lo sợ chúng đang tích tụ trên bầu trời Biển Đông", tờ China Daily viết trong bài xã luận hôm thứ Hai.
"Mattis đã truyền cảm hứng lạc quan ở đây rằng, những chuyện này có thể không phải xấu như mô tả trước đây", China Daily bình luận.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng, ảnh: ecns.cn. |
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng cũng lập tức lên tiếng hoan nghênh bình luận của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ về Biển Đông là một "sự xác nhận rất xứng tầm". [1]
Trần Phá Không, một nhà bình luận chính trị quốc tế Hoa Kỳ gốc Trung Quốc ngày 6/2 nhận định, dường như Bắc Kinh đang có những bước chuẩn bị thỏa hiệp và nhượng bộ với Hoa Kỳ dưới thời Tổng thống Donald Trump.
Về vấn đề Biển Đông, trong thời gian tranh cử ông Donald Trump rất ít khi nhắc đến. Nhưng ông cam kết sẽ tăng cường sức mạnh quân sự Mỹ, tăng số chiến hạm hiện có từ 274 chiếc lên 350 chiếc.
Sau khi đắc cử, ông điện đàm với nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn. Có người chỉ trích ông, tại sao không bàn bạc với Bắc Kinh trước khi nghe điện của Tiến sĩ Văn, ông trả lời bằng cách hỏi ngược lại về Biển Đông:
"Trung Quốc xây dựng các pháo đài quân sự quy mô lớn ở Biển Đông, họ có hỏi chúng ta không?"
Ngày tướng James Mattis nhậm chức Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, Donald Trump ký sắc lệnh Tổng thống yêu cầu tân chủ nhân Lầu Năm Góc:
Đánh giá hiện trạng vũ khí trang bị, hoạt động huấn luyện quân sự, duy trì bảo dưỡng vũ khí đạn được, trình độ hiện đại hóa của vũ khí khí tài, cùng Bộ trưởng Tài chính lên kế hoạch mở rộng năng lực quân sự trong năm tài khóa 2017.
Sắc lệnh này cho thấy Trump nói là làm, thực hiện cam kết tranh cử. Và cho đến nay, đây cũng là sắc lệnh rõ ràng duy nhất nhằm vào sự trỗi dậy quân sự của Trung Quốc.
Cùng trong ngày 4/2 khi tướng James Mattis tuyên bố lập trường của Mỹ về Hoa Đông và Biển Đông tại Tokyo, thì ông Dương Khiết Trì đã điện đàm với Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ, kêu gọi đảm bảo giữ ổn định quan hệ song phương.
Nhà nghiên cứu người Mỹ gốc Trung Quốc Trần Phá Không, ảnh: Peoplenews.tw. |
Ông Trần Phá Không cho rằng, Trung Nam Hải đang tích cực lôi kéo quan hệ với chính phủ mới của Hoa Kỳ, âm thầm cam kết sẽ "tìm cách giải quyết" những vấn đề mà ông Donald Trump nêu ra, phía Mỹ đặc biệt quan tâm.
Chắc chắn Trung Nam Hải đã tính toán kỹ những mối quan tâm, lưu ý của ông Donald Trump, bao gồm thương mại, tỉ giá đồng nhân dân tệ, vấn đề Bắc Triều Tiên và Biển Đông, nhưng Donald Trump "ngó lơ" vấn đề nhân quyền.
Theo ông Không, Bắc Kinh cho đây là một thời cơ tốt, vì chỉ cần Washington không động đến vấn đề "an toàn chế độ", "an toàn chính quyền" thì mọi vấn đề khác đều có thể thương lượng được.
Lâu nay Trung Quốc luôn xem Mỹ là "chủ mưu diễn biến hòa bình" tìm cách gây "bạo loạn lật đổ" chính quyền Trung Quốc.
Nay Donald Trump công khai tuyên bố trong diễn văn nhậm chức: không can thiệp vào nội bộ nước khác, không áp đặt hệ giá trị Mỹ, nước nào thấy hay thì học.
Trong cuộc họp báo với Tổng thống Donald Trump, Thủ tướng Anh Theresa May khẳng định thêm: "Thời kỳ Anh - Mỹ can thiệp vào các quốc gia có chủ quyền với ý đồ bắt cả thế giới phải theo mô hình của mình đã qua rồi".
Hiển nhiên những phát biểu này của nguyên thủ Anh - Mỹ đã khiến Trung Nam Hải yên tâm hơn, tạm thời có thể kê cao gối nằm.
Vì vậy theo ông Trần Phá Không, Trung Quốc đang tính toán, chỉ cần có những thỏa hiệp nhất định với Mỹ về Biển Đông, thương mại, hối đoái, Bắc Triều Tiên là có thể đổi lấy 2 điều cam kết từ nước Mỹ:
Một là Mỹ sẽ không làm gì tổn hại đến vai trò lãnh đạo, cầm quyền của đảng Cộng sản Trung Quốc. Hai là nước Mỹ dưới thời Donald Trump sẽ vẫn tiếp tục tôn trọng nguyên tắc "một nước Trung Quốc".
Ông Không lưu ý một ví dụ thể hiện sự thỏa hiệp sau rèm của Bắc Kinh. Đó là trong cuộc gặp Tổng thống Donald Trump hôm 9/1, tỉ phú Trung Quốc Jack Ma cam kết trong 5 năm tới Tập đoàn Alibaba của ông sẽ tạo ra 1 triệu việc làm cho nước Mỹ.
Thời báo Hoàn Cầu từng mỉa mai rằng, nếu so với cam kết của một doanh nghiệp phần mềm Nhật Bản sẽ tạo ra 50 ngàn việc làm cho Mỹ, Jack Ma rõ ràng đang "cống nạp" cho Hoa Kỳ.
Nhưng theo Trần Phá Không, thực ra trong chuyện này chính Trung Quốc đang âm thầm "cống nạp" cho nước Mỹ.
Về vấn đề Bắc Triều Tiên, sự nhượng bộ của Trung Quốc thể hiện qua việc đột ngột công bố với dư luận hôm 25/1 vừa qua:
"Cấm xuất khẩu sang CHDCND Triều Tiên vật tư, linh kiện, kỹ thuật liên quan đến vũ khí sát thương quy mô lớn và các phương tiện chuyên chở chúng, các loại vũ khí thông thường được nêu trong bản công bố này".
Bất luận đây là động tác giả hay động tác thật, nhưng ý đồ lấy lòng Donald Trump từ Trung Nam Hải thì đã quá rõ.
Về vấn đề tỉ giá đồng nhân dân tệ, Bắc Kinh cũng đã âm thầm điều chỉnh. Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Robert Casey lâu nay luôn chỉ trích gay gắt chính sách thương mại của Trung Quốc đã xác nhận điều này:
"Trung Quốc gần đây đã có những chuyển biến trong chính sách ngoại hối, không còn tiếp tục cố ý dìm giá đồng nhân dân tệ như trước".
Tuy nhiên áp lực với thương mại Trung Quốc không phải đã hết, Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Charles Schumer kêu gọi:
"Tổng thống Donald Trump, nếu ngài thực sự muốn tạo việc làm cho nước Mỹ thì hãy tuyên bố Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ. Nếu ngài thực sự coi nước Mỹ là trên hết, hãy tuyên bố Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ".
Lần này Donald Trump không ra mặt, mà để ứng viên ông đề cử cho chức Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin giải thích:
"Nếu Trung Quốc lại tiếp tục thao túng tiền tệ, có chính sách bất bình đẳng với đồng nhân dân tệ, khi đó sẽ kiến nghị Tổng thống Donald Trump chính thức liệt Trung Quốc vào nước thao túng tiền tệ".
Nhà nghiên cứu Trần Phá Không kết luận: Trung Quốc đang âm thầm thỏa hiệp và nhượng bộ Hoa Kỳ, nhưng họ chỉ làm không nói.
Trong khi thực ra đây không phải là thỏa hiệp hay nhượng bộ thực chất, bởi lẽ Bắc Kinh gây ra vấn đề và bây giờ họ dừng lại là nghĩa vụ phải làm.
Căng thẳng trên Biển Đông vốn do Trung Quốc khới lên, thì Bắc Kinh phải có trách nhiệm hạ nhiệt, đó mới là cách hành xử có trách nhiệm. [2]
Người viết cho rằng, những thông tin nhà nghiên cứu Trần Phá Không cung cấp rất đang lưu tâm, tham khảo trong quá trình tìm hiểu chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ dưới thời Tổng thống Donald Trump, đặc biệt là Biển Đông và quan hệ Trung - Mỹ.
Trung Quốc thực sự "quy thuận" hay chỉ giả vờ "quy thuận" Donald Trump có lẽ cần thời gian quan sát thêm. Nhưng ông Trần Phá Không có một luận giải hết sức chính xác:
Kỳ thực, những tuyên bố và điều chỉnh chính sách của Trung Quốc nêu ra trong bài viết này nếu đúng, thì rất đáng hoan nghênh, nhưng đó là trách nhiệm của Trung Quốc phải làm, vì anh gây ra chuyện, ví dụ như vấn đề Biển Đông.
Sở dĩ người viết chú ý đến bình luận này là bởi, trong một cuộc hội thảo tại Hà Nội giới thiệu sáng kiến "một vành đai, một con đường", học giả Trung Quốc Tiết Lực từng hỏi một nhà nghiên cứu Việt Nam:
Nếu Trung Quốc nhượng bộ trong vấn đề (rút lại / hủy bỏ?) đường 9 đoạn ở Biển Đông, thì Việt Nam sẽ "nhượng bộ" gì?
Rõ ràng đây là một cái bẫy ngôn từ, nó giống như một kẻ giật bát cơm trên tay người khác. Người kia không chịu, đòi lại thì kẻ này bảo: thôi, bây giờ chia đôi!
Đó là lối "nhượng bộ khôn vặt" mà ông Tiết Lực muốn nói tới, bình luận của ông Trần Phá Không là câu trả lời đầy thuyết phục và đúng mực.
Nguồn tin: Theo Giaoduc.net.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn