Trả lời phỏng vấn hãng tin RIA Novosti, người đứng đầu Ủy ban quốc phòng và An ninh của Hội đồng Liên bang (Thượng viện Nga), ông Viktor Ozerov đã khẳng định, Moscow sẵn sàng sử dụng ảnh hưởng của mình đối với Triều Tiên trong cuộc đàm phán về chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng, tuy nhiên điều đó sẽ không thể xảy ra nếu như Triều Tiên vẫn tiếp tục bị khiêu khích bởi các hoạt động tập trận Mỹ - Hàn tại biên giới của nước này, cũng như việc xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa mới của Mỹ trong khu vực.
Sáng 5/4, CHDCND Triều Tiên đã tiến hành một vụ phóng tên lửa đạn đạo tại địa điểm gần Sinpo. Theo báo cáo từ Seoul, tên lửa đã bay khoảng 60 km trước khi rơi vào vùng biển Nhật Bản. Quân đội Hàn Quốc đang đặt trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu, còn tại Nhật Bản Hội đồng An ninh Quốc gia đã triệu tập một cuộc họp khẩn cấp.
Nghị sĩ Nga cho biết: "Chúng tôi sẵn sàng sử dụng ảnh hưởng của mình đối với CHDCND Triều Tiên tại các cuộc đàm phán, nhưng nếu CHDCND Triều Tiên vẫn tiếp tục chịu áp lực từ những cuộc tập trận với Hàn quốc cũng như việc triển khia hệ thống phòng thủ tên lửa mới trong khu vực của Hoa Kỳ, thì Nga khó có thể nói chuyện với Bình Nhưỡng".
Tên lửa Triều Tiên |
Cũng trong ngày 5/4, một đại diện cấp cao của chính quyền Mỹ tại Nhà Trắng đã khẳng định với phóng viên rằng, Hoa Kỳ sẽ không từ bỏ việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD tại Hàn Quốc, bất chấp việc Trung Quốc không hài lòng.
Quan chức này cho biết: "Hoa Kỳ sẽ luôn luôn bảo vệ các đồng minh cũng như đất nước mình khỏi bất kỳ mối đe dọa nào, đặc biệt là từ Triều Tiên cũng như các loại vũ khí đáng sợ mà họ đang phát triển".
Năm ngoái, Seoul đã quyết định cho Mỹ triển khai hệ thống tên lửa đánh chặn tầm cao giai đoạn cuối THAAD trên lãnh thổ Hàn Quốc (Terminal High Altitude Area Defense). Kế hoạch triển khai sẽ kết thúc vào cuối năm 2017. Hệ thống này sẽ đối phó hiệu quả trước các tên lửa của Triều Tiên.
Trung Quốc đã lên tiếng phản đối việc triển khai hệ thống THAAD. Bộ Tổng tham mưu Nga tin rằng việc đối phó với CHDCND Triều Tiên chỉ là cái cớ để Mỹ triển khai một hệ thống tên lửa đe dọa lợi ích của Moscow và Bắc Kinh.
Các cuộc đàm phán sáu bên về phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên bắt đầu vào tháng 8/2003. Cuộc đàm phán đã có sự tham dự của Nga, các nhà ngoại giao cấp cao của Triều Tiên, Hàn Quốc, Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản. Kết quả, Triều Tiên không chỉ đóng băng chương trình hạt nhân của mình, mà còn bắt đầu tháo dỡ các lò phản ứng trong một trung tâm thử nghiệm ở Yongbyon.
Tuy nhiên, kể từ năm 2008 cuộc đối thoại thực sự bế tắc sau khi Mỹ và Triều Tiên thất bại trong việc thỏa thuận về phương thức xác minh danh sách các chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng, trong khi Nhật Bản và Hàn Quốc đã từ chối thực hiện nghĩa vụ của mình trong việc cung cấp nhiên liệu cho Triều Tiên vận hành các nhà máy điện thông thường để đổi lấy việc từ bỏ chương trình hạt nhân.
Tác giả bài viết: Đức Dũng (lược dịch)
Nguồn tin: infonet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn