Xử lý hình sự “cát tặc”: Khó khăn, lúng túng
Điều chỉnh hành vi khai thác tài nguyên trái phép (trong đó có cát), Điều 172 Bộ luật Hình sự hiện hành quy định: “Người nào vi phạm các quy định của nhà nước về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên trong đất liền, hải đảo, nội thủy, vùng lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa và vùng trời của Việt Nam mà không có giấy phép hoặc không đúng với nội dung giấy phép gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ năm mươi triệu đồng đến một tỷ đồng hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ hai năm đến mười năm…”.
Luật quy định như vậy nhưng làm thế nào chứng minh được hành vi khai thác cát của các đối tượng vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng hoặc gây ra hậu quả rất nghiêm trọng theo các cơ quan có thẩm quyền là không dễ. Mặc dù mỗi đêm trên các con sông lớn (như sông Hồng, sông Lô, sông Cầu, hay sông Bình Dương, sông Đồng Nai…) tình trạng khai thác, vận chuyển, mua bán cát trái phép có số lượng có thể lên đến hàng nghìn khối cát.
Vì siêu lợi nhuận, cát tặc sẵn sàng sử dụng bạo lực, hung khí, đe dọa…. uy hiếp lại cơ quan chức năng, thậm chí còn nhắn tin đe dọa cả Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh mới đây, và trước đó là vụ Bí thư Huyện ủy Tứ Kỳ bị cát tặc bắt giữ uy hiếp trên ghe kéo tuốt ra sông hơn chục km.
Tại cuộc họp về tình hình hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép với các Bộ, ngành, địa phương do Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình chủ trì mới đây (chiều 7/3), nhiều đại biểu cho rằng nếu chỉ xử lý hành chính đối với cát tặc thì không đủ sức răn đe, nhưng nếu xử lý hình sự thì gặp khó khăn, lúng túng. Ông Võ Văn Chánh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, năm 2016, tỉnh Đồng Nai bắt tận tay được 157 vụ hút trộm cát nhưng hầu hết các vụ chỉ có thể xử lý hành chính. “Vì để xử lý hình sự thì phải chứng minh được hành vi vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng nhưng cát thì được vận chuyển đi rồi, việc mua bán trái phép ở đâu cũng khó xác định, có bắt được cũng khó truy nguồn gốc cát khai thác ở đâu ra mà xử”
Đồng tình với quan điểm của ông Chánh, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương cũng cho rằng: “Cần phải xem lại quy định của luật bởi xưa nay chúng ta đa phần xử lý hành chính đối với cát tặc. Việc xử lý hình sự rất ít nên khó mà răn đe được các đối tượng”. Việc vây bắt tội phạm hoạt động trên sông không hề đơn giản, vì đi sau chúng thường có nhóm bảo kê còn trang bị đầy súng đạn, vũ khí quân dụng để chuẩn bị đối phó với các lực lượng. Ông Vương dẫn chứng vụ khai thác cát ở tỉnh Phú Thọ, để phá thành công án, lực lượng công an phải lập chuyên án, phải đưa tới hàng trăm cảnh sát cơ động mới làm được.
“Hở” từ Luật đến Nghị định?
Tiếp cận từ văn bản dưới luật, Trung tá Nguyễn Sinh Thu, Trạm trưởng trạm Cát Lái, Phòng CSGT đường thủy – Công an TP.HCM cho rằng, Nghị định số 142/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản đang còn kẽ hở và đang bị tội phạm khai thác để hợp thức hóa hành vi khai thác cát trái phép của mình. Ông Thu phân tích, hiểu theo Nghị định 142, thì sau khi cát được khai thác, khoáng sản sẽ trở thành một loại hàng hóa. Có nghĩa là cát đã bán đi sẽ được xem là hàng hóa. Vì vậy, bọn “cát tặc” luôn cho một lực lượng tàu, xà lan mua bán cát theo sau. Khi cát hút lên, chúng bán ngay trên sông cho những xà lan này. Lúc đó cảnh sát môi trường không thể xử lý, vì cát đã thành hàng hóa, không thuộc thẩm quyền xử lý của cảnh sát môi trường”.
Còn Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Trần Hồng Hà phân tích, theo Luật Khoáng sản, UBND cấp tỉnh chỉ đạo khai thác cát trên sông. Tuy nhiên, việc khơi thông luồng lạch lại do Cục Đường thủy cấp phép. “Trên một dòng sông có cát, có 2 đơn vị, 2 cơ quan khai thác. Hai nơi, hai phương thức quản lý không trùng nhau. Đây cũng là một kẽ hở”, Bộ trưởng Hà nói.
Sửa luật để xử nghiêm “cát tặc”
Để xử lý triệt để tình trạng khai thác cát trái phép, cùng với thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ trước mắt và lâu dài như quy hoạch chi tiết và bảo vệ nguồn lợi từ nguồn tài nguyên thiên nhiên ở các địa phương; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát của các cơ quan chức năng; tạo cơ chế để người dân tham gia giám sát hoạt động của doanh nghiệp khai thác cát và giám sát cơ quan chức năng khi kiểm tra khai thác cát…; theo các chuyên gia pháp lý, cần chỉnh sửa các điều khoản của Bộ luật Hình sự có liên quan và hoàn thiện các văn bản dưới luật, đặc biệt là sửa Nghị định 142/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản, theo hướng dễ vận dụng và đủ sức răn đe loại tội phạm này.
Trở lại Điều 172 Bộ luật Hình sự hiện hành, vì thiếu các văn bản dưới luật hướng dẫn thế nào là hành vi gây ra hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hay đặc biệt nghiêm trọng trong các vụ án kinh tế nói chung và khai thác tài nguyên nói riêng, dẫn tới các cơ quan tố tụng có những cách vận dụng rất khác nhau, trong nhiều vụ án bị bế tắc trong việc định tội và định khung.
Đề cập đến vấn đề trên, trao đổi với PV Pháp lý, luật sư Lê Hoài Sơn – Đoàn Luật sư Bình Định so sánh, Điều 227 Bộ luật Hình sự sửa đổi năm 2015 (chưa được Quốc hội thông qua) thay thế Điều 172 Bộ luật Hình sự hiện hành về chế tài Tội vi phạm các quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên đã có một bước tiến mới, vì đã cụ thể hóa làm rõ hơn khái niệm về hành vi gây ra hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng đối với loại tội phạm này. Tương ứng với mỗi hành vi vi phạm được luật định bằng số tiền cụ thể, giúp cho các cơ quan tố tụng thuận lợi hơn trong việc định tội và định khung hình phạt tương ứng.
Tuy nhiên, theo luật sư Lê Hoài Sơn với mức phạt tiền như điều luật sửa đổi chỉ thực sự có tác dụng răn đe đối với các đối tượng khai thác cát là pháp nhân, vi phạm trong trường hợp khai thác vượt khung giấy phép được cấp. Còn đối với cát tặc (khai thác cát lậu), tuy số lượng khai thác đông đảo nhưng quy mô khai thác bao giờ cũng nhỏ lẻ, giá trị sản lượng khai thác không lớn, rất khó đạt tới khung giá trị luật định, đó là chưa nói đến các đối tượng vi phạm chống trả lực lượng có chức năng quyết liệt và phi tang hiện vật… “Do đó để xử lý triệt để vấn nạn cát tặc, theo tôi cần phải sửa đổi luật theo hướng hạ thấp giá trị tang vật vi phạm, cụ thể có khung tối thiểu từ 10.000.000 đồng trở lên hoặc thậm chí thấp hơn là có thể khởi tố xử lý hình sự” – ông Sơn nói.
Ở một góc nhìn khác, luật gia Trương Việt Kon Tum (Hội Luật gia tỉnh BÌnh Định) cho rằng, việc sửa đổi luật hình sự cần phải quy định hành vi vi phạm của các đối tượng khai thác cát lậu, trái phép vào các tội như hủy hoại môi sinh, đe dọa tính mạng người dân, trộm cắp tài sản quốc gia… Để theo đó đưa cát tặc vào loại tội phạm nguy hiểm gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng để có chế tài xử lý hình sự tương thích.
|
VŨ LÊ MINH
Nguồn tin: Pháp lý Online
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn