Ông Duterte: Nếu muốn, Trung Quốc hãy biến Philippines thành một tỉnh

Thứ tư - 21/02/2018 06:10
TTO - Không chỉ xem nhẹ các hoạt động quân sự của Trung Quốc trên Biển Đông, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte còn bông đùa về khả năng Philippines trở thành một tỉnh của Trung Quốc.
Ông Duterte: Nếu muốn, Trung Quốc hãy biến Philippines thành một tỉnh

 


Ông Duterte: Nếu muốn, Trung Quốc hãy biến Philippines thành một tỉnh - Ảnh 1.

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte - Ảnh: REUTERS

Nhà lãnh đạo Philippines thậm chí còn cho rằng các thực thể nhân tạo bất hợp pháp do Trung Quốc xây trên Biển Đông là sự phòng thủ trước nước Mỹ, không phải là bàn đạp để tấn công các quốc gia châu Á khác, bao gồm Philippines.

Ông Duterte, người có tiếng bộc trực, đổ lỗi cho các chính quyền tiền nhiệm đã không xây dựng hệ thống phòng thủ trên các đảo mà Philippines chiếm giữ ở quần đảo Trường Sa. 

Nhưng trước các chỉ trích nói ông cũng "hèn nhát" tương tự trước sự lấn lướt của Trung Quốc, Tổng thống Duterte nói ông sẽ không hi sinh sinh mạng của người Philippines một cách không cần thiết.

"Tôi sẽ không bao giờ tham gia vào một cuộc chiến mà chúng ta không thể thắng", ông Duterte tuyên bố trong một diễn đàn doanh nghiệp Philippines - Trung Quốc ngày 19-2 tại Manila. Đại sứ Trung Quốc tại Philippines Triệu Giám Hoa hôm ấy cũng có mặt.

Liên quan đến các hoạt động của tàu nghiên cứu Trung Quốc ở thềm lục địa Philippines Rise (còn được gọi là Benham Rise), ông Duterte khẳng định nó là của Philippines.

"Tôi sẽ không cho bất kỳ cuộc khảo sát nước ngoài ở đó nữa. Người Trung Quốc đến rồi đặt tên này nọ", ông Duterte nhấn mạnh trong bài phát biểu. 

Vài ngày trước đó, có thông tin nói Trung Quốc đang muốn đặt tên bằng tiếng Trung cho nhiều khu vực ở Benham Rise sau khi khảo sát.

"Mấy cái này chỉ là xác định vị trí. Trung Quốc tất nhiên có thể ghi như vậy bằng tiếng Trung. Nếu quý vị muốn, quý vị có thể biến chúng tôi thành một tỉnh cũng được, giống như Phúc Kiến. Tỉnh Philippines, Cộng hòa nhân dân Trung Hoa", ông Duterte bông đùa.

Philippines và Trung Quốc đã từng ở thế đối đầu nhiều năm vì các tranh chấp trên Biển Đông. Tuy nhiên, dưới thời ông Duterte, quan hệ giữa hai nước bất ngờ trở nên nồng ấm, với sự xích lại gần Bắc Kinh của nhà lãnh đạo Philippines. Hàng tỉ USD của Trung Quốc đã đổ vào Philippines kể từ đó.

Nói như một học giả quan hệ quốc tế, cú xoay trục ngoạn mục của Philippines, từ Mỹ sang Trung Quốc, phản ánh thế cuộc chung không chỉ ở châu Á: nhiều quốc gia đang chìm trong tâm lý phù Trung. Sự trỗi dậy và những ảnh hưởng của Trung Quốc, với sức mạnh kinh tế và quân sự, như con bạch tuộc, vươn vòi tới khắp các vùng đất trên thế giới.

Đại sứ Philippines tại Trung Quốc Chito Sta. Romana, tại diễn đàn ở Manila ngày 19-2, cho rằng đang có sự dịch chuyển và cân bằng quyền lực Mỹ - Trung tại châu Á. Mọi thứ, theo ông, sẽ bắt đầu trên biển.

"Ở những nơi, như Biển Đông, vốn chịu sự ảnh hưởng của hạm đội 7 Mỹ, Hải quân Trung Quốc đã bắt đầu chống lại điều đó", ông Romana nhận xét.

Biển Đông chưa phải là cái ao của riêng Trung Quốc. Tàu sân bay Mỹ vẫn lượn lờ qua lại. Hai con voi đấu nhau, cỏ dưới đất sẽ bị đạp nát. Chúng ta đâu ai muốn làm cỏ rác”

Ông Chito Sta. Romana - đại sứ Philippines tại Trung Quốc

Sự trấn an của Tổng thống Duterte, cùng các nhận xét của các quan chức Philippines ngày 19-2, dường như ở thế đối lập với sự hiện diện của tàu sân bay USS Carl Vinson đang ở thăm Philippines.

Trong khi hiệp ước đồng minh giữa Mỹ và Philippines vẫn có hiệu lực, quan hệ an ninh giữa Manila và Bắc Kinh ngày càng gần gũi, bất chấp các tranh chấp trên biển.

"Chuyến thăm của tàu sân bay chỉ mang tính biểu tượng, cho thấy nước Mỹ vẫn duy trì hiện diện quân sự tại Philippines", chuyên gia Xu Liping thuộc Viện khoa học xã hội Trung Quốc nhận định.

"Nhưng với các công trình quân sự tại 3 đảo chính trên Biển Đông, Trung Quốc đã hoàn tất xây dựng mạng lưới thu thập tình báo và phòng thủ", ông này lạc quan tuyên bố.

Nguồn tin: tuoitre.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

TƯƠNG TÁC NHIỀU

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây