Ma tù, ma tự do & ... ma oan!

Thứ tư - 21/02/2018 05:59
(PhapluatNews) - Nguyên uỷ viên Bộ chính trị, ông Đinh La Thăng, mới đây trong phần bào chữa cho mình tại phiên toà hình sự, đã bày tỏ nguyện vọng "nếu được chết thì là ma tự do, chứ không phải ma tù". Nói một cách đơn giản, ông Thăng mong muốn được ra khỏi tù trước khi chết. Tức ông muốn có một mức án nhẹ, so với tuổi 58 của mình. Điều đó cũng hàm ý rằng, khi người ta chết đi, sẽ trở thành một con "ma". (Mặc dù có lẽ sự thật thì cũng có không ít người tin, hay thấy ma bao giờ). Niềm mong mỏi ấy, là điều hoàn toàn dễ hiểu, đối với bất kỳ ai. 
Ma tù, ma tự do & ... ma oan!

 


Trần Bình Trọng khẳng khái tuyên bố "thà làm quỷ nước Nam còn hơn làm vương đất Bắc" (ảnh minh hoạ, nguồn: internet)

Là một luật sư, trong quá trình hành nghề 17 năm qua, tôi đã tiếp xúc với rất nhiều bị cáo, những người bị kết tội. Trong số các bị cáo mà tôi đã bào chữa cho họ, có khoảng 10 người bị kết án tử hình (đa phần về tội giết người). Tức là họ sẽ chết (bị thi hành án tử hình) từ trong nhà tù, khi đang là một phạm nhân. Và rất nhiều bị cáo khác bị các mức án cao từ chung thân, đến 30 năm, 20 năm... Khả năng họ sẽ thành "ma tù" là cao.

Những ai đã từng bị giam giữ, mất tự do, có lẽ là những người thấu hiểu nhất giá trị của tự do. Và cũng cảm thấy "sợ nhất" sự mất tự do. Rất nhiều thân chủ của tôi khi tiếp xúc đều bày tỏ nguyện vọng sẵn sàng chi tiền để được tự do (tại ngoại), hay giảm án (để bớt mất tự do). Và cũng rất nhiều người làm nghề pháp luật, nhân danh pháp luật (như công an, kiểm sát viên, thẩm phán) - gợi ý hoặc vòi tiền, nhận tiền (chạy án) để "bán" tự do cho các bị can, bị cáo. (Mà theo tôi số bị lộ, bị xử lý chỉ là một phần rất nhỏ).

Thế nên, việc ông Đinh La Thăng tại toà muốn là con ma tự do không có gì là khó hiểu, hay đáng chê trách.

Tuy nhiên, từ nguyện vọng làm "ma tự do" của ông Thăng, tôi liên tưởng đến những số phận oan sai trong tù. Đến sự bất công trong áp dụng pháp luật, xét xử đang diễn ra trên đất nước chúng ta. Chẳng hạn như cùng một sự việc có tính chất mức độ như nhau, nhưng nếu bị can, bị cáo là cán bộ cấp cao, hay giàu có .., thì mức án thường nhẹ hều. Còn những người dân hiền lành chân chất, đôi khi phạm tội vì nghèo đói, dốt nát, lạc hậu, hoặc trộm cắp những món tài sản rẻ mạt chẳng đáng bao nhiêu (như con vịt, lon sữa ...vv), thì thậm chí lại bị tù tội, án nặng. Họ mất tự do hơn cán bộ công chức rất nhiều. Dù là trên lý thuyết pháp luật, mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật.

Tôi lại nghĩ đến những con "ma tù", nhưng thực chất cũng không phải "ma tù", mà là "ma tạm giam". Đó là những người có dấu hiệu phạm tội, bị tạm giam, tạm giữ, rồi thế nào đó, vì lý do nào đó mà bỗng "tự tử" trong đồn công an. Họ chết, trở thành những con "ma tạm giam" không bao giờ biết nói, trong nỗi tức tửi đau xót và tuyệt vọng của gia đình, người thân họ. Chẳng lẽ nào họ không muốn làm con ma tự do?

Rồi lại có những tử tù kêu oan. Nếu không kêu oan thành công, và bị oan thật, họ sẽ trở thành những con ma tù, suốt đời mong mỏi sẽ được là con ma tự do. 

Than ôi, đã là người ai rồi cũng sẽ chết, cũng sẽ thành ma (hay thành tiên, phật chi đó, mà tôi cũng không biết). Dù người đó là ai, làm to đến chức nào, ăn món bổ gì, được bao nhiêu người bảo vệ, tung hê. Nhưng nếu một con người mà bị chết oan, thì không những sẽ là một con ma tù như lời ông Thăng, mà họ còn là một con "ma oan". Nếu là người tin vào duy tâm, hẳn quý vị biết rõ con "ma oan" ấy chắc chắn  sẽ đi theo mãi kẻ đã làm oan mình, để đòi lại lẽ công bằng. Trên thực tế, có không ít người sinh thời sống ác, mà phải gánh chịu những hậu quả nhãn tiền. Thảm khốc. 

Lại nhớ ngày xưa đời Trần có tướng Trần Bình Trọng, khi bị giặc Nguyên phương Bắc bắt đã dụ sẽ cho làm vua nước Nam nếu chịu hàng giặc, đã khẳng khái nói "Ta thà làm quỷ nước Nam còn hơn là vương đất Bắc". Ý là dù có chết, thì cũng quyết không bán rẻ Tổ quốc, quê hương mình. Ông đã bị kẻ thù chém chết, và nói theo kiểu ông Đinh La Thăng, trở thành một con ma tù. Nhưng đây còn là một "ma yêu nước" được hậu thế truyền tụng kính nể đến cả ngàn năm sau! Có điều ở đời mấy ai được như vậy.

Chắc chắn không ai muốn làm ma tù. Và càng chắc chắn không ai muốn làm ma oan. Thế nên, lương tâm và trách nhiệm của những người sống, là phải làm sao giảm thiểu đến mức thấp nhất những thân phận bị oan sai, hay xa hơn là những con "ma oan". Vì nếu ma oan nhiều quá, e rằng người sống cũng khó mà yên ổn được.

..........


* Bài trên báo Dân Trí:

Tác giả bài viết: Luật sư Trần Hồng Phong

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây