Oan khiên lao lý, lỡ dở phận đời một 'doanh nhân chân đất'

Thứ hai - 31/12/2018 22:08
Từ một chủ doanh nghiệp làm ăn có tiếng bỗng dưng ông Dương Văn Hòa mất trắng tài sản và bị đưa vào vòng lao lý đầy oan khiên. Dù ông được minh oan sau 10 năm, nhưng một phần đời với nhiều hoài bão phải lỡ dở.
Oan khiên lao lý, lỡ dở phận đời một 'doanh nhân chân đất'

 


Oan khiên lao lý, lỡ dở phận đời một doanh nhân chân đất - Ảnh 1.

Từ một doanh nhân, ông Hòa vướng án oan và trắng tay - Ảnh: PHẠM XUÂN DŨNG

Hơn mười năm trước, cựu chiến binh Dương Văn Hòa (61 tuổi), ở thị trấn Gio Linh, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị, là giám đốc Công ty TNHH Thuận Thành, chuyên cung cấp bò giống và cây giống cho các khách hàng trong và ngoài tỉnh. 

Một hôm, ông bất ngờ bị khởi tố, đưa ra xét xử...

Tai bay vạ gió

Theo hồ sơ vụ án, ông Hòa gặp họa khi năm 2007 ông mua 250 con bò giống từ Thanh Hóa đưa về Quảng Trị theo hợp đồng của một dự án. 

Từ ngày 8-6-2007, một số hộ nhận bò giống lai Sind do dự án cấp phát hiện bò bị sưng chân, sau đó dịch lở mồm long móng bùng phát ở 6 huyện, thị xã trong tỉnh Quảng Trị. Trong số bò giống ông Hòa cung cấp có 49 con bị lở mồm long móng. 

Tiếp thu chỉ đạo của chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Quảng Trị, ông Hòa đã thu hồi 49 con bò lai Sind do mình cung cấp đưa về trang trại của công ty và trả lại cho nơi bán ở Thanh Hóa nhập vào lò mổ.

Ngày 28-6-2007, UBND tỉnh Quảng Trị có quyết định công bố dịch lở mồm long móng. 

Sau đó, Chi cục Thú y tỉnh này lấy 6 mẫu bệnh phẩm bò, heo tại các trang trại của ông Hòa ở thị trấn Gio Linh, ở huyện Đakrông (có nhận bò do ông Hòa cung ứng) và hai huyện Cam Lộ, Triệu Phong tỉnh Quảng Trị (không có bò do ông Hòa cung ứng). 

Qua xét nghiệm có 1 mẫu dương tính với virút lở mồm long móng type 1 và 5 mẫu máu bò dương tính kháng thể lở mồm long móng type 1. 

Tuy nhiên, quá trình lấy các mẫu bệnh phẩm, cơ quan thú y không lập biên bản mà mãi cho tới ngày 15-8-2007 mới lập các biên bản "xác nhận mẫu bệnh phẩm", nhưng quá trình lấy mẫu cũng như bản xác nhận và kết quả xét nghiệm đều không thể hiện mẫu bệnh phẩm được lấy từ con vật nào.

Vậy mà ngày 12-7-2007, Cơ quan cảnh sát điều tra tỉnh Quảng Trị ra quyết định khởi tố vụ án "làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho động vật" và "thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng". 

Ngày 31-7-2007, cơ quan này khởi tố bị can 4 người, trong đó ông Dương Văn Hòa với tội danh "làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho động vật". 

Phiên tòa hình sự sơ thẩm đầu tiên vào ngày 25-6-2008 tuyên phạt ông Hòa 18 tháng tù giam. Ông cũng bị chính quyền tỉnh thu hồi giấy phép kinh doanh, bò giống của ông được lệnh tiêu hủy. 

Thế là, từ chủ doanh nghiệp có uy tín và ăn nên làm ra có tiếng, vợ chồng ông Hòa phút chốc đã trắng tay, sa vào vòng lao lý.

Trong mười năm qua, ông Hòa đã kiên trì đấu tranh đòi lẽ phải cho mình. Ông liên tục kháng cáo kêu oan, đòi công lý và số phận đã bắt đầu mỉm cười khi Viện KSND tối cao đã công nhận khiếu nại của ông.

Ngày 31-8-2017, Viện KSND tỉnh Quảng Trị đã ra quyết định đình chỉ vụ án đối với bị can Dương Văn Hòa và hướng dẫn ông làm thủ tục nhận đền bù oan sai.

Oan khiên lao lý, lỡ dở phận đời một doanh nhân chân đất - Ảnh 2.

Trang trại bò giống, cây giống ngày nào giờ chỉ còn sót lại vài cây giống chưa bị chặt phá - Ảnh: PHẠM XUẪN DŨNG

Muôn vàn cay đắng

Từ chủ một doanh nghiệp, bây giờ ông Hòa trắng tay và trở thành một nông dân chính hiệu. 

Dẫn chúng tôi đến trang trại của mình ở xã Gio Phong (Gio Linh), ông Hòa kể: "Hơn 10 năm trước, đây là cơ ngơi hoành tráng rộng 5ha để trồng trọt và chăn nuôi bò giống, nhưng rồi phút chốc tan tành, xơ xác".

Chỉ vào trại bò rách nát, ông chùng giọng: "Anh coi vậy nhưng trước đây nó đã giúp cho tôi và nhiều bà con nông dân ăn nên làm ra. Rồi vụ án thình lình xảy ra như trên trời rơi xuống. 

Tôi đã nói gần như van xin với điều tra viên rằng bệnh lở mồm long móng có nhiều type lắm, mấy anh nên coi lại, cẩn thận kẻo làm oan người vô tội nhưng họ không nghe, còn lớn giọng quát tháo tôi. Và tôi mất trắng. 

Họ còn cấm tôi đi khỏi nơi cư trú, tôi đã xin được đi để giải quyết công việc ở các trại giống của tôi tại Lao Bảo, Bình Dương và ở Lào nhưng không được, không ai trả lời cho tôi cả. Hộ chiếu của tôi khi được trả lại cũng bị gạch xóa tan nát, không biết kêu ai?".

Tai họa xảy ra, bò mất mà cây cũng không còn. Có còn chăng chỉ là dấu tích của một ít cây giống ngày trước còn sót lại như ghi dấu một thời vàng son của trang trại. Nó cũng là dấu tích của một phần đời nhiều hoài bão của ông Hòa. 

Trớ trêu thay, dấu tích đó bây giờ trở thành bằng chứng sống động để cơ quan chức năng... đền bù oan sai. 

Trang trại Thuận Thành ở Gio Phong chỉ cách nhà ông 3km, nhưng do ở xã khác nên ông không thể đến đó coi sóc vì vướng lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú. Hàng loạt hợp đồng bị đổ vỡ, bạn hàng, đối tác thúc giục nhưng không thể thực hiện vì ông đã lâm nạn pháp đình.

Sau 10 năm vướng án oan, giờ ông Hòa già hẳn như một lão nông tri điền. Dừng ánh mắt nhìn phía xa xăm, ông Hòa nói tiếp, giọng đầy cay đắng:

Tôi nhìn cảnh người ta tiêu hủy đàn bò của mình mà lòng đau như cắt. Nói tiêu hủy nhưng nhiều con được đưa ra chợ bán. Tôi đã chụp lại ảnh cảnh này

Công lý chưa trọn vẹn

Hơn 10 năm trôi qua, cuối cùng nỗ lực đấu tranh của ông cũng được đền đáp. Ông được giải oan nhưng những thiệt hại vật chất và tinh thần thì vẫn chưa được đền bù thỏa đáng. 

"Từ chủ một doanh nghiệp, tôi mất trắng hết. Cơ quan tố tụng hướng dẫn tôi thống kê thiệt hại để yêu cầu bồi thường oan sai. Tôi thống kê mình bị thiệt hại gần 18 tỉ đồng nhưng Viện KSND tỉnh Quảng Trị chỉ công nhận gần 250 triệu đồng. Bồi thường thế thì có chịu nổi không?" - ông Hòa nói như than.

Đó chỉ là thiệt hại cụ thể về vật chất, có những mất mát không gì đền bù được. Bởi khi vụ án xảy ra, ông bị khai trừ Đảng, khai trừ cả hội viên cựu chiến binh. Con ông thi đại học bị ghi lý lịch xấu vì bố bị truy tố, bị xét xử và phạt tù. Thế là ông lại phải vác đơn đi kiện đòi quyền lợi.

Ngày 20-11 vừa qua, phiên tòa dân sự sơ thẩm của TAND tỉnh Quảng Trị đã xử vụ ông Hòa khởi kiện Viện KSND tỉnh Quảng Trị về bồi thường oan sai. 

Tòa tuyên ông thắng kiện nhưng chỉ buộc bị đơn là Viện KSND tỉnh bồi thường gần 265 triệu đồng. Quá bức xúc, ông Hòa đã đứng dậy cùng vợ con bỏ về khi tòa đang tuyên án nửa chừng.

Ông Hòa phẫn uất, đứng giữa sân tòa nói như khóc: "Tôi vốn là nông dân, cả đời tôi gắn với nông nghiệp, nông thôn rồi trở thành doanh nhân. Nay tòa không xem xét những thiệt hại của tôi về tài sản vật chất như nhiều vườn ươm giống cao su trong và ngoài nước, đàn bò giống bị tiêu hủy. 

Nếu lấy lý do vì tài sản không kê biên mà không bồi thường cho những thiệt hại thực tế của tôi thì khác gì tôi lại bị oan lần nữa. Tòa lại không chịu áp dụng quy định mới về bồi thường oan sai mà cứ theo luật cũ để giảm nhẹ bồi thường. 

Tôi chỉ biết kêu trời. Làm ăn nông nghiệp là vất vả, rủi ro nhất đời này mà còn chịu oan sai dồn dập thì sao sống nổi".

Vẫn biết dù được minh oan nhưng con đường yêu cầu bồi thường oan sai của ông vẫn còn dài với rất nhiều gập ghềnh, chông gai. 

Chợt nhớ lại lời ông Phan Thành, trưởng Xóm Mít (Gio Phong), nơi có trang trại ông Hòa, tâm tình: "Ông Hòa làm doanh nghiệp nhưng sống tốt với bà con làng xóm. Hồi còn khá giả trước lúc bị án, ông đã làm mấy sổ tiết kiệm tặng những bà mẹ khó khăn. 

Ngay bây giờ cơ nghiệp tan hoang nhưng khi thấy bà con Xóm Mít không có con đường ra nghĩa trang, ông Hòa đã tự nguyện hiến đất làm con đường dài 200m, rộng 4m. Một người ở hiền răng mà không gặp lành anh hè?".

Doanh nhân chân đất

Trước khi vướng vòng lao lý, ông Hòa được bà con nông dân trong vùng ví như một "doanh nhân chân đất".

Các dự án kinh doanh của ông đều hướng đến chuyện giúp người nông dân làm ăn bền vững, thoát nghèo từ trồng trọt và chăn nôi trên chính mảnh ruộng, vườn cây của mình.

Lúc đó, ông Hòa có đến 6 trại giống khá quy mô ở Quảng Trị, Bình Dương và cả ở nước bạn Lào đang ăn nên làm ra.

Nguồn tin: tuoitre.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây