Trong cuốn hồi ký Câu chuyện về một nền hòa bình bị bỏ lỡ, xuất bản năm 1954 (NXB Công an nhân dân in năm 2005 theo bản dịch của Lê Kim), thiếu tá Jean Sainteny đã kể về Ngày Độc lập lịch sử của nước ta mà ông là người được chứng kiến tận mắt.
Khi đó, Sainteny đã quan sát Lễ Độc lập ở khoảng cách rất gần: Ông đang ở trong dinh Toàn quyền (Phủ Chủ tịch ngày nay), chỉ cách Quảng trường Ba Đình có một hàng rào thép thưa.
Phái đoàn của Saintery đáp xuống sân bay Gia Lâm, Hà Nội từ ngày 22/8/1945, trên máy bay của Mỹ cất cánh từ sân bay Chengtu, cách Côn Minh 25 km. Ngày hôm sau, ông ta cùng một toán sĩ quan Pháp đi theo đường thủy từ Hải Phòng lên, gồm tất cả 11 người, đã tập kết ở dinh Toàn quyền và đã bị giam lỏng tại đây, dưới sự canh gác của binh lính Nhật.
“Ngày 1/9, đội lính Nhật Bản canh gác dinh Toàn quyền cũ được thay thế bằng một đội Cảnh vệ Việt Nam”, ông kể lại. “Ngày 2/9 là một trong những sự kiện quan trọng nhất trong quá trình nắm chính quyền của Chính phủ Cách mạng Việt Minh. Một lễ mít tinh khổng lồ trong “Ngày Độc lập” được loan báo từ trước, coi như điểm chủ chốt trong hàng loạt sự kiện tiếp theo”.
Các diễn biến của Lễ Độc lập lần lượt được Sainteny miêu tả: “Trên bục gỗ cao dựng lên trong công viên Puginier (tên thời thực dân Pháp, đã được đổi tên thành Vườn hoa Ba Đình), trước hàng vạn người, một loạt diễn giả đã phát biểu bằng những lời lẽ mạnh mẽ theo các mức độ khác nhau”.
Jean Sainteny đã chứng kiến Lễ Độc lập của nước Việt Nam từ ngay dinh Toàn quyền. Ảnh tư liệu. |
“Lần lượt, Võ Nguyên Giáp, Trần Huy Liệu rồi Hồ Chí Minh mà ngay hôm đó quần chúng nhân dân được biết đây chính là nhà cách mạng lão thành Nguyễn Ái Quốc, long trọng tuyên bố nền Độc lập của Việt Nam”, vị thiếu tá tình báo nhận xét.
Jean Sainteny cũng xác nhận trong bức điện báo cáo gửi về Côn Minh ngay sau đó, ông ước tính có vài trăm nghìn người tham dự cuộc mít tinh ngày 2/9. “Thực ra, khó ước lượng được con số chính xác. Nhiều tỉnh đã cử đại diện về dự trong những bộ quần áo màu sắc các địa phương. Nhiều linh mục đạo Gia-tô cũng tới dự, đứng ở vị trí cao. Trật tự trong buổi diễu hành, và nhất là không thấy có những tiếng hò hét phản loạn, thù địch là một trong những biểu hiện rất đáng ghi nhận”.
Đứng trong dinh Toàn quyền, Sainteny chứng kiến đoàn diễu hành của nhân dân ở vị trí rất gần. “Những người diễu hành đi theo đại lộ Brière de l’Isle (đại lộ Hùng Vương ngày nay) ngay trước cổng dinh Toàn quyền, và chúng tôi không thấy có một cử chỉ thù địch nào hướng về chúng tôi, cũng như về phía dinh là tòa nhà tượng trưng cho chủ quyền của Pháp ở Đông Dương”.
Đặc biệt, những tường thuật của ông Sainteny có những chi tiết khá thú vị: “Phái đoàn đại diện Mỹ cũng có mặt. Hai chiếc máy bay tiêm kích Mỹ Lightning bay lượn rất lâu trên đoàn người dự mít tinh ở độ thấp. Sự kiện này được cơ quan tuyên truyền của chính phủ mới cho rằng đây là biểu hiện sự ủng hộ của Mỹ đối với Việt Minh”.
Sau Lễ Độc lập, ngày 3/9, một người trong nhóm của Sainteny là trung úy Missoffe mới lần đầu ra khỏi dinh Toàn quyền để đến trụ sở chính phủ mới của Việt Nam và có cuộc tiếp xúc đầu tiên với Đổng lý Văn phòng Bộ Nội vụ Hoàng Minh Giám. Tiếp sau đó, mối quan hệ liên lạc đã được thiết lập giữa phái đoàn của Saintany và Chính phủ Cách mạng Việt Minh.
Phái đoàn của Sainteny ở dinh Toàn quyền không lâu. Từ ngày 8/9, đã có những sĩ quan của quân đội Trung Hoa dân quốc đến chiếm các phòng ở trong dinh và đến ngày 10/9, các sĩ quan Pháp đã phải rời đi, nhường lại tòa lâu đài cho lực lượng đại diện quân đội Đồng minh vào giải giáp quân đội Nhật.
Jean Roger Sainteny (tên thật là Jean Roger) từng sang Việt Nam làm việc tại Ngân hàng Đông Dương trong thời gian từ 1929-1932. Khi Đức xâm chiếm Pháp năm 1940, ông gia nhập hàng ngũ kháng chiến Pháp, từng bị bắt, sau đó trốn thoát để tham gia vào lực lượng kháng chiến của phái De Gaulle. Năm 1944, Sainteny được cử sang Côn Minh, Trung Quốc làm Chỉ huy phái đoàn 5, là mạng lưới tình báo, gián điệp, biệt kích hoạt động tại khu vực biên giới Hoa - Việt và vùng Bắc bộ lúc đó đang bị quân đội Nhật chiếm đóng.
Chủ tịch Hồ Chí Minh (bên trái) và ông Sainteny (đứng giữa) cùng đại diện các nước đồng minh nghe đọc Hiệp định sơ bộ giữa Pháp và Việt Nam, trước khi ký kết ngày 6/3/1946. Ảnh: Nguyễn Bá Khoản. |
Thiếu tá Sainteny là đại diện của chính phủ Pháp trong cuộc đàm phán Pháp - Việt và ngày 6/3/1946 đã cùng với Chủ tịch Hồ Chí Minh ký tên vào bản Hiệp định Sơ bộ, mở đầu quan hệ giữa Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Cộng hòa Pháp. Sự tiếc nuối về những cuộc đàm phán thất bại dẫn đến cuộc chiến tranh 9 năm và thất bại của quân đội Pháp tại Điện Biên Phủ đã khiến ông viết cuốn hồi ký Câu chuyện về một nền hòa bình bị bỏ lỡ năm 1954.
Kết thúc chiến tranh Đông Dương, Jean Sainteny lại được chính phủ Pháp cử làm Đại diện đầu tiên tại Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1954. Ông có mối quan hệ gần gũi với Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thủ tướng Phạm Văn Đồng và là người đại diện cho Cộng hòa Pháp tham dự lễ tang chủ tịch Hồ Chí Minh tháng 9/1969. Năm 1970, ông đã xuất bản cuốn sách thứ hai nhan đề Đối diện với Hồ Chí Minh.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn