Mỹ sẽ đưa thêm máy bay áp sát Biển Đông

Thứ tư - 25/01/2017 02:38
Mỹ sẽ đưa thêm máy bay áp sát Biển Đông

Việc triển khai sẽ được thực hiện trong năm nay tới một căn cứ của lực lượng thủy quân lục chiến Mỹ ở miền bắc nước Úc - theo Reuters.

Mỹ sẽ đưa thêm máy bay áp sát Biển Đông
Mỹ sẽ đưa ít nhất 4 máy bay MV-22 Osprey như thế này tới miền bắc nước Úc - Ảnh: AFP

Người phát ngôn thủy quân lục chiến Mỹ Chris Logan ngày 25-1 xác nhận, sẽ có ít nhất 4 máy bay trực thăng cỡ lớn MV-22 Osprey và 5 máy bay trực thăng AH-1W Super Cobra trong đợt triển khai năm 2017 tới căn cứ Darwin, miền bắc nước Úc.

Trước đó, cũng có thông tin Darwin sẽ được nâng cấp để có thể tiếp nhận được máy bay ném bom tầm xa tàng hình B-1. Thông tin này khi đó đã thu hút được sự chú ý của Trung Quốc bởi tầm tác chiến của B-1 xuất phát từ Darwin bao trùm cả khu vực Biển Đông.

Căn cứ Darwin hiện là nơi đồn trú của khoảng 1.250 binh sĩ Mỹ và được triển khai luân phiên theo từng đợt.

Đây là thỏa thuận đạt được giữa Washington và Canberra năm 2011 dưới thời cựu tổng thống Barack Obama, là một phần trong chiến lược tái cân bằng của Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương.

Đúng ra theo kế hoạch, số binh sĩ Mỹ thường trực tại Darwin sẽ được nâng lên gấp đôi so với hiện nay vào năm 2020 nhưng đã bị trì hoãn tới hết năm 2017 bởi những bất đồng giữa Mỹ và Úc xung quanh chuyện chia sẻ kinh phí duy trì căn cứ.

Điều này cơ bản đã được giải quyết hồi tháng 10 năm rồi khi hai bên đạt được thỏa thuận hơn 1,5 tỷ USD. Số tiền này sẽ được sử dụng để xây dựng, nâng cấp cơ sở vật chất tại căn cứ trong thời gian 25 năm.

Bộ Quốc phòng Úc từ chối đưa ra bình luận về kế hoạch lần này. Canberra là đồng minh quan trọng của Mỹ tại châu Á - Thái Bình Dương. Sự xuất hiện của các máy bay MV-22 Osprey sẽ củng cố thêm sự hiện diện, tăng cường năng lực của các lực lượng Mỹ tại khu vực.

Tuy nhiên, tương lai của nỗ lực của chính quyền cũ đang bị đặt dấu chấm hỏi dưới chính quyền mới của tổng thống Donald Trump, người đã không dưới hai lần đòi các đồng minh phải "trả tiền" để được Mỹ "bảo vệ". 

Khu vực này vốn tập trung nhiều đồng minh quan trọng và đồng minh có lợi ích liên quan của Mỹ như Philippines, Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc,...

Cũng cần phải nói thêm về chiến lược tái cân bằng của Mỹ dưới thời Obama. Nó bao gồm hai trụ cột quan trọng là kinh tế và quân sự.

Tuy nhiên, chiến lược đó giờ đã mất đi trụ cột kinh tế khi tổng thống Trump ký quyết định rút Mỹ ra khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Chính quyền mới ở Washington trong những ngày vừa qua đang cố tỏ ra cứng rắn với Bắc Kinh trong vấn đề Biển Đông bằng các tuyên bố kiểu sẽ không để Trung Quốc muốn làm gì thì làm. 

Mặc dù vậy, theo giới quan sát, chính quyền mới của ông Trump vẫn đang loay hoay và chưa có một chính sách rõ ràng đối với vùng biển chưa bao giờ hạ nhiệt căng thẳng này.

MV-22 Osprey là máy bay trực thăng "lai" cánh bằng của quân đội Mỹ. Máy bay có thể chở tới 24 binh sĩ đầy đủ trang bị vũ khí, tải trọng cất cánh tối đa hơn 27 tấn và có tầm bay hơn 1.600km với tốc độ nhanh nhất ở mức 565km/h

 

Tác giả bài viết: DUY LINH

Nguồn tin: TTO

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

TƯƠNG TÁC NHIỀU

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây