Ông Donald Trump sẽ chính thức trở thành Tổng thống Mỹ vào ngày 20-1-2017 - Ảnh: Reuters |
Lễ đăng quang của ông Donald Trump diễn ra vào ngày 20-1-2017 là điểm cuối của chặng đường từ một ứng viên gây tò mò vào đầu năm 2016 trở thành Tổng thống của nước Mỹ.
Đó cũng là đỉnh điểm của cơn sóng chính trị nổi lên kể từ khi ông Trump xuất hiện, con sóng đã hất đổ ứng viên dày dạn Hillary Clinton của đảng Dân Chủ.
Hơn một tháng qua, nước Mỹ vẫn chưa hết kinh ngạc khi một ứng viên “chống thể chế” như ông Trump đánh bại chính trị gia gần 30 năm kinh nghiệm như bà Clinton.
Ông Trump thua bà Clinton đến 2,8 triệu phiếu phổ thông nhưng giành được Đại cử tri đoàn nhờ 80.000 phiếu bầu nhỉnh hơn tại ba bang Michigan, Wisconsin và Pennsylvania - một kết quả được cho là do sự rạn nứt sâu sắc trong lòng nước Mỹ.
Quốc hội Mỹ ngày 6-1 dự kiến sẽ chính thức xác nhận kết quả bầu cử của đại cử tri Mỹ hôm 12-12, theo đó ôngTrump đã giành được 301 phiếu, trong khi bà Hillary Clinton giành được 163 phiếu, các ứng viên khác giành được 6 phiếu.
Điều trớ trêu cuối cùng là bất chấp những nỗ lực cuối cùng kêu gọi các đại cử tri thay đổi ý định, kết quả cho thấy thực ra số đại cử tri phản bội của đảng Dân chủ lại nhiều hơn của đảng Cộng hoà.
Sự trỗi dậy của “đa số thầm lặng”
Theo NBC News, sức mạnh của ông Trump đến từ “đa số thầm lặng” - cụm từ mô tả các cử tri da trắng thuộc tầng lớp lao động cảm thấy bị bỏ rơi, mất mát về việc làm, văn hoá, kinh tế và hy vọng. Ông thu phục niềm tin của họ bằng việc gạt bỏ các tư tưởng chính thống Cộng hoà trong các vấn đề từ thương mại cho đến chi tiêu chính phủ.
Các cam kết của ông về kinh tế, văn hoá và sắc tộc thường bị coi là xúc phạm phụ nữ và các nhóm thiểu số. Nhiều nghị sĩ Mỹ từng cảnh báo ông Trump khó mà thắng cuộc bầu cử khi phân hoá cử tri và tập trung vào một nhóm dân số “đang thu hẹp” dần. Nhưng ông đã chứng minh rằng họ đã sai.
Ông giành được chức Tổng thống cũng giống như cách ông đã thắng cuộc bầu cử sơ bộ nhờ sự ủng hộ của những cử tri trung thành, những người cảm thấy bị hất ra khỏi tiến trình chính trị và chỉ biết đứng nhìn các tiến bộ của nước Mỹ.
Nhóm ủng hộ ông trong cuộc bầu cử sơ bộ giúp ông xô đổ các bức “tường xanh” của Dân Chủ. Các số liệu cho thấy rõ sự trỗi dậy “đa số thầm lặng” khi những khu vực của các cử tri da trắng thuộc tầng lớp lao động ở các vùng quê có thêm hơn 1,4 triệu người đi bỏ phiếu so với bốn năm trước.
Số cử tri da trắng không có bằng đại học ủng hộ nhà tỉ phú Mỹ cũng cao hơn 14% so với đợt tranh cử của Mitt Romney năm 2012. Đài NBC News cho rằng ông Trump đã làm được điều mà nhiều người đã thất bại: truyền đi thông điệp dân túy để đánh trực tiếp vào tầng lớp lao động.
Trong khi đó, bà Clinton không thể vẽ nên một viễn cảnh kinh tế tươi sáng hơn. “Bà Clinton đã không truyền được một thông điệp kinh tế vững chắc - giáo sư Michael Traugott thuộc ĐH Michigan giải thích về thất bại của bà Clinton tại ba bang chiến lược Michigan, Wisconsin và Pennsylvania - Nếu bà ấy đến đây thay vì xuất hiện trên quảng cáo tivi thì bà ấy có thể đã làm tốt hơn”.
Một người phụ nữ mặc áo ủng hộ ông Trump bị ném trứng ở bang California - Ảnh: AFP |
Cử tri đã ngán chính trị
Giải thích về việc tại sao cử tri ủng hộ ông Trump, trang The Conversation cho rằng nhà tỉ phú Mỹ đã đánh vào nỗi sợ những chính trị gia "truyền thống" như bà Clinton chỉ là con rối của những nhóm vận động lắm tiền.
Việc chính quyền của Tổng thống Obama gặp khó khăn trong hàng loạt vấn đề cơ bản như nâng trần nợ, do sự phản đối của phe Cộng hoà, càng khiến người Mỹ tin rằng chính phủ “chẳng làm được gì”.
Trên chương trình MSNBC Monday ngày 13-12, cựu ứng viên Tổng thống Mỹ Bernie Sanders bên đảng Dân chủ cho rằng ông Trump chiến thắng vì chẳng tuân theo các nguyên tắc đứng đắn trong chính trị, thậm chí đụng chạm những điều tối kỵ.
Ông ta nói ra những điều nhức nhối và quá đáng, nhưng tôi nghĩ người Mỹ đã mệt mỏi với kiểu hùng biện chính trị đứng đắn trăm người như một. Tôi nghĩ nhiều người tin rằng ông ta nói xuất phát từ trái tim và sẵn sàng vì mọi người”. |
Cựu ứng viên Tổng thống Mỹ Bernie Sanders |
Một bé gái 9 tuổi lắng nghe bà Hillary Clinton trong một buổi vận động ở bang Ohio - Ảnh: Reuters |
Sự đứng đắn chính trị, theo ông Sanders, là luôn nói những điểm phù hợp với từng nhóm đối tượng, không quan tâm đến những gì đang diễn ra và không xúc phạm những nhân vật quyền lực, đang khiến người Mỹ mất niềm tin.
“Có lập luận cho rằng ông Trump thắng vì toàn bộ hay hầu hết người ủng hộ ông ta là phân biệt chủng tộc, giới tính hay căm thù đồng tính, nhưng tôi không nghĩ vậy. Ông ta đã nói ‘các bạn biết không, có nhiều điều nhức nhối ở đất nước này, mọi người đang sợ hãi và lo lắng’. Mọi người đã chán nản với thực trạng chính trị ở Mỹ và ông ấy đã phá bỏ nó” - ông Sander đúc kết.
Dù vậy, ẩn số lớn nhất hiện nay là là ông Trump sẽ là một tổng thống như thế nào và biến thông điệp của mình thành những kết quả tích cực khi mà kết quả thăm dò cho thấy chỉ 33% cử tri tin ông nói thật và 35% cho rằng ông có khí chất của một Tổng thống.
“Đối với một đương kim Tổng thống muốn tái đắc cử, không có gì thay thế được thành công” - đài NBC News bình luận.
Đoàn kết trong đảng Nhiều người tin rằng ông Trump chiến thắng nhờ các vấn đề kinh tế tuy nhiên giới quan sát cho rằng một phần thắng lợi của ông là nhờ sự đoàn kết của đảng Cộng hoà. Bất chấp những phản đối dữ dội của nhiều thành viên đảng này trong những ngày đầu chiến dịch của ông Trump, kết quả thăm dò sau bầu cử cho thấy ông Trump giành được 90% sự ủng hộ của các cử tri Cộng hoà. Nhiều chính trị gia Cộng hoà khẳng định sẽ đoàn kết với Tổng thống đắc cử, lấy ví dụ là việc ngay sau khi đắc cử ông Trump đã gặp gỡ lãnh đạo phe đa số Thượng viện Mitch McConnell và chủ tịch đảng Paul Ryan. |
Tác giả bài viết: TRẦN PHƯƠNG
Nguồn tin: TTO
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn