Trong vòng đàm phán cấp cao diễn ra hôm 9/11 ở thủ đô Washington, giới chức hai nước Mỹ và Trung Quốc đã dùng ngôn ngữ thẳng thừng để nói với nhau về những bất đồng chính chia rẽ hai bên, trong đó có cuộc chiến thương mại cay đắng, vấn đề tự do hàng hải ở Châu Á-Thái Bình Dương, vấn đề Đài Loan và người dân tộc thiểu số ở Tân Cương.
Hai quan chức cấp cao Trung Quốc cũng tranh thủ cơ hội công khai cảnh báo rằng cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ kết thúc bằng việc làm tổn thương cả hai bên và kêu gọi hai nước Mỹ, Trung duy trì các kênh liên lạc để giải quyết vấn đề đang làm xáo động thị trường tài chính toàn cầu.
Cuộc họp cấp cao Mỹ-Trung diễn ra giữa Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Mike Pompeo và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis với hai người đồng cấp là Ngoại trưởng Trung Quốc Yang Jiechi và Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Wei Fenghe. Đối thoại An ninh và Ngoại giao Mỹ-Trung ban đầu được dự kiến diễn ra ở thủ đô Bắc Kinh hồi tháng trước nhưng đã bị hoãn lại do tình hình căng thẳng leo thang giữa hai nước.
Trong cuộc gặp, ông Pompeo đã công khai chĩa mũi dùi tấn công vào Trung Quốc về việc nước này tiếp tục xây dựng các cơ sở hạ tầng quân sự trên những đảo và bãi đá nhân tạo ở Biển Đông – nơi Trung Quốc đang đòi chủ quyền phi pháp bất chấp sự phản đối mạnh mẽ của các nước có liên quan trong khu vực và của cả cộng đồng quốc tế.
“Chúng tôi tiếp tục bày tỏ quan ngại về những hoạt động và chính sách quân sự hóa của Trung Quốc ở Biển Đông. Chúng tôi thúc giục Trung Quốc hãy thực hiện đúng những cam kết đã đưa ra trước đó trong khu vực này”, ông Pompeo nhấn mạnh sau cuộc gặp Mỹ-Trung.
Ngoại trưởng Trung Quốc Yang nói rằng, Trung Quốc cam kết “không đối đầu”. Tuy nhiên, ông này lại ngang nhiên tuyên bố Trung Quốc “có quyền xây dựng các cơ sở quân sự cần thiết” ở khu vực mà nước này tự nhận là thuộc chủ quyền của họ. Trên thực tế, Trung Quốc đang đòi chủ quyền tham lam và phi pháp ở nhiều khu vực của Biển Đông, gây sự bất bình rất lớn trong dư luận quốc tế. Sau những phát biểu trên, ông Yang còn kêu gọi Washington ngừng đưa tàu chiến và máy bay quân sự đến những hòn đảo mà Bắc Kinh đòi chủ quyền phi lý và xây dựng trái phép ở đó.
Đáp lại, Bộ trưởng Mattis cứng rắn tuyên bố rõ ràng rằng, Mỹ sẽ không quan tâm đến lời kêu gọi trên của Trung Quốc. Ông Mattis khẳng định, Mỹ đang hành động theo luật quốc tế để bảo vệ quyền của Mỹ và các nước trong việc được tiếp cận Biển Đông.
Trung Quốc đang có tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải ở Biển Đông với 4 nước láng giềng Đông Nam Á gồm Philippines, Việt Nam, Brunei, Malaysia và Vùng lãnh thổ Đài Loan. Trung Quốc đang ngang nhiên đòi chủ quyền đến 90% Biển Đông - một khu vực biển có những tuyến đường hàng hải chiến lược có tính sống còn đồng thời chứa các nguồn tài nguyên thiên nhiên vô cùng phong phú.
Trung Quốc đang gây ra một làn sóng phản đối dữ dội và quyết liệt chưa từng có của các nước láng giềng trong khu vực cũng như của cộng đồng thế giới vì việc nước này đang tích cực đẩy mạnh các hoạt động bồi đắp, cải tạo, xây dựng trái phép và giờ là quân sự hóa ở Biển Đông. Trong một động thái làm đẩy cao căng thẳng ở Biển Đông, Trung Quốc mới đây đã cho triển khai các tên lửa đất đối không, đất đối hạm và hệ thống làm nhiễu điện tử đến các cấu trúc mà nước này đã xây dựng trái phép thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Hành động quân sự hóa Biển Đông của Trung Quốc ngay lập tức bị phản ứng. Mỹ liên tục đưa tàu chiến và máy bay quân sự đến thách thức những hoạt động sai trái của Trung Quốc. Sau Mỹ, Anh cũng đưa tàu chiến vào đây.
Tại một diễn đàn an ninh quan trọng hàng đầu của Châu Á cách đây không lâu, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đã công khai chỉ trích những hành động quân sự hóa Biển Đông của Trung Quốc trong thời gian qua đồng thời cảnh báo Bắc Kinh về những đòn trừng phạt nặng nề trong tương lai.
Nguồn tin: Theo VnMedia:
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn