Theo Reuters, ngày 6/9, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steve Mnuchin cho biết nếu Liên hợp quốc không áp đặt các biện pháp trừng phạt bổ sung đối với Triều Tiên liên quan đến các vụ thử hạt nhân của nước này, ông sẵn sàng trình một sắc lệnh hành pháp lên Tổng thống Donald Trump để được thông qua nhằm áp đặt trừng phạt đối với bất kỳ quốc gia nào tiến hành giao thương với Bình Nhưỡng. Phát biểu với báo giới, ông Mnuchin nêu rõ: "Tôi đã chuẩn bị sẵn một sắc lệnh hành pháp. Tôi sẵn sàng đệ trình lên Tổng thống. Nó sẽ cho phép tôi ngăn chặn các hoạt động thương mại và áp đặt các biện pháp trừng phạt với bất kỳ ai làm ăn với Triều Tiên. Tổng thống sẽ xem xét sắc lệnh này vào thời điểm thích hợp sau khi ông để cho Liên hợp quốc có thời gian hành động."
Theo dự thảo nghị quyết đang được Mỹ lưu hành tại Hội đồng Bảo an, Mỹ muốn cơ quan quyền lực nhất tại Liên hợp quốc này xiết chặt các biện pháp chế tài đối với Triều Tiên.
Cụ thể, dự thảo nghị quyết đề nghị áp đặt lệnh cấm vận dầu mỏ đối với Triều Tiên, cấm quốc gia này xuất khẩu hàng dệt may, và cấm hoàn toàn việc tuyển dụng lao động Triều Tiên ở nước ngoài đồng thời phong tỏa tài sản cũng như áp đặt lệnh cấm đi lại đối với nhà lãnh đạo Kim Jong-Un.
Dự thảo cũng cấm các nước xuất khẩu sang Triều Tiên các sản phẩm xăng dầu đã tinh chế, hóa đặc và khí đốt tự nhiên.
Tháng trước, Hội đồng Bảo an đã ắp đặt các lệnh trừng phạt mới đối với Triều Tiên sau khi nước này tiến hành hai vụ thử tên lửa tầm xa trong tháng 7. Nghị quyết thông qua ngày 5/8 đặt mục tiêu giảm 1/3 kim ngạch xuất khẩu hàng năm đạt 3 tỷ USD của Bình Nhưỡng bằng cách cấm nước này bán ra nước ngoài than, quặng, chì và hải sản.
Khác với nghị quyết cũ chỉ giới hạn số người Triều Tiên đang làm việc tại nước ngoài ở mức hiện nay, dự thảo mới áp đặt lệnh cấm hoàn toàn việc tuyển dụng và thanh toán cho lao động Triều Tiên ở nước ngoài. Một số nhà ngoại giao ước tính hiện có khoảng 60.000-100.000 người Triều Tiên lao động ở nước ngoài.
Nếu được thông qua, nghị quyết mới sẽ ảnh hưởng lớn tới ngành dệt may, lĩnh vực xuất khẩu lớn thứ hai của Triều Tiên sau than và một số khoáng sản khác trong năm 2016, đạt 752 triệu USD, theo số liệu của Cơ quan Xúc tiến Đầu tư-Mậu dịch Triều Tiên. Gần 80% hàng dệt may của Triều Tiên được xuất sang Trung Quốc.
Ngoài ra, theo dự thảo nghị quyết, tài sản của hãng hàng không do quân đội kiểm soát, Air Koryo, sẽ bị phong tỏa. Hãng hàng không này có các chuyến bay tới Bắc Kinh và một số thành phố tại Trung Quốc, trong đó có Dandong, điểm quá cảnh chính cho mậu dịch giữa hai nước. Hãng cũng có các chuyến bay tới Vladivostok, Nga.
Tại phiên họp khẩn cấp của Hội đồng Bảo an hôm 4/9, Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc bà Nikki Haley nói bà muốn Hội đồng Bảo an gồm 15 thành viên tiến hành bỏ phiếu dự thảo nghị quyết trên vào ngày 11/9. Tuy nhiên, Đại sứ Nga tại Liên hợp quốc ông Vassily Nebenzia nói rằng thời điểm đó có thể là "hơi sớm."
Ngoài ra, cũng chưa rõ dự thảo này có nhận được ủng hộ của Trung Quốc hay không. Để được thông qua, dự thảo cần phải có được 9 phiếu thuận và không nhận phải phiếu phủ quyết nào từ Mỹ, Anh, Pháp, Nga hoặc Trung Quốc.
Hãng thông tấn Yonhap dẫn nguồn tin Bộ Ngoại giao Hàn Quốc ngày 7/9 thông báo, Ngoại trưởng Kang Kyung-wha và người đồng cấp Nhật Bản Taro Kono đã nhấn mạnh cần phải tăng cường các biện pháp trừng phạt và sức ép đối với Triều Tiên để giải quyết vấn đề hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng.
Tại cuộc gặp bên lề Diễn đàn kinh tế phương Đông ở thành phố Vladivostok thuộc vùng Viễn Đông của Nga, hai quan chức trên còn nêu rõ rằng cần gây sức ép để buộc Bình Nhưỡng phải thảo luận về việc phi hạt nhân hóa Triều Tiên.
Một thông cáo báo chí của bộ trên cho biết, hai ngoại trưởng đã chia sẻ quan điểm rằng vấn đề hạt nhân của Triều Tiên cần được giải quyết một cách hòa bình thông qua các cuộc đối thoại, nhấn mạnh vai trò của Trung Quốc và Nga trong việc giải quyết vấn đề này và cam kết sẽ duy trì liên lạc chiến lược với những nước trên để thúc đẩy các nỗ lực phi hạt nhân hóa đang diễn ra.
Ngoài ra, thông cáo cũng nêu rõ trong bối cảnh các mối đe dọa hạt nhân và tên lửa từ phía Triều Tiên đang gia tăng, sự hợp tác 3 bên giữa Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ đã trở nên cần thiết hơn bao giờ hết.
Nguồn tin: danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn