"Cánh cửa cuối cùng" khiến 9 người tử vong
Được gọi lên bục khai báo, Hoàng Công Lương cho rằng sẽ ủy quyền cho luật sư bào chữa, đối đáp với VKS khi VKS truy tố, luận tội bị cáo Lương phạm tội "Vô ý làm chết người" trong sự cố y khoa chạy thận ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình.
Luật sư Hoàng Ngọc Biên, bào chữa cho bị cáo Lương cho rằng, trong quá trình điều tra, truy tố luôn xác định trách nhiệm chuyên môn nghề nghiệp khám bệnh, chữa bệnh của bác sĩ lọc máu khi ra y lệnh “là cánh cửa cuối cùng” dẫn đến làm 9 nạn nhân tử vong.
Cũng chỉ vì ra y lệnh, thân chủ của ông phải trải qua ba lần khởi tố với ba tội danh khác nhau. Luật sư nói "đây là sai lầm trong hoạt động tố tụng của cơ quan điều tra, truy tố của tỉnh Hòa Bình".
Theo luật sư, những tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, những trình bày của bị cáo, người làm chứng, của các chuyên gia tại phiên tòa, không được kiểm sát viên phân tích, điều này vi phạm nguyên tắc "Suy đoán vô tội".
Luật sư Biên cho rằng, hành vi ký y lệnh của bác sĩ Hoàng Công Lương là trách nhiệm nghề nghiệp chuyên môn được quy định trong Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009, và Quy chế bệnh viện 1895 của Bộ Y tế.
Chỉ khi nào quý VKS bác bỏ được nội dung Kết luận của Hội đồng chuyên môn, bác bỏ được các ý kiến của các chuyên gia, của các nhà khoa học về lọc máu, thì khi đó cơ quan điều tra, truy tố mới xem xét đến lỗi và trách nhiệm nghề nghiệp đối với bác sĩ Hoàng Công Lương trong vụ án này.
"Do đó chỉ có Hội đồng chuyên môn, ý kiến của các chuyên gia mới đủ khả năng xem xét, kết luận về chuyên môn. Ví như một vụ án xâm hại đến tính mạng, sức khỏe của nạn nhân bắt buộc phải có kết luận của cơ quan giám định pháp y mới có căn cứ xem xét giải quyết vụ án", luật sư nói và đề nghị đình chỉ với bị cáo Hoàng Công Lương.
Hoàng Công Lương có phạm tội Vô ý làm chết người?
Với cáo buộc bị cáo Lương là người thừa lệnh Trưởng khoa ký đề xuất sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống lọc nước RO số 2, luật sư Nguyễn Văn Quynh cho rằng, trong quá trình hoạt động từ năm 2010 đến nay, hệ thống máy chạy thận nhân tạo cũng như hệ thống lọc nước RO phục vụ cho việc chạy thận đã qua nhiều lần được bảo hành và sửa chữa.
Tuy không có một quy trình cụ thể nào được ban hành để điều chỉnh việc sửa chữa các hệ thống trên, nhưng căn cứ vào lời khai của các bị cáo, luật sư Quynh thấy rằng, khi phát hiện hư hỏng đối với hệ thống RO, thì đơn vị sử dụng sẽ báo với Phòng Vật tư thiết bị y tế.
Như vậy, đối với đề nghị sửa chữa thì thì việc ký xác nhận của đại diện khoa Hồi sức tích cực chỉ có ý nghĩa ghi nhận sự việc còn việc đánh giá về các mặt khác thuộc về trách nhiệm của Phòng Vật tư thiết bị y tế.
Luật sư Quynh cho hay, bác sĩ Hoàng Công Lương chỉ là bác sĩ điều trị như các bác sĩ khác tại Đơn nguyên thận nhân tạo, chưa được bổ nhiệm giữ chức vụ gì của khoa phòng của Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình.
Việc ký đề xuất sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống RO số 2 của bị cáo chỉ là xác nhận để hợp thức hóa thủ tục hành chính của bệnh viện, vì thực tế các bác sĩ của khoa Hồi sức tích cực ai cũng có thể ký vào phần đại diện của Khoa được.
Vì vậy, cáo buộc bác sĩ Lương là người thừa lệnh Trưởng khoa ký đề xuất sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống lọc nước RO số 2 không có cơ sở.
Với cáo buộc, bị cáo Lương phải biết nước sử dụng trong lọc máu phải đảm bảo chất lượng; sau khi được sửa chữa, bảo dưỡng “Tẩy rửa màng RO và các đường ống của hệ thống” phải có việc xét nghiệm xác định chất lượng nguồn nước, luật sư cho hay, hệ thống lọc nước sử dụng trong lọc máu RO số 2 do Đơn nguyên thận nhân tạo vận hành sử dụng.
Tuy nhiên, trách nhiệm phải biết nước có đảm bảo chất lượng hay không thì hoàn toàn không phải trách nhiệm của của các cán bộ Đơn nguyên thận.
Bác sĩ Hoàng Công Lương được đào tạo chuyên môn về kỹ thuật lọc máu nhân tạo đương nhiên biết việc nước sử dụng trong lọc máu phải đảm bảo chất lượng. Việc quản lý chất lượng nguồn nước chỉ có thể thực hiện qua các thiết bị sử dụng trong vận hành.
Chính vì vậy, trong trường hợp này bác sĩ Hoàng Công Lương đã làm tròn trách nhiệm của mình về việc kiểm tra chất lượng nguồn nước.
Theo luật sư, trong cấu thành tội phạm, người bị coi là có tội chỉ khi người thực hiện hành vi phải có lỗi. "Nếu cho rằng, bác sĩ Lương ra y lệnh là có lỗi thì giới bác sĩ cả nước ai cũng có nguy cơ trở thành một bác sĩ Lương thứ hai", luật sư cho hay và đề nghị HĐXX cân nhắc, xem xét tuyên bị cáo Hoàng Công Lương không phạm tội Vô ý làm chết người.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn