Theo Luật sư Thiệp, vụ án này có thời hạn tố tụng rất ngắn. Những chứng cứ có trong hồ sơ được trình bày tại phiên tòa, các bị cáo đều khẳng định không được xem xét kỹ cáo trạng của VKS, họ không được thực hiện các quyền quy định tại Điều 171 của BLTTHS về khiếu nại vấn đề có liên quan đến việc truy tố họ.
Luật sư cho rằng nếu sử dụng bản kết luận giám định làm căn cứ buộc tội các bị cáo “cố ý làm trái” sẽ không thuyết phục và không chính xác. Tuy nhiên, khi nhận được hồ sơ của VKSND tối cao, tính đến nay theo thời hiệu quy định là 15 ngày thì đúng là chúng tôi không kịp làm bất kỳ điều gì, dù luật không quy định thời hạn tối thiểu nhưng có quy định thời hạn tối đa. Nhưng đối với các bị cáo trong vụ án này, từ khi họ làm bị can đến khi trở thành bị cáo và ra tòa xét xử ngày hôm nay thì những quyền đó cần được xem xét đánh giá khi ra quyết định để xem xét toàn bộ sự việc. Thời hạn tố tụng ngắn quá nên các luật sư cũng không kịp có văn bản kiến nghị gửi các cấp có thẩm quyền.
“Về mặt tố tụng có những vi phạm nhất định và có thể ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các bị cáo trong vụ án này”- LS Lê Văn Thiệp nói.
Hội đồng xét xử phiên tòa. Ảnh: TTX
Bị cáo Trịnh Xuân Thanh. Ảnh: TTX
Luật sư cho rằng nếu xét xử các bị với mức thiệt hại lên đến 119 tỉ đồng theo cách tính lãi suất của các giám định viên và cáo buộc của VKS là không thỏa đáng. Đề nghị HĐXX áp dụng điều 25 của BLHS 1999 và luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS 2009 để miễn truy cứu TNHS đối với những bị cáo trong vụ án cố ý làm trái.
Đối với tội tham ô, tất cả các cáo buộc của VKS không đủ cơ sở vững chắc theo quy định của pháp luật. Luật sư cho rằng toàn bộ hành vi chiếm đoạt tài sản của nhà nước bằng cách lập các hồ sơ khống được thực hiện bởi các bị cáo như Nguyễn Anh Minh (nguyên Phó TGĐ PVC), Lương Văn Hòa (nguyên Giám đốc Ban điều hành Dự án Vũng Áng - Quảng Trạch)... Trong vụ án này, tất cả các lời khai của họ đều không chứng minh được rằng về mặt chủ quan, ông Trịnh Xuân Thanh là đồng phạm.
“Trong vụ án này, toàn bộ các chứng cứ có trong hồ sơ cũng như thẩm vấn rất kỳ lạ và đặc biệt. Dòng tiền (nguồn tiền) dịch chuyển đó bị mâu thuẫn bởi chính lời khai của các bị cáo trong vụ án. Ngoài ra, chúng tôi tìm ra được những chứng cứ ngoại phạm”, luật sư Thiệp nói.
Luật sư Thiệp mô tả lại lời khai của các bị cáo nói nhờ anh Kế (lái xe của bị cáo Minh) đưa Hòa đi rút tiền ở các NH, sau khi rút tiền xong thì mang đến đưa cho Toàn (lái xe của bị cáo Trịnh Xuân Thanh), trước khi đưa thì rút lại một tỉ, đưa túi to hơn gấp 4,5 lần túi giữ lại.
“Hồ sơ chỉ xác định bị cáo Kế chuyển cho bị cáo Toàn một cái túi, rồi bị cáo Toàn lại tiếp tục chuyển chiếc túi đó. Chứng cứ như vậy rất mơ hồ, không có cơ sở vững chắc”- luật sư Thiệp nói.
Cạnh đó, luật sư còn tìm ra được chứng cứ chỉ có 1 tỉ đồng được rút ở Hà Nội còn 4 tỉ đồng được rút ở Quảng Nam. “Cảm giác như đây là câu chuyện mà kịch bản không hoàn hảo, các lời khai có trong hồ sơ vụ án đều xác định không có việc chỉ đạo, nhưng ra đến phiên tòa ngày hôm nay, mỗi lần một bị cáo đứng lên khai thì bị cáo Thuận (nguyên TGĐ PVC) còn cố với theo một câu là phải cố đưa tên ông Thanh vào để cho có đủ thành phần”- vẫn lời luật sư Thiệp.
“Với trách nhiệm của người đứng đầu, thân chủ của tôi cũng phải xem xét trách nhiệm. Trong trường hợp này có thể xem xét là thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng vì đã không sử dụng các công cụ quản trị doanh nghiệp để kiểm tra, giám sát, thanh tra. Việc bị cáo Thanh thuyết phục gia đình đền bù số tiền đó là dựa trên hành vi nhận thức đó, chứ không phải vì tham ô nên mới khắc phục”- ông Thiệp nói.
“Thực ra hôm nay tôi rất bất ngờ, vì kế hoạch xét xử đến ngày 21. Chúng tôi cứ nghĩ sang tuần mới thực hiện việc tranh luận này nên chuẩn bị chưa được chu đáo”- luật sư Thiệp kết thúc phần bào chữacho thân chủ của mình.
Tác giả bài viết: ĐỨC MINH
Nguồn tin: plo.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn