Viết tiếp dấu hiệu sai phạm trong công tác GPMB thực hiện DA Khu du lịch sinh thái Đầm Thị Nại: Sở TNMT Bình Định nói gì ?

Thứ năm - 11/01/2018 05:24
(KDPL) - Để làm rõ hoài nghi của dư luận và đặc biệt là ý kiến của ông Phan Tấn Vũ – PCT UBND phường Đống Đa (TP. Quy Nhơn) đổ ngược trách nhiệm về Trung tâm PTQĐ tỉnh Bình Định như kỳ 1 chúng tôi đã phản ánh; sáng 13/12/2017 các cơ quan báo chí (Kinh doanh & Pháp luật, Tuổi trẻ, Tầm Nhìn, Pháp lý…) đã có buổi làm việc với ông Đặng Trung Thành – Giám đốc Sở TNMT Bình Định. Tham gia buổi làm việc còn có các ông Trần Thế Bửu – PGĐ Trung tâm PTQĐ tỉnh, ông Hà Văn Đức – Chi cục trưởng Chi cục QLĐĐ tỉnh…
Viết tiếp dấu hiệu sai phạm trong công tác GPMB thực hiện DA Khu du lịch sinh thái Đầm Thị Nại: Sở TNMT Bình Định nói gì ?

       Dự án Khu du lịch sinh thái đầm Thị Nại (Thi Nai Eco Bay), Khu A2, Khu Đô thị - Thương mại Bắc sông Hà Thanh, phường Đống Đa, thành phố Quy Nhơn đã và đang khởi động được kỳ vọng sẽ tạo ra một luồng sinh khí mới cho địa phương trong thúc đẩy chiến lược phát triển du lịch. Tuy nhiên ngay từ công đoạn kiểm kê, áp giá bồi thường, GPMB do Trung tâm Phát triển quỹ đất (Sở TN&MT Bình Định) đảm nhiệm đang nảy sinh nhiều bất cập, khiến dư luận hoài nghi có khuất tất…
       
      Kỳ 2. Sở Tài nguyên & Môi trường Bình Định nói gì (?)
                                
         (Từ trái qua phải: Ông Đặng Trung Thành, ông Trần Thế Bửu, ông Hà Văn Đức làm việc với các cơ quan báo chí sáng 13/12/2017)
 
     Ai làm sai thì chịu trách nhiệm trước pháp luật

     PV: Theo quy định tại Điều 20 Nghị định 43/CP của Chính phủ về điều kiện để công nhận diện tích đất ở đối với trường hợp không có giấy tờ là trên đất phải hiện hữu công trình nhà ở và các công trình phục vụ đời sống. Thế nhưng trên thực tế có rất nhiều trường hợp như hộ bà Ung Thị Nhạn, ông Huỳnh Thắng Cảnh, bà Trần Thị Tuyết, Nguyễn Văn Kiên, Hồ Thị Xinh, ông Võ Ngọc Anh và bà Võ Thị Tán… có tài sản hình thành bị ảnh hưởng dự án, thực chất chỉ là những chòi canh NTTS hoặc “nhà không ra nhà” nhưng vẫn được Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh (PTQĐ) áp giá bồi thường cho các hộ này có diện tích đất ở lớn hơn thực tế sử dụng và xét giao đất TĐC, trị giá nhiều tỷ đồng. Xin hỏi trước khi áp giá bồi thường Trung tâm PTQĐ tỉnh và Sở TNMT có kiểm tra đối chiếu với thực tế không ?

     Ông Đặng Trung Thành: Pháp luật quy định việc bồi thường, hỗ trợ và TĐC đối với trường hợp không có giấy tờ về quyền sử dụng đất thì căn cứ vào xác nhận của UBND cấp xã về nguồn gốc đất đai và thời điểm xây dựng nhà ở và công trình để xem xét bồi thường, hỗ trợ TĐC. Các trường hợp mà  PV đề cập, Trung tâm PTQĐ tỉnh đã căn cứ vào các xác nhận UBND phường Đống Đa (tại các Văn bản số 197/UBND-NĐ ngày 30/6/2017, số 246/UBND-ĐC ngày 7/8/2017, số 253/UBND-ĐC ngày 30/8/2017, số 263/UBND-ĐC ngày 15/8/2017, số 277/UBND-ĐC ngày 30/8/2017, số 305/UBND-ĐC ngày 22/9/2017 và số 339/UBND-NĐ ngày 24/10/2017) để tiến hành lập phương án bồi thường, hỗ trợ, TĐC cho từng trường hợp cụ thể, thông qua Hội đồng BTGPMB, trình Sở TN&MT thẩm định và trình UBND tỉnh phê duyệt theo quy định.

     Các nhà báo hỏi Sở TN&MT có kiểm tra trước khi lập phương án bồi thường không, tôi xin trả lời là pháp luật đã phân công trách nhiệm rồi, ai sai thì chịu trách nhiệm. Không có quy định nào bắt buộc Trung tâm PTQĐ phải kiểm tra lại nguồn gốc xác nhận. Sở cũng không thẩm định lại, nếu có cũng chỉ dừng lại ở bước thẩm định Trung tâm áp chính sách có đúng không. Trên cơ sở nguồn gốc của xã, phường xác nhận, Trung tâm PTQĐ có trách nhiệm đối chiếu chính sách của Nhà nước để áp giá vào bồi thường, hỗ trợ cho phù hợp, nếu áp sai thì chịu trách nhiệm. Tuy nhiên đối với những trường hợp xét thấy xác nhận có nguồn gốc chưa rõ ràng, chưa đủ căn cứ để áp giá thì Trung tâm PTQĐ sẽ đề nghị UBND phường, xã xác nhận lại.. Nói thật nếu có kiểm tra Sở cũng không có căn cứ để phát hiện ra.

      PV: Dưới giác độ là một cơ quan quản lý Nhà nước về mặt đất đai của tỉnh, ông cho biết quan điểm của mình xung quanh việc UBND phường Đống Đa thực hiện việc xác nhận nguồn gốc đất ở và thời điểm hình thành tài sản trên đất có phù hợp với quy định của pháp luật về đất đai ?

     Ông Đặng Trung Thành: Việc công nhận đất ở phải tuân thủ theo các quy định của Nhà nước về đất đai. Do đó khi xác định nguồn gốc đất đúng hay sai không phải một mình ông Chủ tịch phường chịu trách nhiệm mà là cả một Hội đồng dưới đó cùng chịu trách nhiệm. Đối với đất không có giấy tờ thì phải xem xét nó được hình thành từ thời điểm nào. Thứ hai là phải xem xét người ta có ở thực tế hay không. Còn nếu biết chắc rằng người ta có nhà ở chỗ khác thỉnh thoảng ra trông coi NTTS thì đó không phải là ở. Phải hiểu từ ở ổn định có nhiều cách. Tôi có nhà ở ổn định nhưng vì không có công ăn việc làm, tôi đi lên Tây Nguyên làm ăn cả tháng mới quay về thì đó là chuyện khác. Việc ở hay không ở thực sự là do Hội đồng nhà đất địa phương họ xác nhận đúng hay không và họ chịu trách nhiệm. Các anh bảo đó cái chòi nhưng địa phương xác nhận đó là cái nhà... Mà nhà ở thì có đủ kiểu, giàu có thì cất nhà to, còn nghèo khổ không có điều kiện thì họ cất cái nhà nhỏ.

      Chỉ có cơ quan điều tra hoặc thanh tra vào cuộc mới làm rõ được

      PV: Trước dư luận về một số trường hợp xác nhận nguồn gốc chưa rõ ràng và tại buổi làm việc hôm nay các cơ quan báo chí đồng phản ánh một lần nữa. Với trách nhiệm của mình, xin cho biết Sở TNMT có tham mưu UBND tỉnh kiểm tra làm rõ những khuất tất ?

     Ông Đặng Trung Thành: Việc xác nhận nguồn gốc vừa khó khăn và dễ xảy ra sơ hở. Tôi nói ví dụ, cũng là một ngôi nhà cấp 4 nhưng nếu xác nhận nguồn gốc được xây dựng trước 01/7/2004 thì bồi thường và ngược lại. Cho nên quan điểm của tôi là mong muốn báo chí phản ánh làm rõ, ở dưới đó anh nào làm không đúng thì xử lý theo pháp luật, để hạn chế tiêu cực trong việc xác nhận nguồn gốc. Sở TNMT có tham mưu cho UBND tỉnh kiểm tra lại hay không còn phải xem lại. Lý do, phương án bồi thường cũng đã được phê duyệt, thứ hai là UBND tỉnh cũng đã giao cho Thanh tra thụ lý giải quyết theo đơn khiếu nại của một số hộ. Hơn nữa, nếu giao cho Sở TNMT kiểm tra thì cũng sẽ không làm ra được… Theo tôi chỉ có thanh tra hoặc cơ quan điều tra vào cuộc thì mới làm ra được những sai phạm, nếu có.

     PV:  Tại buổi làm việc với các cơ quan báo chí (29/11), ông Phan Tấn Vũ – PCT UBND phường Đống Đa giải thích: Thông thường cấp phường xác nhận trước rồi Trung tâm PTQĐ áp giá bồi thường, hỗ trợ. Thế nhưng đối với dự án này, Trung tâm PTQĐ tỉnh thuê Công ty CP TNMT Phước Thịnh thực hiện đo vẽ bản đồ năm 2016 xác định trước diện tích đất ở rồi UBND phường mới xác nhận nguồn gốc đất. Vì sao lại làm ngược quy trình như vậy, xin Giám đốc Sở TNMT giải thích rõ hơn ?

     Ông Đặng Trung Thành: Quy trình này xuôi chứ không phải ngược. Tức là trước đây năm 1997 ở phường Đống Đa là có đo đạc địa chính rồi nhưng không có đăng ký thống kê. Có nhiều lý do nhưng tôi không nhắc lại nữa nhưng mà chưa đăng ký thống kê thì số liệu đó chỉ mang tính chất tham khảo thôi. Do đó cần phải đo đạc lại để đảm bảo tính chính xác diện tích của từng người sử dụng. Tuy nhiên nhiệm vụ của anh đo đạc chỉ dừng lại ở bước xác định ranh giới theo hiện trạng, hình thể (tức là trên mảnh đất đó có nhà ở thì ghi nhận thực tế, thậm chí nhà ở đó cất trái phép vẫn đo). Sau khi đo xong thì UBND phường mới làm nhiệm vụ xác định nguồn gốc hợp pháp hay không hợp pháp, đất loại gì, diện tích bao nhiêu, tăng hay giảm… Chứ không phải cơ quan có chức năng đo đạc rồi bắt UBND phường làm theo mà bảo là làm ngược quy trình.

      Luật “cho” cấp phường cái quyền to quá

      PV: Theo xác nhận của UBND phường Đống Đa, đất của hộ ông Phạm Sáu và 10 hộ ở khu vực có tục danh xóm Ba Ông (nay thuộc tổ 49, khu vực 9, phường Đống Đa) - có nguồn gốc là đất ở hình thành từ trước và sau năm 1975. Sau giải phóng năm 1975, các hộ đã quay trở về chỗ cũ xây dựng lại nhà ở và sinh sống ổn định. Thế nhưng, Trung tâm PTQĐ tỉnh lại áp giá bồi thường đất nông nghiệp và từ chối giao đất TĐC. Trường hợp nếu không được bồi thường đất ở thì hộ ông Phạm Sáu vẫn đủ điều kiện để được giao đất ở có thu tiền sử dụng đất (theo quy định tại khoản 3 Điều 42 Quyết định số 13 của UBND tỉnh Bình Định) vì hiện nay ông Sáu không có nhà ở. Vì sao đất ở bỗng dưng biến thành đất nông nghiệp và Trung tâm PTQĐ phớt lờ các quyền lợi theo quy định pháp luật cho hộ ông Phạm Sáu và một số hộ khác có điều kiện tương tự ?

     Ông Đặng Trung Thành: Về các trường hợp này, hiện nay ông Phạm Sáu và một số hộ khác đã có đơn khiếu nại và UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo Thanh tra xác minh làm rõ. Do đó theo tôi để Thanh tra họ làm và có trả lời thỏa đáng sau.
                                             
 Hộ ông Phạm Sáu là gia đình có công cách mạng có nhà ở tại xóm Ba Ông hình thành từ trước năm 1975 nhưng bị từ chối bồi thường đất ở và không được giao đất TĐC. Ngoài ngôi nhà này bị giải tỏa, vợ chồng ông Sáu không còn chỗ ở nào khác
 
      PV: Vấn đề là vì sao UBND phường xác nhận là nguồn gốc đất ở nhưng Trung tâm PTQĐ lại áp giá là đất nông nghiệp để bồi thường. Tại Văn bản 197, UBND phường cũng ghi rõ năm 1997 khi đo đạc xác lập bản đồ địa chính thửa đất này thể hiện là đất nghĩa địa nhưng bản đồ địa chính năm 1997 của phường chưa được đăng ký thống kê. Như vậy được hiểu là không phải là đất nghĩa địa. Và tại buổi làm việc với các cơ quan báo chí sáng 29/11, ông Vũ – PCT phường cũng cho rằng cấp phường xác nhận nguồn gốc rõ ràng rồi còn việc áp bồi thường là do Trung tâm PTQQĐ. Vậy có gì khuất tất gì ở đây ?

     Ông Hà Văn Đức: Rõ ràng là năm 1997 các hộ này chưa cất nhà nên trong bản đồ năm 1997 không ghi nhận. Phường xác nhận đất này trước năm 1975 có nguồn gốc đất ở là đúng chứ không phải sai. Tuy nhiên UBND phường cũng xác nhận các hộ gia đình này sau 01/7/2004 các hộ này mới xây dựng lại nhà. Mà nhà xây dựng sau thời điểm này theo quy định của Luật Đất đai 2003, thì không được bồi thường đất ở. Mặc dù UBND phường có xác nhận nguồn gốc là đất có nhà ở hình thành trước năm 1975.

      PV:  Trả lời như vậy là không thỏa đáng, ông Đức nói chỉ phù hợp đối với trường hợp không có giấy tờ và chưa công nhận là đất ở. Còn ở đây các trường hợp này đã được công nhận đất ở hình thành trước năm 1975 theo xác nhận của UBND phường. Thứ nữa là cũng theo xác nhận của UBND phường, sau giải phóng 1975 các hộ này đã quay về chỗ ở cũ và làm thủ tục tặng cho con cháu quản lý sử dụng, tức là họ sử dụng liên tục ổn định. Các chuyên gia luật cũng đồng tình quan điểm này (báo KDPL đã dẫn ở kỳ 1). Ông nói có xác nhận nhưng không có giấy tờ như vậy là mâu thuẫn với việc trước đó chính Giám đốc Sở TNMT đã thừa nhận việc xác nhận nguồn gốc của UBND phường là căn cứ quan trọng để áp giá bồi thường?

     Ông Đặng Trung Thành: Nói tóm lại đối với các trường hợp không có giấy tờ, Trung tâm PTQĐ tỉnh đã dựa vào xác nhận nguồn gốc của phường để áp giá bồi thường, còn xác nhận nguồn gốc không đúng là cấp phường chịu trách nhiệm trước pháp luật. Qua đây tôi thấy rằng pháp luật về đất đai đã “ban cho” cấp phường, xã, thị trấn được quyền xác nhận nguồn gốc đất và tài sản hình thành trên đất là to quá. Nhưng nói đi thì cũng phải nói lại, nếu không giao cho họ thì giao cho ai cái quyền này thích hợp hơn.
                                                                                 

        Tại buổi làm việc, các PV đã nêu và cung cấp nhiều hồ sơ kỷ thuật thửa đất của các hộ gia đình – một trong những căn cứ để Trung tâm PTQĐ tỉnh áp giá bồi thường nhưng bỏ trống không ghi ngày, tháng; ông Đặng Trung Thành – Giám đốc Sở TNMT tỉnh Bình Định thừa nhận hồ sơ kỹ thuật thửa đất chưa ghi ngày tháng là chưa đầy đủ nhưng không làm ảnh hưởng đến tính pháp lý của hồ sơ bồi thường…. “Có thể do làm đồng loạt nên anh em có sơ suất ?”, ông Thành nói.

                                               
                           Một trong những hồ sơ kỹ thuật thửa đất căn cứ để bồi thường đất ở nhưng bỏ trống không ghi ngày tháng (?)
 

Tác giả bài viết:  MINH TRUNG (Thực hiện)

Nguồn tin: Báo Kinh doanh & Pháp luật

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

TƯƠNG TÁC NHIỀU

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây