Hoài Nhơn (Bình Định): Lấy đất của Nhà nước hoán đổi nằm trong hành lang ATGTĐB giao trái phép cho cá nhân  

Thứ sáu - 19/10/2018 04:54
Thửa đất nông nghiệp của hộ gia đình đã được Nhà nước hoán đổi để làm Đồn Biên phòng và sau đó nằm trong quy hoạch chỉ giới hành lang ATGTĐB. Thế nhưng mới đây các cấp có thẩm quyền của huyện Hoài Nhơn đã cấp Giấy chứng nhận QSDĐ theo hình thức giao đất cho chủ thể không phải là cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp (?)
Hoài Nhơn (Bình Định): Lấy đất của Nhà nước hoán đổi nằm trong  hành lang ATGTĐB giao trái phép cho cá nhân  
    
                                               
Người dân bức xúc “tố” với PV về việc chính quyền cấp sổ đỏ cho ông Hạnh không đúng pháp luật
 

Trao đổi với PV, Luật sư Lê Hoài Sơn (Đoàn Luật sư Bình Định) cho rằng, việc các cấp có thẩm quyền huyện Hoài Nhơn cấp Giấy CNQSDĐ cho ông Nguyễn Hữu Hạnh là trái quy định pháp luật. “Trường hợp nếu đất chưa được Nhà nước hoán đổi hoặc không nằm trong chỉ giới hành lang ATGTĐB thì ông Hạnh cũng không đủ điều kiện để được cấp Giấy chứng CNQSDĐ theo hình thức giao đất được quy định tại điểm a, khoản 5 Điều 20 và theo quy định tại điểm b, khoản 4 Điều 56 Nghị định 43/2014/NĐ-CP của Chính phủ, vì ông Hạnh là hộ kinh doanh cá thể và cũng không có căn cứ chứng minh ông Hạnh là người sử dụng thửa đất ổn định” – LS Sơn cho biết.

 
Đất đã được Nhà nước hoán đổi

Căn cứ vào giấy tờ để lại do ông Nguyễn Hữu Hạnh ở thôn Nhuận An Đông, xã Hoài Hương cung cấp có cơ sở để xác định, nguồn gốc thửa đất 139 – VN 2000, tọa lạc tại thôn Nhuận An Đông, xã Hoài Hương, huyện Hoài Nhơn của ông Nguyễn Hữu Thọ và bà Đỗ Thị Phạn mua lại của ông Nguyễn Hữu Bửu và bà Nguyễn Thị Xứng từ năm 1962.

Tuy nhiên trong một lá đơn khác gửi cho Chủ tịch UBND huyện Hoài Nhơn thì ông Nguyễn Hữu Hạnh lại cho biết, thửa đất có nguồn gốc nói trên là của cha mẹ ông thừa kế của ông Nguyễn Điệu để lại. “Đến năm 1976, thửa đất đã được Nhà nước trưng thu xây dựng Đồn Biên phòng 618. Gia đình tôi không có ý kiến gì. Đến năm 1986, Đồn biên phòng dời đi nơi khác, gia đình tôi lấy lại sử dụng trồng hoa màu”.

Lời trình bày của ông Hạnh phù hợp với xác nhận của ông Trần Minh Thu – nguyên Chủ tịch UBND xã Hoài Hương. Tuy nhiên theo ông Thu, để xây dựng Đồn Biên phòng (năm 1976), Nhà nước đã hoán đổi cho gia đình ông Điệu một khu đất khác nằm ở phía Bắc đầu cầu sông Lại Giang. Sau khi ông Điệu qua đời, ông Hùng thừa kế theo pháp luật và để lại cho các con của ông Hùng xây dựng Khách sạn Hương Giang… “Nghĩa là ông Hạnh không có liên quan gì đến thửa đất mà lại đòi khiếu nại tranh chấp” – ông Thu nhấn mạnh.
                       
                                   Thửa đất 139 sau khi hoán đổi đã đứng tên UB xã chủ sử dụng
 
Mặc dù không còn quyền sử dụng, nhưng đến năm 2004, khi Nhà nước quy hoạch mở rộng đường ĐT 639 (từ Quy Nhơn đi Tam Quan) băng qua thửa đất 139, ông Nguyễn Hữu Thọ vẫn đứng ra tranh chấp đòi đền bù đất. Yêu cầu không có căn cứ của ông Thọ không được UBND xã Hoài Hương chấp nhận, theo đó ông Thọ khiếu nại kéo dài. Sau khi đường ĐT 639 đi qua, một phần còn lại của thửa đất 139 nằm về phía Tây đường có diện tích  554,8m2 (sau này được định danh thửa 468, tờ bản đồ số 15) nằm gọn trong chỉ giới hành lang ATGTĐB và trở thành mặt tiền của các thửa 458, 459, 460 thuộc quyền sở hữu của các hộ gia đình bà Lê Thị Tin, ông Trần Kim Thạch, ông Võ Tùng (thôn Nhuận An Đông).

Để thuận tiện cho việc đi lại, ông Trần Kim Thạch – đại diện cho các hộ gia đình ở đây đã làm đơn gửi đến cơ quan có chức năng xin được tháo dỡ đoạn mái ta luy phía bên trái tuyến đường ĐT 639 (từ lý trình km 94+040 – km 94+100). Đơn của ông Thạch được Sở Giao thông vận tải Bình Định chấp thuận tại Văn bản số 205/SGTVT-GT ngày 8/02/2018, trong đó có đoạn: “Sau khi tháo dỡ, mặt bằng từ mép ngoài rãnh thoát nước dọc vào đến phía trong hành lang đường bộ phải được san ủi bằng phẳng và gia cố bằng vật liệu phù hợp. Hộ gia đình ông Thạch và các hộ gia đình tại khu vực nêu trên có thể xây dựng các tấm đan có kích thước phù hợp gác qua rãnh dọc để tạo lối đi chung…”.

Đùn đẩy trách nhiệm…
 
Như vậy thửa đất 468 được hình thành từ thửa 139 không những thuộc về Nhà nước quản lý mà thời gian sử dụng của gia đình ông Thọ cũng bị gián đoạn do Đồn Biên phòng trú đóng thời gian 10 năm (từ năm 1976 – 1986); và trên thực tế theo người dân địa phương suốt thời gian dài thửa đất bị bỏ hoang hóa.

Thế nhưng vào ngày 02/11/2017, ông Nguyễn Hữu Hạnh (con trai của ông Thọ và bà Phạn), thường trú tại thôn Thạnh Xuân, xã Hoài Hương bất ngờ nộp Đơn xin đăng ký cấp Giấy chứng nhận QSDĐ, QSHNO&TSKGLVĐ. Ông Hạnh khai đất của cha mẹ để lại và kèm theo 2 loại giấy tờ để chứng minh: Giấy tuyệt hứa của vợ chồng ông Nguyễn Hữu Cửu cho vợ chồng ông Nguyễn Hữu Thọ được chính quyền chế độ cũ chứng thực vào ngày 06/12/1962; và Biên bản họp gia đình gồm 5 người con của ông Thọ thống nhất giao cho ông Nguyễn Hữu Hạnh khai nhận và đứng tên thửa đất 486. Biên bản được ông Trần Công Sướng – Phó Chủ tịch UBND xã Hoài Hương chứng thực vào ngày 31/5/2018.

Mặc dù yêu cầu của ông Hạnh là không có căn cứ và trái pháp luật nhưng không hiểu sao vẫn được các cán bộ có thẩm quyền từ xã đến huyện “tận tâm giúp sức” để thực hiện trót lọt. Theo đó ngày 18/7/2018, ông Cao Thanh Thương – Chủ tịch UBND huyện Hoài Nhơn đã ký cấp Giấy chứng nhận QSDĐ, QSHNƠ & TSKGLVĐ theo hình thức giao đất không thu tiền sử dụng đất cho ông Nguyễn Hữu Hạnh được sở hữu thửa đất số 468, tờ bản đồ số 15, diện tích 554,8m2, mục đích trồng cây hàng năm, thời gian sử dụng đất đến 01/7/2064.
 

 Điều bất thường là tại buổi làm việc 29/9, ông Phan Văn Quang – Phó phòng TNMT huyện Hoài Nhơn đã cung cấp bản đồ địa chính VN – 2000 (có liên quan đến thửa đất 468) được đo vẽ xác lập vào năm 2008 nhưng đã thể hiện đầy đủ các thửa liền kề đã được tách, gồm: Thửa số 458 (547,6m2) của bà Lê Thị Tin, thửa 459 (190,82m2) của ông Võ Xuân Ngọc và thửa 460 (121,6m2) của ông Trần Kim Thạch. Trong khi trên thực tế việc chuyển nhượng QSDĐ của bà Tin cho ông Thạch được thực hiện vào tháng 6/2018 và chuyển nhượng cho ông Ngọc thực hiện vào tháng 6/2017… Như vậy việc đo vẽ tách thửa đất của bà Tin được cơ quan có chức năng phù phép tách “khống” trước gần 10 năm (?)

      
Đáng nói hơn, việc giao đất cho ông Nguyễn Hữu Hạnh, theo ông Phan Văn Quang – Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Hoài Nhơn và ông Ngô Thành Lê – Giám đốc Chi nhánh Văn phòng ĐKQSDĐ huyện Hoài Nhơn cho biết (tại buổi làm việc với PV sáng 29/9), được vận dụng theo khoản 5 Điều 20 Nghị định 43/CP của Chính phủ (tức là áp dụng đối với hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp – PV), trong khi đó gia đình ông Hạnh là hộ kinh doanh cá thể không trực tiếp sản xuất nông nghiệp.

Căn cứ để vận dụng, ông Quang giải thích là dựa theo xác nhận của UBND xã Hoài Hương. Tương tự như vậy khi chúng tôi đề cập trong hồ sơ xin cấp quyền đang lưu trữ không thấy có căn cứ để chứng tỏ ông Hạnh sử dụng thửa đất ổn định theo quy định tại Điều 21 Nghị định 43/CP (sổ mục kê địa, tài liệu điều tra đo đạc về đất đai qua các thời kỳ, biên lai nộp thuế thuế sử dụng đất nông nghiệp…), ông Quang không ngần ngại thoái thác trách nhiệm và đổ về cho xã: “Việc xác nhận nguồn gốc đất, tình trạng sử dụng đất ổn định là trách nhiệm của UBND xã”.
                     
Ông Trần Công Thuận – CT UBND xã Hoài Hương (bên phải) và ông Nguyễn Văn Nam – cán bộ địa chính xã tại buổi làm việc với PV ngày 13/9
 
Trong khi đó (4/10), trả lời qua điện thoại, ông Trần Công Thuận – Chủ tịch UBND xã Hoài Hương xác nhận gia đình ông Hạnh là hộ kinh doanh cá thể không trực tiếp sản xuất nông nghiệp. Đề cập đến nội dung thửa đất đã được Nhà nước thu hồi và hoán đổi năm 1976 để xây dựng Đồn Biên phòng, ông Thuận bảo lâu quá ông không nhớ rõ để ông xem lại rồi thông tin sau.

Trước đó, 13/9 khi làm việc trực tiếp với PV, ông Thuận khẳng định việc đề nghị cấp Giấy CNQSDĐ thửa đất số 468 cho ông Nguyễn Hữu Hạnh là đúng theo trình tự quy định pháp luật. Truy nhiên trước một số câu hỏi của PV đặt ra, ông Thuận tỏ ra lúng túng và giải thích: “Dù sao UBND xã cũng chỉ làm thủ tục đề nghị còn việc quyết định cấp hay không là thuộc về thẩm quyền của huyện”.                                                                          
 

Luật gia Trương Việt Kon Tum (Hội Luật gia tỉnh Bình Định):Theo quy định tại Điều 43 Luật Giao thông đường bộ 2008, trong phạm vi đất dành cho đường bộ, không được xây dựng các công trình khác, trừ một số công trình thiết yếu không thể bố trí ngoài phạm vi đó nhưng phải được cơ quan có thẩm quyền cho phép… Như vậy dù ông Nguyễn Hữu Hạnh được cấp quyền sử dụng thửa đất 468 cũng không được xây dựng bất cứ công trình gì”

Tác giả bài viết: TỔ PV MIỀN TRUNG    

Nguồn tin: Kinh doanh & Pháp luật

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây