Viết tiếp bài: “Tranh chấp QSDĐ tại phường Ghềnh Ráng (TP. Quy Nhơn)…”: Chẳng lẽ chính quyền lại bất lực trước hành vi coi thường pháp luật  (!?)

Thứ sáu - 19/10/2018 22:57
Trong bài: “Vụ tranh chấp QSDĐ tại phường Ghềnh Ráng (TP. Quy Nhơn): Có cơ sở để xác định đất có nguồn gốc do gia đình ông Khoa khai hoang tạo lập”, Báo Kinh doanh & Pháp số 104 ra ngày 30/8/2018 đã đề cập đến trường hợp gia đình ông Võ Hồng Khoa, ở tổ 18, KV4, phường Ghềnh Ráng, TP.Quy Nhơn bỏ công sức ra khai hoang tạo lập và đưa vào khai thác ổn định thửa đất lâm nghiệp suốt hơn 40 năm nhưng bỗng dưng bị tranh chấp quyền sở hữu. Điều đáng nói là trong khi chính quyền nỗ lực hòa giải chưa thành thì hai chị em bà Nguyễn Thị Sanh và Nguyễn Thị Hồng (gọi tắt là Sanh – Hồng) ngang nhiên đầu tư mở dịch vụ kinh doanh ăn uống ngay trên đất chưa được cấp quyền, bất chấp pháp luật…  
Viết tiếp bài: “Tranh chấp QSDĐ tại phường Ghềnh Ráng (TP. Quy Nhơn)…”: Chẳng lẽ chính quyền lại bất lực trước hành vi coi thường pháp luật  (!?)
             

Nhà hàng Bếp Nhà sau khi cưỡng chế lần 2 được xây dựng lại kiên cố và quy mô hơn (Ảnh chụp lúc 10 giờ ngày 14/10/2018)
            

Lần thứ hai hòa giải bất thành

Chiều ngày 26/9/2018, Hội đồng hòa giải UBND phường Ghềnh Ráng tiếp tục buổi hòa giải lần 2 nhằm mục đích để ông Khoa với chị em bà Sanh - Hồng, cùng tìm được tiếng nói chung trong vụ tranh chấp đất lâm nghiệp tại khu vực 3, phường Ghềnh Ráng. Buổi hòa giải do ông Võ Huy Hảo – PCT UBND phường làm Chủ tịch Hội đồng chủ trì. Tham gia hòa giải có đầy đủ các thành phần, từ các công chức Tư pháp, Địa chính, Tài chính, đến Chủ tịch UBMT, Phó Chủ tịch HĐND, Chủ tịch Hội LHPN, Chủ tịch Hội CCB, Chủ tịch Hội Nông dân, Bí thư Đoàn thanh niên, cảnh sát khu vực… tổng cộng gần 20 người.

Ngoài ra, Hội đồng hòa giải phường còn cho mời 03 nhân chứng quan trọng, gồm: ông Nguyễn Văn Thông, Nguyễn Thi và Nguyễn Thành – những người đã trực tiếp ký làm chứng vào Giấy sang nhượng đất hoa màu (lập ngày 19/02/2005) của ông Nguyễn Xướng cho 2 đứa con gái là bà Sanh và bà Hồng.
                             

Điều 206 Luật Đất đai 2013: “Người có hành vi vi phạm pháp luật về đất đai thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định pháp luật”.

 
Trong văn tự trên, ông Xướng đã chủ động “đính chính” giới cận phía Đông của thửa đất mua lại của ông Nhất giáp liền đường cái đi chứ không phải giáp với đường cái gần Xí nghiệp Bông Hồng như chị em bà Sanh – Hồng viện dẫn. Có nghĩa là lúc sinh thời ông Xướng xác nhận quyền định đoạt thửa đất lâm nghiệp mua lại của ông Nhất trước khi bán lại cho 2 đứa con gái không bao trùm lên phần đất rẫy của ông Thanh kéo dài về phía Đông. Tại buổi hòa giải cả 03 nhân chứng tuổi đã cao đều không muốn nhắc lại chuyện cũ, vì thời gian xảy ra quá lâu… không còn nhớ rõ.

Tuy nhiên lật lại Giấy sang nhượng đất hoa màu được xác lập năm 2005, nhìn nét chữ nắn nót, câu từ chấm phẩy rõ ràng, nội dung mạch lạc cho thấy họ đã rất cẩn thận trước khi đặt bút ký, chứ không phải làm chứng qua loa, lấy có. Ông Nguyễn Thông viết: “Tôi tên Nguyễn Văn Thông, sinh năm 1934, thường trú tại…, số CMND…, xác nhận nguồn gốc khoảnh đất của ông Nguyễn Xướng sang nhượng lại của ông Đặng Nhất năm 1989… Bắc giáp ông Thanh (tức đất ông Thanh –PV), Đông giáp đường cái đi (tức đường mòn giáp liền với vườn cây đất ông Thanh - PV”.

Tương tự, ông Nguyễn Thành viết: “… Đông giáp vườn cây của ông Thanh, Bắc giáp đường cái đi (tức đường mòn giáp liền với đất ông Thanh – PV)”. (Lý do cả hai phía đều giáp đường mòn và vườn cây ông Thanh là vì đất của ông Thanh có diện tích kéo dài từ phía Đông chạy vòng lên Bắc, ôm lấy rẫy ông Xướng - PV)
 

 Luật gia Trương Việt Kon Tum (Hội Luật gia tỉnh Bình Định):“Theo quy định của pháp luật, người làm chứng mà khai gian dối hoặc cung cấp những tài liệu mà mình biết rõ là sai sự thật thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm”
 

Cũng tại buổi hòa giải vì lo ngại không đủ chứng cứ thuyết phục, bà Sanh - Hồng đã đơn phương mời bà Nguyễn Thị Thanh Nga (SN 1964) đến làm chứng với nội dung, rằng bà đã từng lén nhổ mì trộm trên rẫy ông Xướng bị bà Hồng bắt quả tang... Bà Nga xác nhận lời trình bày của bà Hồng là sự thật, nhưng không nhớ rõ vào thời gian nào mà chỉ nhớ ang áng: “lúc đó tôi còn nhỏ khoảng chừng 15 hay 16 tuổi”.

Gạt sang một bên hành vi trộm cắp (lẽ ra không đáng nhắc lại), rất tiếc là lời làm chứng của bà Nga bị “lệch pha”, thiếu cơ sở thực tế. Bỡi nếu đúng vào tầm ấy tuổi bà Nga đi nhổ trộm mì thì lúc này thửa đất vẫn còn là của ông Đặng Nhất, mãi đến năm 1989 – tức gần 10 năm sau đó ông Nhất mới bán lại cho ông Võ Xướng (cha của bà Sanh – Hồng).

Như vậy đến phiên hòa giải lần 2, chị em bà Sanh – Hồng không những không đưa ra được chứng cứ mới mà trái lại. Với việc xuất hiện của bà Nga, thêm một lần nữa củng cố thêm ý chí “cố đấm ăn xôi” nhưng khó trở thành hiện thực của chị em bà Sanh – Hồng. Bỡi không thể vì một người làm chứng theo kiểu “nói cho lấy được” sẽ làm thay đổi quá trình sử dụng đất ổn định của gia đình ông Khoa đã được phần lớn cộng đồng dân cư tại khu vực 3 thừa nhận (theo Biên bản lấy ý kiến khu dân cư ngày 6/6/1996) và theo lời xác nhận vào ngày 25/5/1996 của ông Nguyễn Xướng – tức của chính người trong cuộc lúc còn sống.

Càng cưỡng chế… càng sai phạm (?!)

Trong khi vụ tranh chấp còn đang giải quyết, thì chị em bà Sanh – Hồng đã ngang nhiên bỏ tiền tỷ tập kết vật liệu xây dựng, huy động xe pháo cấp tập san ủi và đổ bê tông mặt bằng (trên phần đất mua lại của cha mình chưa được pháp luật công nhận và phần đất đang tranh chấp với gia đình ông Khoa) để mở nhà hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống.

Điều đáng nói là việc tổ chức thi công nhà hàng của chị em bà Sanh – Hồng diễn ra giữa thanh thiên bạch nhật, địa điểm thi công nằm cách trụ sở UBND phường Ghềnh Ráng chưa tới 1km và kéo dài cả tháng trời nhưng không bị ngăn chặn và xử lý. Sau khi xây dựng xong, hai chị em bà Sanh – Hồng công khai treo biển hiệu “Bếp Nhà”, tổ chức khánh thành rầm rộ và đưa vào khai thác kinh doanh như một vùng trời không có chính quyền.
                                               

 Ông Khoa chỉ con đường mòn giáp liền phía Đông phân chia ranh giới giữa đất rẫy của ông Xướng với thửa đất của gia đình ông.
 
Hành vi xem thường pháp luật của chị em bà Sanh – Hồng khiến cho cán bộ và nhân dân địa phương rất bức xúc. Kéo dài cho đến ngày 27/6/2018, lúc này “gạo nấu thành cơm”, UBND phường Ghềnh Ráng mới rục rịch xây dựng kế hoạch và tổ chức cưỡng chế tháo dỡ công trình… nhưng bất thành.

Trước sức ép của dư luận, đến ngày 27/9/2018, một lần nữa UBND phường lại xây dựng kế hoạch cưỡng chế lần hai. Những tưởng việc cưỡng chế lần này sẽ làm đến cùng, thế nhưng sau gần nửa ngày huy động các lực lượng có mặt tại hiện trường, đoàn cưỡng chế chỉ tháo dỡ được một phần nhỏ công trình xây dựng trái phép, rồi lục tục kéo nhau về, trước sự chứng kiến đầy thất vọng của đông đảo người dân địa phương.

Cũng như lần đầu, ngay sau khi đoàn cưỡng chế vừa rút đi thì các lều quán và ki ốt tiếp tục tái xây dựng lại, thậm chí kiên cố và quy mô hơn.  Mặc dù vậy trả lời với PV qua điện thoại (13/10), ông Nguyễn Văn Thiện – Chủ tịch UBND phường Ghềnh Ráng xác nhận đã tổ chức cưỡng chế thành công công trình xây dựng trái phép của chị em bà Sanh – Hồng. Khi PV cho biết thông tin hiện Nhà hàng “Bếp Nhà” vẫn hoạt động trở lại bình thường, ông Thiện không tỏ ra bất ngờ: “…Tôi cũng đang cho anh em tiếp tục theo dõi, nếu đúng như vậy thì sẽ xây dựng kế hoạch cưỡng chế tiếp. Người ta làm thì mình cũng phải làm, vậy thôi !”.

Khoản 1 Điều 208 Luật Đất đai 2013 quy định: “Chủ tịch UBND cấp xã có trách nhiệm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời việc xây dựng các công trình trên đất lấn, chiếm đất sử dụng không đúng mục đích ở địa phương và buộc người có hành vi vi phạm khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm”. Đối chiếu với quy định pháp luật cho thấy, Chủ tịch UBND phường Ghềnh Ráng đã buông lỏng công tác quản lý đất đai, để chị em bà Sanh – Hồng tự tung tự tác đầu tư xây dựng nhà hàng kinh doanh ngay trên đất chưa được công nhận chủ quyền.

Hệ lụy của hành vi vi phạm pháp luật của bà Sanh – Hồng đã và đang tạo ra tiền lệ xấu trong quản lý trật tự đất đai ở địa phương. Từ đây nếu các cấp có thẩm quyền không kiên quyết xử lý dứt điểm sẽ “đẻ” ra tình trạng nhờn luật, kỷ cương phép nước bị xem thường. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc ông Thiện phải chịu sự chế tài của pháp luật được quy định tại điểm b, khoản 1 Điều 207 Luật Đất đai năm 2013.
                                                                                              
                                                                                                                                               (Còn nữa)
 
 Trao đổi với PV về hành vi vi phạm pháp luật của chị em bà Sanh – Hồng, một cán bộ, đảng viên lão thành (xin được giấu tên) cư trú tại khu vực 3, phường Ghềnh Ráng, TP. Quy Nhơn, nói: “Chi bộ của tôi đang sinh hoạt có khoảng 80 đảng viên thì trong đó đã có hơn 70 đảng viên không đồng tình với việc xây dựng lấn chiếm trái phép đó. Bất bình còn là vì ông Nguyễn Hữu Chiến – chồng bà Hồng hiện là Phó bí thư chi bộ, đại biểu HĐND phường kiêm Khu vực trưởng Khu vực 4 mà để người nhà vi phạm pháp luật. Nhiều lần trực báo, tôi đã đề nghị đồng chí Bí thư Đảng ủy phường phải có biện pháp xử lý, chấn chỉnh đảng viên vì để người nhà vi phạm pháp luật theo quy định tại Quyết định 102-QĐ/TW ngày 15/11/2017 của Bộ Chính trị
    

Tác giả bài viết:  TỔ PV MIỀN TRUNG

Nguồn tin: Kinh doanh & Pháp luật

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây