Bị cáo người Việt Nam Đoàn Thị Hương đã bị nhà chức trách Malaysia truy tố về tội giết người, với mức án phải đối diện là tử hình. Nạn nhân được cho là Kim jong Nam, anh trai cùng cha khác mẹ của nhà lãnh đạo Triều Tiên (Bắc Hàn) Kim Jong Un. Hãy cùng chúng tôi đánh giá về hai khả năng phạm tội của Đoàn Thị Hương: cố ý giết người hay ngộ sát?
Nội dung vụ án:
Theo các nguồn tin báo chí nước ngoài, được biết như sau:
Ngày 13/2/2017, một công dân Triều Tiên đã bị sát hại một cách bất ngờ và kịch tính bằng thuốc độc tại sân bay quốc tế Kuala Lumpur, Malaysia.
Nhà chức trách Malaysia cho rằng nạn nhân chính là Kim jong Nam, anh trai cùng cha khác mẹ của nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên, cha truyền con nối đời thứ 3, Kim Jong Un.
Qua các băng video giám sát an ninh tại sân bay Kuala Lumpur, cho thấy nghi can là hai cô gái trẻ đã áp sát nạn nhân, và xịt một thứ gì đó vào mặt của Kim Jong Nam, khiến ông này thiệt mạng chỉ sau khoảng 20 phút. Dù đã được cấp cứu tại sân bay.
Chỉ vài ngày sau, nghi can đầu tiên đã bị bắt giữ. Thật bất ngờ khi đó là một cô gái Việt Nam, có tên là Đoàn Thị Hương, quê ở Nam Định, năm nay 29 tuổi.
Tiếp theo đó, ngày 16/2/2017, cô gái thứ hai bị bắt có tên là Siti Aisyah, 25 tuổi, người Indonesia.
Cảnh sát Malaysia cũng nói rằng họ có bằng chứng cho thấy đây là một vụ giết người có tổ chức, liên quan đến 8 người đàn ông nữa, đều là người Triều Tiên. Trong đó có Bí thư thứ hai Đại sứ quán Triều Tiên tại Malaysia. Cảnh sát đã phát lệnh truy nã 7 người.
Ngày 17/2/2017, một người đàn ông quốc tịch Triều Tiên tên Ri Jong- Chol (46 tuổi) đã bị cảnh sát bắt tại căn hộ của ông. (Cập nhật: Sáng ngày 3/3/2017, Ri Jong Chol đã được thả và có tin nói ông này bị trục xuất ngay trong ngày khỏi Malaysia vì giấy tờ đi lại không hợp lệ. Lý do thả: không có đủ chứng cứ chứng minh có liên quan đến vụ giết người).
Ngoài ra, có tin nói trong số 7 người, có hai người khác đã trở về Triều Tiên trót lọt trước khi bị cảnh sát sờ gáy.
Ngày 24/02/2017, kết quả điều tra cho biết ông Kim Jong Nam đã chết vì loại chất độc thần kinh có tên là VX. Đây là một loại hóa chất cực độc, được Liên Hiệp Quốc xếp loại vũ khí hủy diệt hàng loạt.
Thông tin trên báo chí Malaysia cho hay hai nữ nghi can người Indonesia và Việt Nam nói rằng họ "bị lừa" trong vụ việc gây chấn động này.
Cụ thể, Siti Aisyah nói cô đã được trả 90 đô la để thực hiện hành động mà cô nghĩ rằng là cảnh diễn xuất cho một chương trình truyền hình. Siti Aisyah nghĩ rằng loại hóa chất xịt vào mặt Kim Jong Nam là một « loại dầu bôi da cho trẻ sơ sinh ». Nghi can người Indonesia cũng nói là mình không quen biết nghi can Đoàn Thị Hương.
Đoàn Thị Hương thì khai với cảnh sát rằng mình được thuê để làm điều này vì nghĩ nó là một trò đùa trong một chương trình truyền hình thực tế.
Tuy nhiên, cảnh sát Malaysia khẳng định hai cô gái biết rất rõ điều họ làm. Vì trên thực tế, hai nghi phạm này đã được trả tiền và huấn luyện để giết người bằng chất độc. Thậm chí đã tập dợt ngay tại sân bay, trước khi tấn công ông Kim Jong Nam. Sau khi phun một chất lỏng vào mặt anh của lãnh đạo Bắc Triều Tiên, một trong hai nghi phạm đã đi về hướng nhà vệ sinh, hai bàn tay đưa về phía trước, chứng tỏ nghi phạm biết rõ đây là chất độc và cần phải rửa tay ngay lập tức.
Ngoài ra, Đoàn Thị Hương cũng đã thay đổi khách sạn và cắt tóc từ dài thành ngắn sau khi gây án. Đây là những dấu hiệu có mục đích che dấu.
Ngày 28/02/2017, chưởng lý Malaysia thông báo sẽ sớm khởi tố hai nữ nghi can Siti Aisyah và Đoàn Thị Hương về tội giết người, theo Điều 302 Bộ luật hình sự Malaysia, với mức án là tử hình, bằng cách treo cổ.
Vì cả hai cô gái bị truy tố về trọng tội, nên nhà chức trách Malaysia đã cử luật sư chỉ định bào chữa cho họ. Luật sư S.Selvam Shamugam được chỉ định là người bào chữa cho Đoàn Thị Hương.
Ngoài luật sư chỉ định người Malaysia, phía Indonesia đã ngay lập tức cử tới 5 luật sư người Indonesia hỗ trợ pháp lý cho công dân nước mình.
Chiều tối ngày 2/3/2017, báo chí Việt Nam cho hay phía Việt Nam cũng đã xúc tiến những bước đi đầu tiên nhằm hỗ trợ pháp lý cho Đoàn Thị Hương.
Phiên tòa lần thứ nhất (1/3/2017):
Sáng ngày 01/03/2017, phiên tòa đầu tiên được tiến hành, mục đích là công bố bản cáo trạng. Được biết phiên tòa này có thể xem như là một thủ tục tiền tố tụng. Chưa phải là phiên xét xử chính thức.
(Ghi chú: có nguồn tin nói rằng tại Malaysia, đối với các tội danh có hình phạt tử hình, thì Tòa án tối cao mới là nơi có thẩm quyền xét xử (chứ không phải là tòa địa phương như hôm 1/3/2017). Sau đó bị cáo có quyền chống án lên Tòa án liên bang. (Malaysia là một nước cộng hòa liên bang). Do vậy, phiên tòa ngày 1/3/2017 thực chất chỉ là một thủ tục về mặt tố tụng hình sự. Chưa nói lên điều gì và vụ án này sẽ còn kéo dài, qua nhiều giai đoạn xét xử).
Sau 15 phút công bố cáo trạng, phiên tòa kết thúc lúc 10h15 sáng (giờ Malaysia). Cả hai bị cáo nữ đều bị buộc tội giết người.
Thẩm phán chủ tọa phiên tòa đã giải thích cơ quan công tố Malaysia kết luận Đoàn Thị Hương và Siti Aisyah đã phạm tội giết người theo điều 302 bộ luật hình sự Malaysia. Và tội này phải chịu án tử hình.
Chủ tọa phiên tòa hỏi nghi phạm Đoàn Thị Hương:
- Cô có hiểu điều đó không?
Đoàn Thị Hương đã trả lời:
- Tôi hiểu. Nhưng tôi vô tội.
Điều tương tự cũng diễn ra với bị cáo người Indonesia Siti Aisyah.
Tòa thông báo phiên tòa tiếp theo sẽ diễn ra vào ngày 13/4/2016. Và tòa cần thêm thời gian để thu thập tất cả các tài liệu cần thiết.
Hai bị cáo nữ rời tòa trong sự bảo vệ đặc biệt nghiêm ngặt của cảnh sát. Cả hai bị cáo đều được cảnh sát cho mặc thêm áo chống đạn khi rời tòa.
Bị cáo người Indonesia Siti Aisyah trông có vẻ sợ hãi. Phóng viên của CNA cho biết mắt của Siti Aisyah khá đỏ.
Bị cáo người Việt Nam Đoàn Thị Hương mắt cũng khá đỏ. Và có vẻ thất thần, cô độc.
Phát biểu với báo chí sau phiên tòa, luật sư bào chữa cho Siti Aisyah nói cô vô tội.
Luật sư S.Selvam Shamugam, người bào chữa theo chỉ định cho Đoàn Thị Hương cũng nói ông tin Đoàn Thị Hương vô tội. Ông cho biết sẽ vào trại giam gặp Đoàn Thị Hương vào sáng 2/3/2017.
Hai bị cáo Siti Aishah và Đoàn Thị Hương hiện đang bị giam giữ tại trại giam dành cho nữ phạm nhân ở KaJang.
Đang tiếp tục cập nhật!
Bên lề
Ngay trước giờ khai mạc phiên tòa thủ tục ngày 1/3/2017, cảnh sát Malaysia đã dẫn hai bị cáo ra hiện trường (sân bay) để thực nghiệm lại hành vi của mình vào hôm 13/1/2017. Được biết lần thực nghiệm này là lần thứ ba, hoặc thứ tư.
Trước phiên tòa hôm 1/3/2017, tin từ cảnh sát Malaysia cho hay nữ nghi can Indonesia Siti từng bị nôn, có thể do ảnh hưởng của chất độc VX.
Trả lời báo chí, Bộ trưởng Y tế Malaysia Subramaniam Sathasivam cho biết ông đã hỏi cảnh sát giam giữ hai nữ nghi phạm và được cho biết không thấy họ có dấu hiệu nhiễm bệnh. Trước đó, ông có thông tin rằng liều thuốc độc được dùng để đầu độc ông Kim Jong Nam quá mạnh. "Tôi chỉ có nghe nói là một nữ nghi phạm có bị nôn mửa. Chúng tôi còn phải điều tra kỹ hơn vì đến giờ chúng tôi vẫn chưa nhận được báo cáo nào về chuyện này".
Lãnh đạo cảnh sát quốc gia Malaysia hôm 28/2/2017 cho biết họ muốn thẩm vấn một nhà ngoại giao của đại sứ quán Bắc Triều Tiên tại Kuala Lumpur, trong khuôn khổ cuộc điều tra về vụ ám sát ông Kim Jong Nam. Nhà ngoại giao đó là ông Hyong Kwan-Song, 44 tuổi, bí thư thứ hai của sứ quán Bắc Triều Tiên.
Hiện giờ, nhà chức trách Malaysia xác định có đến 8 người Bắc Triều Tiên bị tình nghi có liên quan đến vụ ám sát.
Cho tới nay, cơ quan tình báo Hàn Quốc và Mỹ vẫn cho rằng vụ ám sát bằng chất độc ông Kim Jong Nam là do gián điệp của Bắc Triều Tiên thực hiện.
Phiên tòa ngày 1/3/2017 được tổ chức tại quận Sepang của bang Selangor. Selangor (dân số 4,1 triệu) là một trong 13 bang của Malaysia, nằm ở trung tâm bán đảo Malaysia. Nó bao quanh các "lãnh thổ liên bang" Kuala Lumpur và Putrajaya - tức hai thủ đô của Malaysia.
Phản ứng của Triều Tiên
Sau khi nghe tin về vụ sát hại, ban đầu chú Ủn (Kim Jong Un) nói đó không phải là anh mình.
Sau đó, chú Ủn đã "khóc suốt một đêm".
Sau đó nữa, truyền thông Triều Tiên nói nếu đó thật sự là Kim Jong Nam, thì là do Mỹ và Malaysia giết.
Đến hôm 2/3/2017, truyền thông Triều Tiên nói rằng Kim Jong Nam chết vì bệnh tim và Triều Tiên không liên quan.
.......................
Bình luận của luật sư Trần Hồng Phong:
1. Trước hết, theo nguyên tắc lãnh thổ, tội phạm xảy ra trên lãnh thổ nước nào, thì nước đó có thẩm quyền truy tố, xét xử người có hành vi phạm tội (ngoài trừ những trường hợp miễn trách về ngoại giao, hoặc nghi can được dẫn độ về nước mình có quốc tịch để xét xử - nếu giữa hai quốc gia có ký kết hiệp định về dẫn độ). Do vậy, việc Tòa án Malaysia xét xử vụ án này là điều dễ hiểu và hợp lý.
Và tôi cũng khá bất ngờ, khi phiên tòa đã diễn ra chỉ sau một thời gian rất ngắn kể từ thời điểm vụ việc xảy ra. Chỉ khoảng 2 tuần. Điều này khác biệt quá lớn so với Việt Nam.
Về thẩm quyền xét xử, đây là vụ án có yếu tố nước ngoài, do vậy về nguyên tắc phải do những tòa án thuộc dạng cấp cao và chuyên biệt mới có thẩm quyền thụ lý và xét xử. Chẳng hạn như ở Việt Nam, nếu vụ án có yếu tố nước ngoài, thì tòa sơ thẩm phải là tòa từ cấp tỉnh, thành phố trở lên. Và tòa phúc thẩm là Tòa án cấp cao. Vì không có sự hiểu biết đầy đủ về pháp luật Malaysia, nên tôi không bàn sâu về vấn đề này tại đây. (Nhưng sẽ cung cấp thông tin trong bài, nếu có).
2. Về việc luật sư bào chữa, Đoàn Thị Hương cần phải có một luật sư Malaysia (hiện đã có) để bào chữa cho mình. Điều này là tốt nhất, vì luật sư Malaysia hiểu rõ pháp luật Malaysia nhất. Hơn nữa có tin nói luật tố tụng hình sự Malaysia không cho phép luật sư nước ngoài tham gia tố tụng tại tòa án nước này (Việt Nam cũng quy định như vậy). Tuy nhiên chắc chắn việc Việt Nam cử luật sư tham gia hỗ trợ pháp lý cho Đoàn Thị Hương là rất cần thiết. Ít nhất là giúp ích bị cáo về mặt tinh thần, tâm lý và hỗ trợ luật sư chỉ định của Malaysia làm việc một cách hiệu quả hơn. Hơn nữa về mặt thể diện quốc gia, việc "bỏ rơi" công dân ở nước ngoài là điều không hay ho gì. (Cập nhật: Ngày 6/3/2017 tin trên báo chí cho hay Liên đoàn luật sư VN sẽ cử 5 luật sư trợ giúp pháp lý cho Đoàn Thị Hương).
3. Nói về tội giết người, Bộ luật hình sự Việt Nam, cũng như tất cả các nước trên thế giới đều có quy định về tội giết người. Tội giết người là loại tội phạm thuộc dạng nghiêm trọng và nguy hiểm nhất (trọng tội), vì trực tiếp xâm hại đến tính mạng con người. Do vậy, hình phạt về tội giết người thường rất nặng, hầu hết là tử hình (trừ những quốc gia đã bãi bỏ hình phạt tử hình, như một số nước ở châu Âu).
4. Nếu phạm tội trong trường hợp có tổ chức (nhiều người cùng tham gia thực hiện), thì sẽ là tình tiết tăng nặng, hình phạt sẽ càng nặng hơn.
5. Trong bộ luật hình sự, "giết người" là một tội danh riêng biệt. Tuy nhiên trong nhiều trường hợp "giết người" được dùng như là danh từ chung, để chỉ một nhóm tội cùng có yếu tố giết người, nhưng bản chất và/hoặc hình thức khác nhau.
Chẳng hạn tại Bộ luật hình sự Việt Nam quy định khá nhiều tội danh thuộc nhóm tội có yếu tố giết người. Như: Tội giết người; Tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh; Tội giết người do vựơt quá giới hạn phòng vệ chính đáng; Tội vô ý làm chết người; Tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính ... vv (xem bên dưới)
6. Xét về ý thức chủ quan (suy nghĩ trong đầu của người có hành vi phạm tội), về cơ bản, tội phạm về giết người gồm 2 dạng chính là giết người "cố ý" hoặc giết người do "vô ý". Nếu giết người cố ý (có mục đích), thì hiển nhiên hình phạt sẽ rất nghiêm khắc. Ngược lại, nếu giết người do vô ý. Hay nói chính xác hơn là việc gây ra hậu quả chết người do sự vô ý, bất cẩn, thiếu suy nghĩ ... - thì mức hình phạt sẽ được giảm nhẹ một cách đáng kể.
7. Trên thực tế, chúng ta thường nghe tới thuật ngữ tội "ngộ sát" - được hiểu là hành vi giết người do sự ngộ nhận của người thực hiện hành vi. Họ không có mục đích giết người, mà chỉ nghĩ rằng hành vi của mình là có mục đích khác, hoặc sẽ không gây ra hậu quả chết người. Chẳng hạn như trong vụ án này, Đoàn Thị Hương nói rằng mình cứ nghĩ rằng, việc mình phun thuốc độc vào mặt nạn nhân vì nghĩ rằng đó là một game truyền hình! Tức là ngộ sát.
8. Tại Bộ luật hình sự Việt Nam hiện tại không có tội danh "ngộ sát", nên chúng ta có thể so sánh một tội danh khác, có ý nghĩa có phần tương đương. Đó là tội "vô ý làm chết người". Tuy nhiên theo quan điểm của tôi, đây cũng chỉ là sự so sánh khập khiễng, không thuận sự chuẩn xác. Thật khó có thể nói rằng "ngộ sát" chính là "vô ý làm chết người".
9. Bất luận thế nào, thì điều mà mọi người quan tâm nhất, chắc chắn là: hành vi của Đoàn Thị Hương có khả năng là tội gì: giết người? hay ngộ sát (vô ý làm chết người)?
Để giải quyết vấn đề này, không gì khác hơn là phải làm rõ trong nhận thức, suy nghĩ của Đoàn Thị Hương - khi hành động, là gì? Nhằm mục đích giết người. Biết rõ về mục đích hành động của mình. Hay thực sự cô không biết gì, mà chỉ bị lừa thật sự (do ham tiền, hay thiếu hiểu biết).
Hiện nay, khoa học chưa tiến bộ đến mức có thể dùng máy móc để chẩn đoán, giám định và kết luận về suy nghĩ trong đầu của một con người là gì. Do vậy, trong luật hình sự người ta vẫn dùng các biện pháp nghiệp vụ mang tính trắc nghiệm, bao vây, xét hỏi, rồi đối chiếu với lời khai của người khác, với vật chứng và các chứng cứ khác, từ đó "suy luận" ra và kết luận. Chính điều này cho thấy mức độ rủi ro, sai lệch là có. Tức là khả năng bị kết tội oan sai là có.
Trên phương diện khoa học pháp lý hình sự, tôi đánh giá trước mắt có nhiều dấu hiệu có vẻ bất lợi cho Đoàn Thị Hương. Mà chính Đoàn Thị Hương đã thừa nhận. Cụ thể là:
- Đoàn Thị Hương chính là người đã thực hiện hành vi dẫn đến cái chết của nạn nhân.
- Đoàn Thị Hương đã nhận tiền từ người khác để thực hiện hành vi này. Dù số tiền là rất nhỏ, nhưng cho thấy đây là tội phạm có tổ chức, mang tính chất nghiêm trọng. Đây là tình tiết tăng nặng.
- Chất độc (có thể xem là hung khí) mà Đoàn Thị Hương đã sử dụng thuộc dạng "rất nguy hiểm". Đây cũng là tình tiết tăng nặng.
- Có sự phối hợp giữa hai cô gái trong việc thực hiện hành vi gây độc đối với nạn nhân. Đây cũng là dấu hiệu phạm tội có tổ chức. Tình tiết tăng nặng.
- Đoàn Thị Hương không ra đầu thú sau khi có tin tức về vụ án. Mà có dấu hiệu trốn tránh. Điều này có vẻ mâu thuẫn với việc cô nói rằng mình không biết về bản chất vụ việc, mà tưởng đó chỉ là một trò chơi truyền hình.
- vv ...
10. Câu trả lời "tôi hiểu. Nhưng tôi vô tội" của Đoàn Thị Hương tại tòa, thực sự đẩy cô vào một tình thế khó khăn. Trước hết, với từ "tôi hiểu" - xem như Hương đã thừa nhận, cũng chính là chấp nhận hành vi có dấu hiệu phạm tội của mình nêu trong cáo trạng.
Đoàn Thị Hương không tranh cãi về nội dung bản cáo trạng. Hay chính xác hơn là cô không tranh cãi về những tình tiết, chứng cứ điều tra của cảnh sát Malaysia đưa ra để kết tội mình. Cô chỉ không đồng ý với việc kết luận cô phạm tội giết người.
Vậy khả năng "vô tội" của Đoàn Thị Hương là thế nào?
11. Bất luận thế nào, thì có một nguyên tắc trong tố tụng hình sự. Đó là việc chứng minh tội phạm thuộc về phía cơ quan công tố. Tức là Đoàn Thị Hương (và các luật sư) không có nghĩa vụ tự mình đưa ra những chứng cứ buộc tội mình, mà đây là trách nhiệm của công tố (ở VN là Viện kiểm sát). Nếu cơ quan công tố không chứng minh được hành vi phạm tội của Đoàn Thị Hương, theo quy định tại Luật hình sự Malaysia, thì sẽ phải tuyên Đoàn Thị Hương vô tội. (Theo nguyên tắc suy đoán vô tội). Ngược lại, cho dù Đoàn Thị Hương nhận tội, thì Hội đồng xét xử vẫn phải thẩm tra, làm rõ xem lời khai nhận tội có phù hợp với các tình tiết khách quan của vụ án hay không.
Ghi chú: Chúng tôi sẽ bổ sung phần bình luận khi có thêm thông tin mới.
.............