Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đã chính thức bắt đầu sau tuyên bố áp thuế nhập khẩu 25% của Tổng thống mỹ Donald Trump với các mặt hàng từ Trung Quốc, trong đó 90% mặt hàng này là nguyên liệu sản xuất. Quyết định của ông Trump đã dấy lên sự căng thẳng trong quan hệ thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.
-
|
Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung bước đầu có ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam. (Ảnh minh họa: KT) |
Theo TS. Phạm Sỹ Thành, Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Kinh tế Trung Quốc - Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách, sự căng thẳng này bắt đầu vào tháng 3/2018 khi Tổng thống Donald Trump ký một bản ghi nhớ áp đặt mức thuế mới đối với 1.300 mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc có giá trị 60 tỷ USD. Chỉ trong vòng 3 tháng, căng thẳng trong thương mại Mỹ-Trung đã leo thang chóng vánh. Những đánh đổi nhỏ của Trung Quốc nhằm thỏa mãn việc tạo ra "thương mại công bằng" của Mỹ như giảm thuế nhập khẩu ôtô, tăng nhập khẩu hàng hóa từ Mỹ cũng không cứu vãn được tình hình. Trả đũa thương mại và chủ nghĩa bảo hộ có thể trở thành xu thế lớn, nhất là khi "thương mại công bằng" là một trong những chính sách tranh cử của Tổng thống Donald Trump để giúp nước Mỹ đòi lại lợi ích kinh tế đã bị mất từ những thỏa thuận thương mại trong quá khứ. Mỹ không chỉ thách thức Trung Quốc- đối thủ làm quốc gia này thâm hụt 370 tỷ USD mà còn thách thức tất cả bạn hàng thương mại làm Mỹ chịu thâm hụt... TS. Thành cho rằng, sự trả đũa lan tỏa của các đối tác thương mại lớn với nhau có thể là tương lai ảm đạm đối với các nước yếu hơn. Trong đó, có 2 tổn hại lớn, một là tổn hại đến sự tăng trưởng đang phục hồi của kinh tế toàn cầu, hai là tổn hại đến chuỗi sản xuất.Với tăng trưởng chung của kinh tế thế giới, sự đảo lộn của môi trường thương mại toàn cầu sẽ tác động trực tiếp đến tăng trưởng kinh tế tất cả các quốc gia. Năm 2017, theo WTO, tăng trưởng thương mại toàn cầu đạt 4,7% nhưng bước sang năm 2018, mức tăng trưởng này có thể sẽ khó dự đoán hơn và biên độ dao động từ 3,1% - 5,5%. Điều này là do sự "bất ổn" trong chính sách thương mại của các nước lớnTS Thành cho rằng, nếu những căng thẳng này không được giải quyết, chuỗi sản xuất có thể phải điều chỉnh để thích ứng với các rào cản mới. Điều này sẽ làm nhiều nước mất lợi ích cho dù họ không có tên trong danh sách các nước chịu lệnh áp thuế trừng phạt của Mỹ và Trung Quốc. Tất nhiên, Việt Nam không nằm ngoài "vòng xoáy" này.Ông Thành phân tích, tuy bị ảnh hưởng nhưng có thể khẳng định, Việt Nam ít chịu tác động từ căng thẳng này vì các ngành mà Mỹ trừng phạt Trung Quốc đều không phải là ngành mà Việt Nam tham gia xuất khẩu hàng hóa đầu vào nhiều sang Trung Quốc. Việt Nam cũng nằm cuối trong chuỗi sản xuất nên căng thẳng thương mại Mỹ-Trung khó làm thay đổi xuất nhập khẩu của Việt Nam trong ngắn hạn và trung hạn.Tuy nhiên, về lâu dài, việc các biện pháp trừng phạt được mở rộng sang nhiều ngành hàng khác sẽ có thể có tác động không ngờ tới. Chẳng hạn, dưới thời Tổng thống Trump, thuế chống lẩn tránh đã được đặt ra để lần theo dòng vốn của Trung Quốc đầu tư ra nước ngoài nhằm tránh các trừng phạt của Mỹ. Điều này sẽ đặt các nước thứ ba vào tầm ngắm của lệnh trừng phạt nếu hàng hóa xuất khẩu từ các nước này không chứng minh được xuất xứ "không có liên quan đến Trung Quốc". Trường hợp Mỹ điều tra thép nhập khẩu từ Việt Nam có thể là một cảnh báo cho các hoạt động điều tra dạng này. Theo nhận định của chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, với cách đánh thuế của Mỹ sẽ làm giảm thương mại thế giới ở một mức độ nhất định, có thể giảm 20%, mức độ tối đa có thể giảm trên 40%. Ông Doanh phân tích, cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung “nổ” ra, có thể sẽ tạo nên làn sóng khiến hàng hóa của Trung Quốc ồ ạt nhập vào Việt Nam sau khi đồng nhân dân tệ bị giảm giá và hàng của Trung Quốc không thể xuất sang Mỹ được nhiều như trước. Nếu Trung Quốc muốn duy trì công suất và mức độ tăng trưởng của mình thì phải tìm thị trường mới. Một trong những thị trường tiềm năng của nước này có thể là Việt Nam. Bên cạnh đó, chiến tranh thương mại này sẽ làm giảm niềm tin của các nhà đầu tư, rất có thể họ sẽ giảm đầu tư ra nước ngoài vì nhận thấy, thị trường hiện nay không an toàn và họ phải nghiên cứu thị trường mới để tiếp tục đầu tư, mở rộng thị trường trong tương lai. Đây là hệ quả mà Việt Nam cần xem xét, nỗ lực tối đa để tránh các tác động xấu đến nền kinh tế Việt Nam.Vì vậy, Việt Nam cần kiểm soát chặt chẽ tất cả các khâu nhập khẩu. Ví dụ, các công ty thép nhập khẩu thép của Trung Quốc rồi xuất sang Việt Nam để tận dụng các hiệp định thương mại mà Việt Nam đã ký kết. Qua đó, Mỹ cũng có thể đánh thuế rất cao, tới 50% vào thép của Việt Nam xuất sang Mỹ mà có xuất xứ từ Trung Quốc. Ông Doanh khuyến cáo, Việt Nam cần kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc xuất xứ của các hàng hóa xuất khẩu để tránh khi Mỹ có thể ra đòn lớn với Việt Nam. Bởi một khi Mỹ ra đòn với Trung Quốc thì cũng khó có thể loại trừ khả năng, một ngày nào đó Mỹ cũng có thể ra đòn đánh thuế tương tự vào Việt Nam. “Các doanh nghiệp Việt Nam cần nỗ lực hơn nữa trong việc nâng cao chất lượng, nâng cao năng lực cạnh tranh, giảm giá thành. Để làm việc này các bộ, ngành cần thực hiện chỉ thị của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là phải giảm ít nhất 50% các điều kiện kinh doanh, giấy phép con, thủ tục hành chính cũng như giảm các khoản chi phí ngoài pháp luật mà các doanh nghiệp vẫn đang báo cáo rằng họ đang phải chi. Đó là cơ hội để Việt Nam có thể tiếp tục cải cách trở thành một quốc gia, một nền kinh tế có năng lực cạnh tranh cao như Thủ tướng yêu cầu là tương đương với Asean 4, gồm Singapore, Thái Lan, Malaysia và Indonesia”, TS. Lê Đăng Doanh chia sẻ./.