Cha con tranh chấp đất hương hỏa

Thứ tư - 31/05/2017 23:07
(PL News) - Theo trình bày của ông L., vợ chồng ông có một mảnh đất gần 30.000 m2 tại xã Mỹ Trung, huyện Cái Bè (Tiền Giang). Năm 2005, vợ ông mất. Sau đó, người con trai tên M. bảo ông ký vào một số giấy tờ liên quan đến đất cát. Dù tuổi cao mắt mờ, không biết chữ nhưng tin tưởng con, ông đã xác nhận. 
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa


Tự ý cho đất hương hỏa

Tuy nhiên, sau này ông phát hiện ra đó là hai hợp đồng tặng cho con toàn bộ đất đai của gia đình. Một hợp đồng ghi ngày 9-7-2008 tặng cho con hơn 20.000 m2 đất, hợp đồng thứ hai ghi ngày 17-12-2008 tặng cho 10.000 m2. Khi ông có ý kiến thì sự đã rồi, người con đã hợp thức hóa sang tên xong toàn bộ diện tích đất nói trên. Ông buộc phải làm đơn khởi kiện đòi lại nhà đất. 

10 người con còn lại của ông L. cũng đồng loạt lên án hành vi dùng thủ đoạn chiếm đất của người em này và yêu cầu em phải trả lại mảnh đất hương hỏa cho cha. Cũng theo những người con này, đất trên là của hộ gia đình, cha tự ý định đoạt làm hợp đồng tặng cho là không được.

Ông M. không đồng ý trả lại tài sản vì cho rằng đất là cha cho tặng. Hiện tại ông đã được cấp sổ đỏ nên đề nghị tòa bác đơn kiện của cha. 
Xử sơ thẩm hồi tháng 9-2010, TAND huyện Cái Bè không chấp nhận yêu cầu đòi lại tài sản của ông L. Theo tòa, hai hợp đồng tặng cho trên làm theo đúng mẫu quy định, có xác nhận của chính quyền địa phương. Nội dung giao kết thể hiện sự tự nguyện. Tại thời điểm chứng thực, các bên có đầy đủ năng lực hành vi dân sự. Tòa bác yêu cầu của nguyên đơn. 

Ông L. và những người con còn lại (trừ ông M.) kháng cáo. Cuối tháng 11-2010, TAND tỉnh Tiền Giang xử phúc thẩm cũng nhận định tương tự như án sơ thẩm rồi bác kháng cáo, tuyên y án sơ thẩm. Theo cấp phúc thẩm, ngoài những căn cứ mà cấp sơ thẩm nêu còn có tình tiết: Kể từ thời điểm giao kết hợp đồng cho đến khi người con được cấp giấy tờ đất đai, ông L. và các người con khác không có ý kiến phản đối nên giờ không có cơ sở chấp nhận việc đòi lại đất. 

Tặng cho sai 

Quanh vụ này, nhiều chuyên gia pháp lý đã cho rằng tòa công nhận các hợp đồng cho tặng nêu trên là không đúng. Nguồn gốc đất tranh chấp là của vợ chồng ông L. tạo lập. Khi vợ chết, ông L. chưa tiến hành kê khai di sản thừa kế mà đã tự ý tặng cho con là trái với quy định của pháp luật. Chưa kể, ông L. không biết chữ nên không hiểu rõ nội dung hợp đồng. Lý ra, tòa phải tuyên hợp đồng vô hiệu, các bên phải trả lại cho nhau những gì đã nhận... 

Được biết trước đó, năm 2008, ông L. cũng đã tự ý sang nhượng một phần đất nói trên cho một người ở địa phương. Sau đó, các con của ông L. phản đối, yêu cầu tòa hủy hợp đồng sang nhượng này. Xử phúc thẩm ngày 25-11-2008, TAND tỉnh Tiền Giang nhận định đất trên đã cấp cho hộ ông L. Ông L. chỉ là người đại diện hộ đứng tên nhưng khi chuyển nhượng không được sự đồng ý của các thành viên trong hộ. Do đó, giao dịch giữa ông L. và người mua là vi phạm pháp luật. Tòa cấp phúc thẩm y án của TAND huyện Cái Bè, tuyên hợp đồng trên vô hiệu. 

Như vậy có thể thấy, cùng một đối tượng tranh chấp nhưng ở hai thời điểm khác nhau, tòa lại có hai phán quyết mâu thuẫn nhau. Điều này là rất vô lý.

Đề nghị hủy án vì tự ý mang di sản đi cầm

VKSND Tối cao vừa ban hành kháng nghị giám đốc thẩm đề nghị TAND Tối cao hủy một quyết định công nhận sự thỏa thuận thành của TAND tỉnh Lâm Đồng vì tòa đã công nhận hiệu lực của hợp đồng vô hiệu.

Cần vốn kinh doanh, ông H. mang toàn bộ giấy tờ nhà, đất của cha mẹ ra ngân hàng thế chấp, vay 700 triệu đồng. Cuối kỳ, do không trả được nợ nên ông H. bị ngân hàng kiện đòi trả nợ. TAND tỉnh Lâm Đồng đã ra quyết định công nhận sự thỏa thuận giữa các đương sự: Ông H. phải trả cho ngân hàng tiền gốc và lãi trên 800 triệu đồng; tiếp tục duy trì tài sản thế chấp để đảm bảo thi hành án. 

Sau đó, ngôi nhà bị kê biên, định giá. Lúc này cơ quan chức năng phát hiện ông H. tự ý mang di sản thừa kế chưa chia đi thế chấp mà các anh, em của ông không hề hay biết. 

VKSND tỉnh nhận định cha mẹ ông H. chết không để lại di chúc, theo quy định thì tám người con của ông bà (trong đó có ông H.) là những người thừa kế theo pháp luật. Họ đều có quyền và nghĩa vụ như nhau đối với khối di sản trên. Ở đây chỉ mới có hai đồng thừa kế cho phép ông H. mang tài sản đi thế chấp. Phía ngân hàng lại chấp nhận chuyện này. VKSND Tối cao khẳng định hợp đồng vay này là vô hiệu. TAND tỉnh Lâm Đồng chấp nhận việc thỏa thuận là vi phạm nghiêm trọng pháp luật dân sự nên phải giám đốc thẩm để hủy án... 

Nguồn tin: CÔNG TY LUẬT TNHH MTV LUẬT SƯ RIÊNG 38 Cao Đức Lân, An Phú, Quận 2, TP.HCM Điện thoại: 08.62 819 072 - 66 740 930 Fax: 08.62 819 072 Mobile: 0979.601.026

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây