Tàu tuần tra Nga nổ súng, bắt ba tàu Ukraine trên Biển Đen /
Ukraine lên kế hoạch thiết quân luật sau vụ Nga bắt tàu chiến
Cảnh sát biển Nga hôm qua nổ súng và bắt ba tàu hải quân Ukraine tại eo biển Kerch, "yết hầu" nối giữa Biển Đen và Biển Azov, nơi có cây cầu dài hơn 18 km nối vùng Krasnodar của Nga với bán đảo Crimea. Đây được cho là sự cố hàng hải nghiêm trọng nhất giữa Nga và Ukraine kể từ năm 2014 tới nay, có thể làm gia tăng căng thẳng đáng kể giữa hai nước, dù chưa đến mức làm bùng phát xung đột quân sự, theo FT.
Căng thẳng giữa Moskva và Kiev xung quanh eo biển Kerch đã âm ỉ từ nhiều tháng qua, khi các quan chức Ukraine cáo buộc Nga đang tìm cách phong tỏa cửa ngõ duy nhất để tàu Ukraine tiến vào các cảng trên bờ biển Azov nhằm làm xói mòn nền kinh tế nước này và tăng cường quyền kiểm soát với vùng biển.
Nga và Ukraine vào năm 2003 ký một hiệp ước công nhận eo biển Kerch và Biển Azov là vùng lãnh hải chung, nhưng kể từ khi sáp nhập bán đảo Crimea vào năm 2014 và xây dựng cầu Kerch, Nga bắt đầu tăng cường hoạt động kiểm soát ở khu vực này.
Chính quyền Kiev gần đây cáo buộc nhà chức trách Nga cố tình gây cản trở giao thông hàng hải của tàu bè Ukraine qua eo biển Kerch và các thiết bị điện tử hoạt động trong toàn bộ khu vực này thường xuyên bị gây nhiễu, kể cả các hệ thống định vị GPS. Nga cũng được cho là đã tăng cường đáng kể hiện diện và năng lực quân sự trên bờ đông Biển Azov, đối diện với các cảng của Ukraine, khiến Kiev cáo buộc Moskva đang tìm cách "chiếm đoạt" các thành phố ven biển Azov của họ nhằm kết nối Crimea với vùng ly khai ở đông Ukraine, theo Drive.
Ukraine hồi đầu năm phản ứng bằng cách bắt tàu cá Nga hoạt động trên Biển Azov, khiến Nga chỉ trích đây là hành động "cướp biển có tổ chức" và bắt hai tàu Ukraine bị cáo buộc "đánh cá trộm" ba tháng sau đó. Mỹ và các đồng minh phương Tây của Ukraine lên tiếng bênh vực quốc gia này và chỉ trích hành động của Nga. Đại diện cấp cao về Ngoại giao và Chính sách An ninh của EU Federica Mogherini tuần trước tiết lộ kế hoạch về "những biện pháp cụ thể" để ủng hộ Ukraine. Kiev trong năm nay cũng tăng cường đáng kể năng lực quân sự trên bờ biển Azov.
Căng thẳng trên thực địa bắt đầu leo thang từ sáng qua, khi nhóm chiến hạm Ukraine gồm hai tàu pháo thiết giáp và một tàu kéo xuất phát từ Odessa tìm cách vượt qua eo biển Kerch để đến cảng Mariupol trên bờ Biển Azov. Một tàu chiến Ukraine hồi đầu năm cũng đã thực hiện hành trình tương tự và đến được đích dưới sự giám sát chặt chẽ của các tàu cảnh sát biển Nga.
Tàu chiến Ukraine xuất phát từ Odessa sẽ phải đi qua eo biển Kerch để đến được cảng Mariupol. Đồ họa: AP. |
Hải quân Ukraine cho biết họ đã truyền đạt với phía Nga mọi thông báo về hành trình này theo quy định của luật hàng hải quốc tế. Tuy nhiên, lần này Nga thông báo đóng cửa eo biển Kerch và cáo buộc nhóm tàu chiến Ukraine xâm phạm lãnh hải của họ trái phép.
Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB), đơn vị giám sát lực lượng cảnh sát biển của nước này, cho biết bất chấp cảnh báo từ phía nhà chức trách Nga, các tàu chiến Ukraine vẫn tìm cách vượt qua eo biển Kerch. "Mục đích của họ rất rõ ràng, đó là tạo ra tình huống xung đột trong khu vực", FSB tuyên bố về hành động bị coi là "khiêu khích" của chiến hạm Ukraine.
Kiev sau đó cho hay trong lúc ba tàu chiến của họ rời khỏi eo biển Kerch, các tàu tuần tra của cảnh sát biển Nga đuổi theo và ra "tối hậu thư buộc họ dừng lại", đồng thời đe dọa "sẽ sử dụng vũ lực".
Video được đăng trên mạng xã hội cho thấy tàu cảnh sát biển Nga truy đuổi, liên tục phát cảnh báo và đâm thẳng vào mạn tàu kéo Ukraine. FSB xác nhận tàu tuần tra của họ đã nổ súng để ngăn chặn và bắt tàu chiến Ukraine. Eo biển Kerch sau đó cũng bị phong tỏa hoàn toàn, sau khi một tàu dầu Nga bị "mắc cạn" chắn ngang luồng hàng hải duy nhất dưới chân cầu, khiến nhiều tàu hàng bị kẹt lại gần đó.
Hải quân Ukraine mô tả hành động đâm va tàu kéo của tàu cảnh sát biển Nga cũng như việc phong tỏa luồng hàng hải dưới cầu Kerch là những hành vi "vi phạm các quy định và hiệp ước hàng hải quốc tế". Oleksander Danylyuk, giám đốc Trung tâm Cải cách Quốc phòng ở Kiev thì cho rằng vụ bắt tàu chiến này cho thấy "Biển Azov đang nằm dưới sự kiểm soát thực tế của Nga".
Theo bình luận viên Mark Moore của NYPost, sự cố này có nguy cơ mở ra một mặt trận mới trong cuộc xung đột kéo dài 4 năm qua ở miền đông Ukraine. Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko hôm nay tuyên bố trên truyền hình rằng ông sẽ yêu cầu quốc hội phê chuẩn "tình trạng thiết quân luật" kéo dài 60 ngày sau "hành động xâm lược quân sự của Nga". Tuy nhiên, ông cũng nói rõ rằng đây không phải là lời tuyên chiến và Ukraine không có kế hoạch tấn công nước khác.
Xung đột khó leo thang
Giới phân tích cho rằng tuyên bố của Poroshenko cho thấy sự thận trọng của Ukraine trước nguy cơ đẩy căng thẳng với Nga lên mức bùng nổ thành xung đột quân sự. Kiev có thể phản ứng mạnh trước sự việc, nhưng sẽ cố gắng không để mọi việc vượt tầm kiểm soát.
Poroshenko cũng ra lệnh cho quân đội nước này sẵn sàng cho một cuộc xung đột toàn diện, nhưng đây không phải là lần đầu tiên ông ra mệnh lệnh như vậy. Cách đây một tháng, Tổng thống Ukraine cũng yêu cầu các lực lượng vũ trang "sẵn sàng súng đạn" để "đẩy lùi hành vi xâm lược của Nga trên Biển Azov".
Chuyên gia phân tích quân sự Tyler Rogoway cho rằng người Nga mới là bên quyết định để căng thẳng trên eo biển Kerch leo thang đến mức nào. Nếu việc phong tỏa eo biển là tạm thời và Moskva quyết định dỡ bỏ lệnh cấm lưu thông qua khu vực này sau màn phô diễn sức mạnh, căng thẳng sẽ được hạ nhiệt đáng kể. Nhưng nếu Nga duy trì hoạt động phong tỏa lâu dài, tình hình có thể sẽ rất khác, đòi hỏi các nỗ lực ngoại giao quốc tế để tháo gỡ ngòi nổ.
Tàu chiến Ukraine trước khi bị tàu tuần tra Nga bắt. Ảnh: Kiev Post. |
Chính phủ Ukraine hôm nay ra tuyên bố cho biết đã "thông báo cho các đối tác về hành động của Nga trên Biển Azov". Rogoway nhận định "đối tác" mà Ukraine đề cập đến ở đây chính là NATO, liên minh quân sự mà Kiev đang rất muốn trở thành thành viên, và họ dường như hy vọng NATO sẽ có sự can thiệp nhanh chóng và quyết liệt.
Tuy nhiên, trong tuyên bố tối qua, NATO tuyên bố khối đang "theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình", mong muốn các bên kiềm chế và hạ nhiệt căng thẳng. "Chúng tôi kêu gọi Nga đảm bảo quyền tiếp cận không bị cản trở tới các cảng Ukraine trên Biển Azov theo luật quốc tế", tuyên bố có đoạn.
Theo Rogoway, điều duy nhất NATO có thể làm lúc này là triển khai máy bay do thám tới Biển Azov để tìm hiểu tình hình di chuyển lực lượng cũng như thông tin liên lạc của Nga để hiểu được Moskva sẽ làm gì tiếp theo. "Chúng ta sẽ không thấy những màn đấu súng trên Biển Đen, thay vào đó chỉ là những cuộc biểu tình chống Nga trên đường phố Kiev và các cuộc tấn công mạng lẫn nhau giữa hai bên", chuyên gia này nhận định.
Nguồn tin: Theo Vnexpress:
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn