Bước ngoặt điều tra luận tội Tổng thống Donald Trump

Thứ năm - 14/11/2019 20:02
Quá trình điều tra luận tội dường như không ảnh hưởng nhiều đến quan điểm của những cử tri đang ủng hộ hoặc phản đối ông chủ Nhà Trắng
Bước ngoặt điều tra luận tội Tổng thống Donald Trump

Hạ viện Mỹ hôm 13-11 tiến hành phiên điều trần công khai đầu tiên liên quan đến cuộc điều tra luận tội Tổng thống Donald Trump. Theo báo The New York Times, lời khai của 2 nhân chứng, gồm quyền Đại sứ Mỹ tại Ukraine Bill Taylor và phó trợ lý ngoại trưởng Mỹ George Kent, tại phiên điều trần kéo dài hơn 5 giờ này phần lớn trùng khớp với những gì họ cung cấp tại các phiên điều trần kín trước đó.

Tuy nhiên, trong một tiết lộ có thể làm thay đổi cục diện cuộc điều tra luận tội, quyền Đại sứ Bill Taylor khẳng định Tổng thống Donald Trump liên quan trực tiếp đến chiến dịch dùng tiền viện trợ quân sự gây sức ép, buộc Ukraine điều tra cựu Phó Tổng thống Joe Biden - đối thủ tiềm tàng trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2020. 

Theo ông Taylor, một nhân viên của ông vô tình nghe được cuộc điện đàm mà trong đó Tổng thống Donald Trump hỏi Đại sứ Mỹ tại Liên minh châu Âu (EU) Gordon Sondland về "các cuộc điều tra". Sau cuộc điện đàm này, theo ông Taylor, khi được nhân viên của ông hỏi về suy nghĩ của Tổng thống Donald Trump về Ukraine, ông Sondland đáp Tổng thống Donald Trump "quan tâm nhiều hơn về các cuộc điều tra nhằm vào ông Biden".

Cũng theo ông Taylor, cuộc điện đàm diễn ra khi ông Sondland đang ở một nhà hàng tại thủ đô Kiev - Ukraine cùng với nhân viên ngoại giao nói trên hôm 26-7. Trước đó một ngày, Tổng thống Donald Trump và người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã có cuộc điện đàm gây tranh cãi đang là tâm điểm của cuộc điều tra luận tội.

Bước ngoặt điều tra luận tội Tổng thống Donald Trump - Ảnh 1.

Đại sứ Bill Taylor tại phiên điều trần công khai hôm 13-11 Ảnh: REUTERS

Hãng tin Reuters dẫn nguồn tin mật cho biết nhân viên ngoại giao mà quyền Đại sứ Taylor nhắc đến là ông David Holmes - người sẽ tham gia điều trần kín vào ngày 15-11. Trong khi đó, ông Sondland dự kiến tham gia điều trần công khai vào ngày 20-11. Nếu một trong 2 người này xác nhận lời khai của quyền Đại sứ Bill Taylor, đội ngũ của Tổng thống Donald Trump sẽ đối mặt với hàng loạt rắc rối mới.

Trong khi đó, Tổng thống Donald Trump hôm 13-11 tiếp tục bác mọi cáo buộc, đồng thời khẳng định ông không hay biết cuộc điện đàm hôm 26-7. "Đây là một hành động vu khống và không được phép xảy ra. Tôi muốn tìm hiểu ai là người tố giác" - ông Donald Trump tuyên bố. Ông chủ Nhà Trắng cho đến giờ vẫn nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của phần lớn đảng viên Cộng hòa. Theo cuộc khảo sát được Reuters/Ipsos tiến hành trong 2 ngày 4 và 5-11, 75% thành viên Đảng Dân chủ ủng hộ cuộc điều tra luận tội trong khi 79% người Đảng Cộng hòa phản đối.

Hạ nghị sĩ Devin Nunes của Đảng Cộng hòa, thuộc Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ, hôm 13-11 cáo buộc phe Dân chủ "tiến hành một chiến dịch bôi nhọ khéo léo" nhằm đảo ngược chiến thắng của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử năm 2016. Trong khi đó, phe Dân chủ hy vọng các cuộc điều trần công khai có thể thuyết phục người dân Mỹ tin rằng Tổng thống Donald Trump đáng bị phế truất. 

Tuy nhiên, theo Reuters, quá trình điều tra luận tội dường như không ảnh hưởng gì nhiều đến quan điểm của những cử tri đang ủng hộ hoặc phản đối ông chủ Nhà Trắng. "Ai cũng nắm rõ thông tin và họ đã quyết định. Cuộc điều tra luận tội này chẳng thể thay đổi được gì cả" - ông Kurt Zuhlke, một cử tri 64 tuổi ủng hộ ông Donald Trump bang Pennsylvania - Mỹ, nhận định. 

 

Tác giả bài viết: Cao Lực

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

TƯƠNG TÁC NHIỀU

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây